Thứ Ba, 27 tháng 12, 2016

THÀNH HOÀNG MIẾU- THÀNH CỔ BIÊN HÒA

THÀNH CỔ BIÊN HÒA
6/MIẾU THÀNH HOÀNG (
城隍廟)
Bức ảnh của một tác giả nước ngoài chụp miếu thổ thành hoàng của Biên Hòa những năm 1966~ 1968
Miếu Thành hoàng là nơi thờ vị thần bảo hộ, nhưng bảo hộ nơi đô hội thành trì, bởi “thành” là thành lũy và “hoàng” là hào sâu bao bọc thành lũy.

Sách Việt Nam phong tục chép:
Xét về cái tục thờ Thần hoàng (hiểu là thần Thành hoàng) này từ trước đời Tam Quốc(Trung Quốc) trở về trước vẫn đã có, nhưng ngày xưa thì nhà vua nhân có việc cầu đảo gì mới thiết đàn cúng tế mà thôi. Đến đời nhà Đường, Lý Đức Dụ làm tướng, mới bắt đầu lập miếu Thần hoàng ở Thành Đô; kế đến nhà Tống, nhà Minh, thiên hạ đâu đâu cũng có lập miếu thờ.

Nước ta thuở bấy giờ đang lúc nội thuộc, tục Tàu truyền sang đến bên này, kế đến Đinh, thì việc thờ quỷ thần đã thịnh hành rồi.

Nhưng cứ xét cái chủ ý lúc trước, thì mỗi phương có danh sơn (ngọn núi có tiếng), đại xuyên (sông lớn); triều đình lập miếu thờ thần sơn xuyên (núi sông) ấy để làm chủ tể (người đứng đầu) cho việc ấm tí một phương thôi. Kế sau, triều đình tinh biểu (làm cho thấy rõ công trạng, tiết tháo) những bậc trung thần nghĩa sĩ và những người có công lao với nước, thì cũng lập đền cho dân xã ở gần đâu thờ đấy. Từ đó dân gian lần lần bắt chước nhau, chỗ nào cũng phải thờ một vị để làm chủ tể trong làng mình...Dân ta tin rằng: Đất có Thổ công, sông có Hà bá; cảnh thổ nào phải có Thần hoàng ấy; vậy phải thờ phụng để thần ủng hộ cho dân, vì thế mỗi ngày việc thờ thần một thịnh...

Theo các nhà nghiên cứu, thì việc thờ Thần hoàng được đề cập lần đầu tiên ở bài Chuyện thần Tô Lịch trong sách Việt điện u linh:

Thời Đường Mục Tông, niên hiệu Trường Khánh thứ 2 (năm 822) quan Đô hộ Lý Nguyên Hỷ (hoặc Gia) thấy ngoài cửa bắc thành Long Biên có một dòng nước chảy ngược mà địa thế khả quan, mới tìm khắp, chọn một nơi cao ráo tốt, để có dời phủ lỵ đến đó...Nhân dịp ấy, y mới giết trâu đặt rượu, mời khắp các vị kỳ lão hương thôn đến dùng và thuật rõ là muốn tâu vua Tàu xin phụng Vương (ý nói đến thần sông Tô Lịch) làm Thành Hoàng. Trên dưới đều đồng lòng...Đến khi Cao Biền đắp thành Đại La, nghe đủ sự linh dị, thì lập tức sắm lễ điện tế, dâng cho hiệu là Đô Phủ Thành Hoàng Thần Quân. Đời Lý Thái Tổ lúc dời đô, thường mộng thấy một cụ đầu bạc, phảng phất trước bệ rồng...(Sau khi hỏi rõ lai lịch) nhà vua liền khiến quan Thái Chúc (chức quan lo việc cầu đảo phúc lành) đưa rượu chè đến tế, phong làm Quốc Đô Thăng Long Thành Hoàng Đại Vương. Dân cư (đến) cầu đảo hay thề nguyền điều chi, thì lập tức họa phúc linh ứng ngay.

Năm 1802 sau khi thắng Tây Sơn, Nguyễn Ánh lên ngôi lấy hiệu là Gia Long, chọn Huế làm kinh đô, từ thời điểm ấy Huế được tu bổ, tôn tạo xây dựng thành lũy, đền đài, miếu vũ để xứng tầm là trung tâm chính trị, văn hóa của cả nước. Năm 1809 vua Gia Long cho xây miếu Đô Thành Hoàng (miếu thờ thành hoàng của thủ đô) tại phường Vệ Quốc, ở bên phải trong kinh thành Huế. Chính đường, tiền đường đều 3 gian. Bên trái, bên phải phối thờ theo đều 5 gian. Ở giữa thờ Đô Thành Hoàng, hai bên cho phối thờ các vị Thành Hoàng của các tỉnh. Mỗi năm tế lễ 2 kỳ vào ngày trọng xuân và trọng thu, lấy ngày canh sau ngày tế đàn xã tắc. Quan võ được sai phái đến làm chủ tế. Đến năm 1890, hạ giải (tháo dỡ toàn bộ công trình) trùng tu sạch đẹp hơn xưa.
Trước đó năm 1841vua Thiệu Trị xuống dụ:
“Từ trước đến giờ thần vị Thành hoàng các trực tỉnh, từng được phụ thờ ở miếu Đô Thành Hoàng tại kinh thành. Năm trước bộ Lễ nghị xin cho các hạt làm thần bài, bày thờ ở miếu Hội Đồng thuộc hạt mình, rồi đổi gọi miếu Hội đồng là miếu Thành Hoàng; sau đó căn cứ các hạt tư lên bộ kê khai thần hiệu trong miếu hội đồng, rất là không giống nhau; vì thế chuẩn cho được thờ như cũ, đợi sau lại xuống chỉ cho thi hành. Trẩm kính nối nghiệp lớn, được theo chỉ tiên đế cử hành lễ trọng, sắp đặt phẩm trật các thần, nghĩ rằng: Các thần vị trước đây thờ ở miếu Hội Đồng, phần nhiều là thần thượng đẳng, giúp nước che chở dân, có công đức rõ rệt, chưa tiện cho thay đổi ngay, kiến nghị của bộ Lễ trước đây không được chu đáo, mà lòng vua do dự khá lâu, là vì thế. Nay chính như cần nhắc đó cho hợp lễ, vậy thông dụ cho các trực tỉnh được làm miếu riêng thờ thành hoàng ở nơi gần tỉnh, thành, doanh, để làm chỗ tôn thờ; còn miếu hội đồng cũ, vẫn cho phụng thờ theo như trước, không nên thay đổi. Chỗ được làm miếu riêng thờ thành hoàng, cách thức và nên cấp đồ thờ, phép thờ, thì đều do bộ Lễ, bộ Công bàn tâu xin thi hành. Phải kính tuân dụ này!”

Thế là chuẩn lời nghị cho các địa phương đều lập lên 1 tòa miếu thờ thành hoàng ở hạt tỉnh mình, hàng năm mùa xuân mùa thu có tế lễ; lễ phẩm bằng 1 bò, 1 heo, 1 mâm xôi, 2 mâm quả phẩm do viên lãnh binh, hoặc một viên quản vệ khâm mạng làm lễ.

Lại chuẩn cho chiêu mộ dân ngoại tịch (dân tạm cư) lấy 5 người sung làm phu miếu.
Miếu năm 2013
Ở Biên Hòa, miếu Thành Hoàng cũng được xây dựng theo chỉ dụ của triều đình ban năm 1841. Đây là thiết chế tín ngưỡng văn hóa quan trọng của triều đình, đến trước thời điểm Pháp xâm lược nước ta; từ kinh sư, phủ thừa thiên đến 2 đạo Hà Tỉnh, Phú Yên và 26 tỉnh từ bắc chí nam đa số đều được cho xây dựng miếu Thành Hoàng để thờ tự.
Trong Biên Hòa sử lược toàn biên- quyển Trấn Biên cổ kính; cụ Lương Văn Lựu có chép: Miếu Thổ Thần (Ông Thổ) (ấp Thành Long, xóm chùa một cột) nguyên là miếu Thành Hoàng, lập từ năm Thiệu Trị nguyên niên (1841), hằng năm chọn ngày trung canh (mồng 10 tháng giêng ) làm lễ giỗ.
Chúng tôi đã có nhiều lần điền dã tại ngôi miếu này;
Bác Từ người có công lớn trong việc trùng tu miếu Thành Hoàng

Theo lời của bác thủ từ Miếu Thổ Thần hiện tại; sau năm 1975 miếu bị bỏ hoang, xuống cấp trầm trọng...nhiều năm sau dân làng sở tại cùng nhau quyên góp, xây dựng lại miếu thờ khang trang như ngày nay gọi là Miếu Thổ Thần! hàng năm lệ cúng vẫn giữ nguyên vào ngày Trung Canh, mồng 10 tháng giêng Âm lịch. Hiện tại miếu có phối thờ thêm bà Thiên hậu, Quan thánh đế, Cửu thiên huyền nữ, nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của dân chúng tại địa phương. Giữa thờ Thiên Hậu thánh mẫu, bên trái thờ Quan thánh đế quân,bên phải thờ Cửu thiên huyền nữ.
Tượng thật đẹp!

Theo lời Bác từ thì bài vị này là di vật cổ còn sót lại!
Mặt sau bài vị: Đinh Vị niên nhị nguyệt cát tạo
Nếu tính từ thời điểm năm 1841, khi vua Thiệu Trị lệnh cho các địa phương thỉnh thần hoàng bổn cảnh các trực tỉnh (đang thờ ở miếu Đô Thành Hoàng Huế), về thờ trực tiếp tại địa phương của mình thì các năm Đinh Vị (Đinh Mùi, ghi sau bài vị trên) tính cho đến ngày nay là các năm: 1847, 1907 và 1967.
Bàn thờ Tiên Sư
Bình phong đậm chất nam bộ!

Bàn thờ Thần Hổ!
Sau bao biến cố thăng trầm lịch sử, trong khi các di tích xưa của đất Trấn Biên năm nào như : Văn Miếu, Miếu Hội Đồng, Miếu Trung Tiết, Nền Xã Tắc, Ruộng Tịch Điền, Thành Cổ... có cái bị mai một, có cái bị di dời đi vị trí khác...thì Miếu Thành Hoàng Biên Hòa vẫn tồn tại, hiện diện ngay nơi nền móng cũ, được nhân dân tôn tạo, nhang khói thường xuyên; trong khi đó cả nước hầu như các cơ sở thờ tự Thành Hoàng xưa đều không còn! Đây cũng là một niềm tự hào của dân chúng sở tại, thật đáng trân trọng !
Biên Hòa, trọng xuân 2013
Lệ cúng mùng 10 tháng giêng
Miếu Thành Hoàng Thành Biên Hòa được đánh dấu trong bản đồ của người Pháp vẽ sau khi chiếm Biên Hòa (1862)
Trích : Thành Biên Hòa cùng các cơ sở thiết chế văn hóa tín ngưỡng (bản thảo)
Nguyên Phong- Lê Ngọc Quốc


TÀI LIỆU THAM KHẢO:
(1) Việt Điện U Linh- Lý Kế Xương.

(2) Việt Nam Phong Tục- Phan Kế Bính.

(3) Khâm định đại nam hội điển sự lệ-Nội các triều Nguyễn.

(4) Đại Nam nhất thống chí- Nội các triều Nguyễn.

(5) Biên Hòa sử lược toàn biên- Lương Văn Lựu.

(6) Minh Mệnh Chính Yếu, Quốc Sử Quán Triều Nguyễn.

(7) Văn cúng- văn tế hán nôm ở Đồng Nai, Bảo Tàng Đồng Nai

(8) Cơ sở tín ngưỡng và truyền thống ở Biên Hòa, Phan Đình Dũng

(9) Một số tài liệu trên internet và tư liệu điền dã
Biên Hòa, đông chí 2016


















Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét