Thứ Sáu, 21 tháng 7, 2017

HOÀNG HẬU Samdach Bhagavati Brhat..., NÀNG LÀ AI?

*Nam Tiến (p1)
Tranh vẽ người Quảng Nam trong tác phẩm Boxer codex- 1590.

Theo thư tịch cổ thì vùng đất nam bộ ngày nay, xưa kia vốn là đất Chân Lạp.

Chính Sử:
Đại nam thực lục- tiền biên của quốc sử quán thấy truyện về Chân Lạp bắt đầu được chép từ năm 1658:

- Tháng 9 năm mậu tuất (1658) vua nước Chân Lạp (vốn tên là Cao Miên) là Nặc Ông Chân xâm lấn biên thùy. Dinh Trấn Biên báo lên, Chúa sai Phó tướng Trấn Biên là Tôn Thất Yến, Cai đội là Xuân Thắng, Tham mưu là Minh Lộc (2 người đều không rõ họ) đem 3.000 quân đến thành Hưng Phước (bấy giờ gọi là Mỗi Xuy, nay thuộc huyện Phước Chính, tỉnh Biên Hòa) đánh phá được, bắt Nặc Ông Chân đưa về. Chúa tha tội cho và sai hộ tống về nước, khiến làm phiên thần, hàng năm nộp cống.

Ngoại Sử:
Biên niên sử của Cao Miên chép về vùng đất này vào thời kỳ ấy có nhiều sự kiện hơn:

*Gaston Maspéro:
-Vị vua mới lên ngôi là Chey Chettha II (Ponhea Nhom) cho xây một cung điện tại Oudong, ở đây ông làm lễ thành hôn với một công chúa con vua An nam. Bà này rất xinh đẹp, về sau có ảnh hưởng lớn đến vua. Nhờ bà mà một phái đoàn An nam đã xin và được vua Chey Chettha II  cho lập thương điếm ở miền nam Cao Miên, nơi này nay gọi là Sài Gòn.
(Trích trong tác phẩm L’ Empire Khmer )

*Jean Moura:
Tháng 3 năm 1618,... vua An Nam gả một người con gái cho vua Cao Miên. Công chúa này rất đẹp, được nhà vua yêu mến và lập làm hoàng hậu tước hiệu Samdach...
(Trích trong tác phẩm Royaume du Cambodge-1883)

*Henri Russier:
Chúa Nguyễn lúc bấy giờ rất vui mừng thấy Cao Miên muốn giao hảo bèn gả công chúa cho vua Cao Miên. Công chúa xinh đẹp và được vua Miên yêu quý vô cùng...Năm 1623, sứ bộ Việt từ Huế đến Oudong yết kiến vua Cao Miên, dâng ngọc ngà châu báu, xin người Việt được khai khẩn và lập nghiệp tại miền Nam...Hoàng hậu xin chồng chấp thuận và cua Chey Chetta đã đồng ý...
(Trích trong Histoire sommaire du Royaume de Cambodge- 1914)

*Achille Dauphin Meunier:
Năm 1623, Chey Chettha II, người đã cưới công chúa Việt Nam, được triều đình Huế giúp đỡ để chống lại quân Xiêm... Một sứ bộ Việt Nam đã tới bảo đảm với Chey Chetta về sự ủng hộ của triều đình Huế. Sứ bộ xin phép cho dân Việt Nam tới lập nghiệp Việt Nam tới lập nghiệp ở các tỉnh phía Đông Nam Vương Quốc. Vua Cao Miên cho phép lập một phòng thu thuế tại Prey- Kôr để hỗ trợ việc định cư... 
(Trích trong cuốn Le Cambodge- 1965)

Như vậy từ đầu thế kỷ thứ 17, theo biên niên sử Cao Miên thì vua Chey Chettha II đã cưới một người con gái của chúa Sãi (Nguyễn Phúc Nguyên), và do ảnh hưởng của mối quan hệ ấy, quân và dân Đại Việt đã từng bước có mặt trên vùng đất Mô Xoài- Đồng Nai- Sài Gòn.
Khi tiếp cận các tài liệu này cụ Phan Khoang trong tác phẩm Việt Sử Xứ Đàng Trong- 1967 cũng đã đưa hành trạng của vị Hoàng Hậu Cao Miên gốc Việt vào chương Nam Tiến, mục II trang 309:

- Vua Chân Lạp Chey Chetta II muốn tìm một đối lực để chống lại lân bang Tiêm La nguy hiểm kia, đã xin cưới một công chúa Nguyễn làm hoàng hậu, trông mong được sự ủng hộ của triều đình Thuận Hóa, và chúa Hi Tông, có mưu đồ xa xôi, năm 1620 đã gả cho vua Chân Lạp một công chúa...
Trong phần ghi chú ông có bàn :

 Việc này, sử ta đều không chép, có lẽ các sử thần nhà Nguyễn cho là việc không đẹp, nên giấu đi chăng? Nhưng nếu họ quan điểm như vậy thì không đúng. Hôn nhân chính trị, nhiều nước đã dùng, còn ở nước ta thì chính sách đã đem lại ích lợi quan trọng. Đời nhà Lý thường đem công chúa gả cho các tù trưởng các bộ lạc thượng du Bắc Việt, các bộ lạc ấy là những giống dân rất khó kiềm chế. Nhờ đó mà các vùng ấy được yên ổn, dân thượng không xuống cướp phá dân ta, triều đình thu được thuế má, cống phẩm; đất đai ấy, nhân dân ấy lại là một rào dậu kiên cố ở biên giới Hoa-Việt để bảo vệ cho miền Trung Châu và kinh đô Thăng Long. Đến đời Trần, chính đôi má hồng của ả Huyền Trân đã cho chúng ta hai châu Ô, Lý để làm bàn đạp mà tiến vào Bình Thuận. Sử ta không chép, nhưng theo các sách sử Cao Miên do các nhà học giả Pháp biên soạn, mà họ lấy sử liệu Cao Miên để biên soạn thì quả Chey Chetta II năm 1620 có cưới một công nữ con chúa Nguyễn. 
Giáo sĩ Borri, ở Đàng Trong trong thời gian ấy cũng có nói đến cuộc hôn nhân này. Xem "Đại Nam liệt truyện Tiền biên" (mục Công Chúa), thấy chúa Hi Tông (tức chúa Sãi) có bốn con gái, hai nàng Ngọc Liên, Ngọc Đãng thì có chép rõ sự tích chồng con, còn hai nàng Ngọc Vạn, Ngọc Khoa thì chép là "khuyết truyện", nghĩa là không có tiểu truyện, tức là không biết chồng con như thế nào. Vậy người gả cho vua Chey Chetta II phải là Ngọc Vạn hoặc Ngọc Khoa[sic].

Xem trong Đại nam liệt truyện, mục Truyện các công chúa- Chúa Hi Tông (Chúa Sãi- Nguyễn Phúc Nguyên) có bốn người con gái:
1- Hoàng nữ Ngọc Liên 
Là chị cùng mẹ với hoàng tử Kỳ gã cho trấn biên doanh trấn thủ phó tướng Nguyễn Phúc Vinh (Vinh là con trưởng Mạc Cảnh Huống).
2- Hoàng nữ Ngọc Vạn 
Là em cùng mẹ với hoàng tử Kỳ, không có truyện.
3- Hoàng nữ Ngọc Khoa 
Là em cùng mẹ với hoàng tử Kỳ, không có truyện.
4-Hoàng nữ Ngọc Đỉnh 
Sinh mẫu là ai không rõ, lấy phó tướng Nguyễn Cửu Kiều. Năm Giáp tý (1684, Lê Chính Hòa năm thứ 5), mùa đông, Ngọc Đĩnh Mất.
Tương tự, trong Généalogie des Nguyễn avant Gia Long (Phổ hệ nhà Nguyễn trước Gia Long) của hai cụ Tôn Thất Hân và Bùi Thanh Vân- Bulletin des Amis de vieux Huế- 1920; cũng chỉ ghi: Ngọc Vạn, Ngọc Khoa là con gái thứ của Sãi vương, không để lại dấu tích.

Không rõ có tài liệu nào ngoài suy đoán chưa chắc chắn của cụ Phan Khoan năm 1968 "Vậy người gả cho vua Chey Chetta II phải là Ngọc Vạn hoặc Ngọc Khoa" ; mà trong Biên Hòa Sử Lược Toàn Biên xuất bản năm 1971- tập 1 Trấn Biên Cổ Kính, mục 1- Lược Sử (qua các thời đại), trang 21; cụ Lương Văn Lựu chép:
- Năm 1618:
Vua nước Chân- Lạp (trở nên là Kampuchéa sau này) là Chey Chetta II, dời đô từ Lovéa- Em về Oudông (Vương-Luông-La- Bích ?), liên lạc với Đại-Việt, thôn tính lần hồi nước Chiêm-Thành và đến năm 1620, cưới công-chúa Ngọc-Vạn, ái nữ của chúa Sãi Hi-Tông Nguyễn-phước-Nguyên. Với cuộc hôn nhân Lạp-Việt nầy, đưa đến việc thiết-lập các cơ sở đầu tiên của Nguyễn- Chúa tại xứ Nông Nại. Phủ chúa đã gây ảnh hưởng mạnh-mẽ ở triều đình Lạp  Man và trên đất Thủy-Chân-Lạp [sic]

Đến năm 1995 bản sách Nguyễn Phúc Tộc Thế phả được xuất bản tại Huế, trong phần tiểu sử người con gái thứ hai của Chúa Sãi là hoàng nữ Ngọc Vạn- không có truyện, nay được bổ sung:
Để tỏ tình thân thiện với lân bang, năm Canh thân (1620), Ngài gả công chúa Ngọc Vạn cho  vua Chân Lạp là Chey-Chetta II. năm Quí hợi (1623) một phái bộ miền Nam đi xứ qua Chân Lạp xin với vua Chey-Chetta II nhường lại một dinh điền ở Mô Xoài gần Bà- rịa ngày nay, vua Chân Lạp phải bằng lòng. Ngoài ra vua còn cho người Việt đến canh tác tại vùng đó. [sic]

Ghi chép của linh mục Cristoforo Borri - Roma 1631

Lúc bấy giờ, vào thời điểm các sự việc xảy ra mà chúng tôi trình bày ở trên; tại Đàng trong hiện diện các linh mục thừa sai Dòng Tên; trong đó có linh mục Christoforo Borri, ông đã có những ghi chép đầy thú vị về vùng đất này.
 Linh mục Christoforo Borri sinh ra trong một gia đình có địa vị tại Milano- Ý. Ngày 16 tháng 9 năm 1601, ông gia nhập Dòng Tên khi 18 tuổi. Năm 1616, từ Ma Cao Borri được gửi đi truyền giáo tại Đàng trong cùng với linh mục Pedro Marques; hai người đáp thuyền vào năm 1618. Ông cùng với hai linh mục Francisco de Pina và Francesco Buzomi đến lập cơ sở truyền giáo tại Nước Mặn (Quy Nhơn). Borri ở Hội An từ 1618 đến 1622. 
Năm 1631, tại Roma, ông cho xuất bản cuốn sách nổi tiếng bằng tiếng Ý :
Relatione della nuova missione delli P.P. della Compagnia di Gesù al Regno della Cocincina , Rome, Francesco Corbelletti- 1631 (“Tường thuật về sứ mạng mới của các linh mục thuộc phái đoàn Dòng Tên ở Vương quốc Đàng Trong”).
Cùng năm này sách được tái bản ở Milan; một bản dịch tiếng Pháp của linh mục Antoine de la Croix, người xứ Renne, công bố ở Lille cũng vào năm 1631. Cuối cùng người ta dịch nó bằng tiếng Hà Lan ở Liège, bằng tiếng Latin ở Vienne, rồi bằng tiếng Đức và tiếng Anh (theo tư liệu trong B.A.V.H tập 1931); Trong tài liệu này Bori có vài dòng về lai lịch của cô con gái của Chúa Sãi gả cho vua Chân Lạp”.
Từ bản gốc xuất bản tại Ý “ Rome, Francesco Corbelletti- 1631”  trung tá A. Bonifacy, giảng viên tập sự bộ môn lịch sử địa phương ở Viện đại học Hà Nội, đặc phái viên của trường Viễn đông bác cổ đã dịch và được đăng trên B.A.V.H tập XVIII năm 1931, lai lịch của cô con gái của Chúa Sãi gả cho vua Chân Lạp” nằm tại trang 329- 330.
Nội dung:
“En outre, il est continuellement à préparer et à mettre en marche des farces pour soutenir le roi du Cambodge,  mari d’une de ses filles bâtarde, le secourant de ses galères et de ses soldats contre le roi du Siam. C’est ainsi que partout, aussi bien sur terre que par mer, résonne le nom glorieux, et est honorée la valeur des armées de la Cochinchine” [sic].

Bản dịch của trung tá A. Boniface, được kiểm duyệt bởi các học giả Viện Viễn Đông Bác Cổ, liệu có chính xác theo nguyên tác "Relatione della nuova missione delli P.P. della Compagnia di Gesù al Regno della Cocincina , Rome, Francesco Corbelletti- 1631"  hay không? và lai lịch cô con gái của Chúa Sãi gả cho vua Chân Lạp” mà linh mục Borri “mắt thấy tai nghe” ghi chép lại tại Đàng Trong từ năm 1618 đến năm 1621 liệu có khả tín hay không?...

Bí mật lịch sử vẫn còn ở trước mặt chúng ta!
Nguyên Phong- Lê Ngọc Quốc.

* Bản tiếng Ý cổ 1631:
In oltre ftà in continui preparamenti e moti d’arme
per fouuenire al Re di Cam-bogia marito d’vna fua figlia baftarda foccorrendolo e con Galere, e co’ foldati contro il Re de Siam, che però per ogni parte cofi di terra, come di mare rifuona gloriofo il nome, & honorato il grido del valore dell’Armi della Cocincina.

(Đa tạ lão đại đã nhọc công trợ giúp)

 Tranh vẽ được cho là cảnh hộ tống một công nương con chúa Sãi gả cho một thương gia Nhật Bản

Tranh mô tả sinh hoạt của người Đàng Trong trong tác phẩm
Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà 1792 - 1793
-J. Barrow.


Tranh mô tả sinh hoạt của người Đàng Trong trong tác phẩm
Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà 1792 - 1793
-J. Barrow.