Thứ Hai, 14 tháng 12, 2015

THÀNH CỔ BIÊN HÒA- NHỮNG THÁNG NGÀY BIẾN ĐỘNG ( 1860S)


NGÀY NÀY NĂM ẤY
Sáng sớm ngày 14/12/1861 liên quân Pháp- Tây Ban Nha tiến đánh Biên Hòa
…….
Ngày 19/08/1861 Hoàng Đế Pháp Napoléon III chỉ định phó đô đốc Bonard sang Đông Dương…Ngày 27/11/1861 Bonard đến sài Gòn, ngày 30/11/1861 Tổng tư lệnh Cochinchine Charner chuyển giao quyền chỉ huy cho ông; Vừa nhận chức ông tuyên bố: “ Chúng ta sẽ tấn công Biên Hòa, và nếu cần, chúng ta sẽ đánh chiếm Huế “.
Đường bộ nối Gia Định với Biên Hòa là đường thiên lý xuất phát từ bến Bình Đồng xưa (quán Đồng Cháy) nay thuộc địa phận gần bến phà Bình Quới Đông (Thủ Đức).
Trên tuyến đường bộ này có hai đồn binh an nam án ngữ : Gò Công- Trao Trảo (nay thuộc quận 9- Sài Gòn) và đồn Mỹ Hòa (khu vực gần Nghĩa trang QĐ Biên Hòa).
Tuyến đường sông, xuất phát từ Bến Nghé qua Nhà Bè rồi ngược lên hướng thượng nguồn sông Đồng Nai ( qua cù lao Ba Xê), trên tuyến này quân an nam làm 8 rào cản bằng cây và 1 bằng đá ong. Mỗi cản là 1 công sự phòng thủ, đại bác, bè chứa hỏa dược, thuốc nổ để đánh hỏa công !
Thành Biên Hòa lúc này có khoảng 3.000 quân gồm binh sở tại, tàn binh từ trận Gia Định dạt về, cùng viện binh từ các tỉnh nam trung bộ điều vào…
BẢN ĐỒ CHIẾN DỊCH TIẾN ĐÁNH THÀNH BIÊN HÒA

Sáng sớm ngày 14/12/1861 liên quân Pháp- Tây Ban Nha tiến đánh Biên Hòa gồm 4 cánh quân.
Cánh thứ nhất đi đường thủy do trung tá Comte chỉ huy, với hai đội khinh binh, 100 lính Tây Ban Nha, 50 kỵ binh hạ đồn Gò Công- Trao Trảo và tiến lên Mỹ Hòa.
Cánh thứ nhì theo đường bộ, do đại tá Domenech- Diego chỉ huy, gồm 100 lính Tây Ban Nha, một đại đội thủy quân lục chiến, tiến đánh đồn Mỹ Hòa.
Cánh thứ ba do đại tá Lebris chỉ huy, gồm hai đại đội thủy thủ, theo sông Đồng nai, bắn phá các chướng ngại vật, đồn bảo rồi cùng tiến về đồn Mỹ Hòa.
Cánh thứ tư do đại tá Harel cầm đầu, ngược theo các kinh rạch phía nam Gò Công , phá các chướng ngại vật rồi cùng hợp binh công phá đồn Mỹ Hòa.
Quân an nam chống cự quyết liệt, tàu chiến Alamer bị bắn gãy cột buồm, trung tá cánh thứ nhất Comte tử trận! Các đồn an nam bị tấn công cả hai mặt thủy, bộ…yếu thế quân ta phải bỏ đồn rút lui…Trận chiến kéo suốt đêm 14 rạng sáng ngày 15…
BẢN ĐỒ GIA ĐỊNH- BIÊN HÒA DO HẢI QUÂN HOÀNG GIA ANH XUẤT BẢN 1864

LIÊN QUÂN CHIẾM DỤNG MỘT NGÔI ĐÌNH CỦA AN NAM LÀ CĂN CỨ

CHUẨN BỊ CHIẾN DỊCH

TRẬN ĐỊA PHÁO CỦA LIÊN QUÂN

Nguồn dẫn:
1/ Người Pháp và Người An nam bạn hay thù -Philippe Devillers
2/ Lãnh binh Nguyễn Đức Ứng- NXBĐN 2010

Thứ Ba, 8 tháng 9, 2015

ĐÀI CHIẾN SĨ BIÊN HÒA!

VỊ QUỐC VONG KHU!


Đến Biên Hòa mà không ghé di tích này thì thật uổng phí cho ai muốn tìm hiểu về xứ Bưởi! Công trình này xây dựng tại khu trung tâm thành phố, nằm giữa hai con đường Nguyễn Ái Quốc và 30 tháng tư, trước mặt trường Mỹ Thuật Trang Trí Đồng nai.
Đến nhiều, săm soi nhiều thì càng tiếc hơn nữa.....Tiếc cho quê mình có một trường Mỹ Thuật hơn trăm năm, biết bao thế hệ nghệ nhân được đào tạo từ cái nôi này... mà nay, xứ này chỉ lưu dấu được một vài di tích đếm trên đầu ngón tay!
Có rất nhiều nguồn nói về di tích này:
....
Theo các thông tin chính thống thì "Chiến sĩ đài" được thực dân Pháp xây dựng năm 1923, Đài là một kiến trúc mô phỏng theo Ngọ môn Huế, do hai giáo sư người Pháp là hiệu trưởng trường Mỹ Nghệ bản xứ Biên Hòa, là ông bà Balick ; thiết kế và trực tiếp hướng dẫn thợ và học sinh nhà trường thi công. 

Lễ khánh thành “Chiến sĩ đài" vào ngày 21/01/1923. Theo bài diễn văn của công sứ Pháp đọc tại buổi lễ thì tên tuổi những người được tạc trên bia kia là “Những thanh niên bản xứ tình nguyện rời bỏ quê hương lên đường sang Pháp để chiến đấu bảo vệ “mẫu quốc” và hiến thân cho sự nghiệp thiêng liêng cao cả ấy”.
VỊ QUỐC VONG KHU
 Đặc biệt, trong  một " Tác phẩm nổi tiếng", có đoạn kể về di tích này: Trích Bản án chế độ thực dân Pháp- Nguyễn Ái Quốc (1925) Chương I- Thuế máu:
Xin đọc câu chuyện sau đây đăng trên một tờ báo ở Nam Kỳ: Những ngày hội ở Biên Hòa "Để lấy tiền bỏ vào quỹ xây dựng đài kỷ niệm người An Nam trận vong của tỉnh Biên Hòa, ban tổ chức ngày hội đang tích cực chuẩn bị một chương trình tuyệt diệu. "Người ta bàn tán sẽ có nào là yến tiệc giữa vườn, nào là chợ phiên, nào là khiêu vũ ngoài trời, v.v., tóm lại, sẽ có nhiều và đủ thứ trò chơi để ai ai cũng có thể góp phần làm việc nghĩa một cách thú vị nhất đời. "Quý ông phi công ở sân bay Biên Hòa có nhã ý sẽ góp phần vào cuộc vui, và ngay từ bây giờ ban tổ chức đã có thể khẳng định rằng sự có mặt của các quan chức cao cấp nhất ở Sài Gòn sẽ làm cho ngày hội thêm phần rực rỡ. "Xin tin thêm cho các bạn nam nữ ở Sài Gòn lên dự hội biết rằng, các bạn sẽ không cần phải bỏ dở cuộc vui để về nhà dùng cơm, vì ngay tại chỗ, sẽ có phòng ăn tổ chức cực kỳ chu đáo và đặc biệt đầy đủ, các bạn sành ăn uống nhất cũng sẽ được hài lòng. "Ngày 21 tháng 1 tới, tất cả chúng ta hãy đi Biên Hòa, chúng ta sẽ vừa được dự những hội hè linh đình vui tươi, vừa được dịp tỏ cho những gia đình tử sĩ An Nam ở Biên Hòa thấy rằng chúng ta biết tưởng nhớ đến sự hy sinh của con em họ".
Đọc nhiều lần đoạn văn này, không thấy nói về lễ Khánh Thành, chỉ nêu ngày 21 tháng 1 tới thì có lễ hội lạc quyên, không ghi năm nào (?). Trong các tài liệu chính thống ghi ngày khánh thành là 21/01/1923; Vợ chồng Ông Balick đến nhiệm sở năm 1923 (chưa có thông tin về ngày tháng), tạm cho là ông đến trường ngày 01/01/1923 (tết tây !), rồi bắt tay thiết kế, hướng dẫn, chỉ đạo thi công trong vòng 20 ngày ?
Với quy mô công trình: bê tông cốt thép, cẩn ốp gốm vào trụ biểu, hoa văn họa tiết cầu kỳ, bi đá, bậc cấp...quá nhiều chi tiết;và với 3 tuần thi công... quả thật ông Balick và cùng các cộng sự đã làm được một kỳ tích !
Bia dựng lên để tưởng niệm những người lính Việt chết trong đại chiến thế giới I (8/1914 đến 11/1918)

Những người con đất Việt, ra đi, chiến đấu, làm việc nơi xứ lạ quê người ấy có bao nhiều người, lai lịch tên tuổi, cha mẹ, vợ con bản quán có còn lưu lại?
Trong chương I- Thuế máu, bản án chế độ thực dân Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã viết: 
“Tổng cộng có bảy mươi vạn (700.000)  người bản xứ đã đặt chân lên đất Pháp; và trong số ấy, tám vạn (80.000) người không bao giờ còn trông thấy mặt trời trên quê hương đất nước mình nữa…” Mỉa mai thay người ta bảo họ tình nguyện, họ tình nguyện trong cảnh bị vây ráp, dồn ép trước những lính Pháp canh gác, lưỡi lê tuốt trần, đạn lên nòng sẵn.

Trong tám mươi ngàn người, gởi lại xác thân trên xứ người, có bao nhiêu tên tuổi được ghi danh? theo sưu tầm của chủ blog, người Pháp sau thế chiến thứ I vài năm đã cho xây dựng:
1/ Ở nước Pháp có một đền, nhưng đã bị hỏa tai thiêu rụi.
2/ Huế có 1 bia, bên bờ sông Hương; nhưng tên các tử sĩ đã bị đục bỏ.
3/ Sài Gòn cũng có một ngôi đền, nhưng nay đã thay đổi công năng từ rất lâu.
4/ Bình Dương cũng có một "đài tử trận " và cũng trở thành dĩ vãng.
5/ Biên Hòa có  "Đài chiến sĩ" xây dựng từ 1923, có bia ghi tên 18 vị tử sĩ quê quán sở tại! Trải qua bao thăng trầm của thời cuộc, có thời điểm tưởng chừng như phải cùng số phận như các Đài khác...ngày nay Đài Chiến Sĩ Biên Hòa vẫn còn và được tôn tạo khang trang, bảo quản thật tốt ! Đài vẫn đứng đấy, làm chứng nhân lịch sử của quê hương Biên Hùng!
DŨNG SĨ TRÍ THÂN PHÒ TỔ QUỐC
DANH BIA BIỂU TRỤ VẠN CỔ CHẤN LƯU PHƯƠNG



CHINH HỒN TOÀN TIẾT PHẢN HƯƠNG QUAN 
THU CÚC XUÂN HOA THIÊN NIÊN TRUYỀN ĐIỆT TỰ
Trong số họ, có ai là người được lưu danh trong Đài Chiến Sĩ ?
Trí lực còn hạn chế nhưng thành tâm mong muốn tường tận gốc tích danh tánh các tử sĩ Biên Hòa trên tấm bia này, kính xin được học hỏi thêm!


1/ Nguyễn văn Liên (Sen) 39T- Tân Triều Đông.
2/ Nguyễn Văn Chung 38T- Tân Trạch.
3/ Lương Văn Ngộ (Ngô) 42T- Tân Triều Tây.
4/ Huỳnh(Hoàng)Văn Hiệu(Hào) 42T- Tân Lễ(!)
5/ Phan Văn Hiên 39T- Mỹ Hội.
6/ Lương Văn Lịch 42T- Bình Ý.
7/ Cao Văn Hô (Ho, Hò) 37T- Phước Lý.
8/ Nguyễn Văn Dậu 39T- Nhị Hòa.
9/ Nguyễn Văn Phường 29T- Tân Phú.
10/ Ngô Văn Nghĩa 34T- Long Hiệu (Hào)(!)
11/ Trương Văn Hoa 37T- Bửu Long.
12/ Lê Văn Tước 37T –Bình An Đông(!)
13/ Hồ Văn Đồ(Đò, Trò) 38T- Tân Phước.
14/ Đoàn Văn….? 36T- Tân Hòa.
15/ Phạm Văn Lao (Lạo) 40T- Bình Hóa.
16/ Trần Văn An 38T- Phước Hải.
17/ Nguyễn Văn Điền 32T- Mĩ Khánh.
18/ Phạm Văn Đài 27T- An Phú.
Tất cả họ (18 vị) quê quán thuộc Hạt Biên Hòa xưa.
Xin mạn phép đốt nén tâm nhang, thành kính dâng lên các tử sĩ !



Biên Hùng tháng bảy năm ất mùi (2015)

Mời xem trang về lính Việt trong thế chiến thứ nhứt :http://tranthanhnhan1963g.blogspot.com/2013/09/nguoi-linh-viet-trong-chien-thu-nhat.html

Thứ Tư, 5 tháng 8, 2015

MÙA VU LAN LẠI ĐẾN!

Ngày ấy lâu lắm rồi, nơi đồi hoang cát trắng, xứ sở có cái tên rất ư ấn tượng là: Hắc Dịch ; dưới một mái tranh nghèo, có bà mẹ cùng đàn con (7 thằng !) lần hồi ngày tháng. Mai khoai, trưa cơm, tối bắp (có khi là cháo)...khổ quá, cực quá, đói quá… có thằng định bỏ học, nhưng bà má khuyên:
-Khổ gì thì khổ, nhưng má cũng ráng cho bây cái chữ, cố lên con ơi!
Và...
Hồi đó cũng nhờ chính sách phổ cập phổ thông 
 miễn phí, việc học không phải tốn nhiều tiền, chỉ có mua tập, viết, mực…áo quần cũng chẳng cần đồng phục, vô lớp học trang phục đủ cả sắc màu, có thằng vá lung tung, có con mặc đồ khín rộng thùng thình, bị ghẹo khóc miết!
Có thằng quần đùi thủng lỗ (nó leo rào trộm ổi) bọn bạn ghẹo quá chừng! nhưng cô giáo không la, còn biểu nó qua phòng cô (cô ở tập thể trong trường), cởi quần cho cô vá lại! Híc, lúc đó mắc cở quá chừng luôn, nhưng cô giáo đưa cái mền quấn lại, đám bạn lấp ló ngoài cửa sổ :
-Lêu lêu, cái thằng cuổng chời, quấn xà- rông kìa ! (Híc)
Vì vậy bà mẹ cũng nhẹ bớt gánh! Ngoài buổi học, chúng về nhà phụ giúp thêm rẩy nương, nhưng sức con nít, làm được bao nhiêu! bà má gánh hết…ăn mặc, học hành, đau ốm… Rồi năm tháng cũng trôi qua, bọn chúng cũng lớn lên theo thời gian! chúng bước vào cuộc đời với hành trang là vài con chữ lộc cộc…bầm dập, nhiều cám dỗ, vấp ngã, gian nan…chúng vẫn bước tới vì có bà má luôn theo từng bước chân bọn chúng!
Nhiều thằng hơn 30 tuổi vẫn không chịu lấy vợ, bà má hối thúc, có thằng nói vui:
-Má ơi, con sống độc thân, vui tính...vợ là nợ, con là oan gia…hihihi!
Liền bị mắng té tát:
-Mồ tổ tụi mày, lấy vợ đi, đẻ đi, nuôi hông nổi đưa má nuôi cho, con cái là cái phúc của gia đình đó !
Thế rồi lần lược bọn chúng cũng thành thân. Cơm áo gạo tiền, công việc, cơ quan, va chạm… mệt mỏi, nhưng về nhà thấy vợ cũng như má chúng ngày xưa, chợ búa, cơm nước, sổ sách chi thu mắm muối, con bệnh, chồng nhằn…đủ việc không tên, bổng dưng nhận ra: bọn chúng chẳng là cái đinh gì so với phụ nữ nhà mình; bao việc không tên, bao cực nhọc, bao lo toan, tính toán…đầu tắt mặt tối, họ gánh hết! dù không đủ tiêu chuẩn được phong bà mẹ Việt Nam anh hùng; nhưng trong mắt bọn nó, phụ nữ nhà mình thật tuyệt vời, cầu mong họ thật nhiều sức khỏe !
Hôm rồi trúng mánh, mua tặng vợ một món quà, vợ cười tươi nói :
- Em cảm ơn chồng!
Lòng thấy vui vui.
Con học có bằng khen, thưởng tiền cho con tự mua sắm, con reo lên:
- A! Thanks Ba nhiều nhiều!
Miệng cười nhìn con vui, lòng sung sướng !
Sáng nay về thăm má.
- Má khỏe không?
- Mấy hôm nay trở trời! đau nhức xương quá Tèo à!
-Con gởi má ít tiền mua thuốc uống.
- Má cảm ơn con nhiều!
Chợt thấy nao lòng, cảm giác khó tả ...Buồn...Ký ức bỗng ùa về hỗn độn, chen lấn...Ngày xưa, mỗi khi về mái nhà tranh nghèo của má, cầm những đồng tiền má chắt chiu dành dụm, nhịn ăn nhịn mặt, nhịn hết...Đưa cả cho con! Không nhớ lúc ấy nó có nói cảm ơn má nhiều không ??? Má ơi, con phải cảm ơn má nhiều mới phải, cảm ơn má cho con cuộc sống này, cảm ơn má đã hy sinh, con phải cảm ơn má đã...má ơi!

(Biên Hòa đêm khó ngủ, mùa Vu Lan đang đến)

Thứ Ba, 4 tháng 8, 2015

NGUYỄN HỮU CẢNH- THƯỢNG ĐẲNG THẦN (002)

 Đình Bình Kính và lễ Khai Sắc Thần trong lệ kỵ Thần thường niên- 16 tháng 05 âm lịch (Ất Mùi- 2015)

(廟 ) Miếu Bình Kính

http://www.baodongnai.com.vn/vanhoa/201507/giai-ma-sac-than-2395436/

Khai Sắc

Học giả Hậu Học Lý Việt Dũng đọc và giải nghĩa 04 đạo sắc phong Thần!




 VIDEO khai sắc Phần 01 (16 tháng 05 Ất Mùi)




VIDEO khai sắc Phần 02 (16 tháng 05 Ất Mùi)


Nhân dịp húy kị Đức Ông lần thứ 315 và tỉnh Đồng Nai chuẩn bị dự án tôn tạo di tích này, ban quý tế Đền tổ chức lễ Khai Sắc (đã nhiều năm chưa tổ chức); theo nguyện vọng của thân hào, chức sắc địa phương, Học Giả Hậu Học Song Hào Lý Việt Dũng đã cung kính nhận Sắc, mạn phép Đức Ông đọc, phiên âm và tạm dịch nghĩa các sắc phong : 
SẮC 1: MINH MỆNH TAM NIÊN


Phiên âm:
Sắc Thống Suất Lễ Thành Hầu, hộ quốc tí dân, hiển hữu công đức, kinh hữu xã dân phụng tự. Phụng ngã Thế Tổ Cao Hoàng Đế thống nhất hải vũ, khánh bị thần nhân. Tứ kim quang thiệu hồng đồ, miễn niệm thần hưu, nghi long hiển hiệu, khả gia phong Thác Cảnh Uy Viễn Chiêu Ứng Thượng Đẳng Thần. Nhưng chuẩn hứa Bình An huyện, Bình Kính Đông thôn, y cựu phụng sự Thần kỳ tương hựu bảo ngã lê dân. Cố sắc!
Minh Mệnh tam niên cửu nguyệt nhị thập tứ nhật.

Thứ Sáu, 24 tháng 7, 2015

ĐÔ ĐỐC TRẦN THƯỢNG XUYÊN (005)

BÀI VỊ: Ông Trần Quốc Đỉnh (Tam Đệ của Đức Ông)





陳正合之神位
公乃係廣東省高州府吳川縣南三都五甲田頭村人氏
生於丙申年三月二十五日申時
終於丙申年五月初九日戌時
戊戌年三月十一日寅時寄於鎭户美祿村𥒥焒處坐艮向坤
兼寅申癸丑癸未分金

DỊCH NGHĨA:
Thần vị của Trần Chính Hiệp (Trần Quốc Đỉnh)
Ông là người làng Điền Đầu, giáp Ngũ, huyện Ngô Xuyên, phủ Cao Châu, tỉnh Quảng Đông.
Đây là linh vị của người cha quá cố của tôi thuộc hàng thứ ba trong gia đình, tên huý Thánh Âm , tên tự là Quốc Đỉnh, hiệu là Thành Am. Sanh giờ Thân ngày 25 tháng 3 năm Bính Thân, mất giờ Tuất ngày mồng chín tháng năm năm Bính Thân.
Vào giờ Dần ngày 11 tháng 3 năm Mậu Tuất được táng ở xứ Đá Lửa, làng Mỹ Lộc, Trấn Hộ. Nằm chiều Cấn hướng Khôn, luôn cả phân kim Dần Thân, Quí Sữu, Quí Mùi.
(*) Chữ nôm “đá” thường đươc viết là 𥒥 thay vì 烙 theo nguyên bản.
Hậu Học Song Hào Lý Việt Dũng phụng sao lục phiên âm và dịch nghĩa( 2015) 
Phan Văn Hoàng đánh vi tính.




Thứ Sáu, 17 tháng 7, 2015

TU VIỆN THÁNH PHAO- LÔ BIÊN HÒA, VIỆN MỒ CÔI

Tu Viện này là một cơ sở tôn giáo, có thể được xem lâu đời ở Biên Hòa (1860s)
Có một câu chuyện đã lâu lắm rồi; mỗi khi nhớ lại hay kể cho người thân nghe, lòng vẫn thấy bồi hồi.
Ngày đó bên một quán nước ven bờ sông Đồng nai, có một bạn trẻ làm chân tiếp viên, luôn vui vẻ, hoạt bát và năng động; tôi rất mến và hỏi chuyện, không ngờ chủ quán nói:
- Thấy dzậy đó mà đời nó buồn lắm anh!
- Sao vậy, thấy nó khi nào cũng tếu táo và ồn ào, vui vẻ lắm mà?
- Ừa thấy dzậy chứ nó là trẻ mồ côi, sống trong tu viện Thánh Phao-lô , quán vắng nhưng thấy nó tội nghiệp, tui kêu rảnh ra phụ, kiếm tiền học thêm, nó siêng năng học giỏi lắm!
….
Ngày ấy, những tháng ngày đầu năm 1975 đầy sôi động và đau thương; một hôm, có một người lính trẻ, ôm một đứa bé trai mới vài tháng tuổi, đến Viện gởi nhờ các Sơ chăm sóc giúp ít lâu, và “ Hẹn sẽ quay lại! ”
Thời gian trôi qua, đứa bé được tình thương các Sơ chăm sóc, lớn lên bên các bạn nhỏ đồng cảnh ngộ; nhưng từ khi có trí khôn và nghe được câu chuyện về người lính năm xưa; nó nhất quyết không rời xa tu viện (dù có nhiều nhà hảo tâm muốn xin làm con nuôi. Bao lần nó đứng xa xa, nước mắt lưng tròng, chia tay các bạn đang vui mừng trong vòng tay của bố mẹ nuôi mới!)
Các Sơ thấy lạ, hỏi:
-Con không thích theo cha mẹ nuôi? về nhà mới nè, nhiều đồ ăn nè, sướng lắm!
Nó khóc, lắc đầu quầy quậy, không nói; các Sơ gặng mãi nó mới trả lời:
- Các Sơ nói ông lính sẽ quay lại đón con mà!
...
Mọi người lặng đi khi nghe nỗi lòng của nó…ngày ấy, mỗi buổi chiều, khi các bạn đang chơi đùa trong sân, riêng nó ngồi xa một góc,dòi dõi nhìn ra cổng…

Bẳng đi khoảng 10 năm sau, gặp lại, em khoe đang làm tại công ty liên doanh lớn, thu nhập cao và mua được nhà riêng…
….Vài năm sau nữa, tình cờ gặp tại một quán nhỏ, hỏi thăm chuyện vợ con, em cười:
-Em chưa có anh ơi!
-Ủa sắm nhà riêng rồi, sao không lấy vợ?
-Hi hi, ai mà lấy em, à mà em vô lại ở trong trại, rảnh rỗi thì phụ việc thêm cho mấy Sơ!
Trong mắt em, tôi thấy có nét gợn buồn, nên không dám hỏi thêm…
....
Năm nay, tiết trời lạnh hơn mọi khi, nhà nhà đang chuẩn bị đón tết, niềm vui sum họp gia đình, đang làm cho những người tha hương nao nao; chợt nhớ tới em, không biết em có còn chờ đợi người lính năm xưa? Đã 40 năm rồi mà ! Còn người lính ấy thì bao giờ trở lại?
(cuối đông Giáp Ngọ)
2014
2014
1952
Lụt năm 1952
Mẹ tiên khởi
Những mảnh đời bé nhỏ được các mẹ dang tay ôm ấp!
2014










ĐÔ ĐỐC TRẦN THƯỢNG XUYÊN (004)

VỌNG CỐ HƯƠNG! 




Nhìn lại giang san quá tả tơi
Đêm về ngập nỗi nhớ không vơi
Người đi chất ngất mang niềm hận
Kẻ ở âm thầm nén lệ rơi
Thấy xót quê Cha lòng khắc khoải
Trông vời đất Mẹ dạ tơi bời
Trăng khuya chiếc bóng mình cô lẻ
Vọng tưởng cố hương... bỗng nghẹn lời.
(Phạm Hoài Việt- Vọng Tưởng Quê Hương)


Các thư tịch cổ của Việt Nam: Gia Định Thành Thông Chí, Đại Nam Thực Lục, Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên...đoạn nói về công nghiệp của Trần Thượng Xuyên, đều không chép tuổi tác, quê quán của Ngài. Trong Biên Hòa sử lược toàn biên xuất bản năm 1960, mục A, Danh Nhân (Tiểu Sử) - 3/ Trần Thượng Xuyên trang 150~ 151 cụ Lựu ghi: 

Trần Thắng Tài (1679? - 1714?);...Nơi xã Bửu Hòa, ấp Mỹ Khánh, tại Chùa "Thanh Long" (?) cũng có tượng đồng và linh vị thờ cụ Trần Thượng Xuyên, tự Thắng Tài, húy Trần Tướng Công (!)

Năm 1993 sau khi tìm hiểu qua tư liệu địa phương, lời lưu truyền trong dân gian và nhất là nơi một vị bô lão của đình Minh Hương Gia Thạnh (Sài Gòn), người đã từng đi tảo mộ Đức Ông nhiều năm về trước; ban quý tế đình Tân Lân ( đại diện là ông Tám Hiền và ông Huỳnh Văn Út) đã đến chùa Thanh Lương xem bài vị được cho là của Đức Ông, và từ đó phát hiện ra khu mộ của Đức Ông tại làng Mỹ Lộc, Xã Tân Mỹ, huyện Tân Uyên tỉnh Bình Dương.





係廣東省高州府川縣南都五甲田頭村人氏



向巽庚戌
Dịch nghĩa:
Thần vị của Trần Chính Hiệp.
Công là người thuộc thôn Điền Đầu, giáp Ngũ, đô Nam Tam , huyện Ngô Xuyên, phủ Cao Châu, tỉnh Quảng Đông. Đây là linh vị của người cha qua đời của tôi thuộc hàng thứ hai trong gia đình, tên húy là Kỷ Thánh, tên tự là Thượng Xuyên, sanh giờ Dậu ngày mồng ba tháng 11 năm Ất MùiMất giờ Mùi ngày mồng 8 tháng giêng năm Canh Thìn . Vào giờ Thìn , ngày 16 tháng 11 năm Mậu Tí, được táng ở núi Mỹ Lộc Trấn Hộ nằm theo chiều Kiền hướng Tốn gồm cả phân kim Canh Tuất Giáp Thìn. 


Đức Ông quy y và được phong Hộ Pháp Tam Bảo Tôn Thần tại Chùa Thanh Lương- Biên Hòa (theo lời kể của trụ trì chùa Thanh Lương, cố lão Hòa Thượng Thích Thiện Khải)

Theo trên, Đức Ông sinh năm Ất Mùi, quy chiếu theo sử xưa, Đức Ông đến nước ta vào năm Kỷ Mùi 1679, thì năm sinh chỉ có thể là năm Ất Mùi 1655 là hợp lý. Về năm mất, năm Canh Thìn (?), thế kỷ 18 có 2 năm Canh Thìn: 1700 và 1760; không thể là năm 1700, vì theo Đại Nam liệt truyện tiền biên, năm Ất Mùi 1715 Đức Ông còn cầm binh dẹp loạn Chân Lạp; còn năm 1760 thì khó có thể ! có lẽ vì vậy mà trong một bản dịch khác, có điều chỉnh từ Canh Thìn(1700) thành Canh Tí (1720)...


Bài vị ghi Đức Ông mất năm Canh Thìn, đến năm Mậu Tí mới táng tại núi Mỹ Lộc; trong thế kỷ 18 có 2 năm Mậu Tí: 1708 và 1768 .

Theo tư liệu của đình Tân Lân: ...Đức Ông và người em qua đời được chôn cất ở vùng đất gọi là Xoài Côn (Rạch Xoài) thuộc tỉnh Bình Phước hiện nay. Nhưng ở đây là vùng giáp ranh với Campuchia, vì muốn đưa hài cốt của Đức Ông và người em về yên nghỉ trên vùng đất mà do chính Ngài đến định cư đầu tiên và đã chỉ huy việc khai hoang, lập ấp, tạo dựng cơ đồ sự nghiệp; nên khoảng mấy mươi năm sau (!?) Những người trong thân tộc cùng một số người Hoa là hậu duệ của Đức Ông, đã lấy hài cốt của 2 anh em Ngài đưa về an táng chung trên khu thổ mộ của thân tộc, tọa lạc tại núi Mỹ Lộc, xóm Đá Lửa, huyện Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa (nay thuộc Bình Dương)...



Còn rất nhiều tồn nghi về tiểu sử của Đức Ông. Theo bài vị tại chùa Thanh Lương, Đức Ông tên húy là Kỷ Thánh, tên tự là Thượng Xuyên; người thôn Điền Đầu, giáp Ngũ, Đô Nam Tam, huyện Ngô Xuyên, phủ Cao Châu, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc);
Nhờ một bạn dân Sài Gòn, hiện ở Đài Loan, cũng đang làm luận văn nghiên cứu về Đức Ông; bạn ấy cho biết địa danh trên ngày nay là:  中國湛江市坡頭區南三鎮田頭村  ( Thôn Điền Đầu, trấn Nam Tam, khu Ba Đầu, thành phố Trạm Giang, Trung Quốc). Theo một số tư liệu của các nhà nghiên cứu Trung Quốc về Đức Ông , thì có nhiều sự khác biệt (?). 
http://blog.sina.com.cn/s/blog_600eba300101asjj.html
http://blog.sina.com.cn/s/blog_e8b64f4d0101g9g1.html
Có trang chép:  
陈上川(1625——1715) 号义略...
Trần Thượng Xuyên ( 1625- 1715) hiệu là Nghĩa Cơ (?)...
Và còn rất nhiều tư liệu đặc biệt khác cần xem xét, nghiên cứu sâu hơn!
Tại thôn Điền Đầu ngày nay có ngôi nhà Thờ dòng tộc Trần 
Thôn Điền đầu ngày nay nằm trên một Cù Lao có nhiều nét tương đồng với Cù Lao Phố (!)



Cù Lao Phố  có hình dáng một cái chuông 


Thôn Điền Đầu trăm năm xưa thuộc Quảng Châu Loan, nằm trong Liên Bang Đông Dương thuộc Pháp (!)

Thôn Điền Đầu  ngày nay


Khu trung tâm buồn tẻ !

Hình minh họa Đức ông trên một bài báo của Trung Quốc
(lengocquoc- mồng hai,tháng sáu, Ất Mùi)


Thứ Bảy, 11 tháng 7, 2015

Thần Nông trong các ngôi đình ở Nam bộ




Bàn thờ Thần Nông ở đình Tân Lân

Trong tín ngưỡng sơ khai của dân tộc Việt, đồng bào ta thờ thần trời, thần núi, thần sông, thần biển. Lúc bấy giờ cuộc sống của cộng đồng dân cư còn thưa thớt, con người lại phải đối mặt với bao nỗi lo, những hiểm nguy từ thiên nhiên. Cuộc sống của người Việt lúc bấy giờ chỉ là săn bắt, hái lượm. Do đó, chỉ một tiếng gió rít của khu rừng, một tiếng gầm của cọp dữ... cũng đủ làm cho người ta giật mình, lo sợ. Về sau, khi con người bắt đầu biết trồng lúa thì cũng là lúc tục thờ thần lúa ra đời. Dần dà về sau, nhiều vị thần thuộc về nông nghiệp lần lượt xuất hiện: Thần nông là vị thần gắn bó chặt chẽ với nền nông nghiệp nước ta. Thần Nông được các cư dân nông nghiệp ở vùng đồng bằng Bắc bộ hình dung là một vị thần đầu đội mũ cánh chuồn và có các động tác như trong quá trình làm mùa. Thần Nông ngồi lom khom vào đầu xuân, rồi cúi đầu xuống, và cúi rạp vào vụ gặt mùa. Về nguồn gốc Thần Nông thì truyền thuyết cho rằng: Thần Nông là vị thần cai quản phương Nam và còn có tên khác là Viêm Đế - vua xứ nóng, vị thần này xuất hiện trong tâm thức dân gian vào thời đại đá mới, khi người Đông Nam Á phát triển mạnh nghề trồng lúa. Thần Nông là ông tổ 4 đời của Kinh Dương Vương, 5 đời của Lạc Long Quân và 6 đời của Hùng Vương thứ nhất.


Ngay từ buổi đầu hình thành làng xã, Thần Nông đã được đem vào đình làng thờ chung với Thành Hoàng. Trong các lễ hội đình làng ở Bắc bộ, người ta tổ chức rất long trọng lễ hạ điền vào đầu xuân. Trong lễ hội đó, người ta cử ra một vị bô lão có uy tín trong làng, đóng vai Thần Nông với mũ áo chỉnh tề, dẫn một số nông dân xuống đồng cày cấy mấy hàng lúa đầu tiên để lấy lệ.


Ở Nam bộ, Thần Nông cũng được thờ cúng ở đình làng và gắn với các lễ hội cúng đình. Người ta cúng Thần Nông bởi vị thần này theo quan niệm dân gian là vị thần trông coi lúa gạo, dạy dân cày cấy, giúp cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.


Bàn thờ Thần Nông được đặt trước sân đình, hoặc ở một góc sân đình, để lộ thiên, không mái che, chỉ gồm một bệ đất, có nơi người ta xây bục thờ bằng xi măng, trên đó có ghi dòng chữ “ Nền Xã Tắc”, hoặc có nơi người ta xây miếu thờ, trong miếu có tấm bảng thờ ghi hai chữ “Thần Nông” bằng chữ Hán. Ở một vài nơi, do chiến tranh tàn phá, do mưa gió của thiên nhiên nên bục thờ Thần Nông không còn nữa, người ta cũng không xây mới mà cứ để như thế cúng. Khi cúng, người ta trải chiếu ra, đặt thức cúng lên đó rồi cúng bái.



 

Một nghi thức trong lễ cúng. 
Thức cúng, ngoài hương đăng, trà quả, nhân dân ta còn cúng xôi, thịt, heo. Có nơi cúng dê, gạo, muối. Heo hoặc dê thì cúng sống (đã làm xong), để nguyên con, đem heo gác trên gối. Bên cạnh đó, là dĩa đồ lòng, heo, lông, huyết, một con dao nhỏ- ngụ ý là heo còn sống, tốt và mời thần dùng dao xẻ thịt. Đầu heo đặt quay vào nơi thờ thần.

Có nơi người ta để cả một thúng lúa lên bục thờ, có người lấy thân cây chuối kết làm cái cộ bên cạnh thúng lúa, ý cầu mong thần sẽ ban cho nhiều gạo lúa rồi dùng cái cộ này chở lúa đem về nhà.

Trên bục còn đặt thêm một tĩn nước hay một hũ nước nhỏ và một cái gáo để múc, tượng trưng cho thời buổi còn sơ khai. Bốn góc bục thờ Thần Nông được cặm bốn cây đèn cầy (nến) tượng trưng cho ngày của dương thế là đêm của âm phủ, đêm của thần thánh. Trên bục còn để một thau nước và cái khăn để chánh bái, phó bái rửa tay lau mặt khi tế lễ.

Ý niệm về Thần Nông không chỉ tồn tại trong tâm thức dân gian, mà các vương triều phong kiến trước đây cũng rất coi trọng việc cúng Thần Nông. Khi Gia Long lên ngôi năm 1802, đến năm 1806 đã cho xây đàn Nam Giao ở phía Nam Huế để tế trời ba năm một lần, và đàn Xã Tắc gần hoàng thành để cúng Thần Nông mỗi năm hai lần vào tháng hai và tháng tám. Gần đó có khu tịch điền dùng cho các vị vua chúa làm lễ xuống đồng. Về việc cày tịch điền, sử ghi như sau: “Khi cày tịch điền, vua mặc áo bào, cầm cây sơn son thếp vàng, do quan bộ lễ dâng lên, và quan Phủ Doãn Thừa Thiên dâng roi mây. Khi vua cày, cử đại nhạc, nhã nhạc và đoàn nhạc sinh múa cờ vàng. Sau khi vua đã cày đi, cày lại ba đường, thì trao lại cày và roi cho các quan Thái thường và Phủ thừa, xong lên nhà quan canh xem cày. Hoàng tử, hoàng thân cày năm đường đi và lại, rồi đến văn võ đại thần cày chín đường. Lễ tất, vua hồi cung và ban yến cho hoàng tử, hoàng thân và đại thần”.


Lễ cúng Thần Nông là một lễ hội có tính truyền thống của dân tộc ta, nói lên tính trọng nông của cư dân người Việt ngày xưa. Đồng thời nó cũng phản ánh tâm lý thờ các thần tự nhiên trong thời buổi sơ khai của dân tộc.
Cho đến nay, về cơ bản, nước ta vẫn còn là một nước nông nghiệp, cho nên việc cúng Thần Nông hàng năm cũng nhằm hướng đến một ước vọng an lành- mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.


Việt Báo(Theo Báo Cần Thơ)


Lễ cúng Thần Nông trong các ngôi đình ở Nam bộ
Bàn thờ Thần Nông ở đình Tân Lân