Thứ Tư, 17 tháng 12, 2014

TÂY SƠN- MỘT GÓC NHÌN KHÁC (01)

TÂY SƠN- MỘT GÓC NHÌN KHÁC (01) Thứ Sáu 6/2/2015
Hoàng Đế Quang Trung- Nguyễn Huệ và Phong tào Tây sơn đã viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc trong những năm tháng cuối thế kĩ 18; đều ấy không ai có thể phủ nhận, nhưng có những hệ quả của nó và mặt trái của chế độ ấy cũng cần lật lại để suy gẫm, lần tìm lại không gian, cuộc sống và sự khốc liệt của chiến tranh mà quê hương ta, tổ tiên cha ông chúng ta phải gánh chịu vào thời điểm ấy! Thời khắc ấy, Biên Hòa ta có thể nói là trung tâm của vùng đất phương nam, Nông Nai Đại Phố sầm uất không thua Hội An, Phố Hiến....Thế mà chỉ trong khoảnh khắc...Như thế đủ thấy địch họa trên quê hương dấu yêu của chúng ta ngày ấy khủng khiếp đến nhường nào, nó tàn phá quê ta, cướp đi biết bao sinh mạng, biết bao gia đình ly tán!...
Có một định nghĩa : 
Tất cả các cuộc chiến tranh đều phi nghĩa!
copy trên net
....................

Binh lính Tây sơn (copy net)
Nhìn lại phong trào Tây Sơn
Trong bài viết ‘Rethinking the Tây Sơn Era’ (Nghĩ lại về thời Tây Sơn), giáo sư George Dutton, khoa Ngôn ngữ và Văn hóa châu Á, ĐH University of Californi Los Angeles (UCLA) không đồng ý với hai quan điểm cũ ở Việt Nam về triều đại Tây Sơn.
1/ Đó là cách nhìn của triều Nguyễn coi Tây Sơn là giặc hay ngụy triều, không có tính chính danh quyền lực
2/ hai là cách nhìn của các sử gia xã hội chủ nghĩa muốn lý tưởng hóa anh em nhà Tây Sơn, cho rằng họ là những lãnh tụ cách mạng từ nông dân mà ra và vì nông dân mà đấu tranh.
Bài viết này được trình bày tại Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần 2, tổ chức ở TP. HCM tháng Bảy 2004.
Sử gia George Dutton tìm lại các nguồn sử liệu Việt Nam và nước ngoài để chứng minh rằng những nhà lãnh đạo Tây Sơn trên thực tế không có mục đích giải phóng nông dân.
Theo ông, phong trào Tây Sơn tàn nhẫn không kém gì nhà Trịnh hay Nguyễn trong việc cưỡng bức nông dân phục vụ cho các chiến dịch quân sự và các công trình xây cất.

Theo George Dutton, cuộc sống của nông dân Việt Nam ở những nơi ba anh em Tây Sơn làm chủ hay chiếm đóng còn cực khổ hơn dưới ách chúa Trịnh hay chúa Nguyễn vì quân Tây Sơn liên tục tiến hành chiến tranh.
Quân Tây Sơn cũng nổi tiếng ưa đốt phá, cướp bóc và thường họ đến đâu chỉ một thời gian ngắn là dân chúng tìm cách trốn khỏi vùng họ kiểm soát, để tránh không bị cưỡng bức vào quân đội hay chế độ lao dịch. Đây là một trong những lý do khiến triều đại này sụp đổ nhanh chóng.
Nghĩa vụ quân sự
Theo tác giả Dutton, phong trào Tây Sơn gần như ở trong tình trạng lâm chiến triền miên. Ngoài những trận ban đầu đánh chúa Nguyễn, quân Tây Sơn đánh nhau với quân Trịnh năm 1786, sau đó nhiều lần tấn công ra Bắc, rồi xâm lăng Lào năm 1791, chuẩn bị đánh nhà Thanh để ‘lấy lại Lưỡng Quảng’ năm 1792, các trận đánh với quân Nguyễn Phước Ánh ở phía Nam v.v.
Giữa các anh em nhà Nguyễn Tây Sơn thỉnh thoảng cũng có xung đột quân sự như trận Nguyễn Huệ đánh nhau với Nguyễn Nhạc năm 1787. Và chỉ trong một trận đó, nguồn tin từ một nhà truyền giáo nước ngoài nói Nguyễn Nhạc mất tới 40 nghìn quân. Số quân lính Tây Sơn bị giết trong các trận đánh khác cũng rất lớn.
Để có quân lính phục vụ các chiến dịch, nhà Tây Sơn đã áp dụng chính sách cưỡng bức nông dân vào lính một cách tàn khốc. Sử gia George Dutton nói dù ban đầu có những nông dân hăng hái xung vào đội quân Tây Sơn, nhưng càng về sau này, hàng ngũ của họ không còn những người ‘nhiệt tình’ nữa, mà chỉ là lính quân dịch.
Dutton cũng nói rằng trên thực tế chế độ quân dịch dưới ách các chúa Trịnh và Nguyễn cũng không kém tàn khốc đối với nông dân, nhưng dưới chế độ Tây Sơn, người lính-nông dân phải liên tục ra trận và thường bị các cấp chỉ huy đối xử tàn bạo. Nhà Tây Sơn thẳng tay bắt lính và trừng trị nặng nề những ai không muốn theo họ.
Chế độ lao dịch
Theo George Dutton, dân chúng ở những vùng Tây Sơn làm chủ phải chịu chế độ lao dịch rất hà khắc. Dân chúng bị buộc phải tham gia xây dựng cách công trình quân sự và dinh thự.
Năm 1775, Nguyễn Nhạc bắt dân xây thành ở Chà Bàn để làm kinh đô cho ông ta năm 1776. Trong đợt tấn công ra Bắc năm 1786, Nguyễn Huệ cũng bắt dân đi lao công, gây ra phản ứng xấu trong dân chúng.
Sau khi chiếm được Phú Xuân, Nguyễn Huệ cho lính vây bắt dân chúng, buộc họ làm việc ngày đêm để củng cố lại thành quách làm chỗ ông ta cố thủ. Chỉ vài năm sau, Nguyễn Huệ lại bắt dân xây Phượng Hoàng Trung Đô ở Nghệ An, một công trình có tầm vóc rất lớn. Theo các sử liệu nước ngoài, dân địa phương phản đối và mạnh ai người nấy trốn.
Quân Tây Sơn còn hà khắc hơn các chúa Trịnh và Nguyễn trong việc áp dụng chế độ lao dịch. Dưới quyền của họ, quân lính bắt cả các nhà sư, phụ nữ và trẻ em đi phu. Chỉ có những bà mẹ đang cho con bú là được miễn.
Theo George Dutton, một trong những lý do khiến các công việc xây cất có nhiều dưới triều Tây Sơn là quân Tây Sơn hay đốt phá các công trình của đối thủ và cả các chùa chiền.
Việc dùng hỏa công như một cách tiến hành chiến tranh cũng góp phần tàn phá nhà cửa. Và sau khi chiếm được một đô thị, họ lại có nhu cầu phòng thủ và xây cất dinh thự cho các tướng lĩnh.
Huyền thoại cách mạng
Sử gia George Dutton cũng tìm cách giải thích vì sao có huyền thoại Tây Sơn như những người giải phóng. Theo ông, vào thế kĩ 18, trong một thời gian dài kéo qua mấy thế hệ, người dân, nhất là nông dân Việt Nam ở mọi miền đất nước đã chịu cảnh can qua không ngừng.Hàng trăm nghìn người bị giết trong các cuộc chiến giữa hai miền, Đàng Trong và Đàng Ngoài và giữa các thế lực quân sự khác nhau. Họ quá mệt mỏi, đau khổ và luôn mong ước thoát khỏi cảnh chiến tranh, áp bức.
Triều Tây Sơn, khởi đầu bằng một nhóm thương nhân người Việt cộng tác với người sắc tộc thiểu số vùng An Khê, đã xuất hiện như một thế lực mới.
Ban đầu, họ nổi tiếng là nhóm khởi nghĩa có tài đốt phá dinh thự, nhà cửa của quan lại và chia của cho dân. Dân chúng ở những vùng chưa biết đến họ đã mơ ước được giải phóng.
Chỉ có điều những người giải phóng này sau đó đã áp đặt một chế độ cưỡng bức quân dịch và lao động công ích không kém tàn khốc so với những lãnh chúa phong kiến khác.
Theo Dutton, hiện tượng ‘mơ ước’ được một thế lực khác đối xử tốt hơn cũng xảy ra với dân ở những vùng chưa biết đến chế độ của Nguyễn Phước ánh khi ông ta còn trú ẩn ở cực Nam. Nhìn chung, theo George Dutton thì trong suốt thế kỷ 18, không một thế lực nào ở Viêt Nam lại không áp bức nông dân, buộc họ đi phu đi lính.
Nhìn chung, nhà Tây Sơn cũng chẳng khác gì các triều khác, thậm chí còn có phần tàn khốc hơn. Nhưng theo phân tích của George Dutton thì sau khi triều Nguyễn thống nhất đất nước, hình ảnh ‘giải phóng’ của Tây Sơn phần nào đọng lại trong ký ức dân gian vì sự căm ghét đối với triều Nguyễn, chứ không phải là sự thực.
Trần Thượng Xuyên và Cù lao Phố
 Trần Thượng Xuyên tự Trần Thắng Tài (? – 1720), người tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), nguyên là tổng binh ba châu: Cao Châu, Lôi Châu, Liêm Châu dưới triều Minh.
Thất Phủ Cổ Miếu xây dựng 1684
Ông được coi là người đầu tiên có công khai khẩn với quy mô lớn vùng đất Biên Hòa, là người được chúa Nguyễn ban danh hiệu cao quý ''Nguyễn vi vương, Trần vi tướng, đại đại công thần bất tuyệt'' (Họ Nguyễn làm vua, họ Trần làm tướng, công khanh đời đời không dứt), được vua Minh Mạng, Thiệu Trị sắc phong "Thượng đẳng thần".Hiện nay sắc thần lưu giữ tại đình TÂN LÂN ở thành phố Biên Hòa
Trần Thượng Xuyên là tướng của chúa Nguyễn và rất trung thành. Năm 1644, vương triều Minh bị nhà Thanh tiêu diệt. Bốn tướng thuộc vương triều này là Dương Ngạn Địch, tổng binh đất Long Môn, cùng phó tướng Hoàng Tiến và tổng binh ba châu Cao - Lôi - Liêm Trần Thượng Xuyên, cùng phó tướng Trần An Bình theo Trịnh Thành Công (1623 - 1662) chiếm cứ đảo Đài Loan tiếp tục chống lại nhà Thanh.
Sau khi công cuộc “Bài Mãn phục Minh” thất bại, vào tháng giêng năm Kỷ Mùi (1679), bốn tướng kể trên đem hơn 3.000 quân và hơn 50 chiến thuyền sang các cửa biển Tư Dung (Thuận An) và Đà Nẵng, xin ở làm dân nước Việt.
Bấy giờ, chúa Hiền – Nguyễn Phúc Tần (1620-1687, ở ngôi 1648 - 1687) đang muốn đưa người đến khai khẩn đất Chân Lạp nên chấp thuận.
Đại Nam thực lục chép: ''Binh thuyền của Ngạn Địch và Hoàng Tiến vào cửa Soài Rạp đến đóng ở Mỹ Tho; binh thuyền của Thượng Xuyên và An Bình thì vào cửa Cần Giờ, đến đóng ở Bàn Lân (Biên Hòa). Họ vỡ đất hoang, dựng phố xá, thuyền buôn của người Thanh và các nước Tây dương, Nhật Bản, Chà Và đi lại tấp nập”.(Đại Nam thực lục Tiền biên, soạn năm 1844, Viện Sử học phiên dịch, NXB Sử học, Hà nội, 1962. tr. 136-140)



Cù lao Phố là một cù lao nằm trên Sông Đồng Nai, thuộc Biên Hòa Đồng Nai
Cù lao Phố là một dải đất sa bồi nằm ở phía Đông-Nam của thành phố Biên Hòa. Cù lao này khi xưa còn được gọi là Đông Phố, Giản Phố, Bãi Rồng, Cù Châu , Nông Nại Đại Phố.
Tên hành chính hiện nay là xã Hiệp Hòa, với tổng diện tích đất đai là 694,6495ha.
Tuy nằm cách biển nhưng là nơi sông sâu, nước chảy có thể đi đến mọi miền.
Người có công lớn trong công cuộc phát triển Cù lao Phố là Trần Thượng Xuyên.
Ban đầu, nhóm Trần Thượng Xuyên đến Bàn Lân (hay Bàng Lân) Khi đó, vùng này hãy còn là một nơi rừng rú) lập nghiệp. Nhưng do phần lớn nhóm người này ở vùng Đông Nam Trung Quốc nên thạo nghề buôn bán hơn nghề nông, nên họ đã chuyển từ Bàn Lân về cù lao Phố, là nơi có vị trí thuận lợi hơn để sinh sống.
Sự phát đạt của thương nghiệp đã lôi kéo những ngành nghề thủ công khác đến như: dệt chiếu, tơ lụa, gốm, đúc đồng, nấu đường, làm bột, đồ gỗ gia dụng, chạm khắc gỗ, đóng thuyền, làm pháo v.v..
Từ đấy, Cù lao Phố ngày càng phồn thịnh và nhanh chóng trở thành trung tâm thương mại và giao dịch quốc tế của cả vùng Gia Định, tức Nam bộ ngày nay.
Đại Nam nhất thống chí mô tả:
“Nông Nại đại phố, lúc đầu do Trần Thượng Xuyên khai phá, tức Trần Thắng Tài chiêu tập được người buôn nước Tàu, xây dựng đường phố, lầu quá đôi từng rực rỡ trên bờ sông, liền lạc năm dặm và phân hoạch ra ba nhai lộ: nhai lớn giữa phố lót đá trắng, nhai ngang lót đá ong, nhai nhỏ lót đá xanh, đường rộng bằng phẳng, người buôn tụ tập đông đúc, tàu biển, ghe sông đến đậu chen lấn nhau, còn những nhà buôn to ở đây thì nhiều hơn hết, lập thành một đại đô hội...” (Nguyễn Tạo dịch, quyển thượng, Biên Hòa, Nha Văn Hóa Bộ Quốc gia Giáo Dục xuất bản, Sài Gòn, 1959, tờ 25)
Cảnh mua bán rộn rịp cũng được Trịnh Hoài Đức ghi chép lại:
“Các thuyền ngoại quốc tới nơi này bỏ neo, mướn nhà ở, rồi kê khai các số hàng trong chuyến ấy cho các hiệu buôn trên đất liền biết. Các hiệu buôn này định giá hàng, tốt lẫn xấu, rồi bao mua tất cả, không để một món hàng nào ứ động. Đến ngày trở buồm về, gọi là “hồi đường”, chủ thuyền cần mua món hàng gì, cũng phải làm sẵn hóa đơn đặt hàng trước nhờ mua dùm. Như thế, khách chủ đều được tiện lợi và sổ sách phân minh. Khách chỉ việc đàn hát vui chơi, đã có nước ngọt đầy đủ, lại khỏi lo ván thuyền bị hà ăn, khi về lại chở đầy thứ hàng khác rất là thuận lợi…”(Gia Định thành thông chí, mục Xuyên sơn chí)
Nhà văn Sơn Nam viết:
“Vùng cù lao Phố, nòng cốt của Biên Hòa. Đây là vị trí xứng danh ải địa đầu, với đường bộ lên Cao Miên và đường thủy ăn xuống Sài Gòn. Nhóm dân Trung Hoa theo chân Trần Thượng Xuyên gây cơ sở lớn ở cù lao Phố, chọn vị trí thuận lợi, sát mé sông. Năm măm sau khi định cư, chùa Quan đế dựng lên” (Lịch sử khẩn hoang miền Nam'', NXB Văn nghệ, TP. HCM, 1994, tr.30)
Năm 1776 thì thương cảng lớn nhất tại miền Nam chính là Cù Lao Phố; nhưng khi Tây Sơn đưa quân vào Nam đánh chúa Nguyễn thì cù lao Phố bị chiếm trước tiên, tàn sát Hoa kiều vì họ ủng hộ Nguyễn Ánh và những phòng ốc, vật liệu bị phá hủy, một phần thì bị triệt hạ, đưa ra Qui Nhơn ( Quân Tây Sơn có thói quen dỡ nhà ,dinh dự ,của cải vàng bạc chở về Quy Nhơn ,phần nào lấy không được thì phóng hỏa đốt .Không riêng Cù lao Phố mà sau này Mỹ Tho đại phố và Chợ Lớn cũng bị tàn sát )
Việc Trần Thượng Xuyên cầm binh giúp Chúa Nguyễn lại trở thành một tai họa khi xãy ra cuộc chiến giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh. Trong khoảng những năm 1776- 1779, Cù Lao Phố đã bị tàn phá trong các cuộc giao tranh. Nhà cửa, tiệm buôn, phố xá, kho chứa hàng đều bị thiêu đốt. Đường xá bị đào bới (Vì người Hoa có thói quen chôn vàng bạc -Tây Sơn đào hy vọng kiếm vàng bạc ) , các cơ sở thủ công tan tành. Dân chúng bị tàn sát, thây lấp hết giòng sông quanh cù lao, nước đỏ ngầu vì máu. Đến cả tháng sau, những người sống sót không ai dám dùng nước ở sông vì ô nhiểm! Cả một vùng thương cảng sầm uất đã thành chiến địa tan hoang. Những người Hoa còn sống sót đã bồng bế nhau lánh nạn về Bến Nghé và là những người đã gầy dựng lại sự nghiệp, thành lập vùng Chợ Lớn về sau này!
Trịnh Hoài Đức mô tả: “Nơi đây biến thành gò hoang, sau khi trung hưng người ta tuy có trở về nhưng dân số không được một phần trăm lúc trước'' (Gia Định thành thông chí). Sau khi chợ búa cùng phố xá bị tàn phá nặng nề, các thương gia người Hoa rủ nhau xuống vùng chợ Lớn (nay là Quận 5 và Quận 6, thuộc Thành phố Hồ Chí Minh), sinh sống và lập những cơ sở thương mãi khác cho đến nay...
Kể từ đó, Cù lao Phố đánh mất vai trò là trung tâm thương mại của Đàng Trong mà thay vào đó là Chợ Lớn và Mỹ Tho.
Tây Sơn hủy diệt Mỹ Tho Đại Phố 



Mỹ Tho ngày nay 
Vào năm 1679, một nhóm khoảng ba ngàn người Minh Hương được Chúa Nguyễn cho định cư vùng đất mới này. Trong nhóm có Dương Ngạn Địch đứng ra lập Mỹ Tho đại phố ở làng Mỹ Chánh, huyện Kiến Hòa. Khu đại phố này kéo dài đến Cầu Vĩ, Gò Cát, tức khu vực xã Mỹ Phong hiện nay. Rất nhiều làng xã mọc lên xung quanh khu vực Mỹ Tho: Thái Trấn lập làng An Hoà (sau đổi là Thạnh Trị), Nguyễn Văn Trước lập làng Điều Hòa ( Khu vực đường Nguyễn Hùynh Đức bây giờ )
Dương Ngạn Địch “đem binh lính ghe thuyền chạy vào cửa Soi Rạp và Đại Tiểu hải khẩu rồi lên đồn trú ở xứ Mỹ Tho”. Đây là cuộc định cư có sắp đặt, “xá sai Văn Trinh và tướng thần lại Văn Chiêu đưa dụ văn sang Cao Miên bảo Thu Vương chia đất để cho bọn Dương Ngạn Địch ở. Tháng 5, Văn Trinh dẫn cả binh biền Long Môn và đưa ghe thuyền đến đóng dinh trại ở địa phương Mỹ Tho rồi dựng nhà cửa, tụ tập người Kinh, người Thượng (người Miên) kết thành chòm xóm”, “sau này mới lập dinh trấn, đều là tùy thời dời đổi, hoặc hướng Nam, hoặc hướng Bắc, hoặc đem tới, hoặc rút lui cũng chẳng ngoài địa cuộc ấy”.
Vào thế kĩ 17, Mỹ Tho đã trở thành một trong hai trung tâm thương mại lớn nhất Nam Bộ lúc bấy giờ (trung tâm còn lại là Cù lao Phố, Biên Hòa). Sự hưng thịnh của phố chợ Mỹ Tho cho thấy nền sản xuất nông - ngư nghiệp và kinh tế hàng hóa địa phương ở thời điểm đó đã có những bước phát triển đáng kể, đặc biệt là đối với ngành thương mại.
Cuộc tranh chấp bằng võ lực giữa Tây Sơn và Nguyễn Á làm nguy hại cho công nghiệp. Nói chung thì quân Tây Sơn không thâu phục được nhân tâm dân Nam Kỳ.
Tại Vĩnh Thanh, trong lúc Tây Sơn vào chiếm cứ thì dân chúng “đều chôn cất của cải không dám phơi bày ra, cho nên bọn cường đạo không cướp lấy được vật gì”.
“Chợ phố lớn Mỹ Tho, nhà ngói cột chạm, đình cao chùa rộng, ghe thuyền ở các ngả sông biển đến đậu đông đúc làm một đại đô hội rất phồn hoa huyên náo. Từ khi Tây Sơn chiếm cứ, đổi làm chiến trường, đốt phá gần hết, từ năm 1788 trở lại đây, người ta lần trở về, tuy nói trù mật nhưng đối với lúc xưa chưa được phân nửa”.
( Theo Lịch Sử Khẩn Hoang Miền Nam: Sơn Nam )
Tây Sơn tàn sát Chợ Lớn 



Chợ Lớn xưa 

Năm 1778 sau khi bị Tây Sơn phá hủy cù lao Phố -Biên Hòa ,người Hoa đành chạy về vùng Tây Cống thuộc Chợ Lớn ( Q5-6) ngày nay

Trước đó 2 năm vào tháng hai năm 1776, Nguyễn Lữ léo vào đất Gia Định. Tháng năm năm ấy, Nguyễn Lữ rút lui sau khi cướp lấy lúa kho, chở hơn 200 thuyền chạy về Quy Nhơn
Thương cảng Sài Gòn (nên hiểu là Chợ Lớn ngày nay) thành hình và phát triển nhanh từ năm 1778. “Từ khi Tây Sơn nổi lên, quan quân hội cả ở trấn Phiên An, thuyền buôn cũng dời đậu ở sông Tân Bình (sông Sài Gòn)”.
Nhưng 4 năm sau, năm 1782, Nguyễn Nhạc tới 18 thôn Vườn Trầu, bị phục kích thua thảm bại, hộ giá Ngạn của Tây Sơn tử trận. Nhạc nhận ra bọn phục kích là đạo binh Hòa Nghĩa (trước theo Tây Sơn) gồm nhiều người Tàu theo giúp Nguyễn Ánh.
“Nhạc bèn giận lây, phàm người Tàu không kể mới cũ đều giết cả hơn 10.000 người. Từ Bến Nghé đến sông Sài Gòn, tử thi quăng bỏ xuống sông làm nước không chảy được nữa. Cách 2, 3 tháng người ta không dám ăn cá tôm dưới sông. Còn như sô, lụa, chè, thuốc, hương, giấy, nhất thiết các đồ Tàu mà nhà ai đã dùng cũng đều đem quăng xuống sông, chẳng ai dám lấy. Qua năm sau, thứ trà xấu một cân giá bán lên đến 8 quan, 1 cây kim bán 1 quan tiền, còn các loại vật khác cũng đều cao giá, nhân dân cực kỳ khổ sở”.
Ngoài việc trả thù riêng người Tàu, Nguyễn Nhạc còn có dụng tâm tiêu diệt đầu não kinh tế của miền Nam, nơi chúa Nguyễn nắm được nhân tâm từ lâu.
Suốt thời gian tẩu quốc và phục quốc, vùng Gia Định trong đó có Chợ Lớn được xem là kinh đô của Nguyễn Ánh (1779—1801).
Quân Tây Sơn bị cô lập ở đất Gia Định vì những lý do sau đây :
— Dân khẩn hoang mang ơn các chúa Nguyễn, họ được khá giả hơn lúc ở miền Trung, đất tốt còn nhiều, chưa cần một chánh sách điền địa mới, hoặc một sự thay trào đổi chúa.
— Quân Tây Sơn không thâu phục được người Huê kiều (đốt chợ cù lao Phố, đốt chợ Sài Gòn, Chợ Lớn, phá chợ Mỹ Tho), là hậu thuẫn kinh tế cho Nguyễn ánh.
— Người Cao Miên ở Trà Ôn, người Đồ Bà (Chà Châu giang) đều có cảm tình và tích cực ủng hộ Nguyễn Ánh, nhờ đường lối chính trị mềm dẽo. Lúc bấy giờ quân Tây Sơn nặng lo những vấn đề ở Bắc hà (cựu thần nhà Lê) và còn lo đối phó với quân nhà Thanh. Quân Tây Sơn đánh giá quá thấp sức chịu đựng của Nguyễn Ánh, nhứt là chuyện Nguyễn Ánh cầu viện với nước Pháp. Pháp quốc lúc bấy giờ đang nuôi nhiều tham vọng, việc tổ chức quân đội của Pháp đạt kĩ thuật cao, với hải quân mạnh và võ khí tốt. Hành động của Bá Đa Lộc tuy phiêu lưu nhưng có nhiều tác dụng tốt cho Nguyễn Ánh .
( Theo Lịch sử khẩn hoang Miền Nam -Sơn Nam )
Nhà Tây Sơn, vì sao chóng suy vong?

Vì sao Tây Sơn không thể triệt tiêu hoàn toàn lực lượng Nguyễn Án để sau này họ phải gánh chịu đại họa?
Nguyên nhân :
1/Việc bất hòa nhiều lần giữa Nguyễn Nhạc & Nguyễn Huệ để lại hậu quả nghiêm trọng:
Rạn nứt đầu tiên có thể bắt đầu từ việc:
Nguyễn Huệ vào Thăng Long (21.7.1786) chính thức xóa sổ họ Trịnh, thống nhất đàng Trong với đàng Ngoài.
Sợ rằng Nguyễn Huệ một phương lừng lẫy khó kềm giữ, Nhạc từ Qui Nhơn cấp tốc mang 500 quân tín cẩn ra gọi về.
Chịu về nhưng Huệ đến Phú Xuân thì đóng binh lại. Nhạc sai sứ mời gọi song Huệ thoái thác cho rằng mặt Bắc chưa yên nên chưa thể về chầu.…
Nêu thêm một vụ việc khác :
Khoảng đầu năm 1787, Nguyễn Huệ mang quân 60.000 Nam tiến vây thành Quy Nhơn. Nguyễn Nhạc bị vây ngặt bèn gọi Đặng Văn Trấn, đang trấn thủ Gia Định, ra cứu. Trấn vâng lệnh mang quân ra, nhưng đến Phú Yên đã bị Nguyễn Huệ bắt sống.
Chiến trận rất khốc liệt, tổn thất của cả hai phía rất cao, đến nổi Nguyễn Huệ phải bắt thêm toàn bộ số đinh Thuận-Quảng vào lính, đến nỗi nhiều vùng không còn đàn ông nữa (theo thư của các linh mục Pháp).
Nguyễn Huệ nã pháo tới tấp vào thành Quy Nhơn. Nguyễn Nhạc bị vây bức quá phải lên thành khóc xin em đừng đánh thành nữa. Nguyễn Huệ bằng lòng giảng hòa với anh…
Thật lòng ở đây tôi không muốn và cũng không thể hạ thấp hình ảnh vị Anh hùng của dân tộc Việt, người mà các nhà giáo sĩ phương Tây so sánh với Alexandros Đại Đế, quân xiêm thì run sợ mỗi khi nhắc đến tên ông. Nhưng Nhà Tây Sơn mà ông là trụ cột chính sẽ tốt hơn, nếu ông ra sức hàn gắn, vun đắp tạo sự đoàn kết trong và ngoài vương triều.
2/Nguyễn Lữ không đủ tài trí để cai quản miền Nam:
Ở Gia Định là phần Nguyễn Lữ, nhưng ông này kém, giữ được 1 năm thì té chạy về Quy Nhơn rồi chết, ông Nhạc thì già rồi nên muốn ở yên mà hưởng lạc, mọi việc đánh đấm đều do Nguyễn Huệ đảm trách…
Nguyễn Huệ đã 4 lần vào đánh Gia Định, bắt Nguyễn Ánh phải mấy phen chạy trốn . Năm 1784, Ánh cầu viện quân Xiêm, Huệ dùng kế phục binh đã tiêu diệt hai vạn quân Xiêm và 300 chiến thuyền tại Rạch Gầm - Xoài Mút …
Ấy vậy mà :
Sau 3 năm lưu vong ở Xiêm, Nguyễn Ánh nhận ra cơ hội anh em nhà Tây Sơn bất hòa vừa kể, để về nước vào tháng 8 năm 1787.
Nghe tin Nguyễn Ánh trở về , Nguyễn Lữ vội vã lánh đi nơi khác để Gia Định cho Phạm Văn Tham nắm giữ. Sau đó nghe quân chúa Nguyễn ngày thêm lớn mạnh khiến Nguyễn Lữ càng sợ hãi mang quân bản bộ rút chạy về Quy Nhơn. Quân Tây Sơn đã mỏng lại càng mỏng. Mặc dù sau đó Phạm Văn Tham đã nỗ lực chống trả, nhưng vì không được viện binh trợ lực nên tháng 8 năm 1788, Nguyễn Ánh chiếm lại được Gia Định.
Phạm Văn Tham rút chạy ra ngoài nhưng vẫn cố đơn độc chiến đấu để chờ viện binh. Buồn sao lúc đó Nguyễn Nhạc chỉ lo phòng bị vua em là Nguyễn Huệ ở phía bắc mà không đoái hoài đến việc cứu phía nam nữa.
Thế cùng sức kiệt, đầu năm 1789 Phạm Văn Tham bị Nguyễn Ánh vây chặt, lại bị bịt đường chạy ra biển để về Quy Nhơn nên buộc phải đầu hàng. Tây Sơn mất hẳn Nam Bộ.
Ngẫm suy, lần nào vào Gia Định, Nguyễn Huệ cũng đều giành chiến thắng vẻ vang, nhưng chắc chắn quân Tây Sơn cũng phải hao tổn tiền của, xương máu không nhiều thì ít. Ấy vậy mà “ Tiết chế Lữ” không biết giữ gìn “cửa ngõ trọng yếu” đồng thời cũng là “vựa lúa lớn nhất nước” này, quả thật đáng chê trách…
Nói thêm : Vì sao Tây Sơn ,Nguyễn Lữ không được lòng dân Miền Nam ?
A./ Miền Nam là đất cũ họ Nguyễn.Tây Sơn không chính danh hơn Nguyễn Ánh trong mắt dân miền Nam.
B./ Khi chiếm Miền Nam thì Tây Sơn không chủ trương lo phát triển kinh tế ,họ chỉ lo vơ vét ,cướp bóc ,sưu cao thuế nặng .Tây Sơn không chủ trương coi Miền Nam là đất " nhà" nên họ không cần để ý vùng đất chiến lược giàu thóc gạo này ,đối với họ ,vùng đất Quy Nhơn và miền Trung mới là quan trọng .
C./ Lúc đầu khởi nghĩa vào Miền Nam ,Tây Sơn cũng được dân chúng ,phú hào địa chủ miền Nam ủng hộ rất đông vì họ cũng chán cảnh chiến tranh liên miên và những mệt mỏi của quan lại chúa Nguyễn mang lại .Nhưng sau những trận cướp bóc, đốt nhà, đốt chợ, bắt lính, bắt sưu, nhất là bắt lính cưỡng bức không phân biệt già trẻ, đàn ông hay đàn bà , hệ thống kinh tế trì trệ,chiến tranh được Tây Sơn tiến hành liên miên .Dân Miền Nam nhận ra rằng bộ máy Tây Sơn tồn tại được là do tiến hành chiến tranh, lấy chiến tranh nuôi chính quyền ....Nên có sự thất vọng và óan giận vì bản chất Tây Sơn bộc lộ còn tàn khốc hơn chúa Nguyễn (xem bài số 1 ), dần dà họ quay qua ủng hộ Nguyễn Ánh, dồn tất cả nhân tài vật lực cho Nguyễn Ánh để dẹp Tây Sơn .
2-Vua Quang Trung đột ngột qua đời, nội bộ càng rạn nứt trầm trọng:
Đang định chuẩn đem quân vào Nam đánh cứu Gia Định thì Nguyễn Huệ đột ngột qua đời (1792).Con là Nguyễn Quang Toản còn nhỏ tuổi lên nối ngôi, tức là vua Cảnh Thịnh. Nội bộ liền xảy ra tranh chấp, quyền hành rơi vào tay ngoại thích Bùi Đắc Tuyên…
Vào năm cuối của thế kĩ 19, đốc học Ngô Giáp Dậu, thuộc dòng tộc
“ Ngô gia văn phái” viết trong sách Hoàng Việt Long Hưng Chí:
...Quang Toản tư cách nhu nhược, nối ngôi mà giao việc nước cho người cậu gian tham, do đó không thể chế ngự được bọn quyền thần, không thể làm được việc gì nữa…
Xin nêu thêm một vụ việc cũng được chép trong sách ấy:
Bấy giờ Quang Trung mới qua đời được mấy tháng, thái úy Phạm Công Hưng vâng mệnh vua Quang Toản đem 4 vạn quân vào cứu nguy cho Nguyễn Nhạc, nhưng lại ngầm tương kế tựu kế chiếm thành, Nguyễn Nhạc uất ức quá mà chết (10/1793)…
Sau đấy, Quang Toản phong cho con Nguyễn Nhạc là Nguyễn Bảo tước Hiếu Công, cho ăn lộc một huyện và gọi đó là “tiểu triều”. Năm 1789, Nguyễn Bảo âm mưu cấu kết với Nguyễn Ánh nhưng việc bại lộ, Quang Toản nổi giận sai người giết chết Bảo và do nghi ngờ, đã giết luôn cả một số tướng lĩnh khác từng có nhiều công lao như Lê Trung, Nguyễn Văn Huấn…Quân Tây sơn vì thế mà nản lòng, nhiều người bỏ chạy sang Nguyễn Ánh.
Nội bộ Tây Sơn còn xảy ra lắm chuyện khác như:
Vũ Văn Dũng giết Bùi Đắc Tuyên và Ngô Văn Sở (1795), Trần Quang Diệu đang đi đánh Nguyễn Ánh, nghe tin bị nghi oan đành rút quân về, định cùng với Lê Văn Trung phế Quang Toản lập Quang Thiệu. Việc không xong, Quang Thiệu và Trung bị giết, Trần Quang Diệu hòa giải với Vũ Văn Dũng.
Trần Trọng Kim trong sách Việt Nam sử lược luận bàn điều này như sau:
Tháng 8 năm 1792, Vua Cảnh Thịnh tuy đã lên ngôi nhưng mà việc gì cũng do ở thái sư là Bùi Đắc Tuyên quyết đoán cả. Bùi Đắc Tuyên là anh ruột bà Thái Hậu, cho nên uy quyền lại càng hống hách lắm. Các quan văn võ có nhiều người không phục, bởi vậy cho nên về sau trong triều phân ra bè đảng; các đại thần giết hại lẫn nhau. Vả lại lúc bấy giờ có chúa nhà Nguyễn là một bậc có tài trí, quyết chí phục thù, cho nên cơ nghiệp nhà Tây Sơn không được bao lâu mà đổ nát vậy… (không đoàn kết, chia bè chia đảng, thực chất là không có nền tảng triều đình, bản chất nông dân hẹp hòi khi làm chính trị )
4/Sai lầm chiến lược, chiến thuật:
a. Việc vây kinh thành Quy Nhơn:
Năm 1800–1801, Trần Quang Diệu vây kinh thành Quy Nhơn cũ của vua Thái Đức (Nguyễn Nhạc) vừa mới bị quân Nguyễn Ánh đánh chiếm. Trận vây thành rồi bị cầm chân kéo dài gần một năm ở đây, tạo thời cơ tốt cho Nguyễn Ánh đánh chiếm Phú Xuân rồi bắt sống Quang Toản.( tướng thủ thành của nhà Nguyễn là Võ Tánh tự vẫn)
b. Trận chiến đấu cuối cùng tại Lũy Trấn Ninh :
Tóm tắt theo sử sách, bà Bùi Thị Xuân cưỡi voi liều chết đánh lũy Trấn Ninh, nơi Nguyễn Ánh đang cố thủ, từ sáng đến trưa chưa chịu lui. Rồi bà còn giành lấy dùi tự tay thúc trống liên hồi.
Nào ngờ vua Cảnh Thịnh nhát gan thấy quân Nguyễn tràn qua nhiều, tưởng nguy khốn liền cho lui binh.Ngay lúc đó bà cũng nhận được tin Nguyễn Văn Trương phá tan thủy binh của Tây Sơn ở cửa biển Nhật Lệ (Quảng Bình) cướp được hầu hết tàu thuyền và tướng giữ cửa Nguyễn Văn Kiên cũng đã đầu hàng .
Trước tình thế đang thắng thành bại này đội quân của bà Bùi Thị Xuân bỏ cả vũ khí, đạn dược để chạy …
Đây có thể nói là trận chiến đấu oanh liệt cuối cùng của bà để hòng cứu vãn tình thế.Nhưng ngờ đâu nhà Tây sơn, sau trận này thêm trượt dài trên đà suy vong, không sao gượng lại được nữa…
Viết về những sai lầm này, Ngô Giáp Dậu- cũng trong sách nêu trên- phê phán việc quân của vua quan nhà Tây Sơn như sau:
...Vây thành Qui Nhơn mà lại rút bỏ đồn quan trọng ở cửa Thị Nại, đến đánh ở sông Trường Giang mà bỏ mất kinh đô Phú Xuân. Rốt cuộc phải chạy ra Đông Cao để rồi lại đưa quân quyết chiến bên dòng Linh Thủy, cuối cùng bị cướp ở Xương Giang, thân phải chịu cảnh bị đóng củi cầm tù…
5/ Thế lực Nguyễn Ánh mỗi ngày thêm lớn mạnh:
-Công tâm mà nói, chúa Nguyễn cũng là một hào kiệt có thừa dũng chí, dù bị thua hết trận này đến trận khác, chạy trốn hết nơi này đến nơi khác, bao lần đối đầu với “cái chết trước mắt”; vẫn không từ bỏ quyết tâm giành lại cơ đồ.
Mãi đến khi chúa Nguyễn “đem giang sơn về một mối, nam bắc một nhà” rồi chính thức lên ngôi vua, ông đã ở tuổi 40 (1802); nghĩa là Nguyễn Ánh đã “ nằm gai nếm mật” suốt 24 năm dài!
-Bên cạnh chúa Nguyễn cũng không hề thiếu những tướng sĩ tài giỏi, chiến đấu khá thuần thục trên địa hình vùng sông nước Nam Bộ.
Thêm nữa, ông còn được đa phần cư dân miền Nam, nơi giàu thóc lúa góp công, góp của và còn tin yêu:
" Lạy trời cho nổi gió nồm,
Cho thuyền chúa Nguyễn dong buồm ra khơi."( để tiến ra miền Trung, đánh quân Tây Sơn)
- Nguyễn Ánh là người gặp nhiều may mắn và cũng là người biết tận dụng cơ hội:
Vừa 4 tuổi, cha mất, 16 tuổi chỉ riêng mình ông chạy thoát rồi được tướng sĩ tôn làm chúa soái, thay thế Duệ tông & Mục tông bị Nguyễn Huệ bắt giết chết năm 1776.
Sau này, Nguyễn Ánh còn gặp nhiều lần may mắn nữa, xin chỉ kể hai chuyện để minh họa:
-Tháng 8 năm 1783, quân Tây Sơn truy kích, Ánh chạy một vòng ra các đảo Cổ Long, Cổ Cốt rồi lại quay về Phú Quốc. Quân Tây Sơn vây đánh nhưng ngay lúc đó có bão biển, các thuyền Tây Sơn phải giãn ra, sau 7 ngày đêm lênh đênh trên biển, Ánh thừa cơ lại trốn thoát chạy hẳn ra đảo Thổ Chu cách thật xa đất liền …
- Ở bài soạn về Tả Quân Lê Văn Duyệt (1764- 1832), :
Năm Lê Văn Duyệt lên 17 tuổi, một cơ may đến với ông là, đêm hôm đó chúa Nguyễn bị quân nhà Tây Sơn đuổi gấp. Nhờ mưa to gió lớn tàu thuyền của đối phương không đuổi kịp.Tưởng vậy đã yên, nào ngờ khi vừa đến Vàm Trà Lọt thì thuyền chở chúa bị sóng lớn làm cho suýt chìm.Lê Văn Duyệt xuất hiện đúng lúc, cứu Nguyễn Ánh thoát nạn. Biết là gặp dòng dõi chúa Nguyễn, cụ Lê Văn Toại hết sức cung kính, cho tất cả tạm trú ở đây, nhân đó ông Duyệt được tuyển dụng làm thái giám .
-Mặc dù sau lần cử Giám mục Bá-đa-lộc cùng hoàng tử Cảnh sang Pháp cầu viện không thành .Nhưng nhờ vị Cha cố hết lòng này kêu gọi và thuê mướn, nên dưới trướng Nguyễn Vương lúc bấy giờ đã có nhiều quan chức người nước ngoài đảm nhiệm việc mua sắm vũ khí của phương tây, xây dựng thành lũy, huấn luyện quân đội theo phương pháp hiện đại.
Và có thể nói Nguyễn Ánh là người luôn biết chớp thời cơ như chuyện nhân anh em nhà Tây Sơn lục đục mà đánh chiếm Gia Định vào năm 1788 như vừa kể trên là một ví dụ.
Nói gọn, tất cả cho thấy, tài năng chiến trận của Ánh không sao sánh bằng Huệ, nhưng sau khi Huệ chết, khó có ai là đối thủ của ông ta. Nguyễn Ánh có được những tướng tài,hết sức trung thành ,còn bên Tây Sơn thì nội bộ lục đục ,chia năm chia bảy không đoàn kết .
6.Nguyên do cuối cùng:
Sau những chiến công vang dội của nhà Tây Sơn mà người nổi trội hơn cả là Nguyễn Huệ, như: lần lượt tiêu diệt hai tập đoàn phong kiến thối nát Trịnh - Nguyễn, đánh tan năm vạn quân Xiêm (1784) và 20 vạn quân Mãn Thanh xâm lược( 1789) cùng sự cai trị khôn khéo của người anh hùng này như nghiêm trị bọn cướp bóc, bênh vực người yếu, lấy gạo tiền của kẻ giàu quen thói bốc lột chia sẻ cho phận khốn cùng vv…
Vậy mà, ngay khi lòng quân dân đang hồ hởi, tin yêu vào vị “anh hùng áo vải”( xuất thân cùng tầng lớp của họ) thì cũng là lúc Nguyễn Huệ đột ngột mất đi trong khi nhiều mặt của một triều đại non trẻ vẫn chưa có gì khởi sắc; mà liền sau cái chết ấy, người ta chỉ thấy một triều chánh rạn vỡ mau chóng vì tranh giành quyền lợi, quyền lực…một xã hội luôn bị xáo trộn vì nạn đao binh, vì thói cát cứ của các thế lực …
Tất cả đã khiến lòng quân dân trở nên ngán ngẩm, thất vọng rồi phai nhạt dần niềm tin yêu…
Và những dòng mà tôi cố ý tô đậm ngay bên trên, theo tôi đó mới chính là nguyên do bao trùm mọi nguyên do, khiến nhà Tây Sơn tiêu vong chóng vánh …
Một Nguyễn Huệ giỏi đánh, chỉ đánh mà không lo phát triển kinh tế, một Nguyễn Huệ anh hùng chống Thanh nhưng bỏ quên mất vựa thóc gạo miền Nam, một triều đình chỉ biết lấy chiến tranh làm phương tiện trong khi bỏ quên kinh tế thì trước sau cũng sụp đổ mà thôi .
Nguyễn Huệ dù giỏi nhưng Tây Sơn tồn tại 14 năm cũng đã là dài .

Nguồn(Trích: Vườn tình nhân)
ĩnh quê mình!: Vĩnh Hưng - Kẻ Vĩnh - Kẻ Vịnh - Cái Vịnh