Thứ Năm, 19 tháng 7, 2018

NAM TIẾN- THƯỢNG ĐẲNG THẦN TRẦN THƯỢNG XUYÊN


  THÊM NHỮNG TƯ LIỆU VỀ TRẦN THƯỢNG XUYÊN
Huỳnh Ngọc Đáng *

* Tiến sĩ, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Bình Dương





Trần Thượng Xuyên là thành viên tích cực của phong trào phản Thanh phục Minh ở Trung Quốc nhưng sau đó đã theo về với chúa Nguyễn và được chính quyền Đàng Trong trọng dụng. Tên tuổi của ông đã được Quốc sử quán triều Nguyễn ghi chép khá trân trọng trong bộ Đại Nam liệt truyện. Tuy nhiên, có những chi tiết về tiều sử của nhân vật lịch sử này cần được nghiên cứu, bổ sung.
Năm 2006, Hội Sử học Bình Dương tổ chức hội thảo về nhân vật Trần Thượng Xuyên. Hội thảo đã góp phần quan trọng về khoa học trong việc hệ thống các tư liệu về thân thế, sự nghiệp của Trần Thượng Xuyên. Trong cuộc hội thảo đó, đã có các tham luận đề cập về thân thế, sự nghiệp và nhất là những vấn đề chung liên quan đến năm sinh và mất, gia đình, lý tưởng chính trị, động cơ di cư đến Đàng Trong...của Trần Thượng Xuyên. Tuy nhiên, trong cuộc hội thảo đó, nhìn chung các tham luận chỉ lấy tư liệu từ các công trình của Sử quán triều Nguyễn và các tác giả trước đây có viết về Trần Thượng Xuyên như Trịnh Hoài Đức, Lương Văn Lựu, Vũ Huy Chân....Do tư liệu vừa ít, vừa bó hẹp như vậy nên còn nhiều chi tiết về thân thế và sự nghiệp của Trần Thượng Xuyên chưa được làm rõ.
Gần đây, với sự phát triển phong phú của mạng internet, người quan tâm đến việc nghiên cứu về Trần thượng Xuyên đã tiếp cận được nhiều trang bài viết về nhân vật này. Các học giả người Quảng Đông, nhất là các bạn trẻ người Trung Quốc trên các blog, trao đổi nhau khá nhiều về Trần Thượng Xuyên. Những bài viết này, về đại khái, có thể phân thành hai dạng: một là
những bài đăng trên các blog; thường là chép lại nhau để rồi bình luận, tán tụng đủ thứ. Thậm chí có blogger còn phất lên rằng Trần Thượng Xuyên sang An Nam thi đỗ, làm quan, được dân chúng tin nhiệm đưa lên làm vua gọi là Việt vương...Nhìn chung dạng này không có giá trị khoa học. Dạng thứ hai là các bài viết của các học giả người Quảng Đông. Trong đó, người viết dùng cả tư liệu từ Việt Nam như Gia Định Chí của Trịnh Hoài Đức, Đại Nam Thực Lục của Sử quán triều Nguyễn...và đặc biệt đáng quan tâm là các tác giả đã đưa ra nhiều tư liệu lấy từ các gia phả địa phương nhất là bộ gia phả của họ Trần ở Điền Đầu thôn, quê hương của Trần Thượng Xuyên, rất có giá trị khoa học về mặt sử liệu. Trong các bài viết thuộc dạng này có thể chú ý đến ba bài viết sau:
- Bài Hoa kiều tiên khu Trần Thượng Xuyên 華僑先驅陳上川1 công trình nghiên cứu của Hội Nghiên cứu Văn hóa Châu Giang tỉnh Quảng Đông. Bài này được trang web của họ Trần ở Quảng Đông đăng nguyên văn.
- Bài Việt Nam trứ danh kiều lãnh Trần Thượng Xuyên 越南著名僑領陳上川2 đăng trong mục trứ danh nhân vật của website Hội Kiều liên tỉnh Quảng Đông. Nguyên bài này là của tác giả Lạc Quốc Hòa 駱国和 và bài này đã từng đăng trên Trạm Giang nhật báo của tỉnh Quảng Đông
- Bài Lịch sử sảng nhiên ám phi thương 歷史愴然暗飛傷3 tác giả là Hải Anh Tử 海英子, đăng trên website Wind.yinsha.com.
Ngoài ra còn có những trang tư liệu khác lấy từ các website có uy tín như baidu.com, hudong.com với từ khóa là Trần Thượng xuyên bằng Pinyin (chenshangchuan).
Qua các tư liệu đó có thể bổ sung những nhận định mới chung quanh thân thế và sự nghiệp của Trần Thương Xuyên.
1. Về năm sinh và năm mất:
Đây là điểm rất khác nhau giữa các tham luận trong cuộc hội thảo về Trần Thượng Xuyên đã nói ở đoạn trên. Do các sách vở của Sử quán triều
Nguyễn không ghi nên các tham luận nói khác nhau: hoặc là theo bài vị trong đền thờ của Trần Thượng Xuyên, hoặc là theo suy đoán của Lương Văn Lựu trong Biên Hòa Sử Lược...
Bài vị trong đền thờ ghi ông sinh giờ Dậu ngày 3 tháng 11 năm Ất Mùi tức là năm 1655 và mất ngày 8 tháng 11 năm canh Thìn tức là năm 1700.
Chắc chắn bài vị đã ghi không chính xác vì nếu sinh năm 1655 thì khi nhà Minh mất nước (1645) Trần Thượng Xuyên vẫn chưa sinh ra mà phải đến 10 năm sau ông mới chào đời. Vậy thì làm sao ông lại là Tổng binh ba châu Cao-Lôi-Liêm nhà Minh như nhiều người vẫn thường nói.
Bài vị ghi ông mất năm canh Thìn (1700) có lẽ là nhầm vì sử ta còn ghi rõ năm 1715 Trần Thượng Xuyên cùng Nguyễn Cửu Phú đem quân vây đánh Nặc Thâm ở thành La Bích. Còn Lương Văn Lựu thì dựa vào chi tiết ghi trong Thực Lục rằng "kế Thượng Xuyên bị bệnh chết" 4 nên cho rằng ông mất năm 1720 là năm Canh Tý.
Các tư liệu mới được giới thiệu ở trên đều ghi khá thống nhất về ngày sinh và mất của Trần Thượng Xuyên. Tất cả đều ghi ông sinh ngày mồng 4 tháng 9 năm Bính Dần, Minh Hy Tông năm thứ 6; tính theo dương lịch là ngày 23 tháng 10 năm 1626 và mất vào năm 1715.
Tác giả Hải Anh Tử trong bài viết đã giới thiệu ở đoạn trên đã ghi khá cụ thể: Sanh năm Thiên Khải thứ sáu đời Minh Hy tông, âm lịch là ngày 4 tháng 9, dương lịch là ngày 23 tháng 10 năm 1626, mất vào mùa hạ Thanh Khang Hy năm thứ 54, dương lịch là năm 1715. Hưởng thọ 90 tuổi...5 Trang web Hutong mục Bách khoa từ điêu cũng ghi tương tự: sinh ngày 4 tháng 9, năm Minh Hy Tông thứ 6, dương lịch là ngày 23 tháng 10 năm 1626. Chết vào năm Thanh Khang Hy thứ 14 tức năm 1715 theo dương lịch. Các bài viết khác cũng đều ghi khá thông nhất về ngày tháng năm sinh và mất của Trần Thượng Xuyên như trên.
Các tác giả ghi chép ngày sinh năm mất của Trần Thương Xuyên là căn cứ vào ghi chép của bộ gia phả tộc Trần có tên là 田頭村陳氏族譜 (Điền
Đầu thôn Trần thị tộc Phổ). Theo đây thì Trần Thương Xuyên sinh năm 1626. Như vậy khi quân Thanh đánh đổ triều Minh (1645), ông là một thanh niên vừa tròn 20 tuổi. Điều này là phù hợp với các hành trạng của Trần Thượng Xuyên trong khoảng thời gian gần 40 năm sau đó khi ông là thành viên tích cực của phong trào phản Thanh phục Minh với chức Tổng binh Cao-Lôi- Liêm. Đến năm 1679, khi ông dẫn binh thuyền bản bộ sang đầu phục chúa Nguyễn ở Đàng Trong thì ông đã 53 tuổi.
Cũng theo đây thì năm mất của Trần Thượng Xuyên mà cả bài vị của ông trong đền thờ ở Biên Hòa và suy diễn của Lương Văn Lựu, như đã nhắc ở đoạn trên, đều sai. Tất cả các tài liệu mới đều ghi ông mất năm 1715, tức là ngay sau khi ông phối hợp cùng Nguyễn Cửu Phú đánh thành La Bích. Wesite tộc Trần ở Quảng Đông ghi rõ: 同年夏,陳上川因積勞成疾而病逝,享年90 6. Như vậy là do lao lực thành bệnh nên ông đã mất ngay mùa hè năm 1715, sau khi thắng trận quay về, hưởng thọ 90 tuổi. Năm mất này là phù hợp với ghi chép trong Đại Nam Thực Lục tiền biên của Sử quán triều Nguyễn: "...kế Thượng Xuyên bị bệnh chết...".
2. Về Chức vụ Tổng binh Cao-Lôi-Liêm.
Các tài liệu mới đều có ghi chép về chức vụ này. Điều này cho thấy sự thực ông có đảm đương công việc quan trọng đó. Tuy nhiên, cần phải nói cho rõ chức vụ đó do ai phong, vào thời điểm nào...? Các sách vở trước nay, cả Gia Định Chí của Trịnh Hoài Đức đến Đại Nam Thực Lục và các sách vở khác của Sử Quán triều Nguyễn đều ghi rằng đó là chức vụ do triều Minh phong cho ông. Người đời sau khi viết về Trần Thương Xuyên, do không có điều kiện và khả năng xử lý, thẩm tra tư liệu nên cứ dựa vào đó mà cho rằng ông là quan Tổng binh ba châu triều Minh. Thực hư điều này ra sao ?
Khi triều Minh vừa mất, Trần Thượng Xuyên chỉ mới là một thanh niên 20 tuổi. Ông cũng không phải là người học hành thi cử đỗ đạt. Các tài liệu chỉ ghi rằng ông thuở nhỏ thông minh cần mẫn, giỏi thơ văn7 (上川少年聰
敏,學 制藝,善詩能文. Vậy thì ông làm Tổng binh lúc nào, do đâu mà được phong chức ấy? Các tài liệu mới đều ghi chép khá thống nhất: Năm Thanh Thuận Trị thứ 3 (1646), Quế vương Chu Do Lang tiếp ngôi nhà Minh ở Triệu Khánh, Quảng Đông, Trần Thượng Xuyên đã tham gia lực lượng này cùng chống Thanh. Năm Thanh Khang Hy thứ 2 (1663), Trần Thượng Xuyên nhận chức vụ Tổng binh Cao Liêm Lôi của chính quyền Trịnh Thành Công. Năm sau, ông lãnh binh thuyền đánh bại và truy kích quân Thanh ở Khâm Châu, chiếm cứ vịnh Khâm Châu, lãnh lệnh tuần hành Nam Hải, ra vào các cảng biển suốt từ Đông kinh đến Quảng Nam, Cao Miên để bảo vệ các thương thuyền của lực lượng Trịnh Thành Công phái vãng đi buôn bán khu vực này…8
Tác giả Hải Anh Tử càng nói cụ thể thêm rằng sau khi Quế vương Do Lang tức hoàng đế Vĩnh Lịch bị quân Thanh bắt giết, Trần Thượng Xuyên đã gia nhập lực lượng Đài Loan của Trịnh Thành Công, lãnh chức Tổng binh 3 châu Cao, Lôi, Liêm 9. Như vậy cả hai tài liệu này đều ghi rõ Trần Thượng Xuyên có tham gia chính quyền Vĩnh Lịch của tôn thất nhà Minh là Quế vương Do Lang, thậm chí là thành phần tích cực của lực lượng này, khi Quế vương Vĩnh Lịch bị quân Minh bắt giết rồi ông vẫn tiếp tục duy trì chính quyền này để kháng Thanh. Nhưng ngay sau đó ông đã về dưới trướng của Trịnh Thành Công khi vị "Quốc Tính" gia này chiếm được Đài Loan từ người Hà Lan và thiết lập căn cứ kháng chiến, thành lập một chính quyền "phản Thanh phục Minh". Trần Thượng Xuyên đã hoạt động rất tích cực và ông được Trịnh Thành Công phong chức Tổng binh Cao-Lôi-Liêm, giúp chính quyền họ Trịnh tuần tra vùng biển phía Nam, bảo vệ các thương thuyền của chính quyền Đài Loan đi lại cả vùng Đông Nam Á. Ông đã từng có lúc bôn tập Khâm Châu, đánh bại quân Thanh ở đây và ra vào uy hiếp Nam Kinh. Như vậy chức Tổng binh đó là do chính quyền họ Trịnh phong cho Trần Thượng Xuyên, năm 1662. Suốt 18 năm trước đó ông đã tham gia
phục vụ chính quyền kháng chiến Vĩnh Lịch nhưng không thấy ghi chép có được phong chức tước gì.
3. Gia đình, quê hương và thời niên thiếu.
Trịnh Hoài Đức là người đầu tiên ghi chép về Trần Thượng Xuyên trong bộ Gia Định Chí đã không viết gì về quê hương bản quán của Trần Thượng Xuyên. Sau này, Sử quán triều Nguyễn soạn bộ Thực Lục và Đại Nam Nhất Thông Chí gần như chép lại những gì Cấn Trai tiên sinh đã ghi chép trước đó. Đại khái, các tư liệu đều ghi chung chung là Trần Thương Xuyên quê tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Các tài liệu sau này như Biên Hòa Sử Lược của Lê Văn Lựu, Minh Hương lược khảo của Tô Nam Nguyễn Đình Diêm có ghi thêm rằng ông quê huyện Ngô Xuyên, phủ Cao Châu tỉnh Quảng Đông. Riêng trong Hội thảo về Trần Thượng Xuyên (năm 2006), ông Lâm Văn Lang đại diện Ban Quý tế của đình Tân Lân, Biên Hòa là nơi thờ cúng Trần Thượng Xuyên có tham luận, trong đó ghi khá rõ về quê hương của ông dựa theo những gì ghi trên bài vị thờ Trần Thượng Xuyên ở chùa Thanh Lương trước đây: "...nguyên quán xóm Ngũ Giáp Điền Thủ, ấp Nam Tam Đô, huyện Ngô Xuyên, phủ Cao Châu tỉnh Quảng Đông..." So với những tài liệu mới thì những ghi chép trên trong bài vị tương đối thông nhất. Hải Anh Tử ghi: Tiên tổ Trần Thượng Xuyên là người thôn Điền Đầu, đô Nam Tam, huyện Ngô Xuyên, phủ Cao Châu triều Minh (nay là thôn Điền Đầu, đảo Nam Tam, thành phố Trạm Giang10 . Trang web Hudong ghi tương tự: Minh triều Cao Châu phủ, Ngô Xuyên huyện, Nam Tam đô, Điền Đầu thôn...nhưng lại ghi chú có khác về tên địa danh hiện nay là thôn Điền Đầu, trấn Nam Tam, Khu Pha Đầu, thành phố Trạm Giang 明朝高州府吳川縣 南三都田頭村(今湛江市坡頭區南三鎮田頭村)人...11
Từ đô trong Nam Tam đô có nghĩa như là một đơn vị hành chánh thời Minh, Thanh, giữa cấp huyện và thôn, tương tự như cấp tổng của Việt Nam ngày xưa.
Website tộc họ Trần cũng ghi tương tự như trang web Hudong12 .
Như vậy thì so với các ghi chép trong bài vị, các tư liệu mới đều thông nhất cả tên tỉnh (Quảng Đông), phủ (Cao Châu), huyện (Ngô Xuyên). Dưới đó là cấp đô thì trên bài vị lại ghi thành địa danh (Nam Tam Đô) mà không cho biết đó là cấp hành chính gì. Cần hiểu lại chính xác đó là đô Nam Tam và cuối cùng là thôn Điền Đầu (Thôn là đơn vị hành chính cơ sở dưới thời Minh, Thanh ở Trung Quốc và triều Nguyễn Việt Nam). Bài vị còn ghi cụ thể thêm xóm Ngũ Giáp (Xóm không phải là đơn vị hành chánh). Vì sao có sự khác nhau giữa tên Điền Đầu thôn với địa danh Điền Thủ (trong bài vị) ? Có thể khi ghi chép vào bài vị người ta đã nhầm giữa chữ Đầu và chữ Thủ . Ta có thể đoan chắc rằng đó là Điền Đầu vì đến ngày nay, địa danh này vẫn còn và còn có cả bộ gia phả họ Trần ở địa phương có tên là 田頭村陳氏族譜 (Điền Đầu thôn Trần thị tộc Phổ). Ngay cả tên Nam Tam đô, đến nay địa danh Nam Tam vẫn còn. Đó là một quần đảo gồm 10 đảo lớn nhỏ diện tích 123,4 km2 , trong đó có 3 đảo lớn xinh đẹp 13, là một trấn của khu Pha Đầu thuộc thành phố Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông.
Tóm lại, dù có một vài khác biệt giữa các ghi chép trong bài vị và các tài liệu mới nhưng ta vẫn có thể tạm thống nhất được rõ ràng, đầy đủ quê hương bản quán của Trần Thượng Xuyên là : xóm Ngũ Giáp, thôn Điền Đầu, đô Nam Tam, huyện Ngô Xuyên, phủ Cao Châu, tỉnh Quảng Đông. Nay là thôn Điền Đầu, trấn Nam Tam, khu Pha Đầu, thành phố Trạm Giang tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.
Các tư liệu trước nay không cho biết gì về gia đình và thời niên thiếu của Trần Thượng Xuyên. Ông Lâm Văn Lang, đại diện cho ban Quý tế đình Tân Lân, nơi hiện nay thờ phượng Trần Thượng Xuyên trong tham luận ở
Hội thảo khoa học về Trần Thượng Xuyên có nói đến một trong hai bài vị được thờ ở chùa Thanh Lương có ghi tên một người là Trần Tam Xá. Lâm Văn Lang cho đó là bài vị thờ người em của Trần Thượng Xuyên. Tất cả các tư liệu từ trước tới nay mà ta biết đều không có tên Trần Tam Xá. Vậy liệu Trần Tam Xá có phải là em ruột của Trần Thượng Xuyên hay không, hay chỉ là người bà con gần hoặc xa, cùng di cư sang Đàng Trong và có quá trình sinh tử gần gũi với Trần Thượng Xuyên? Theo tham luận của Lâm Văn Lang thì bài vị ghi Trần Tam Xá sinh ngày 25 tháng 3 năm Bính thân, còn bài vị của Trần Thượng Xuyên ghi Trần Thượng Xuyên sinh ngày 3 tháng 11 năm Ất mùi. Như vậy theo hai bài vị này thì Trần Tam Xá chỉ kém Trần Thượng Xuyên xấp xỉ 4 tháng tuổi. Nếu tư liệu này chính xác thì chắc chắn Trần Tam Xá không phải là em ruột của Trần Thượng Xuyên vì không thể có người em nào chỉ nhỏ hơn anh ruột có xấp xỉ 4 tháng tuổi !!
Trần Thượng Xuyên có anh em cùng cha cùng mẹ nào không?
Theo Hải Anh Tử, Trần Thượng Xuyên có 3 anh em ruột: “căn cứ vào ghi chép trong tộc phổ họ Trần ở Điền Đầu, Trần Thượng Xuyên anh em có 3 người: anh là Diên Xuyên, Thượng Xuyên thứ hai, em là Như Xuyên. Anh Diên Xuyên chuyển về ngụ ở Quỳnh Nam, kinh doanh mua bán, sống chết ra sao không rõ. Người em Như Xuyên dời về ở thôn Sơn Hào, huyện Toại Khê thuộc vùng Hồ Quang, quy ẩn sơn lâm, không rõ tin tức ”14
Như vậy là căn cứ vào tộc phả họ Trần ở Điền Đầu thôn, Hải Anh Tử cho biết Trần Thượng Xuyên có người anh tên là Trần Diên Xuyên và người em tên Trần Như Xuyên. Nhưng trong bài viết đăng ở website tộc Trần lại xuất hiện tên một người khác được gọi là tộc đệ Trần Thánh Âm, người mà sau khi Trần Thượng Xuyên chết đã được tập chức lãnh binh, rồi sau khi Thánh Âm chết con của ông là Trần thụy Xương tiếp tục được “tập chức lĩnh binh tam đại” 15
Do chi tiết này được tác giả bài viết lấy ra từ tộc phả họ Trần Điền Đầu thôn nên nhân vật Trần Thánh Âm chắc chắn là có thật. Ở đây ghi rõ là "tộc
đệ" nên có thể hiểu đó chỉ là em họ chứ không phải là anh em ruột với Trần Thượng Xuyên như hai ông Diên Xuyên và Như Xuyên đã nói đến ở trên. Việc con cháu họ Trần được "tập chức lĩnh binh tam đại" là việc hoàn toàn có thể vì triều Nguyễn sau này đã thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với Mãn Thanh; và đến lúc này Mãn Thanh cũng không quá nặng nề truy bức con cháu của các phần tử phản Thanh phục Minh nữa, nhất là với con cháu của Trần Thượng Xuyên, một công thần của triều Nguyễn. Sau Trần Thánh Âm là Trần Thụy Xương, một trong 3 người con trai của Thánh Âm (Thụy Trinh, Thụy Xương và Thụy Tường) tiếp tục được tập chức.
Về người con của Trần Thượng Xuyên là Trần Đại Định, Đại Nam Thực Lục của Sử quán triều Nguyễn ghi chép khá chi tiết, nhất là về khí khái và cái chết oan ức của ông trong nhà ngục do bị quyền thần Trương Phước Vĩnh ám hại. Đại Định được minh oan và được chúa Nguyễn truy tặng là Đô Đốc Đồng Tri, thụy là Tương Mẫn. Con của Đại Định, tức cháu nội của Trần Thượng Xuyên là cháu gọi Mạc Thiên Tứ bằng cậu ruột, sử ghi "làm quan tới chức Cai Đội". Các tài liệu mới ở Quảng Đông đều nhắc lại đầy đủ sự kiện oan ức của Đại Định mà không có thêm chi tiết nào khác .
Về tên tuổi song thân và gia cảnh của Trần Thượng Xuyên không có tài liệu nào ghi rõ. Tác giả Hải Anh Tử chỉ cho biết: đến năm 1642, khi Trần Thượng Xuyên 16 tuổi thì cả song thân đều cùng qua đời, ông phải theo cậu sang phủ Triệu Khánh để tiếp tục sự học. Còn trước đó một năm, ông qua được cuộc khảo thí để trở thành sinh viên và nhập học ở phủ Cao Châu. Gia cảnh nhà ông lúc trước khá giả, chỉ khó khăn khi cha mẹ qua đời. Ông thiếu thời thông minh cần mẫn, học hành thông tuệ, giỏi thơ văn16
Tổng hợp những gì mà các tư liệu mới cung cấp, ta có thể tạm thời viết lại tiểu sử Trần Thượng Xuyên như sau:
Trần Thương Xuyên sinh ngày mồng 4 tháng 9 năm Bính dần, Minh Hy Tông năm thứ 6; tính theo dương lịch là ngày 23 tháng 10 năm 1626 và mất vào năm Thanh Khang Hy năm thứ 54, dương lịch là năm 1715. Nguyên
1 http://www.chens.org.cn/sept2009/Article/ShowArticle.asp?ArticleID=157; 2009-11-3
2 http://www.gdql.org/qjjy/ShowArticle.asp?ArticleID=2014; 2009-11-3
3 http://wind.yinsha.com/a/2/200612/2006120112491443.htm; 2009-11-3;
4 Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên; NXB KHXH 1995, trang 254
5 Nguyên văn là... 生于明熹宗天啓六年農歷九月初四日(一六二六年十月二十三日),卒于清康煕五十四年(一七一五年)夏,享年九十歲 ...
6 华侨驱陈上川 作者:佚名 文章来源:廣 東省珠江文化研究會 :266更新时间2009-11-3
quán xóm Ngũ Giáp, thôn Điền Đầu, đô Nam Tam, huyện Ngô Xuyên, phủ Cao Châu, tỉnh Quảng Đông nay là thôn Điền Đầu, trấn Nam Tam, khu Pha Đầu, thành phố Trạm Giang tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ông thuở nhỏ thông minh, cần mẫn, giỏi thơ văn, theo học ở phủ Cao Châu, sau do song thân cùng lúc qua đời nên theo cậu chuyển về học ở phủ Triệu Khánh. Ông có ba anh em ruột, anh là Diên Xuyên, em là Như Xuyên. Năm 1646, khi vừa 20 tuổi ông theo lực lượng kháng Thanh phục Minh của tôn thất nhà Minh là Quế Vương Chu Do Lang. Năm 1662, Quế Vương thất bại bị giết, ông theo lực lượng kháng chiến của Trịnh Thành Công ở Đài Loan và được phong chức Tổng binh Cao-Lôi-Liêm, lãnh lệnh tuần hành biển Đông, bảo vệ các thương thuyền mậu dịch của chính quyền Đài Loan, nhiều lần qua lại các nước trong vùng Đông Nam Á. Khi phong trào phản Thanh phục Minh của chính quyền Đài Loan suy yếu, ông cùng các tướng sĩ sang Đàng Trong đầu phục chúa Nguyễn, được giao vào khai khẩn và bảo vệ lưu dân vùng Đồng Nai, Gia Định, lập được nhiều công tích...
Các chi tiết khác về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của ông, sử Việt nhất là Sử Quán triều Nguyễn, ghi khá đầy đủ. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề trong tiểu sử của ông đang có ý kiến khác nhau. Nhưng đây là nội dung của các chuyên đề khác trong những báo cáo khoa học khác./.
Canh dần, tháng 3 năm 2010
HUỲNH NGỌC ĐÁNG
7 上川, 百科,百科詞條www.hudong.com/.../陈上川 ; 2009-11-3
8 Nguyên văn là清順治三年(1646),桂王朱由榔在廣東肇慶即帝位,改元永歷,陳上川即加入抗清行列。清康煕二年(1663年),陳上川被鄭成功政權任爲高廉雷總兵。次年(1664),陳率部駕船奔襲欽州,打敗尾追的清兵,占据欽州灣、並不時巡航南海、出入東京灣、廣南及高棉的港口,以保護台灣鄭氏政權派往東南亞各地貿易的商船。Trích từ华侨驱陈上川- 氏宗www.chens.org.cn/.../ShowArticle.as; 2009-11-3
9 Nguyên văn : 一六四四年,清軍入關。一六四六年十一月,明朝廣西巡撫瞿式耜、兩廣總督丁魁楚、湖廣總督何騰蛟等,擁桂王朱由榔在廣東肇慶即帝位,改元永歷,准備堅持抗清斗爭。陳上川于是年加入了永歷政權的抗清行列。一六六二年,朱由榔被俘;同年七月,陳上川又與永歷政權合作抗清;而鄭成功則于同年初從荷蘭殖民者手中收復了台灣,建立了明朝地方政權,繼續抗清;吳三桂也于一六六三年底在云南打出復明旗號,發動叛亂。此時,支持永歷政權的陳上川,被駐守台灣的鄭成功任命爲高、雷、廉三州總兵 (Trích từ 然暗飞伤(散文) | 且听吟原文学空
10Nguyên văn là: "...先祖陳上川,是明朝高州府吳川縣南三都田頭村(今湛江市南三島田頭村)人"
11 上川, 百科,百科詞條www.hudong.com/.../上川; 2009-11-3
12 Nguyên văn là: “...明廣東省吳川縣南三田頭村(今湛江市坡頭區南三鎮田頭村)人...”
13 big5.destguides.ctrip.com/.../sight51592/ 南三島,屬于廣 東省湛江市坡頭區; 2009-11-3
14 Nguyên văn: 据田頭村南房族譜記載,陳上川有兄弟三人,兄爲延川,上川排行第二,弟爲如川。其兄延川,舉家遷居瓊南,經營商業貿易,終生不歸,查無嵇考,了無聲息。其弟如川,舉家遷居于遂溪縣之湖光山豪村,從此掩名埋姓,歸隱山林,在此耕耘勞作,繁衍生息
15 Nguyên văn: 陳上川死后,傳位于族弟陳聖音,再傳陳瑞昌,共襲職領兵三代
16 Nguyên văn: “陳上川少時,家境寬裕,少年聰慧,學制藝,善詩能文。明崇禎十四年(一六四一年)考試生員,錄入高州府學。一六四二年,父母染病雙亡,隨舅轉讀肇慶府學 

Thứ Tư, 18 tháng 7, 2018

SÔNG NHỰT BỔN Ở NAM BỘ XƯA!



SÔNG NHỰT BỔN Ở NAM BỘ XƯA!
Lê Ngọc Quốc[1]

1.      TÂY NAM BỘ- LƯU DÂN VÀ ĐẤT MỚI
Vùng đất ven bờ bắc sông Tiền ngày nay, theo các tài liệu xưa ghi chép thì từ nữa cuối cuối thế kỷ 17 đã xuất hiện lưu dân từ miền ngoài vào lưu trú. Họ có thể là những cố nông đi tìm đất mới, tội đồ bỏ trốn, người tránh sưu thuế nặng nề, trốn binh dịch; người thích phiêu lưu, mạo hiểm, và nhóm binh lính đào vong của nước Đại Minh; và cả những nhóm dân công giáo bị chánh quyền đương thời bức đạo, đe dọa tính mạng, nên bỏ chạy vào đây, nơi còn hoang vắng, thoát vòng cương tỏa để giữ lấy đức tin.
Họ vào khai phá vùng hoang địa, tạo dựng cuộc sống mới. Lưu dân ban đầu đối diện với đầm lầy, rừng hoang, thú dữ, chứa đựng đầy mối hiểm nguy, với thiên nhiên cảnh vật xa lạ, chưa từng thấy bao giờ. 
Đến đây xứ sở lạ lùng
Chim kêu cũng sợ, cá vùng cũng kinh!

Rừng thiêng nước độc thú bầy,
Muổi kêu như sáo thổi, đỉa lội đầy như bánh canh!

Cỏ mọc thành tinh
Rắn đồng biết gáy!
(ca dao nam bộ)
Vùng lưu vực hạ lưu sông Mê Kông, ngày ấy vẫn còn mê địa, con sông Tiền đem phù sa về bồi đắp ruộng vườn, đem lại nguồn thủy sản phong phú và quan trọng nhất là thủy lộ chính cho lưu dân giao thương với các vùng miền, thúc đẩy đời sống kinh tế, văn hóa từng bước phát triển.
2- Sông Mê Kông
Mê Kông là một trong những con sông lớn nhất trên thế giới; bắt nguồn Tây Tạng chảy  theo suốt chiều dài tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), qua các nước Myanma,Thái Lan, Lào, Campuchia; đến khu vực Phnom Penh( Camphchia), sông chia thành 2 nhánh: bên phải là sông Bassac (sang nam bộ gọi là sông sau- Hậu Giang) và bên trái là Mê Kông (sang nam bộ gọi là sông trước- Tiền Giang ). Cả hai đều chảy vào khu vực đồng bằng châu thổ rộng lớn ở Nam Bộ.
3- Truy tìm tên gọi của con sông
Con sông này (sông Tiền) từ xa xưa là thủy lộ chính từ biển đông để vào kinh đô nước Cao Miên. Có lẽ ghi chép sớm nhất của Châu Đạt Quan trong tác phẩm “ Chân Lạp Phong Thổ Ký” thuật lại chuyến công vụ đến xứ này của ông trong sứ bộ đời vua Nguyên Thành Tông (Trung Quốc), xuất phát từ tháng 2 năm bính thân (Nguyên Trinh năm thứ hai- 1296).
Trích:
Chương 2: TỔNG TỰ [2]
Nước Chân-Lạp (Tchen-La) cũng gọi là Chiêm-Lạp (Tchan-la). Tên bổn xứ là Cam-bội-Trí (Kan-po-tche). Triều đại hiện thời căn cứ vào kinh sách Tây-Phiên gọi tên nước là Cầm-Phố-Chỉ (Kan-p'ou-Tche) đọc ra gần giống như Cam-bội-Trí (Kan-po-Tche).
Rời bến Ôn-Châu (Wen-tcheou) ở Triết-Giang (Tchô-Kiang) và thẳng hướng Đinh-Vị (Nam-TâyNam) chúng tôi đi qua hải cảng của các châu Phước-Kiến (Foukien) tỉnh Quảng Đông (Kouang-Tong) và hải ngoại. Chúng tôi vượt biển Bảy Hòn đảo (Thất-châu-dương Ts'i-tcheou-Yang - Đảo Taya) (5) đi ngang biển Annam (Giao-chỉ-dương Kiao-Tche-Yang) và đến xứ Chiêm-Thành (Tchan-Ch'eng).
Ở đấy, nhờ thuận gió, trong vòng mười lăm ngày ta có thể đến thị trấn Chân-Bồ (Tchen-p'ou vùng Cap Saint Jacques hay Bà-Rịa), đó là biên giới xứ Chân-Lạp.
Đoạn, từ Chân-Bồ theo hướng Khôn-Thân (Tây-Nam - 1/6 Nam), chúng tôi đi ngang qua biển Côn-Lôn (K'ouen-Lonen, Poulo-Condór) và vào cửa sông. Sông này có hàng chục ngả, nhưng ta chỉ có thể vào được cửa thứ tư, các ngả khác có nhiều bãi cát thuyền lớn không đi được. Nhìn lên bờ chúng tôi thấy toàn là cây mây cao vút, cổ thụ, cát vàng, lau sậy trắng, thoáng qua không dễ gì biết được lối vào, thế nên các thủy thủ cho rằng rất khó mà tìm đúng cửa sông.Từ đó, thuận dòng nước tiến lên hướng Bắc lối mười lăm ngày, chúng tôi vào một lãnh thổ tên là Tra-Nam (Tch'a-Nan) một trong những tỉnh của Chân Lạp....
CHƯƠNG 20: SƠN XUYÊN (NÚI, SÔNG)
CẤU TẠO ĐỊA HÌNH CỦA XỨ SỞ
Sau khi tiến vào Chen-pu (Chân-Bồ), vùng biên cương của Căm Bốt, không có gì ngoài lùm cây rậm rạp của các cánh rừng thấp; các vũng cửa sông rộng lớn của con sông uy mãnh, dài hàng trăm dặm, chảy xuyên qua bóng tôi âm u của một khu rừng có cây cối già cỗi và cây sậy vươn cao. Một bản hòa tấu các tiếng kêu thú vật được nghe thấy. Ngược lên giữa dòng sông chúng tôi nhìn thấy lần đầu tiên đồng bằng bao la trên đó không có ngay cả một cọng gỗ. Xa đến cuối mắt nhìn  không có gì ngoài cỏ. Ở đó các con trâu hoang ngặm cỏ tới cả trăm và nghìn con. Sau đó đến các luống tre kéo dài đến hàng trăm dặm khác. Thân của loại tre này có các gai nhọn và các đọt măng của chúng có vị rất chua chát. Núi cao hiện ra ở chân trời bốn hướng. [sic]
Trong quá trình hiểu các bản đồ cổ của nước ngoài, chúng tôi phát hiện một bản đồ cồ xuất bản tại Brussels năm 1827[3], vẽ khu vực nam bộ, đặc biệt có những chú thích có lẽ được tham khảo tài liệu của nhà Trung hoa học Jean-Marie Abel Rémusat, ông là người đầu tiên phiên dịch “Chân Lạp Phong Thổ Ký” ra Pháp ngữ vào năm 1819, đăng từng đoạn trên tạp chí của nhà xuất bản Dondey-Dupré và trong tập thứ 3 tạp chí Novel les Annales des Voyages của nhà xuất bản Eyriès et Maltebrun nhan đề: "Description du Royaume de Cambodge par un voyageur Chinois qui a visité cette contrée à la fin du XIIIe siècle" có kèm theo bức địa đồ (có thể chính là bức bản đồ xuất bản tại Btussels năm 1827 mà chúng tôi tìm được).

Số 1: Vùng cửa biển Mỹ Tho có chú thíchTchin- phou canal du Japon.” (Tchin- phou- kênh Nhựt Bổn)
Số 2: Tương ứng với vùng nằm giữa sông Tiền, sông Hậu và Đồng Tháp có các ghi chú tương ứng với 1 đoạn  ghi chép trong Chân Lạp Phong Thổ Ký:
“…, không có gì ngoài lùm cây rậm rạp của các cánh rừng thấp; các vũng cửa sông rộng lớn của con sông uy mãnh, dài hàng trăm dặm, chảy xuyên qua bóng tôi âm u của một khu rừng có cây cối già cỗi và cây sậy vươn cao. Một bản hòa tấu các tiếng kêu thú vật được nghe thấy. Ngược lên giữa dòng sông chúng tôi nhìn thấy lần đầu tiên đồng bằng bao la trên đó không có ngay cả một cọng gỗ. Xa đến cuối mắt nhìn  không có gì ngoài cỏ. Ở đó các con trâu hoang ngặm cỏ tới cả trăm và nghìn con…” [4][sic]


Số 3 : nhánh tả Mê-Kông vào nam bộ đoạn tương thích với Tân Châu- Hồng Ngự ngày nay có chú thích R. du japon ( Rivière du japon, sông Nhựt Bổn).
Lần theo thông tin về con sông Tiền, có giai đoạn được người Châu Âu ghi trong các bản đồ hải trình là R. Japon (sông Nhựt Bổn); chúng tôi tìm thấy có một số bản đồ cổ được xuất bản từ giữa thế kỷ 17~ 18 có những ghi chú tên con sông này là “Nhựt Bổn”


Iapanfs R. Amsterdam / 1662[5]
4-Tài liệu nước ngoài
Trong một số bản đồ cổ thế kỷ 17~ 18, vẽ vùng hạ lưu sông Mê- Kông, chúng tôi thấy các tác giả chú thích một địa danh: R.Japanse, R. Japonoise, Japanese River và R.Iapante... so sánh với bản đồ hiện tại, đó chính là sông Tiền.[6]
Vào nữa cuối thế kỷ 19, Léopold Augustin Charles Pallu de la Barrière, một sĩ quan trong đạo quân viễn chinh đánh chiếm thành Gia Định năm 1859, trong quyển hồi ký của ông có mô tả khu vực này: 
  “Các nhà viết sử người Hòa Lan chép rằng sông Mê Kông đổ ra biển bằng 3 cửa: cửa Umbequamme, danh xưng này theo tiếng Pháp có nghĩa là “bất tiện” Incommode, cửa Nhật Bản  và cửa Saĩgon. Chiến tranh Nam Kỳ giúp thêm cho việc nghiên cứu địa lý thủy học của sông Mê Kông; hiện nay người ta biết rằng sông Mê Kông có 7 nhánh chính. Umbéquamme là cửa đổ ra biển của một nhánh sông tách ra từ sông chánh gần Châu Đốc, sông Nhật Bản gồm hai nhánh bắc và nam …” [sic].
[7]
ĐỊA DANH CÓ HẬU TỐ NHỰT BỔN
1/Nhánh sông Mê- Kông đổ ra cửa Tiểu và cửa Đại
Lần theo các tấm bản đồ châu âu và các thư tịch xưa, chúng tôi thấy có một tài liệu tên “Maritime geography and statistics …” của James Hingston Tuckey (1776-1816) là một nhà thám hiểm người Anh. Trong trước tác của ông tập 3, xuất bản năm 1815, chương Empire Cochin- China có nhắc đến con sông này:
“The second branch of the river is called the Japanese Branch

 from its having been formerly frequented by Japanese junks"

 [sic].[8]

Tạm dịch: Chi nhánh thứ hai của con sông được gọi là nhánh Nhựt Bổn vì nó đã từng được thuyền của nước Nhựt lui tới.
Ghi chép trong “Đại Hòa Điền Trọng Thanh Nhật Ký” được Vũ
Đoàn Liên Khê trích dẫn trong kỷ yếu hội thảo quốc tế Nhật Bản và
các nước tiểu vùng sông Mekong- mối quan hệ lịch sử:
“Đến thời Edo, thương nhân Karaya Morisukejiro đến Camphuchia đã cho neo thuyền rộng 37m, dài 500m (?) ngay cửa sông trong suốt 60 ngày, thuyền của Karaya được cho là đã vào từ sông Mê kông để đến Phnom Penh.
Giữa cuối thế kỷ XVI là thời kỳ giao thương giữa Nhật Bản và Campuchia phát triển rực rở nhất. Năm 1569, thuyền Campuchia đã cập bến các cảng ven Kyushu, đến năm 1579, Shimazu và Ootomo đã thực hiện chuyến đi khứ hồi giữa Nhật Bản và Campuchia. Tháng 7 năm 1593, các sứ thuyền của Campuchia đã cập bến chính thức Hizen (Nagasaki). [sic][9]

Như vậy, có một thời gian con sông Tiền ngày nay, đã được người châu âu định danh: sông Nhựt Bổn, vì từ cuối thế kỷ 16 trên sông có hoạt động thường xuyên lui tới của thương thuyền người Nhựt.
Điều này cũng đã được nhà nghiên cứu Li Tana thống kê trong sách Xứ Đàng Trong- Lịch sử kinh tế- và xã hội Việt Nam thế kỷ 17- 18. Theo số liệu của bảng 1: Số thuyền châu ấn của Nhựt Bổn tới các nước Đông Nam Á (1604- 1635):[10]
Năm

AnNam
Tong king
Thuận Hóa
Cajian
Cochinchina
Champa
Cambodia
Siam
Luzon
1604
4
3
1
1

1
5
4
4
1605
3
2



1
5

4
1606
2
1



1
3
4
3
1607
1




1
4
4
4
1608
1




1
1
1

1609

1


1

1
6
3
1610
1



3

1
3
2
1611
2



3


1
2
1612

1


3


2
1
1613

1


6

1
3
1
1614

1


7

2
3
4
1615




5

1
5
5
1616

1


4



1
1617

2


5


1
1
1618

3


7

2
1
3
1619

3


1



1
1620




5

1

2
1621

1


2

1

4
1622




1


2
2
1623

2


2
1
2
3
1
1624

2


2


1
2
1625

1




1
2

1626







1

1627




1

1
2

1628

2


2

2
3

1629




1

1
1

1630







1
2
1631

1


1

1
1

1632

2


3

4

2
1633

3


2

1
1

1634

3


2

2


1635




1

1


Total
14
36
1
1
70
5
44
56
53


Xem số liệu của Li Tana, chúng ta thấy những năm đầu thế kỷ 17 cụ thể là từ 1604 đến 1608, hoạt động của thương thuyền Nhựt Bổn đến Cambodia (theo tuyến hạ lưu sông Mê- Kông) số lượng nhiều hơn các nước trong khu vực Đông nam á.
Tổng cộng trong 31 năm (1604- 1635) số thuyền châu ấn Nhựt đến Cambodia, được Li Tana thống kê là 44 chiếc, số lượng có thể nhiều hơn vì đó là số thuyền có phép của chính quyền Tokugawa, cũng có thể còn có nhiều thuyền không có phép, vẫn hoạt động mua bán trong thời gian này.
5/ Kết Luận
Như vậy, có một thời gian con sông Tiền ngày nay, đã được người Châu Âu định danh: sông Nhựt Bổn, được ghi chú trong nhiều bản đồ xuất bản ở Châu Âu từ thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 19; vì lúc bấy giờ thương thuyền của người Nhựt Bổn hoạt động dọc ngang trên hạ lưu sông Mê Kông.

P/s: Và có thể có vài nhóm người Nhựt Bổn đã lưu trú dọc theo các vùng đất ven bờ sông này, mà thư tịch xưa như Gia Định thành thông chí, Đại Nam nhất thống chí… có ghi chép: xứ, cồn, giồng… mang hậu tố “Nhựt Bổn” tại vùng đất hạ lưu sông Mê Kông này.
(Phần tiếp: Tìm dấu vết người Nhật ở Nam Bộ xưa)


Thương nhân Nhựt Bổn ở Đông Nam Á xưa (ảnh copy internet)




[1] Hội viên câu lạc bộ Người Đồng Nai- thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai (phone 0903906956)

[2] Chân Lạp Phong Thổ Ký- Châu Đạt Quan, Nxb Văn Nghệ
http://diendanlequydon.com/viewtopic.php?t=401986

[4] Chân Lạp Phong Thổ Ký- Châu Đạt Quan, Nxb Văn Nghệ
http://diendanlequydon.com/viewtopic.php?t=401986
[5] https://www.raremaps.com/gallery/detail/36071/paskaerte-zynde-toosterdeel-van-oost-indien-met-goos
[7] Léopold Augustin Charles Pallu de la Barrière- Dịch và bình Hoàng Phong (2008), Lịch sử cuộc viễn chinh Nam Kỳ năm 1861, Nxb Phương Đông,  trg 35~36.

[8] James Hingston (1815), Maritime geography and statistics …by Tuckey, Topics Ocean, Commercial geography, Commerce, Shipping Publisher London, Black, Parry & Co.sVol 3. p. 239
[9] Vũ Đoàn Liên Khê (2011), Kỷ yếu hội thảo quốc tế “Nhật Bản và các nước tiểu vùng sông Mekong- mối quan hệ lịch sử”.
Bài viết: Thương mại cảng Nagasaky và các nước tiểu vùng sông Mekong thế kỷ XVI-XVII-, công ty CP dịch vụ xuất bản giáo dục Gia Định, trg 125.

[10] Li Tana- Nguyễn Nghị dịch (2013),  Xứ Đàng Trong- Lịch sử kinh tế- và xã hội Việt Nam thế kỷ 17- 18, Nxb Trẻ năm, trg 101- 102.