Chủ Nhật, 18 tháng 9, 2016

BIÊN HÒA- Nguyễn Hữu Cảnh & con đường đi cùng năm tháng!

Biên Hòa ngày ấy là một trong những vùng đất được định danh
hành chính đầu tiên của lưu dân Việt xâm cư vùng nam bộ. Năm 1679 Đô Đốc Trần Thượng Xuyên (người Quảng Đông) đầu hàng chúa Nguyễn, sau đó được lệnh mang quân bản bộ vào khai thác đất Lộc Dã (Đồng Nai), đóng quân tại Bàn- Lân (Biên Hòa). Khai khẩn đất bỏ không, tạo dựng và phát triển Đại Phố tại Cù Châu ( cù lao Phố).
Mùa xuân năm 1698 vâng lệnh chúa Nguyễn, Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh (Kính) đem quân vào vùng đất này; lấy đất Đông Phố lập nên phủ Gia Định, chia làm hai huyện: 
Vùng đất Lộc Dã (Đồng Nai) làm huyện Phước Long; vùng đất Sài Gòn làm huyện Tân Bình.
Doanh Trấn Biên cai quản huyện Phước Long ngày đó, được dựng tại thôn Phước Lư cạnh ngã ba sông Đồng Nai và Rạch Cát (nay thuộc khu vực nằm trong 02 phường Quyết Thắng- Thống Nhất, thành phố Biên Hòa).
Miền đất này có quá nhiều sông rạch, tất nhiên khi di chuyển trên thuyền bè sẽ thuận lợi hơn về tốc độ, thời gian, sức lực…Các xóm làng được thành lập, ban đầu đa số đều nằm ven sông nước : Nhất cận thị- nhị cận giang!
Và khi cuộc sống dần ổn định thì ngoài đường thủy, các con đường mòn liên kết giữa các địa phương, làng xóm được mở rộng phát triển. Tại dinh Trấn Biên ngày ấy có 02 con đường bộ quan trọng nhất được hình thành là con đường Thiên Lý Bắc Nam (còn được gọi là Quan Lộ- nay thuộc các đường 30 tháng 4, Phạm Văn Thuận, Bùi Văn Hòa). Và con đường dọc theo sông Đồng Nai nối liền dinh Trấn Biên- Thành cổ Tân Lân (nay là di tích Thành Kèn)- Văn miếu Trấn Biên- để đi lên miền ngược: chợ bến Cá Tân Triều, thủ Dõ Sa, Tân Tịch…hoặc rẽ trái xuống bến đò Văn Thánh (nay thuộc khu vực chùa Long Ẩn- chùa Phổ Hiền phường Bửu Long) sang sông qua Tân Hạnh, Tân Ba đi Thủ Dầu Một, Băng Bột các xứ người Man…
Con đường dọc bờ sông ấy ngày nay gồm 2 con đường Cách Mạng Tháng 8 và Huỳnh văn Nghệ.
Nó được hình thành có lẽ trễ nhất là vào năm 1715, thời điểm mà Trấn thủ dinh Trấn Biên là Nguyễn Phan Long cho xây dựng Văn Miếu ở địa phận thôn Tân Lại. Hàng năm tại đây triều đình có 02 lễ tế lớn vào mùa xuân và mùa thu, quan lớn địa phương đứng chủ tế (khi còn ở Gia Định- Đồng Nai, chúa Nguyễn Ánh thường thân làm chủ lễ, về sau mới sai các quan tế thay). Từ thành Biên Hòa lên hướng Văn Miếu theo con đường này còn có:
1- Miếu Thành Hoàng nơi thờ Thần bảo hộ cho thành Biên Hòa (nay là miếu thổ Thần hay miếu ông Hổ phường Hòa Bình)
2- Đàn Xã Tắc- cúng tế thần Đất và thần Nông (nay thuộc địa phận hai phường Hòa Bình- Quang Vinh, gần hẻm lẩu tôm Năm Ri).
3- Miếu Hội Đồng nơi thờ linh thần bổn cảnh và 68 vị văn thần võ tướng có công lao thời khai quốc (nay là đình Bình Thiền phường Quang Vinh).
Các nơi này cũng đáo lệ cúng lớn 02 kỳ mùa xuân và mùa thu. Tất nhiên ngoài đường thủy phát triển từ lâu, con đường bộ này cũng phát triển, nới rộng để phục vụ giao thông và thuận tiện cho đoàn cúng tế của triều đình: Tượng binh, kỵ binh, bộ binh, lễ binh cùng các đoàn rước của quan lại, dân chúng tham gia.
Trên cung đường này, đoạn nối từ đường 30 tháng tư, công trường sông Phố- đến ngã tư cầu mới, trước khi Pháp chiếm Biên Hòa, chưa có tài liệu tên cụ thể của cung đường này là gì, có lẽ gọi là quan lộc theo cái gọi chung thời bấy giờ. Sau khi chiếm Biên Hòa vào cuối năm 1861; một thời gian sau khi bình định, chánh quyền Pháp cho quy hoạch, sửa chữa cải tạo mở thêm nhiều con đường nội ô Biên Hòa; cung đoạn này dài gần 1300m được đặt tên là: Palasne de Champeaux.
1- Đường Palasne de Champeaux :
Louis Eugène Palasne de Champeaux (1840- 1889) nguyên là đại diện cho nước Pháp tại triều đình Huế từ 6 /10/ 1880 – 17/ 8/1881.
Ông có mặt trong phái đoàn Pháp ký hòa ước Quý Mùi hay còn có tên gọi là hòa ước Harmand, hòa ước này được ký kết vào ngày 25 tháng 8 năm 1883 tại Huế giữa đại diện của Pháp là Francois Jules Harmand- Tổng ủy Pháp đại diện ngoại giao cho nước Cộng hòa Pháp và đại điện của Đại Nam là Trần Đình Túc- Hiệp biện đại học sĩ (chánh sứ), Nguyễn Trong Hợp- Thượng thư bộ lại (phó sứ). Hoà ước có tất cả 27 điều khoản với nội dung chính là xác lập quyền bảo hộ lâu dài của Pháp trên toàn bộ Việt Nam. Hiệp ước này chính thức đánh dấu thời kỳ 1883-1945, toàn bộ Việt Nam trở thành thuộc địa của thực dân pháp.
Sau là Thông sứ tại Campuchia từ 04/11/1887 đến 10/03/1889 sau đó về Pháp và mất vào tháng 10/1889.
Ông xuất thân từ hải quân, phục vụ quân đội hơn 10 năm; ngày 01/04/1873 Trung úy Champeaux được bổ nhiệm là Thanh tra viên bản xứ Nội vụ tại Biên Hòa.
2- Đường Nguyễn Hữu Cảnh :
Sau năm 1954 chánh quyền VNCH đổi sang thành đường Nguyễn Hửu Cảnh.
Nguyễn Hửu Cảnh (Kính) (1650- 1700) sanh ra trong một danh gia vọng tộc; Ông là người đem quân đánh bắt vua Chiêm Thành là Bà Tranh (1692) lấy đất của Bà Tranh đặt làm trấn Thuận Thành (nay là vùng nam trung bộ). Mùa xuân năm 1698 vâng lệnh chúa Nguyễn, Thống suất nguyễn Hữu Cảnh đem quân vào vùng đất này, lấy đất Đông Phố lập nên phủ Gia Định, chia làm hai huyện; vùng Lộc Dã (Đồng Nai) làm huyện Phước Long; vùng Sài Gòn làm huyện Tân Bình. Năm 1700 một lần nữa, Ông lại vâng lệnh chúa Nguyễn, đem quân đánh Chân Lạp, chiến thắng Ông dẫn quân trên đường về ngang Rạch Gầm- Mỹ Tho thì mất.
3- Đường Cách Mạng Tháng Tám.
Sau chiến thắng mùa xuân năm 1975 cung đường này lại một lần đổi tên, ghép chung đường Hàm Nghi, đặt tên là đường CMT 8 cho đến ngày nay.
Viết tại Biên Hòa nhân ngày giỗ thứ 24 của cụ Lương Văn Lựu.
Tài liệu tham khảo:
1-Biên Hòa Lược Sử Toàn Biên - Lương Văn Lựu.
2-Đại nam nhất thống chí- tập 5.
3-Đại nam liệt truyện.
4-Đại nam hội điển sự lệ.
5-Hoàng việt thống nhất dư địa chí.
6-https://vi.wikipedia.org/..
Trước năm 1975

 Đường Champeaux 1930
Đền thờ tại cù lao Phố
 Đường Champeaux 1926 
Tranh vẽ Hòa Ước Quý Mùi 1883, tính từ trái sang: Đinh Trần Túc, Palasne de Champeaux, Jules Harmand Đức Cha Gaspar, Nguyễn Trọng Hiệp, ông Masse
Văn Phòng Luật Sư- Bạch Văn Suy (!)
Số 67 Nguyễn Hữu Cảnh Biên Hòa-
Bản đồ năm 1968
bản đồ năm 1862 ~1866

Trước năm 1975
Đường Nguyễn Hữu Cảnh- xưa và nay !








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét