Thứ Ba, 27 tháng 12, 2016

THÀNH HOÀNG MIẾU- THÀNH CỔ BIÊN HÒA

THÀNH CỔ BIÊN HÒA
6/MIẾU THÀNH HOÀNG (廟城隍)
Bức ảnh của một tác giả nước ngoài chụp miếu thổ thành hoàng của Biên Hòa những năm 1966~ 1968
Miếu Thành hoàng là nơi thờ vị thần bảo hộ, nhưng bảo hộ nơi đô hội thành trì, bởi “thành” là thành lũy và “hoàng” là hào sâu bao bọc thành lũy.

Sách Việt Nam phong tục chép:
Xét về cái tục thờ Thần hoàng (hiểu là thần Thành hoàng) này từ trước đời Tam Quốc(Trung Quốc) trở về trước vẫn đã có, nhưng ngày xưa thì nhà vua nhân có việc cầu đảo gì mới thiết đàn cúng tế mà thôi. Đến đời nhà Đường, Lý Đức Dụ làm tướng, mới bắt đầu lập miếu Thần hoàng ở Thành Đô; kế đến nhà Tống, nhà Minh, thiên hạ đâu đâu cũng có lập miếu thờ.

Nước ta thuở bấy giờ đang lúc nội thuộc, tục Tàu truyền sang đến bên này, kế đến Đinh, thì việc thờ quỷ thần đã thịnh hành rồi.

Nhưng cứ xét cái chủ ý lúc trước, thì mỗi phương có danh sơn (ngọn núi có tiếng), đại xuyên (sông lớn); triều đình lập miếu thờ thần sơn xuyên (núi sông) ấy để làm chủ tể (người đứng đầu) cho việc ấm tí một phương thôi. Kế sau, triều đình tinh biểu (làm cho thấy rõ công trạng, tiết tháo) những bậc trung thần nghĩa sĩ và những người có công lao với nước, thì cũng lập đền cho dân xã ở gần đâu thờ đấy. Từ đó dân gian lần lần bắt chước nhau, chỗ nào cũng phải thờ một vị để làm chủ tể trong làng mình...Dân ta tin rằng: Đất có Thổ công, sông có Hà bá; cảnh thổ nào phải có Thần hoàng ấy; vậy phải thờ phụng để thần ủng hộ cho dân, vì thế mỗi ngày việc thờ thần một thịnh...

Theo các nhà nghiên cứu, thì việc thờ Thần hoàng được đề cập lần đầu tiên ở bài Chuyện thần Tô Lịch trong sách Việt điện u linh:

Thời Đường Mục Tông, niên hiệu Trường Khánh thứ 2 (năm 822) quan Đô hộ Lý Nguyên Hỷ (hoặc Gia) thấy ngoài cửa bắc thành Long Biên có một dòng nước chảy ngược mà địa thế khả quan, mới tìm khắp, chọn một nơi cao ráo tốt, để có dời phủ lỵ đến đó...Nhân dịp ấy, y mới giết trâu đặt rượu, mời khắp các vị kỳ lão hương thôn đến dùng và thuật rõ là muốn tâu vua Tàu xin phụng Vương (ý nói đến thần sông Tô Lịch) làm Thành Hoàng. Trên dưới đều đồng lòng...Đến khi Cao Biền đắp thành Đại La, nghe đủ sự linh dị, thì lập tức sắm lễ điện tế, dâng cho hiệu là Đô Phủ Thành Hoàng Thần Quân. Đời Lý Thái Tổ lúc dời đô, thường mộng thấy một cụ đầu bạc, phảng phất trước bệ rồng...(Sau khi hỏi rõ lai lịch) nhà vua liền khiến quan Thái Chúc (chức quan lo việc cầu đảo phúc lành) đưa rượu chè đến tế, phong làm Quốc Đô Thăng Long Thành Hoàng Đại Vương. Dân cư (đến) cầu đảo hay thề nguyền điều chi, thì lập tức họa phúc linh ứng ngay.

Năm 1802 sau khi thắng Tây Sơn, Nguyễn Ánh lên ngôi lấy hiệu là Gia Long, chọn Huế làm kinh đô, từ thời điểm ấy Huế được tu bổ, tôn tạo xây dựng thành lũy, đền đài, miếu vũ để xứng tầm là trung tâm chính trị, văn hóa của cả nước. Năm 1809 vua Gia Long cho xây miếu Đô Thành Hoàng (miếu thờ thành hoàng của thủ đô) tại phường Vệ Quốc, ở bên phải trong kinh thành Huế. Chính đường, tiền đường đều 3 gian. Bên trái, bên phải phối thờ theo đều 5 gian. Ở giữa thờ Đô Thành Hoàng, hai bên cho phối thờ các vị Thành Hoàng của các tỉnh. Mỗi năm tế lễ 2 kỳ vào ngày trọng xuân và trọng thu, lấy ngày canh sau ngày tế đàn xã tắc. Quan võ được sai phái đến làm chủ tế. Đến năm 1890, hạ giải (tháo dỡ toàn bộ công trình) trùng tu sạch đẹp hơn xưa.
Trước đó năm 1841vua Thiệu Trị xuống dụ:
“Từ trước đến giờ thần vị Thành hoàng các trực tỉnh, từng được phụ thờ ở miếu Đô Thành Hoàng tại kinh thành. Năm trước bộ Lễ nghị xin cho các hạt làm thần bài, bày thờ ở miếu Hội Đồng thuộc hạt mình, rồi đổi gọi miếu Hội đồng là miếu Thành Hoàng; sau đó căn cứ các hạt tư lên bộ kê khai thần hiệu trong miếu hội đồng, rất là không giống nhau; vì thế chuẩn cho được thờ như cũ, đợi sau lại xuống chỉ cho thi hành. Trẩm kính nối nghiệp lớn, được theo chỉ tiên đế cử hành lễ trọng, sắp đặt phẩm trật các thần, nghĩ rằng: Các thần vị trước đây thờ ở miếu Hội Đồng, phần nhiều là thần thượng đẳng, giúp nước che chở dân, có công đức rõ rệt, chưa tiện cho thay đổi ngay, kiến nghị của bộ Lễ trước đây không được chu đáo, mà lòng vua do dự khá lâu, là vì thế. Nay chính như cần nhắc đó cho hợp lễ, vậy thông dụ cho các trực tỉnh được làm miếu riêng thờ thành hoàng ở nơi gần tỉnh, thành, doanh, để làm chỗ tôn thờ; còn miếu hội đồng cũ, vẫn cho phụng thờ theo như trước, không nên thay đổi. Chỗ được làm miếu riêng thờ thành hoàng, cách thức và nên cấp đồ thờ, phép thờ, thì đều do bộ Lễ, bộ Công bàn tâu xin thi hành. Phải kính tuân dụ này!”

Thế là chuẩn lời nghị cho các địa phương đều lập lên 1 tòa miếu thờ thành hoàng ở hạt tỉnh mình, hàng năm mùa xuân mùa thu có tế lễ; lễ phẩm bằng 1 bò, 1 heo, 1 mâm xôi, 2 mâm quả phẩm do viên lãnh binh, hoặc một viên quản vệ khâm mạng làm lễ.

Lại chuẩn cho chiêu mộ dân ngoại tịch (dân tạm cư) lấy 5 người sung làm phu miếu.
Miếu năm 2013
Ở Biên Hòa, miếu Thành Hoàng cũng được xây dựng theo chỉ dụ của triều đình ban năm 1841. Đây là thiết chế tín ngưỡng văn hóa quan trọng của triều đình, đến trước thời điểm Pháp xâm lược nước ta; từ kinh sư, phủ thừa thiên đến 2 đạo Hà Tỉnh, Phú Yên và 26 tỉnh từ bắc chí nam đa số đều được cho xây dựng miếu Thành Hoàng để thờ tự.
Trong Biên Hòa sử lược toàn biên- quyển Trấn Biên cổ kính; cụ Lương Văn Lựu có chép: Miếu Thổ Thần (Ông Thổ) (ấp Thành Long, xóm chùa một cột) nguyên là miếu Thành Hoàng, lập từ năm Thiệu Trị nguyên niên (1841), hằng năm chọn ngày trung canh (mồng 10 tháng giêng ) làm lễ giỗ.
Chúng tôi đã có nhiều lần điền dã tại ngôi miếu này;
Bác Từ người có công lớn trong việc trùng tu miếu Thành Hoàng

Theo lời của bác thủ từ Miếu Thổ Thần hiện tại; sau năm 1975 miếu bị bỏ hoang, xuống cấp trầm trọng...nhiều năm sau dân làng sở tại cùng nhau quyên góp, xây dựng lại miếu thờ khang trang như ngày nay gọi là Miếu Thổ Thần! hàng năm lệ cúng vẫn giữ nguyên vào ngày Trung Canh, mồng 10 tháng giêng Âm lịch. Hiện tại miếu có phối thờ thêm bà Thiên hậu, Quan thánh đế, Cửu thiên huyền nữ, nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của dân chúng tại địa phương. Giữa thờ Thiên Hậu thánh mẫu, bên trái thờ Quan thánh đế quân,bên phải thờ Cửu thiên huyền nữ.
Tượng thật đẹp!

Theo lời Bác từ thì bài vị này là di vật cổ còn sót lại!
Mặt sau bài vị: Đinh Vị niên nhị nguyệt cát tạo
Nếu tính từ thời điểm năm 1841, khi vua Thiệu Trị lệnh cho các địa phương thỉnh thần hoàng bổn cảnh các trực tỉnh (đang thờ ở miếu Đô Thành Hoàng Huế), về thờ trực tiếp tại địa phương của mình thì các năm Đinh Vị (Đinh Mùi, ghi sau bài vị trên) tính cho đến ngày nay là các năm: 1847, 1907 và 1967.
Bàn thờ Tiên Sư
Bình phong đậm chất nam bộ!

Bàn thờ Thần Hổ!
Sau bao biến cố thăng trầm lịch sử, trong khi các di tích xưa của đất Trấn Biên năm nào như : Văn Miếu, Miếu Hội Đồng, Miếu Trung Tiết, Nền Xã Tắc, Ruộng Tịch Điền, Thành Cổ... có cái bị mai một, có cái bị di dời đi vị trí khác...thì Miếu Thành Hoàng Biên Hòa vẫn tồn tại, hiện diện ngay nơi nền móng cũ, được nhân dân tôn tạo, nhang khói thường xuyên; trong khi đó cả nước hầu như các cơ sở thờ tự Thành Hoàng xưa đều không còn! Đây cũng là một niềm tự hào của dân chúng sở tại, thật đáng trân trọng !
Biên Hòa, trọng xuân 2013
Lệ cúng mùng 10 tháng giêng
Miếu Thành Hoàng Thành Biên Hòa được đánh dấu trong bản đồ của người Pháp vẽ sau khi chiếm Biên Hòa (1862)
Trích : Thành Biên Hòa cùng các cơ sở thiết chế văn hóa tín ngưỡng (bản thảo)
Nguyên Phong- Lê Ngọc Quốc


TÀI LIỆU THAM KHẢO:
(1) Việt Điện U Linh- Lý Kế Xương.

(2) Việt Nam Phong Tục- Phan Kế Bính.

(3) Khâm định đại nam hội điển sự lệ-Nội các triều Nguyễn.

(4) Đại Nam nhất thống chí- Nội các triều Nguyễn.

(5) Biên Hòa sử lược toàn biên- Lương Văn Lựu.

(6) Minh Mệnh Chính Yếu, Quốc Sử Quán Triều Nguyễn.

(7) Văn cúng- văn tế hán nôm ở Đồng Nai, Bảo Tàng Đồng Nai

(8) Cơ sở tín ngưỡng và truyền thống ở Biên Hòa, Phan Đình Dũng

(9) Một số tài liệu trên internet và tư liệu điền dã
Biên Hòa, đông chí 2016


















Thứ Hai, 26 tháng 12, 2016

ĐÔ ĐỐC TRẦN THƯỢNG XUYÊN (008)

  DÕI TÌM TÔNG TÍCH NGƯỜI XƯA!
Hộ pháp tam bảo tôn thần Trần tướng quân tại chùa Thanh Lương Biên Hòa 
Đầu thế kỷ 19, khi viếng miếu thờ Trần Tướng Quân tại Phiên Trấn (Sài Gòn), Cấn Trai- Trịnh Hoài Đức cảm thán đã đề thơ :
Quốc phá thần tâm bất nhị thao,
Trần gia nhất diệp tế phong đào.
Đồ cùng ninh tắc sào Nam điểu,
Mệnh khiển không hoài phạt Bắc đao.
Thiết lũy chí kim hàn Lạp phách,
Nhai châu tòng thử tuyệt Minh mao.
Hành nhân diệc hữu anh hùng lệ,
Vị hướng từ tiền tửu nhất kiêu.

Trong sách Gia Định tam gia-Hoài Anh dịch nghĩa:
Nước mất, kẻ bầy tôi vẫn không hài lòng,
nhà họ Trần một lá thuyền vượt sóng gió.
Đường cùng, đành làm chim làm tổ ở phương Nam,
mệnh gặp trắc trở suông ôm chí vung đao đánh Bắc.
Lũy sắt đến nay còn làm cho Chân Lạp sợ,
Nhai Châu từ đấy tuyệt bóng cờ Minh.
Người qua đường cũng có dòng lệ anh hùng,
đến trước đền tưới rượu dưới đất.

Hoài Anh dịch thơ:
Nước mất bầy tôi chẳng đổi lòng,
Thuyền Trần rẽ song vượt cuồng phong.
Cành Nam tổ đã đành tâm kết,
Dẹp Bắc đao còn giận mướn vung.
Lũy sắt tới nay quân giặc khiếp,
Nhai Châu từ đó thế Minh cùng.
Người qua đường lệ anh hùng ứa,
Tưới rượu trước đền tưởng niệm ông.

Cụ Cấn Trai có chú thích: “ Trần, tổng binh nhà Đại Minh tên Thắng Tài, người huyện Ngô Châu, phủ Cao Châu, Quảng Đông.
Nhà Đại Thanh bình Quảng Đông, nhà Minh mất, quân thua liền mang gia quyến và binh biền đáp thuyền sang nước Nam. Triều đình cho lệ thuộc vào tướng súy giữ đất Gia Định, giao đất để lập công. Mất được truy tặng chức Phụ quốc Đô Đốc, xuân thu hai lần tế. Chân Lạp lúc bấy giờ dùng dây sắt chắn ngang sông cự chiến, Trần phá được, buộc phải hàng. Sau dựng đền thờ ở chỗ ấy, tên đất là thiết lũy.
Thần vị nguyên trước kia thờ tại Trần Tướng Quân Từ- thôn Tòng Chánh

Phụ quốc đô đốc Thắng Tài Hầu Trần Thượng Xuyên, có thể được xem là một trong những nhân vật có công đầu trong công nghiệp khai thác vùng đất nam bộ của cha ông ta. Đất Đồng Nai lúc bấy giờ là một vùng đất hoang sơ, ông đã tạo dựng nên một thương cảng Nông Nại Đại phố sầm uất, nhộn nhip. Cai quản, trấn áp các cuộc nổi dậy quấy nhiễu của Cao Miên, các sách man quanh vùng. Mở rộng đất đai qua các cuộc chinh chiến; công nghiệp của ông có 3 đại công :
*Lần thứ nhất : năm 1688 Hoàng Tấn giết chủ tướng Dương Ngạn Địch, tự xưng “Phấn dũng hổ oai tướng quân” dự định hùng cứ miền Mỹ Tho- Vĩnh Long- An Giang, không cho thương nhân qua lại, đánh cướp quấy nhiễu dân Cao miên. Chính vương Cao Miên là Nặc Ông Thu (phó vương lúc bấy giờ là Nặc Ông Non đóng ở Sài Gòn), cho là âm mưu của chúa Nguyễn nên bỏ việc cống nạp, đắp thêm lũy, giăng xích sắt trên sông để phòng thủ. Đô đốc Trần Thượng Xuyên lúc này đang coi đất Bàn Lân- Nông Nại đại phố, theo lệnh chúa Nguyễn hợp quân triều đình tiến đánh Hoàng Tấn. Thu phục xong loạn Hoàng Tấn, được chúa Nguyễn giao kiêm quản luôn đạo quân thiện chiến Long Môn (của nhóm Dương Ngạn Địch- Hoàng Tấn), rồi đóng quân ở Doanh Châu (theo ghi chép của thư tịch xưa chú Doanh Châu ở Vĩnh Long- còn theo một số tài liệu và nghiên cứu nước ngoài thì Doanh Châu có thể ở khoảng cửa Tiểu cửa Đại- sông Tiền). 

Sau đó Trần Thượng Xuyên cầm quân bản bộ đi tiên phong tiến đánh Cao miên, đốt xích sắt ngang sông, liên tiếp phá tan các thành lũy, bắt vua Nặc Ông Thu phải hàng phục. Sau đó ông được giao cai quản cả vùng đất mới khai phá: từ Môi Xoài- Bà Rịa, Lộc Dã, Bàn Lân- Nông Nại đại phố đến Sài Gòn, Doanh Châu Sông Tiền. Có thể giai đoạn này ông có đồn binh quản lý vùng Sài Gòn, tại gò Cây Mai (gần chợ Lớn ngày nay) vốn là dinh của phó vương cao miên Nặc Ông Non (sau sự kiện loạn Hoàng Tấn, tung tích vị phó vương này không được sử Việt đề cập, theo sử Cao Miên thì Nặc Ông Non chết khi mới 37 tuổi ở Srey Santhor, năm 1691). Lúc bấy giờ thì vùng Đông Phố đã thuộc quyền quân quản của đô đốc Trần Thượng Xuyên. Nông Nại đại phố được ông thành lập trước kia, tiếp tục phát triển thành trở thành thương cảng, trung tâm thương mại và giao dịch quốc tế của cả vùng Đông Phố. Thời gian ấy khu Bến Nghé, Sài Gòn (chợ Lớn), Mỹ Tho đại phố cũng phát triển dưới quyền cai quản của đô đốc họ Trần.
*Lần thứ hai: Mùa xuân năm 1698, triều đình sai Thống suất Chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược đất Cao Miên, lập phủ Gia Định. Đặt chức lưu thủ, cai bạ và ký lục để quản trị. Quân binh thì cơ, đội, thuyền, thủy bộ tinh binh, thuộc binh, lúc này từng bước quân đội chúa Nguyễn mới thực sự nắm quyền lãnh đạo trực tiếp vùng đất này. Song song ta cũng thấy quân bản bộ dưới quyền đô đốc Trần Thượng Xuyên cũng tham gia bảo vệ vùng đất mới. Năm sau, 1699, vua Cao Miên là Nặc Ông Thu lại phản kháng, cho đắp lũy ở Bích Đôi, Nam Vang và Cầu Nam, bỏ nộp cống; Trần Thượng Xuyên lúc bấy giờ đang đóng quân ở Doanh Châu, cấp báo lên triều đình. Chúa Nguyễn lại cử thống suất Nguyễn Hữu Cảnh từ dinh Bình Khang vào nam lần thứ hai, mang theo biền binh 2 dinh Quảng Nam, Bình Khang điều động binh dinh Trấn Biên cùng quân bản bộ của tổng binh họ Trần, cùng chinh phạt Cao Miên. Mùa xuân năm 1700 Trần Thượng Xuyên đánh nhau với giặc nhiều trận đều thắng; tháng 4 đại quân của Lễ Thành Hầu và Trần Thượng Xuyên chiếm được thành Nam Vang, vua Cao Miên là Nặc Ông Thu phải trói mình chịu tội trước quân dinh.
*Lần thứ ba: năm 1714, quân của Nặc Ông Thâm (con của Ông Thu) từ Xiêm đánh lấy thành La Bích và vây đánh vua tiếm ngôi là Nặc Ông Yêm (Yêm là con của phó vương Nặc Ông Non năm xưa ở Sài Gòn), tình thế nguy cấp. Ông Yêm sai người sang Gia Định cầu cứu. Trần Thượng Xuyên lúc bấy giờ đang giữ chức đô đốc Phiên Trấn, cùng quan phó tướng dinh Trấn Biên là Nguyễn Cửu Phú phát binh sang đánh, vây Nặc Ông Thâm và cha là Nặc Ông Thu (người đã quy phục năm 1700) ở trong thành La Bích. Nặc Ông Thâm và cha sợ hãi, bỏ thành chạy sang lẩn trốn ở nước Xiêm. Sau đó Trần Thượng Xuyên và Nguyễn Cửu Phú lập Nặc Ông Yêm lên làm vua Cao Miên…

Có thể thấy hành tích của Phụ quốc đô đốc họ Trần, được sử sách triều Nguyễn từ thời Gia Long trở lại, ghi nhận đầu tiên trong Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức (người cùng gốc Minh Hương):


“ Tháng 4 mùa hạ năm thứ 32, Kỷ Mùi (1679) (Lê Hy Tông niên hiệu Vĩnh Trị thứ 4, Đại Thanh Khang Hy thứ 18), quan Tổng binh thủy lục trấn thủ các xứ ở Long Môn thuộc Quảng Đông nước Đại Minh là Dương Ngạn Địch và Phó tướng Hoàng Tấn, quan Tổng binh trấn thủ các châu Cao, Lôi, Liêm là Trần Thắng Tài, Phó tướng Trần An Bình dẫn quân và gia nhân hơn 3000 người cùng chiến thuyền hơn 50 chiếc xin được vào Kinh bằng hai cửa Tư Dung và Đà Nẵng (nay là cửa Tư Hiền- Huế và cửa Hàn thuộc Quảng Nam). Sớ tâu lên rằng số người này tự xưng là người nhà Minh bỏ trốn đi, họ thề quyết tận trung với nước, nhưng nay đã thế cùng lực tận, vận nhà Minh đã dứt, họ không thể thần phục triều Thanh nên chạy sang nước Nam nguyện được làm dân mọn.”
(Quyển III- Cương Vực Chí)


Sau đó thì Đại Nam thực lục (tiền biên), Đại Nam liệt truyện (tiền biên), Đại Nam nhất thống chí (phần nam bộ) được lần lược biên soạn thì các chuyên gia của Quốc sử quán triều Nguyễn cũng lấy đa phần tư liệu trong Gia Định Thành Thông Chí để chép về hành trạng của Trần tướng quân.
Có lẽ vì các thư tịch ghi chép về nam bộ trước kia đã bị thất lạc, tiêu hủy trong cơn biến loạn 1771- 1802.

Nhưng theo chúng tôi được biết, hiện nay vẫn còn ít nhất là 2 tư liệu có chép về thời điểm nhóm quân lính nước Đại Minh, chạy đến cửa Tư Dung và Đà Nẵng hàng phục chúa Nguyễn, và được đưa vào Thủy Chân Lạp, mượn sức của họ, góp một phần trong công cuộc mở rộng bờ cõi nước ta.






1/ Việt Nam khai quốc chí truyện (tựa gốc là Nam Triều công nghiệp diễn chí) biên soạn năm 1719 của Nguyễn Khoa Chiếm, Ông làm quan dưới thời Minh vương Nguyễn Phúc Chu, có công to nên được phong tước Bảng Trung hầu .
2/ Phủ Biên Tạp Lục, được  Lê Quý Đôn biên soạn tại kinh thành Phú Xuân khoảng năm 1776, đa phần từ nguồn tư liệu trong thư khố của chúa Nguyễn bỏ lại khi chạy vào Nam bộ.

Xem trong 2 tài liệu này, chúng tôi thấy có phần ghi chép sự kiện năm Kỷ Mùi 1679, có chép tên chủ tướng nhóm hàng quân người nước Đại Minh là Dương Ngạn Địch và phó tướng Hoàng Tiến (Tấn), nhưng tuyệt nhiên không thấy nhắc đến nhóm của Tổng binh Cao- Lôi- Liêm Trần Thượng Xuyên và phó tướng Trần An Bình?
….(còn tiếp)

Biên Hòa Đông chí 2016.







Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2016

NHẬT KÝ PHÁP ĐÁNH THÀNH CỔ BIÊN HÒA (P3)

Soái hạm Ondine của Đô đốc Bonard và các pháo hạm tập trung tại khúc sông chợ  Đồn và Phước Lư, bắn phá cổng đông Thành Biên Hòa
Ngày 19/08/1861 Hoàng Đế Pháp Napoléon III chỉ định phó đô đốc Bonard sang Đông Dương…Ngày 27/11/1861 Bonard đến sài Gòn, ngày 30/11/1861 Tổng tư lệnh Cochinchine Charner chuyển giao quyền chỉ huy cho ông; vừa nhận chức ông tuyên bố: “ Chúng ta sẽ tấn công Biên Hòa, và nếu cần, chúng ta sẽ đánh chiếm Huế “.
Đường bộ nối Gia Định với Biên Hòa là đường thiên lý xuất phát từ bến Bình Đồng xưa (quán Đồng Cháy) nay thuộc địa phận gần bến phà Bình Quới Đông (Thủ Đức).
Trên tuyến đường bộ này có hai đồn binh an nam án ngữ : Gò Công- Trao Trảo (nay thuộc quận 9- Sài Gòn) và đồn Mỹ Hòa (khu vực gần Nghĩa trang QĐ Biên Hòa).
Tuyến đường sông, xuất phát từ Bến Nghé qua Nhà Bè rồi ngược lên hướng thượng nguồn sông Đồng Nai ( qua cù lao Ba Xê), trên tuyến này quân an nam làm 8 rào cản bằng cây và 1 bằng đá ong. Mỗi cản là 1 công sự phòng thủ, đại bác, bè chứa hỏa dược, thuốc nổ để đánh hỏa công !
Thành Biên Hòa lúc này có khoảng 3.000 quân gồm binh sở tại, tàn binh từ trận Gia Định dạt về, cùng viện binh từ các tỉnh nam trung bộ điều vào…
Sáng sớm ngày 14/12/1861 liên quân Pháp- Tây Ban Nha tiến đánh Biên Hòa gồm 4 cánh quân.
Cánh thứ nhất đi đường thủy do trung tá Comte chỉ huy, với hai đội khinh binh, 100 lính Tây Ban Nha, 50 kỵ binh hạ đồn Gò Công- Trao Trảo và tiến lên Mỹ Hòa.
Cánh thứ nhì theo đường bộ, do đại tá Domenech- Diego chỉ huy, gồm 100 lính Tây Ban Nha, một đại đội thủy quân lục chiến, xuất phát từ bến đò Bình Đồng- Đồng Cháy (nay là khu vực đình Bình Thọ, Thủ Đức) tiến đánh đồn Mỹ Hòa.
Cánh thứ ba do đại tá Lebris chỉ huy, gồm hai đại đội thủy thủ, theo sông Đồng nai, bắn phá các chướng ngại vật, đồn bảo rồi cùng tiến về đồn Mỹ Hòa.
Cánh thứ tư do đại tá Harel cầm đầu, ngược theo các kinh rạch phía nam Gò Công Trao trảo , phá các chướng ngại vật rồi cùng hợp binh công phá đồn Mỹ Hòa.
Quân an nam chống cự quyết liệt, tàu chiến Alamer bị bắn gãy cột buồm, trung tá cánh quân thứ nhất là Comte tử trận! Các đồn an nam bị tấn công cả hai mặt thủy, bộ…yếu thế quân ta phải bỏ đồn rút lui…Trận chiến kéo suốt đêm 14 rạng sáng ngày 15.

Sau khi phá các chướng ngại vật trên sông Đồng Nai, dễ dàng chiếm lấy hai đồn Gò Công Trao Trảo và Mỹ Hòa, liên quân Pháp dồn 4 cánh quân tiến đánh Thành Biên Hòa.
Ngày 16...Cánh đường bộ theo đường thiên lý bắc nam, vượt ngang núi Châu Thới, tiến đến tập trung tại bến đò Ngựa, đối diện Thành Biên Hòa (nay là khu vực chùa Long Thiền-Bửu Hòa).
Cánh đường thủy liên tiếp đánh tan 9 đồn lũy của quân an nam nằm dọc hai bên bờ sông Đồng Nai; dọn dẹp các rào cản, đập ngăn trên sông, đánh chiếm xưởng thuyền công của Thành Biên Hòa tại Phước Lư, các pháo hạm cùng soái thuyền của chuẩn đô đốc Bonard bày thế trận tại đây (chợ Đồn- cù lao Phố- Phước Lư), tập trung hỏa lực bắn phá cổng đông Thành Biên Hòa (khu vực này có mộ của tướng Nguyễn Duy, em cụ Nguyễn Tri Phương, chết trận đại đồn Chí Hòa 14/2/1861, nay là khu vực sở y tế- đường Phan Đình Phùng), yểm trợ lính thủy đánh bộ, đổ bộ lên bờ sông tại Phước Lư. 
Sau khi chiến đấu quyết liệt suốt ngày, chiều tối ngày 16, quân An nam rút chạy theo đường thiên lý về hướng Long Thành, Bà Rịa; tiếp tục lập phòng tuyến chống cự.
Sáng sớm này 17/12/1861 liên quân Pháp- Tây Ban Nha tiến vào Thành Biên Hòa đã bỏ trống.
Không có con số chính thức về mức độ thiệt hại về người và của cả hai bên; chuẩn đô đốc Bonard báo cáo về Pháp: " Liên quân phá hủy hoàn toàn và đánh tan doanh trại Mỹ Hòa cách Sài Gòn 3 dặm; chiếm 3 pháo đài và làm nổ tung cái thứ tư; quân đội Tự Đức triệt thoái hoàn toàn khỏi Biên Hòa, họ sợ cắt đứt con đường đi Huế, trốn chạy hỗn loạn qua vùng núi non, bỏ lại tất cả các pháo đài ky cóp khó nhọc và đốt cháy các kho tàng; ta chiếm 48 khẩu thần công, 1 kho gỗ tốt để xây dựng, 15 thuyền buồm hoàng gia mà 10 chiếc có tải trọng khoảng 200 tấn; cuối cùng chiếm một tòa thành mặc dù những tổn hại mà quân địch tìm cách phá, liên quân có thể lập tức thiết lập một nơi đồn trú kha khá với một nhà thương 100 giường ở một khu vườn tuyệt đẹp không có đầm lầy" ...





Tổng hợp từ nhiều nguồn:
Báo L'Illustration tháng 1 & 3 năm 1862.
Đại nam Quốc Lược Sử- Alfred Schreinr, Sài Gòn 1906.
https://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%E1%BA%ADn_Bi%C3%AAn_H%C3%B2a_(1861-1862)
Intrenet...
Biên Hòa 17/12/2016

Nguyên Phong Lê Ngọc Quốc

Thứ Ba, 13 tháng 12, 2016

NHẬT KÝ PHÁP ĐÁNH THÀNH CỔ BIÊN HÒA- tháng 12 năm 1861 (P2)

Nguyễn Bá Nghi (阮伯儀,1807-1870)

Mặc dầu Khâm sai đại thần Nguyễn Bá Nghi tại Thành Biên Hòa (ông đóng đại bản doanh bên ngoài Thành, ở thôn Tân Lại); liên tiếp đưa ra các bản nghị hòa, nhằm hoãn binh, kéo dài thời gian để tìm kế sách đối phó trước binh lực hùng hậu của địch. Chuẩn đề đốc Bonard đêm 13/12/1861 vẫn cho triển khai kế hoạch đánh Thành Biên Hòa...

Trích bài báo của M.Lugeol, trợ tá trận địa của hạm trưởng Daries; đặc phái viên thường trực của báo Le Monde Illustré tại Pháp. 

Cuộc đánh chiếm Biên Hòa– Thiếu tướng hải quân Bonard, tổng tư lệnh hạm đội, tiến hành thăm dò chiếm thành trì Biên Hòa.
Trên boong pháo hạm L’Alarme ngày 17/12/1861

Thưa ông giám đốc (chủ nhiệm) báo, tôi vừa có được thời gian vẽ ra cho ông hai bức tranh phác họa cuộc hành quân quan trọng, mà lực lượng đánh chiếm của chúng ta vừa hoàn thành quyết liệt đối với Biên Hòa.

Thành trì này, như ông đã biết, cùng với Mỹ Tho và Sài Gòn, hình thành 3 điểm chiến lược của Nam kỳ, và việc chiếm cứ được nó, đảm bảo cho sự chiếm cứ quyết định của chúng ta tại xứ sở giàu có này.

Đã từ lâu rồi, người An nam, đang chiếm giữ Biên Hòa, đã tung vào các tiền đồn và các nơi chiếm hữu của ta nhiều nhóm đông đảo để quấy phá các cư dân đã bị Pháp chinh phục bằng các cuộc tấn công liên tục.

Thiếu tướng hải quân Bonard, tổng tư lệnh, quyết định đánh đuổi chúng ra khỏi các nơi đồn trú, nương tựa vào thành Biên Hòa làm chổ ẩn núp của chúng.

Cuộc đánh chiếm khởi sự ngày 10/12/1861 với quân số 3.000 người. Cùng lúc đó, một đơn vị pháo hạm tiến vào các con kinh bao quanh địa điểm và chạy ngang dọc khắp thành.

Sau những lần thăm dò để tìm hiểu địa bàn và gây nhiều sự thiệt hại cho kẻ địch đang chờ chúng ta với quân số rất lớn trong các ổ phục kích, cuộc tấn công được quyết định và được tiến hành vào sáng sớm ngày 14/12/1861...




Bản đồ hành quân trận Thành Biên Hòa tháng 12/1861 của quân viễn chinh Pháp-Tây Ban Nha

Bản đồ hành quân trận Thành Biên Hòa tháng 12/1861 của quân viễn chinh Pháp-Tây Ban Nha
Bản đồ ghi chú vị trí các di tích xưa trực thuộc quản lý của Thành Biên Hòa.
Số 1: Thành Biên Hòa- Nhà Tiên Tàm ( nuôi tằm)
Số 2: Văn Miếu
Số 3: Miếu Hội Đồng
Số 4: Đền Trung Tiết (Trận Vong Hướng Sĩ)
Số 5: Miếu Thành Hoàng
Số 6: Đàn Xã Tắc
Số 7: Tịch Điền
Số 8: Xưởng Thuyền Công
Số 9: Chuồng Voi.
...
 Biên Hòa 13/12/2016
Nguyên Phong- Lê Ngọc Quốc

Thứ Hai, 12 tháng 12, 2016

ĐÔ ĐỐC TRẦN THƯỢNG XUYÊN (007)


TRẦN TƯỚNG QUÂN TỪ
Tượng đô đốc Trần Thượng Xuyên tại đình Minh Hương Gia Thạnh

1-Trong tác phẩm Gia Định Thành Thông Chí- Thành trì chí, Trấn Vĩnh Thanh, mục Đền Lễ công; cụ Trịnh Hoài Đức có đoạn nhắc về Đô Đốc Trần Thượng Xuyên:
"...Còn Trần tướng quân nhiều phen tham chiến làm cho quân địch phải kiêng sợ, sau cũng được lập đền thờ ở đó và xã Tân An dinh Phiên Trấn..."
Khi viếng miếu Đức Ông tại Phiên Trấn, cụ Cấn Trai cảm thán đã đề thơ :

Quốc phá thần tâm bất nhị thao,
Trần gia nhất diệp tế phong đào.
Đồ cùng ninh tắc sào Nam điểu,
Mệnh khiển không hoài phạt Bắc đao.
Thiết lũy chí kim hàn Lạp phách,
Nhai châu tòng thử tuyệt Minh mao.
Hành nhân diệc hữu anh hùng lệ,
Vị hướng từ tiền tửu nhất kiêu.


2-Trong Đại nam nhất thống chí tập 5 (Quốc sử quán triều Nguyễn 1865 ~ 1883) phần tỉnh Gia Định, mục đền miếu ta thấy ghi:
"Đền Trần Tướng Quân, ở thôn Tòng Chánh, huyện Bình Dương. Tướng quân họ Trần tên là Thượng Xuyên, người tỉnh Quảng Đông. Làm tổng binh triều Minh. Khi nhà Minh mất nước, tướng quân không thần phục nhà Thanh, bèn theo về bản triều, có công đánh dẹp Cao Mên, lại dựng phố chợ ở Sài Gòn, chiêu tập khách buôn bán, sau người ta nhớ công đức, dựng đền thờ. Các đời Minh Mạng, Thiệu Trị đều phong tặng làm Thượng đẳng thần, nay xã dân phụng thờ, đèn hương không từng gián đoạn."

Ngày nay, qua bao biến thiên thời cuộc, miếu Trần tướng quân tại dinh Phiên Trấn đã không còn dấu tích.

3-Trong tài liệu năm 1885: Ký ức lịch sử về Sài Gòn và các vùng phụ cận (trang 24-25 ) chặn đường từ Gia Định vô Chợ Lớn (nay là đường Nguyễn Trãi), cụ Trương Vĩnh Ký kể:
...Từ đấy vào Chợ Lớn, trước hết là Xóm Bột, dân làng này làm bột và đem bán ở hai bên vệ đường ( nay là đường Nguyễn Trãi). Sau đó đến chợ Hôm (chỉ họp buổi chiều). Sau chợ đấy, còn thấy ngôi đền Trần Tướng Quân, một võ quan của Gia long bị Tây Sơn giết. Gia Long cho xây đền ở đây thờ ông (?).
4-Trước đó 80 năm cụ Lê Quang Định cũng có kể về đoạn đường này trong Hoàng Việt Thống Nhất Dư Địa Chí-1806 (trang 95):
...87 tầm đến miếu Hội Đồng, miếu này thờ các linh thần bản quốc, hằng năm đều có hai kỳ tế xuân thu, lệ đặt lễ sinh là dân phụ lũy phường Đồng Văn 50 người, từ thời tiền triều đến nay, đều kế tục thờ phụng như thế.
110 tầm, hai bên dân cư, vườn tược liền nhau đến trà đình Lão Hướng (Ông Hướng ?) ở đây có bán nhiều trà uống và ăn sáng, khách đi đường thường nghỉ lại ở đây rất đông.
775 tầm, hai bên vườn tược nhà cửa liền nhau, đến chợ Hôm, quán xá ở đây rất đông đúc, chợ đông vào buổi chiều tối nên có tên như thế.
411 tầm, hai bên dân cư ở liền nhau, đến Miếu Quan Đế, miếu này của hội thương mại người phố Sài Gòn lập ra để thờ Quan Vũ........
5- Trong địa bạ tỉnh Gia Định thời Vua Minh Mạng (lập năm 1836), thôn Tòng Chánh thuộc tổng Tân Phong Thượng, huyện Tân Long:
*Tòng Chánh: 
-Đông giáp địa phận hai thôn Nhơn Giang là Tân Kiểng, có cột gỗ làm giới.
-Tây giáp địa phận hai thôn Hòa Thuận, An Bình, có lập cột gỗ và lòng rạch làm giới.
-Nam giáp địa phận ấp Tân Châu và các thôn An Bình, Tân Kiểng, Hòa Thuận, lấy lòng rạch làm giới.
-Bắc giáp địa phận thôn Tân Hưng (tổng Bình Trị Thượng, huyện Bình Dương), có lập cột gỗ làm giới.
-Dân cư thổ 8.6.5.0 (nguyên là ruộng điền tô)
-Đất hoang nhàn 1 khoảnh.
-Mộ địa một khoảnh.
Dựa theo các dữ liệu trên và một số bản đồ xưa, nay ta có thể khoanh vùng địa điểm của miếu Trần Tướng Quân xưa, hiện nay có thể là khu tam giác giao lộ Nguyễn Trãi- Nguyễn Duy Dương- Trần Phú- phường 7, quận 5 cholon.

















khu tam giác giao lộ Nguyễn Trãi- Nguyễn Duy Dương- Trần Phú- phường 7, quận 5 cholon.


Thật may mắn trong quá trình truy tìm Trần Tướng Quân Từ, chúng tôi có được nhiều thông tin và giúp đỡ nhiệt tình từ: bác Viet Hung Mai,
 bạn Quoc Do, Brian Wu, Nguyen Huu Loc, Chau Tuong Lan và bằng hữu facebook, chân thành cảm tạ !

Bàn thờ chánh điện một ngôi đình ở gần giao lộ Nguyễn Trãi- Nguyễn Duy Dương- Trần Phú (hướng dẫn của Nguyễn Hữu Lộc)
Bàn thờ chánh điện có 4 bài vị, bìa ngoài bên trái, ta thấy bài vị này có ghi...Thắng Tài Hầu...
(tư liệu của Nguyễn Hữu Lộc)

敕 輔 國 都 督 將 軍 勝 才 侯 可 加 封 威 敵 昭 勇 顯 靈 陳 公 上 等 之 神. 
Phiên âm: Sắc phụ quốc Đô đốc tướng quân Thắng Tài hầu khả gia phong Uy Địch Chiêu Dũng Hiển Linh Trần công thượng đẳng chi thần. Tạm dịch: Sắc: Phụ quốc Đô đốc tướng quân họ Trần tước Thắng Tài hầu được phong tặng là Uy Địch Chiêu Dũng Hiển Linh thượng đẳng thần.(Nguyễn Hữu Lộc dịch)

 Sắc Phong năm 1847 cho đô đốc Trần Thượng Xuyên tại miếu Hội Đồng tỉnh Vĩnh Long



Anh bạn cùng tên, thổ địa Gia Định Thành đã không quản nắng trưa đỗ lửa, nhiệt tình hướng dẫn, đèo đi khắp đất Sài Gòn- Chợ Lớn, đa tạ thâm tình! 
Trấn Biên 14 tháng  mười một năm Bính Thân.
Nguyên Phong- Lê Ngọc Quốc















































Thứ Bảy, 3 tháng 12, 2016

ĐÔ ĐỐC TRẦN THƯỢNG XUYÊN (006)

Hậu duệ Đức Ông ở Hà Tiên!
Cảnh đẹp ở Hà Tiên

Sử chép: Trần Đại Định là con trai đô đốc Trần Thượng Xuyên, là con rể của tổng binh trấn Hà Tiên là Mạc Cửu. Năm 1725, Đại Định nhờ phụ ấm, làm quan dần tới chức tổng binh, tước Định Viễn hầu, chỉ huy cả hai đạo binh Phiên Trấn và Long Môn, dưới triều chúa Nguyễn Phúc Chu. Năm 1731, quân cao miên do một lưu dân người Lào ở làng Prea Sot (Sà Tốt) đứng đầu tấn công cướp phá ở đất Gia Định, ông đắp lũy đất ở Hoa Phong để chống cự và rồi đánh đuổi được. Tuy lập được công, nhưng ông bị Thống suất Trương Phước Vĩnh vu tội, phải chạy ra kêu oan với chúa Nguyễn. Chúa sai tạm giam ông vào nhà lao Quảng Nam. Khi điều tra ra việc thì ông đã bị ốm chết trong ngục. Trước khi ông cùng bộ tốt giong thuyền chạy ra Quảng Nam để kêu oan, thì vợ ông 
(*) ôm con, bí mật chạy về Hà Tiên, nương náu cha ruột và anh là Mạc Thiên Tứ .
Sau đó không lâu, Đại Định được giải oan và được chúa Nguyễn Phúc Trú truy tặng hàm Ðô Ðốc Ðồng Tri thụy là Trương Mẫn. Cậu bé họ Trần được họ ngoại cưu mang, sau này lớn lên được tập ấm cha, làm chức Cai cơ ở Hà Tiên; cũng theo gương cha anh, đem xương máu phụng sự cho công cuộc khai thác và bảo vệ bờ cõi nước Việt.
Theo Mạc thị gia phả của Vũ Thế Dinh, thì: năm 1769 Mạc Thiên Tứ sai người con của cô em là Thắng Thủy Trần Hầu đốc xuất 50 ngàn quân thủy bộ tiến đánh Xiêm La. Trần Hầu là cháu Trần Thượng Xuyên, tập ấm cha làm tướng. Lúc ấy, chiến chuyến thuyền, cờ xí liên lạc trên một dặm, quân đóng trên đất Xiêm (Chantaboun, tức Trạch Vấn) thiết lập đồn trại để chờ biến động. Trịnh Tân (vua Xiêm) sai tướng đem 3 ngàn quân bộ đến cứu viện Trạch Vấn. Trần Hầu sai đại quân tấn công, quân Xiêm thua to phải chạy về...Trần Hầu đóng quân ở Trạch Vấn Sơn hơn hai tháng, không chịu được thủy thổ và chướng khí phát sinh hàng ngày. Trần Hầu mắc bệnh trầm trọng, quân lính chết dịch mỗi ngày hàng trăm người, quan tham mưu thấy cơ vụ khó thành tựu, gửi văn thư về cho Mạc Thiên Tứ, trình bày lý do mọi sự. Mạc Thiên Tứ liền sai thuộc thần cầm hịch triệu Trần hầu kéo quân về. Lúc mới ra đi, quân binh lên đến 5 vạn, đến khi về chỉ còn hơn một vạn người. Trần Hầu cũng chết trước khi về Hà Tiên. Theo mộ bia của Trần Hầu trên núi Bình San (Hà Tiên), ông mất tháng cuối mùa Xuân năm 1770. Hiện nay, ở thị xã Hà Tiên có con đường lớn mang tên Trần Hầu.
Theo chính sử ta chỉ biết Trần Thượng Xuyên có một con trai là Trần Đại Định, và khi Đại Định chết trong ngục Quảng Nam, thì người vợ ôm đứa con trai duy nhất chạy về Hà Tiên.
Mộ Trần Hầu ở núi Bình San- Hà Tiên

Bia mộ Trần Hầu ở núi Bình San- Hà Tiên
Xem nội dung trên bia mộ số 9 ở núi Bình San, được cho là của Trần Đại Lực ta thấy bên trái bia (hướng nhìn vào) có ghi:

桐 模 格
Nam
(con trai)
Đồng-Mô-Cách
Lập
Thạch
(lập mộ)
Theo bia mộ trên thì hậu duệ của Đức Ông đời thứ 3 (cháu cố) có 3 người nam, và điều thú vị và tên của họ: Cách (格), Mô (模), Đồng (桐) đều có bộ Mộc (木). Tương đồng với các người cùng hàng với họ bên ngoại là Mạc Công Du, Mạc Công Tài, Mạc Công Thê (cùng là hậu duệ đời thứ 3, cháu cố của Mạc Cửu)
trong các chữ Du (), Tài (材), và Thê (棲) đều có bộ mộc.
Bài vị của cháu nội đức ông ở chùa Thanh Lương, Biên Hòa
Hiển khảo húy Đại Lực hiệu Văn Phương Sửu Tài hầu Trần công linh vị


*Thất Diệp Phiên Hàn:
Theo một số tư liệu, chúa Nguyễn ban thưởng cho họ Mạc một phương pháp đặt tên cho con cháu để khi đọc tên, có thể nhận ra vai vế thân tộc: Chữ lót thì dùng phương pháp “thất diệp phiên hàn”, dùng bảy chữ “thiên (天), tử (子), công (公), hầu (侯), bá (伯), tử (子), nam (男)” để dùng làm chữ lót cho những thế hệ kế tiếp của Mạc Cửu. Thế hệ tiếp theo chữ Nam sẽ bắt đầu lại bằng chữ “thiên” và cứ thế tiếp tục mãi.
Tên chánh của các thế hệ sẽ dùng năm chữ thuộc ngũ hành tương sinh (kim (金), thủy (始), mộc (木), hỏa (火), thổ (土)” để đặt tên.
Như vậy tại Hà Tiên vào khoảng cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19, có ba dòng cháu trực hệ đời thứ 3 của Đức Ông có tên là : Cách- Mô- Đồng và tên viết theo hán tự đều có bộ mộc, dựa theo " Thất Diệp Phiên Hàn" mà họ Mạc Hà Tiên được chúa Nguyễn ân tứ (?)

(*) Theo nghiên cứu công phu của ông Trương Minh Đạt, người được cho là "nhà Hà Tiên Học" hiện nay thì Mạc Thiên Tích sinh năm 1718. Người em gái của Thiên Tích, được gả về nhà Đô Đốc họ Trần ở Trấn Biên, tránh nạn diệt vong ôm con chạy về Hà Tiên nương náu đầu năm 1732, năm ấy (theo cụ Đạt) thì Thiên Tứ mới tròm trèm 14 tuổi, lúc ấy cô em gái đã có con...
Như vậy con gái Mạc Cửu về xứ Đồng Nai làm dâu khi mới chừng 12 ~ 13 tuổi (?)... quả là còn nhiều vấn đề cần phải tìm hiểu!...


Trấn Biên tháng 11 năm Bính Thân ./.
(một số tài liệu internet và sách Nghiên cứu Hà Tiên của tác giả Trương Minh Đạt)