Đàn Xã Tắc Thành Biên Hòa đước đánh dấu số 1 trong bản đồ năm 1862. |
Đàn Xã Tắc, là một trong các loại đàn tế cổ xưa của Trung Quốc, đàn Xã Tắc là nơi được lập để tế Xã thần (Thần Đất 社) và Tắc thần (tức Thần Nông 稷) - hai vị thần của nền văn minh lúa nước. Người xưa quan niệm, dân chúng cần có đất ở, nên lập nền Xã để tế thần hậu thổ, lại cần có lúa ăn, nên lập nền Tắc để tế thần nông. Nếu để nước mất thì sẽ mất Xã Tắc, nên Xã Tắc cũng có nghĩa là đất nước, tổ quốc; Chính vì quan niệm như thế, nên từ xa xưa, các triều đại Trung Hoa, và Việt Nam đàn Xã Tắc có vị trí vô cùng quan trọng, thiêng liêng; nên việc lập đàn, tế lễ luôn được coi trọng giữ gìn, ước mong dân giàu nước mạnh, mãi mãi trường tồn.
Khi vua Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi và định đô ở Hoa Lư năm (968) cho xây dựng cung điện, ra định chế nghi lễ triều đình, sách lập quan chức, và cho xây đàn Xã Tắc.
Năm 1048, thời vua Lý Thái Tông đóng đô ở Thăng Long (Hà Nội) đàn Xã Tắc đã được xây đắp.
Đàn phải được xây dựng tại địa điểm không gian thoáng đãng, cảnh vật hoàn toàn thanh tịnh, sạch sẽ.
Khi một vương triều phong kiến bị thay đổi thì đàn Xã Tắc của triều đại trước cũng bị xóa bỏ và triều đại sau sẽ tìm địa điểm mới. Thời nhà Ngô lập đàn ở Sơn Tây, nhà Đinh lập đàn ở Hoa Lư, thời nhà Lý lập đàn ở Thăng Long, Hà Nội, thời nhà Trần lập đàn ở Thiên Trường, Nam Định, thời nhà Hồ lập đàn ở Thanh Hóa, thời Tây Sơn (1788- 1801) lấy chùa Thiên Mụ- Huế làm nền đàn Xã Tắc, thời nhà Nguyễn lập đàn ở Huế ( phường Thuận Hòa).
Các triều đại sau luôn phế bỏ quyền thống trị của triều đại trước và đương nhiên cũng phế bỏ long mạch, linh khí liên quan đến, Đàn Xã Tắc của triều đại trước, rồi dựng nên tín ngưỡng cho triều đại mình.
Năm 1806 vua Gia Long cho lập đàn Xã Tắc bên trong Kinh thành Huế; hàng năm xuân thu hai kỳ nhà vua thường đích thân làm lễ cầu thần đất và thần lúa cho mùa màng tốt tươi, quốc thái dân an.
Biên Hòa vốn là đất địa đầu của nam bộ, là nơi được xác lập hành chánh đầu tiên của vùng đất mới phương nam; nơi lập Biên Trấn trông coi công cuộc di dân, khai hoang lập ấp, mở mang bờ cõi. Vì thế khi chỉ dụ Minh Mạng năm 1832 vừa ban hành thì Biên Hòa cũng là một trong số các địa phương vâng lệnh, cho đắp đàn Xã Tắc ngay trong năm ấy. Quy mô kiểu dáng, phương hướng đều theo hội điển do triều đình quy định.
Công việc này do quan đứng đầu tỉnh lúc bấy giờ là Võ Quýnh tuần phủ kiêm bố chánh thực hiện. Xây dựng tại phía tây tỉnh thành, thuộc địa phân thôn Bình Thành, huyện Phước Chánh, thờ thần Xã Tắc bổn tỉnh (bên phải cổng thành hướng nam- hiện nay là khu vực cuối đường cách mạng tháng tám, gần hẻm 291 chùa Bửu Sơn ( chùa một cột).
Đàn được đắp đất sét sạch, nguyên liệu lấy từ các xã huyện trong toàn tỉnh (Lúc ấy Biên Hòa bao gồm cả các vùng : một phần Bình Phước, Bình Dương, Thủ Đức, Thủ Thiêm, Bà Rịa Vũng Tàu). Đàn xây trên nền đất cao, rộng thoáng hình vuông có hai tầng:
Tầng trên chu vi khoảng 17m, thành cao khoảng 0,45m sơn màu vàng, mặt nền Đàn tế sơn 5 màu ở 5 phương vị: chính giữa màu vàng, đông xanh, tây trắng, nam đỏ, bắc đen.
Ở giữa có 2 am : bên phải thờ bài vị của thần Xã (thần đất), bên trái thờ bài vị của thần Tắc (thần lúa). Trên nền có bệ đá khoét lỗ để cắm tàn, lọng dù.
Tầng dưới chu vi khoảng 120m, cao khoảng 0.85m sơn màu đỏ. Mặt trước hai bên có bệ đá có đục lỗ để cắm tàn, lọng dù. Chung quanh có lan can và trụ bằng đá. Phía bắc trổ Phượng Môn (hướng về kinh đô- Vua), đông- tây- nam thì dựng cửa thường. Trước đàn cách đường lộ, có hồ đá vuông làm minh đường. (50 năm trước còn dấu vết trong hẻm 291- khu quán lẩu tôm năm Ri, nay nhà dân xây dựng đã mất dấu)
Vì là nơi tế lễ quan trọng bậc nhất tỉnh, nên triều đình nhà Nguyễn chỉ dụ cho quan đầu tỉnh phải làm chủ tế. Vị quan đầu tỉnh phải trai giới, tinh khiết, giữ thân sạch sẽ trước ngày vào lễ. Ngày chánh lễ, gần giờ Tý, chủ tế quan phục, cân đai, mũ mão, xiêm áo, tề chỉnh; đi cáng từ Thành Biên Hòa đến Đàn. Đoàn rước lễ đi theo thứ tự dưới ánh đuốc sáng trưng, và đèn đinh- điệu (?) chập chờn.
Văn võ quan lại, binh lính trang phục nghiêm chỉnh. Đoàn binh lễ mang chiêng trống, tàn lọng, cờ đuôi nheo năm sắc, 28 lá cờ nhị thập bát tú. Đội quân nhạc: loa kèn, đội ngũ lôi, cổ nhạc. Voi, ngựa cũng đeo chuông, yên, bành màu sắc rực rỡ. Ngoài ra cũng có một kiệu gỗ chạm rồng ( long đình) sơn son thếp vàng để sắc chỉ, vật quí giá, ngọc, lụa…để tế.
Đoàn xuất hành từ hướng cửa bắc (nay là hướng đường Phan Đình Phùng đi đường Nguyễn Ái Quốc, rẽ trái xuống đường Hồ Văn Đại đến giáp đường CMT 8); Lối đi lên Đàn ở từng dưới chia là 3 phần: chính giữa giành cho “Thần” đi, chủ tế, quan viên thì đi 2 bên. Xong đến tầng trên, làm lễ đốt một con nghé (phần sài), và chôn một ít lông và máu của con vật hiến tế (Ế mao). Khi quan viên trợ tế xướng lệnh “Đăng đàn”; chủ tế nghiêm chỉnh bước lên Đàn chánh. Các quan tuần phủ, bố chánh, án sát, thành thủ, đề lại, thông lại, thơ lại…Cùng bước theo vào theo hướng hai bên bệ cấp trái, phải. Các nghi và văn cúng tương tự như nghi lễ trong các hội cúng đình nam bộ ngày nay. Có đội lễ sinh hang chục người múa và đọc chúc văn- khấn nguyện. Lễ tất, các thực phẩm chia cho các quan lại theo phẩm tước. Quan chủ tế cũng có phần riêng, là ly rượu (phúc tữu) và miếng thịt (tri phúc tợ). Sau đó đoàn tế lễ trở về Thành Biên Hòa cũng theo con đường cũ, trong tiếng kèn, trống nhạc rộn rã!
Ngày nay cũng như nhiều tỉnh trong cả nước, Đàn Xã Tắc Biên Hòa đã không còn nữa, dấu tích chỉ còn được ghi chép trong sử sách ( Huế đã phục dựng). Lễ tế Thần xã tắc là hình thức tín ngưỡng lâu đời của cư dân nông nghiệp; Đàn thờ Đất và Ngũ Cốc . Đất sinh ra cây trái, ngũ cốc để nuôi sống con người nên được coi là bậc Thần linh có sức sống mãnh liệt. Con người phải nhờ đất mà ở, nhờ thóc để ăn, nên ngày xưa từ thiên tử cho đến thần dân đều coi trọng tế Thần Xã Tắc. Hai chữ xã tắc còn tượng trưng cho đất nước. Xã Tắc còn nước còn, Xã Tắc mất thì nước mất.
Văn cúng, văn tế hán nôm và các nghi thức, nhạc lễ hiện nay ở các đình miếu nam bộ có thể có nguồn gốc từ lễ tế Xã Tắc. Ngày nay tại các cơ sở văn hóa dân gian này, nó được phục dựng, phát huy mạnh mẽ góp phần gìn bản sắc văn hóa dân gian!
Biên Hòa 02/10/2016
Đàn Xã Tắc – Huế (mới phục dựng) |
Tam Sanh (ảnh tư liệu tham khảo) |
Di tích đàn Xã Tắc Thăng Long- Hà Nội |
(1) Gia Định thành thông chí- Trịnh Hoài Đức
(2) Hoàng Việt thống nhất dư địa chí- Lê Quang Định
(3) Đại Nam Thực Lục- Quốc sử quán
(4) Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn Biên Hòa- Nguyễn Đình Đầu.
(5) Đại nam Quốc Lược Sử- Alfred Schreinr, Sài Gòn 1906
(6) Khâm định đại nam hội điển sự lệ-Nội các triều Nguyễn.
(7) Đại Nam nhất thống chí- Nội các triều Nguyễn.
(8) Biên Hòa sử lược toàn biên- Lương Văn Lựu.
(9) 85 sắc phong ở Miếu công thần tại Vĩnh Long.Thư viện khoa học tổng hợp Tp HCM 2013.
(10) 290 năm (1715- 2005) Văn Miếu Trấn Biên- Thành Ủy, UBND Thành phố Biên Hòa
(11) Đại Nam Thực Lục, Quốc Sử Quán Triều Nguyễn
(12) Minh Mệnh Chính Yếu, Quốc Sử Quán Triều Nguyễn.
(13) Việt Nam phong tục – Phan Kế Bính.
(14) Việt điện u linh tập- Lý Kế Xương.
(15) Văn cúng- văn tế hán nôm ở Đồng Nai, Bảo Tàng Đồng Nai
(16) Cơ sở tín ngưỡng và truyền thống ở Biên Hòa, Phan Đình Dũng
(17) Theo Đàn xã tắc Thăng Long của Tiến sĩ Vũ Thế Khanh.
(18) Một số tài liệu trên internet và tư liệu điền dã