HOÀNG HẬU
NGƯỜI VIỆT CỦA VUA CAMPUCHIA- CHEY CHETTA II (
A-DẪN NHẬP
Quan hệ 2
nước Việt Nam - Campuchia là
mối quan hệ song phương giữa 2 nước láng giềng, có chung đường biên giới hơn
1.000 km. Đây cũng đồng thời là mối quan hệ phức tạp do những mâu thuẫn giữa 2
nước trong lịch sử.
Trong quá khứ, từ đầu thế kỷ 17 đã từng có một mối gắng kết bang giao, bằng cuộc
hôn nhân của vua Chey Chetta II (ស្ដេចជ័យជេដ្ឋាទី២មា)với 1
người con gái trong hoàng tộc của Chúa Nguyễn.
Theo tài liệu của Campuchia hiện
nay, bà có danh xưng là An Châu hoàng hậu (ក្សត្រីអង្គចូវ )
Hoàng kim hà nhật thục nga mi ?
Quân vương nhược vấn thiếp nhan sắc,
Mạc đạo bất như cung lý thì!
*Theo các tư liệu lịch sử
chính thống được phổ cập hiện nay như: Đại nam thực lục, Đại Nam nhất thống
chí, Gia Định Thành thông chí, Phủ biên tạp lục, Nam Triều công nghiệp diễn
chí… chúng ta không hề thấy chép về hành trạng của vị công nữ này; trong Đại
nam liệt truyện, mục truyện các công chúa - Chúa Hi Tông (Chúa Sãi- Nguyễn Phúc
Nguyên) có chép bốn người con gái:
1- Hoàng nữ Ngọc Liên : là chị cùng mẹ với hoàng tử Kỳ gả cho trấn biên
doanh trấn thủ phó tướng Nguyễn Phúc Vinh (Vinh là con trưởng Mạc Cảnh Huống).
2- Hoàng nữ Ngọc Vạn : là em cùng mẹ với hoàng tử Kỳ, không có truyện.
3- Hoàng
nữ Ngọc Khoa : là em cùng mẹ với hoàng tử Kỳ, không có truyện.
4- Hoàng
nữ Ngọc Đỉnh : Sinh mẫu là ai không rõ, lấy phó tướng Nguyễn Cửu Kiều. Năm Giáp
tý (1684, Lê Chính Hòa năm thứ 5), mùa đông, Ngọc Đĩnh Mất.
*Tương tự, trong
Généalogie des Nguyễn avant Gia Long (Phổ hệ nhà Nguyễn trước Gia Long) của hai
cụ Tôn Thất Hân và Bùi Thanh Vân-Bulletin des Amis de vieux Huế, 1920, cũng chỉ
ghi là:
+Ngọc Vạn,
Ngọc Khoa là con gái thứ của Sãi vương, không để lại dấu tích.
II-TƯ LIỆU
NƯỚC NGOÀI TỪ CUỐI THẾ KỶ 19
Các biên niên sử về Cao Miên
chép về vùng đất này vào thời kỳ ấy có sự kiện “cô con gái của Chúa Nguyễn gả cho
vua Chân Lạp”:
*Jean Moura: Tháng
3 năm 1618,... vua An Nam gả một người con gái cho vua Cao Miên. Công chúa này
rất đẹp, được nhà vua yêu mến và lập làm hoàng hậu tước hiệu Samdach... (Trích
Royaume du Cambodge-1883)
*Gorges Maspéro: Vị vua mới lên ngôi là Chey Chetta II (Ponhea Nhom) cho xây một cung điện tại Oudong, ở đây ông làm lễ thành hôn với một công chúa con vua An nam. Bà này rất xinh đẹp, về sau có ảnh hưởng lớn đến vua. Nhờ bà mà một phái đoàn An nam đã xin và được vua Chey Chettha II cho lập thương điếm ở miền nam Cao Miên, nơi này nay gọi là Sài Gòn… (Trích L’ Empire Khme-r Gaston Maspéro 1904 )
*Henri Russier: Chúa
Nguyễn lúc bấy giờ rất vui mừng thấy Cao Miên muốn giao hảo bèn gả công chúa
cho vua Cao Miên. Công chúa xinh đẹp và được vua Miên yêu quý vô cùng...Năm
1623, sứ bộ Việt từ Huế đến Oudong yết kiến vua Cao Miên, dâng ngọc ngà châu
báu, xin người Việt được khai khẩn và lập nghiệp tại miền Nam...Hoàng hậu xin
chồng chấp thuận và cua Chey Chettha II đã đồng ý...
(Trích
Histoire sommaire du Royaume de Cambodge- 1914)
*Achille Dauphin Meunier: Năm 1623, Chey Chettha II, người đã cưới công chúa Việt Nam, được triều đình Huế giúp đỡ để chống lại quân Xiêm... Một sứ bộ Việt Nam đã tới bảo đảm với Chey Chetta II về sự ủng hộ của triều đình Huế. Sứ bộ xin phép cho dân Việt Nam tới lập nghiệp Việt Nam tới lập nghiệp ở các tỉnh phía Đông Nam Vương Quốc. Vua Cao Miên cho phép lập một phòng thu thuế tại Prey- Kôr để hỗ trợ việc định cư... (Trích Le Cambodge- 1965).
-Như vậy, theo biên niên sử
Cao Miên do các nhà nghiên cứu nước ngoài viết từ cuối thế kỷ 19 đến 1965 thì :
đầu thế kỷ thứ 17, vua Chey
Chetta II (Chân Lạp) đã cưới một người con gái của chúa Nguyễn ở Cochinchine (Quảng Nam quốc),
và do ảnh hưởng của mối quan hệ ấy, quân và dân Đại Việt đã từng bước có mặt
trên vùng đất Mô Xoài- Đồng Nai- Sài Gòn.
III-CÁC
TÀI LIỆU MỚI TRONG NƯỚC
Có thể
được cập nhật từ tài liệu mới của nước ngoài, nên lần lược đã có các bài viết của
các nhà nghiên cứu trong nước.
*Đào Trinh Nhất trong
Việt Nam Tây thuộc sử (năm 1937) có đoạn:
....Khởi thủy từ đầu thế kỉ 17 từ 1620 người mình dời vô ở miệt Biên Hòa, Bà
Rịa và Sài Gòn, nhờ nơi tình giao hảo ở giữa vua Miên và chúa Nguyễn (vua Miên
Chey Chetta II lấy công chúa con chúa Nguyễn Sãi Vương lập làm hoàng hậu hồi
năm 1620) và nhờ quân ta cứu viện vua cao miên năm 1623 đánh đuổi giặc Xiêm
[sic]. (Nguyễn Q. Thắng sưu tầm và giới thiệu- vh Nxb Văn Học, 2010 trang
19).
*Trung Bắc Tân Văn báo, Số 42, 22 Tháng
Mười Hai 1940, trong bài viết:
Về thời kỳ đầu- Việt Nam lấy 3 tỉnh Chân Lạp của tác giả XH Bằng ghi:
… Chey Chetta II năm 1620 dời đô về đóng ở Oudong và hỏi con gái của Nguyễn
Sãi Vương về làm hoàng hậu. Chân Lạp được ta biết tới từ đó [sic].
Sau đó…
*Phạm Văn
Sơn trong Việt Sử Tân Biên xb năm 1959 chép:
Năm 1620 Chúa Sãi lại gả một nàng công chúa cho vua Chân Lạp, đó là công
chúa Ngọc Vạn, chàng rể là Chey Chetta II (1618-1626)…
Nhưng không thấy biện dẫn cụ thể từ cứ liệu nào.
*Thái Văn
Kiểm trong Đất Việt Trời nam xb năm 1960, ông đã xác định chắc chắn danh
tính cho người con gái ấy :
Từ thế-kỷ thứ XIV trở đi, các vị vua chúa Việt-Nam đã khéo
dùng «tài sắc» của cô gái Việt-Nam đề giúp triều đình trong việc thắt chặt tình
giao hiếu đối với các nước láng-giềng và đồng thời mở rộng bờ cõi nước nhà trên
đường Nam-Tiến. Có lẽ cũng là phương sách êm đẹp áp-dụng một cách thường-xuyên
và hữu-hiệu đối với các lân bang. Cũng như vua Trần Nhân-Tông và Trần Anh-Tông
đã gà công chúa Huyền-Trân cho Chế Mân (Jaya Simhavarman III tức là Po Devada
Svor: I281-1306). Chúa Sãi đã gả công chúa Ngọc-Vạn cho vua Cao- Mến Chei
Chetta II và công-chúa Ngọc-Khoa cho vua Chiêm-Thành Po Romé, cũng như vua Lê
Thần-Tông đã gả con gái cho vua Ai-Lao Suliya Vongsa. Vua Suliya lên ngôi năm
1637 và đã trị vì suốt 57 năm trời. Cũng vào thời kỳ này, tình bang-giao thân hữu
giữa Lào và Việt đã được thắt chặt và đôi bên đã thỏa thuận rằng biên-giới hai
nước sẽ được quy định theo lối kiến-trúc nhà cửa, nghĩa là những nhà sàn không
thuộc về địa-phận Việt-Nam.( Trang 52)
* Phan Khoang trong
tác phẩm Việt Sử Xứ Đàng Trong- 1967 cũng đã đưa hành trạng của vị hoàng hậu
Cao Miên người Việt vào chương Nam Tiến, mục II trang 309:
-Vua
Chân Lạp Chey Chetta II muốn tìm một đối lực để chống lại lân bang Tiêm La nguy
hiểm kia, đã xin cưới một công chúa Nguyễn làm hoàng hậu, trông mong được sự ủng
hộ của triều đình Thuận Hóa, và chúa Hi Tông (chúa Sãi), có mưu đồ xa xôi, năm
1620 đã gả cho vua Chân Lạp một công chúa...
Trong phần ghi chú, ông có bàn
:
-… việc này, sử ta đều
không chép, có lẽ các sử thần nhà Nguyễn cho là việc không đẹp, nên giấu đi
chăng? Nhưng nếu họ quan điểm như vậy thì không đúng; hôn nhân chính trị, nhiều
nước đã dùng, còn ở nước ta thì chính sách đã đem lại ích lợi quan trọng. Đời
nhà Lý thường đem công chúa gả cho các tù trưởng các bộ lạc thượng du Bắc Việt,
các bộ lạc ấy là những giống dân rất khó kiềm chế. Nhờ đó mà các vùng ấy được
yên ổn, dân thượng không xuống cướp phá dân ta, triều đình thu được thuế má, cống
phẩm; đất đai ấy, nhân dân ấy lại là một rào dậu kiên cố ở biên giới Hoa-Việt để
bảo vệ cho miền Trung Châu và kinh đô Thăng Long. Đến đời Trần, chính đôi má hồng
của ả Huyền Trân đã cho chúng ta hai châu Ô, Lý để làm bàn đạp mà tiến vào Bình
Thuận. Sử ta không chép, nhưng theo các sách sử Cao Miên do các nhà học giả
Pháp biên soạn, mà họ lấy sử liệu Cao Miên để biên soạn thì quả Chey Chetta II
năm 1620 có cưới một công nữ con chúa Nguyễn; Giáo sĩ Borri, ở Đàng
Trong trong thời gian ấy cũng có nói đến cuộc hôn nhân này. Xem "Đại
Nam liệt truyện Tiền biên" (mục Công Chúa), thấy chúa Hi Tông có bốn con
gái, hai nàng Ngọc Liên, Ngọc Đãng thì có chép rõ sự tích chồng con, còn hai
nàng Ngọc Vạn, Ngọc Khoa thì chép là "khuyết truyện", nghĩa là không
có tiểu truyện, tức là không biết chồng con như thế nào. Vậy người gả cho vua
Chey Chetta II phải là Ngọc Vạn hoặc Ngọc Khoa [sic].
* Lương Văn Lựu trong Biên Hòa Sử Lược Toàn Biên xuất bản năm
1971- tập 1 Trấn Biên Cổ Kính, mục 1- Lược Sử (qua các thời đại), trang 21;
chép:
- Năm
1618: Vua nước Chân- Lạp (trở nên là Kampuchéa sau này) là Chey Chetta II, dời
đô từ Lovéa- Em về Oudông (Vương-Luông-La- Bích ), liên lạc với Đại-Việt, thôn
tính lần hồi nước Chiêm-Thành và đến năm 1620, cưới công-chúa Ngọc-Vạn, ái nữ của
chúa Sãi Hi-Tông Nguyễn-phước-Nguyên. Với cuộc hôn nhân Lạp-Việt nầy, đưa đến
việc thiết-lập các cơ sở đầu tiên của Nguyễn- Chúa tại xứ Nông Nại. Phủ chúa đã
gây ảnh hưởng mạnh-mẽ ở triều đình Lạp Man và trên đất Thủy-Chân-Lạp [sic]
Và cho đến
năm 1995…
*Nguyễn Phúc Tộc Thế
phả được xuất bản tại Huế, trong phần tiểu sử người con gái thứ hai của Chúa
Sãi là hoàng nữ Ngọc Vạn- không có truyện, nay được bổ sung:
-Để tỏ tình thân thiện với
lân bang, năm Canh thân (1620), Ngài gả công chúa Ngọc Vạn cho vua Chân Lạp là
Chey-Chetta II. năm Quí hợi (1623) một phái bộ miền Nam đi xứ qua Chân Lạp xin
với vua Chey-Chetta II nhường lại một dinh điền ở Mô Xoài gần Bà- rịa ngày nay,
vua Chân Lạp phải bằng lòng. Ngoài ra vua còn cho người Việt đến canh tác tại
vùng đó.[sic]
*Ghi chú: chép theo Claudius Madrolle trong Indochine du Sud. Theo Madeleine Giteau trong cuốn Histoire du Cambodge (1956)…
+Đoạn trích dẫn tư liệu của Thế Phả 1995, chúng tôi tìm thấy trong
trang 15, sách hướng dẫn du lịc: Indochine du Sud. De Marseille à Saïgon ;
Djibouti, Ethiopie, Ceylan, Malaisie, Cochinchine, Cambodge, Bas-Laos,
Sud-Annam, Siam. Cartes et plans / Madrolle… với nội dung:
…Ancien territoire khmèr, proche de la frontière du pays Cham du Pandarang.
En 1623, le roi Chei Chetta II, ayant épousé une princesse annamite, céda à son
beau-père, seigneur de Hué, les comptoirs annamites du Môi-xui.
ROUTES. 1. Bà-ria est à 101 k. de Sài gòn par Bien-hoà (centre),
et à 70 k. par le bac de Cac-lai… (không
thấy tên Ngọc Vạn)
+Lưu ý: Guide
Madrolle là cẩm nang du lịch do Claudius
Madrolle, một nhà thám hiểm người Pháp sáng lập.
IV- KẾT PHẦN DẪN NHẬP
Xem qua các tại liệu các phần trên:
1/ Phần chính sử và phổ hệ nhà Nguyễn trước Gia Long (đến năm 1920), tuyệt nhiên không có có
1 dòng nào về vị vua Cao Miên làm rể Chúa Nguyễn.
2/ Các nghiên cứu của nước ngoài từ cuối thế kỷ 19 đến nữa đầu
thế kỷ 20, có chép vua Cao Miên làm rể Chúa Nguyễn.
3/ Sau đó thì lần lược các nhà nghiên cứu trong nước chép lại
dữ liệu trên dựa theo tư liệu mới của nước ngoài; Đào Trinh Nhất, VH Bằng…
Năm 1959 Phạm Văn Sơn khẳng đinh đó là công chúa Ngọc Vạn, chàng rể là Chey
Chetta II (1618-1626)…
Nhưng không thấy biện dẫn cụ thể từ cứ liệu nào.
Năm 1960 Thái Văn Kiểm dùng phương pháp loại trừ liên tiếp
(theo cách nói của ông), ông khẳng định Vua Cao Miên làm rể Chúa Sãi (Nguyễn
Phúc Nguyên) và nàng công nương chính là Ngọc Vạn, người có chép
trong Phả hệ nhưng khuyết truyện.
Năm 1967 Phan Khoang ghi nhận Vua Cao Miên là rể Chúa Sãi, còn tên nàng công nữ,
ông chưa vội kết luận là Ngọc Vạn hay Ngọc Khoa. Trong chương này
ông có nhắc đến 1 cái tên: Giáo
sĩ Borri.
Đến năm 1971, thì ông Lương
Văn Lựu đã dựa theo các tài liệu trên và đồng thuận theo thuyết: Vua Cao Miên
cưới công nữ Ngọc Vạn, con Chúa Sãi.
Gần nhất là Thế Phả Nguyễn Phúc Tộc năm 1995, đã xác nhận công nữ Ngọc Vạn
chính là người con gái được Chúa Sãi gả cho vua Cao Miên Chey Chethta II.
*Đặc điểm nhận thấy rõ các nhà nghiên cứu trong nước vẫn là những
suy đoán và lập luận chủ quan, chứ chưa có cứ liệu chính xác để khẳng định vấn
đề cần nghiên cứu, nhất là Thái Văn Kiểm theo cách nghiên cứu : “Phương pháp
loại liên tiếp và đoán chắc rằng…” ; và nhất là Thế Phả Nguyễn
Phúc Tộc năm 1995, lại dùng nguồn từ 1 cẩm nang du lịch.
IV-GHI
CHÉP CỦA LINH MỤC CHRISTOFORO BORRI
Trong Việt Sử Xứ Đàng Trong,
Phan Khoang có nhắc 1 cái tên:
Giáo sĩ
Borri, ở Đàng
trong trong thời gian ấy cũng có nói đến cuộc hôn nhân này.
*Lúc bấy giờ, tại Đàng trong
đã hiện diện các linh mục thừa sai Dòng Tên; trong đó có linh mục Christoforo
Borri, ông đã có những ghi chép đầy thú vị về vùng đất này.
+Linh mục Christoforo
Borri sinh ra trong một gia đình có địa vị tại Milano- Ý. Ngày 16 tháng 9
năm 1601, ông gia nhập Dòng Tên khi 18 tuổi. Năm 1616, từ Ma Cao Borri được gửi
đi truyền giáo tại Đàng trong cùng với linh mục Pedro Marques; hai người đáp
thuyền vào năm 1618. Ông cùng với hai linh mục Francisco de Pina và Francesco
Buzomi đến lập cơ sở truyền giáo tại Nước Mặn (Quy Nhơn). Borri ở Hội An từ
1618 đến 1622.
Năm 1631, tại Roma, ông cho
xuất bản cuốn sách nổi tiếng bằng tiếng Ý :
Relatione della nuova
missione delli P.P. della Compagnia di Gesù al Regno della Cocincina , Rome,
Francesco Corbelletti- 1631
“Tường thuật về sứ mạng mới của
các linh mục thuộc phái đoàn Dòng Tên ở Vương quốc Đàng Trong”
Cùng năm này sách được tái bản
ở Milan; một bản dịch tiếng Pháp của linh mục Antoine de la Croix, người xứ
Renne, công bố ở Lille cũng vào năm 1631. Cuối cùng người ta dịch nó bằng tiếng
Hà Lan ở Liège, bằng tiếng Latin ở Vienne, rồi bằng tiếng Đức và tiếng Anh (tríchtheo
tư liệu trong B.A.V.H tập 1931).
Trong tài liệu này Borri có
vài dòng về lai lịch của “cô con gái của Chúa Đàng trong gả cho vua Chân Lạp”
*Mãi cho đến khoảng năm 1930;
Trung tá A. Bonifacy, giảng viên tập sự bộ môn lịch sử địa phương ở Viện đại học
Hà Nội, đặc phái viên của trường Viễn đông bác cổ ; Ông dựa vào bản gốc xuất bản
tại Ý “ Rome, Francesco Corbelletti- 1631” đã dịch và được đăng trên B.A.V.H tập
XVIII năm 1931, lai lịch của “cô con gái của Chúa Sãi gả cho vua Chân Lạp” nằm
tại chương VII trang 329-330.
*Nội
dung: “En outre, il est continuellement à préparer et à mettre en marche des
farces pour soutenir le roi du Cambodge, mari d’une de ses filles bâtarde,
le secourant de ses galères et de ses soldats contre le roi du Siam. C’est
ainsi que partout, aussi bien sur terre que par mer, résonne le nom glorieux,
et est honorée la valeur des armées de la Cochinchine” [sic].
+Bản dịch
của trung tá A. Boniface, được kiểm duyệt bởi các học giả Viện Viễn Đông Bác Cổ.
Đến năm 2003 bản dịch từ tiếng
Ý sanh tiếng Pháp của A. Boniface
Đã được Nguyễn Cữu Xà dịch, hiệu chỉnh: Lê Nguyễn Lưu, Võ Nhị Xuyên.
Nhà xuất bản Thuận Hoá- Huế (2003).
Đoạn về nàng con gái ấy được dịch với nội dung:
Mặt khác, ông (chúa đàng
trong) thường xuyên chuẩn bị và cho lên đường, để nâng đỡ vua xứ Cam Bốt, chồng
của một trong các con gái ông, con hoang [síc], giúp ông ta bằng chiến
thuyền và lính của mình chống lại vua xứ Xiêm La…
*Năm 2014
các dịch giả Hồng Nhuệ, Nguyễn Khắc
Xuyên và Nguyễn Nghị trong bản dịch tựa đề “Xứ Đàng Trong năm 1621” NXB tổng hợp
TP Hồ Chí Minh; đã dùng bản tiếng Pháp của Bonifacy năm 1931, trong chương 7;
chúng ta thấy Họ dịch đoạn về vua Cao Miên lại bỏ qua cụm từ nói về chàng rể chồng người con gái của chúa :"mari d’une de ses filles bâtarde"
Ngoài ra
chúa còn chuẩn bị vũ khí liên tục và mộ binh giúp vua Campuchia, cung cấp cho
vua này thuyền chiến và quân binh để cầm cự với quân Xiêm [sic]
*Năm 2019, với tựa sách Xứ Đàng Trong vẫn NXB tổng
hợp TP Hồ Chí Minh, dịch giả Thanh Thư cũng dùng bản Pháp ngữ của ông Bonifacy,
chương 7 đoạn nói về vua Cao Miên có nội dung:
Mặt khác, Chúa luôn sẵn sàng điều động tiếp ứng cho phò mã của ngài là quốc
vương Cao Miên, lấy một "người con gái hoang" của chúa, chống lại quốc
vương Xiêm la [sic].
V-KHẢO LUẬN
1/Linh mục
Christoforo Borri ở Đàng trong:
Khi ông đến Quảng Nam (1618), lúc bấy giờ Chúa Sãi đang
cai trị 2 xứ Thuận Hoá và Quảng Nam; trong chương 7, bản tường trình về xứ Đàng
trong; Borri đã ghi chép về vị Seigneur đang cai quản xứ này (tức Chúa
Sãi);
Seigneur đang ly khai với đàng ngoài, thu thập vũ
khí hiện đại, luyện tập quân đội. Chúa có hơn 100 chiến thuyền trên biển,
và nhiều đại bác trên bộ. Vị Chúa ấy tăng cường quan hệ với các nước, mua sắm
vũ khí của Nhật, liên lạc kết giao với lực lượng chính
quyền Họ Mạc ở biên giới phía Bắc. Chúa dập tắc nội chiến, thường xuyên tiến
hành chiến tranh với Champa... liên kết quân sự với Cam-bốt, gả 1 người con gái “bâtarde" của Chúa cho Vua Cam-bốt...
"mari
d’une de ses filles bâtarde" Chồng của một trong các con gái ông, con
hoang.
*Linh mục Borri sinh ra trong 1 gia đình
quý tộc, ông gia nhập Dòng Tên khi mới 18 tuổi, nhiệt huyết tuổi trẻ, không
màng gian khổ đem Đức tin Ky tô gieo mầm ở miền đất lạ... vì thế Ông tuyệt đối
tuân thủ theo giáo luật công giáo, trong đó có bí tích hôn giáo; chế độ đơn hôn là điều bắt buộc. Cho nên cụm từ mà ông ghi chép về người
con gái mà Chúa Sãi gả cho Vua Cam Bốt là “bâtarde", chúng ta có thể hiểu: người
con gái ấy, không phải do người vợ chánh của Chúa Sãi sinh ra.
‘bastard’ có tầng nghĩa riêng theo từng thời kỳ phát
triển ngữ nghĩa. Hiện nay nhiều người cho rằng bastard là con ngoài giá thú,
hoặc là đứa con không được… làm lễ rửa tội, hoặc là con vô thừa nhận, v.v.
Tuy nhiên nếu truy theo từ nguyên, thì bastard bắt nguồn gần nhất là tiếng
Latin ‘bastardus’, xuất phát từ gốc germanic là ‘banstu-‘, để chỉ đứa con sinh
ra từ hôn nhân lần thứ hai giữa một người đàn ông với một phụ nữ thuộc giai cấp
hoặc tầng lớp thấp hơn mình. Nghĩa là vẫn có hôn nhân, vẫn có sự thừa nhận. (lời giảng của ẩn sĩ Sun Yata)
Nàng ‘bâtarde’ ấy có phải tên là Ngọc Vạn?
Trong chương 7 của bản tường trình về xứ Đàng trong, giáo sĩ
Borri của chúng ta có ghi:
“J'ai dit, au commencement de cette narration, que la Cochin- chine était une
province du grand royaume du Tonkin, usurpée par le grand-père du Seigneur
aujourd'hui régnant “[sic]
nghĩa tạm dịch là: ‘như tôi đã nói, ở phần
đầu của bài tường thuật này, rằng Nam Kỳ là một tỉnh của TonKin, bị chiếm đoạt
bởi ông nội của Chúa hiện đang trị vì, người đã được cử làm tổng trấn và đã nổi
dậy chống lại Vua TonKin (Đàng ngoài lúc bấy giờ)’.
Như vậy người ‘Seigneur’ trong bản tường trình của ông; không phải là Chúa Sãi mà bấy lâu nay các
nhà nghiên cứu cho là đã gả con gái cho vua Cao Miên; mà chính là Nguyễn Phúc Kỳ,
con trưởng của Chúa Sãi, người được cha giao cho trọng trách trấn thủ xứ Quảng
Nam từ năm 1614 đến năm 1631.
Như vậy theo đoạn ghi chép này; chính thế tử Nguyễn Phúc Kỳ là nhân
vật ‘Seigneur’ chứ
không phải của Chúa Sãi ; đồng thời người vợ Việt của vua Cao Miên (Chey Chettha
II) là 1 trong những người con gái của trấn thủ Nguyễn Phúc Kỳ; tức nàng cháu
gái của Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên .
Và Nàng ‘bâtarde’ ấy có phải tên là Ngọc Vạn như bao nhà nghiên cứu khẳng định
bấy lâu nay ? Theo chúng tôi, khi chưa có cứ liệu chính xác để khẳng định một vấn đề thì ta cần phải tìm hiểu kỹ thêm….
2/ Chúa Sãi- thế tử Nguyễn Phúc Kỳ trấn thủ Quảng Nam từ 1614-1631
......
(Còn tiếp)