Thứ Tư, 10 tháng 6, 2015

ĐÔ ĐỐC TRẦN THƯỢNG XUYÊN (002)

 Lần theo dấu chân Người! 
Bàn thờ chính điện


Xin được giới thiệu bài viết của Ông Nguyễn Văn Lợi- Hội Ái Hữu Biên Hòa ở Hải Ngoại (2011)




ĐỨC ÔNG TRẦN THƯỢNG XUYÊN VÀ NHỮNG TRUYỀN TỤNG LINH ỨNG.
Nguyễn Văn Lợi (Garden Grove , California . USA )

Người dân gốc Biên Hòa hầu như ai cũng biết và ghi nhớ công ơn của đại ân nhân Đức Ông Trần Thượng Xuyên, người có công trị an cũng như phát triển và xây dựng vùng Trấn Biên xưa, tức là Biên Hoà ngày nay. Từ một vùng đất hoang sơ, vắng vẻ khi Ngài đến trấn nhậm vào, khoảng năm 1686 Bính Dần (?) cuối thế kỷ XVII, đã chuyển mình thành một đô thị sung túc, phồn vinh, có một thương cảng tấp nập, giúp cho đời sống người dân muôn phần an lạc. Nhờ công đức khai phá và phát triển của Đức Ông, hai yếu tố “ĐỊA LỢI và NHƠN HOÀ" đã biến Biên Hoà trở thành vùng địa linh nhân kiệt.

Đại ân đại đức của Đức Ông dành cho con dân Biên Hoà không sao kể xiết, đã có biết bao bài viết ca tụng công lao của Ngài. Hôm nay, tôi xin góp phần ghi lại những truyền tụng liên quan đến Ngài, để nói lên sự linh thiêng của vị Thần Hoàng hiển thánh: Đức Thượng Đẳng Thần Trần Thượng Xuyên. Những truyền tụng này có thể chi tiết bị “tam sao thất bổn”, nhưng chắc chắn đã xảy ra với sự chứng thực bởi những nhân vật liên hệ còn hiện tiền.

* Đất Đàng Trong do triều đình nhà Nguyễn mới thu phục, thuở đó dân tình chưa được ổn định, có nhiều bọn trộm cướp nổi lên, lại thêm giặc Miên hay sang nước ta quấy phá, Tướng Trần Thượng Xuyên thường thân chinh đem quân đi đánh dẹp. Sau chiến thắng cuối cùng, trên đường về một phụ nữ đồng bóng đã xin gặp để bẩm báo, xin Ngài nên “lúc đi dùng đại lộ và khi về dùng tiểu lộ” hầu tránh tai kiếp. Tiếc thay, Ngài không tin lời nên đã bị mất giữa đàng. Dân chúng vô cùng thương tiếc, đã an táng Ngài ngay tại vùng Tân Tịch, Tân Uyên, đến nay vẫn còn mộ chí.

Để ghi nhớ công ơn to lớn, mở mang bờ cõi, hưng quốc an dân của Đô Đốc Tướng Quân Trần Thượng Xuyên, Chúa Nguyễn đã ban Sắc phong cho đại ân nhân họ Trần này một tước vị rất cao quý là:

“NGUYỄN VI VƯƠNG, TRẦN VI TƯỚNG, ĐẠI ĐẠI CÔNG THẦN BẤT TUYỆT.”
Các đời vua Minh Mạng (1820-1840) và Thiệu Trị (1841-1847) sau này, một lần nữa lại tấn phong cho Ngài tước vị cao trọng là:

“THƯỢNG ĐẲNG THẦN TRẦN THƯỢNG XUYÊN”
Không biết từ lúc nào dân chúng đã lập một cái miếu nhỏ đặt trên một cột trụ gỗ tọa lạc tại ngã ba dốc tòa án, góc đường Lê Văn Duyệt và Nguyễn Hữu Cảnh, chỗ có “cây điệp cháy” để tế bái Đức Ông. Thời đó người ta thường kể cho nhau nghe về sự linh thiêng của nơi này. Do kết quả một vụ kiện tụng giữa hai nhân vật mà người kể không nhớ tên cũng như không nhớ sự việc gì, ông chánh án tên Tý đã ra lệnh dời miếu thờ về địa điểm hiện nay ở góc đường Trần Thượng Xuyên và Thành Thái, mặt tiền đình hướng ra sông Đồng Nai. Tương truyền lúc đưa Sắc Ông về địa điểm mới, nhiều người thấy có kỳ lân xuất hiện về ban đêm, vì vậy các hương chức hội tề thời đó đặt tên đình thần là “Tân Lân Thành Phố Miếu”.
Các mốc xây dựng và trùng tu lớn!

Theo lời người kể:
“…trong khi chờ hoàn tất việc xây miếu, Sắc của Đức Ông được tạm thờ tại nhà ông Cả Lâu ở phía sau trường tiểu học Nguyễn Khắc Hiếu. Ngôi nhà này đã bị chìm ngập dưới biển nước trong trận bão lụt năm 1952 (Nhâm Thìn). Thật linh hiển, sau khi nước rút đi, người ta thấy Sắc của Đức Ông vẫn còn nguyên trạng, không mảy may suy suyển chút nào…”
Một câu chuyện khác được kể lại như sau:
“Những năm trước tháng Tư năm 1975, khi ông Hoàng Mạnh Thường giữ chức Tỉnh Trưởng Biên Hòa, lúc đó đã đòi hỏi hương chức đình thần phải cho xem bằng được Sắc vua ban cho Đức Ông Trần Thượng Xuyên, vì ông ta không tin Sắc của Đức Ông còn nguyên vẹn sau khi bị chìm dưới nước lâu ngày trong trận lụt đó. Chẳng bao lâu, vị tỉnh trưởng này mắc phải một chứng bệnh về mắt và còn bị thuyên chuyển đi nơi khác”.
Rồi đến chuyện:
“Trung Tá Mã Sanh Nhơn lúc giữ chức Tỉnh Trưởng Biên Hoà đã ngăn cấm không cho đoàn rước Sắc Thần Tân Lân từ Nhà Việc (sau này gọi là Trụ Sở Hội Đồng Xã Bình Trước) dùng đường Trần Thượng Xuyên đi ngang qua dinh tỉnh trưởng dọc bờ sông Đồng Nai về đình như thông lệ mỗi năm khi cúng Kỳ Yên. Nghe nói sau đó ông tỉnh trưởng nầy đã bị mất chức vì tội dính líu việc buôn lậu (?)”
Cuối năm 1975, vào dịp lễ cúng Vía Đức Ông có một chuyện linh ứng đã xảy ra trong ngày hành lễ, được nghe kể lại như sau:
“Một phụ nữ theo đạo Công Giáo, nhà ở hẻm Cây Me cạnh nhà thương Sơn Cao (nay là bệnh viện Trung Cao) trên đường Hàm Nghi, bà này vốn không tin vào chuyện thần thánh dị đoan, nhưng hôm đó bà đã có mặt và tự đứng ra ngâm nga thật nhịp nhàng những lời hát vè, cũng như các lời sấm truyền nói về vận mạng đất nước của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Việc này khiến gia đình bà ta rất ngạc nhiên, quả quyết là bà đã bị ai đó nhập vào mà ứng khẩu!”
Các bậc trưởng thượng kể lại:
“Mỗi lần đáo lệ ba năm, hương chức của đình cho rước đoàn hát về để Hát cúng đình. Khi đoàn hát nào được đến hát chầu Đức Ông đều phải cúng bái “xin keo”, họ xin Đức Ông linh ứng bài bản tuồng tích để theo đó mới bắt đầu sửa soạn tập dượt và trình diễn”.
Một câu chuyện khác cũng được kể về một cán bộ cao cấp thuộc Tỉnh Uỷ Biên Hòa đã có ý định kiểm soát và muốn mở tủ sắt của Đình Thần Tân Lân, chuyện được kể như sau:
“Theo thông lệ, chìa khóa tủ do ông Chánh Tế năm đó cất giữ, nhưng ông nầy tìm cách thoái thác và đã giao lại chìa khóa cho một ông hương chức khác mở tủ. Hậu quả là vị hương chức này và viên cán bộ kia đều bị hộc máu mà không biết nguyên do. Sau đó, ông Sáu Quới là hương chức thủ từ của Đình Tân Lân đã bày cho vợ viên cán bộ đích thân dâng mâm lễ vật cúng xin Đức Ông tha tội. Bà này trước năm 1975 đã từng bán cá ở chợ Biên Hòa, có nhà ở hẻm thầy Bảy “chích” xóm Lò Heo”.


Hằng năm con cháu của Đức Ông tụ tập về Đình Tân Lân, góp công góp của, cùng ban trị sự lo sửa sang tu bổ, trang hoàng mọi thứ để chuẩn bị tổ chức Lễ Vía Ông thật chu đáo tôn nghiêm. Lúc còn bé, tôi thường theo má tôi và cô Tư đến đình cúng Kỳ Yên. Chồng cô Tư là ông Trần Xì Nằng, hậu duệ đời Thứ VII của Đức Ông, nhờ đó tôi biết khá rõ đại gia đình của dượng Tư: Ba của dượng Tư là ông Trần Đại Tứ, đã lập gia đình với bà Đỗ Thị Vàng, thuộc gia đình họ Đỗ Cao ở Biên Hoà. Sáu anh chị em hậu duệ đời Thứ VII của dượng là:

- Bà Trần Xì Dậu

- Ông Trần Xì Sỉn

- Bà Trần Xì Ngãnh (Nghiệp chủ xe đò Bình Dương)

- Ông Trần Xì Nằng (Nghiệp chủ nhà máy xay đá Tân Thành và garage sửa xe hơi ở Cây Chàm)

- Ông Trần Xì Cường (sáng lập viên công ty xe đò Liên Hiệp)

- Ông Trần Xì Dịnh (Nghiệp chủ tiệm xe đạp Đông Hưng)

Chữ Xì được phát âm theo tiếng Quảng Đông của chữ Thụ. Theo gia phả ở nhà từ đường tỉnh Quảng Đông Trung Hoa ghi rõ, nhằm để nhận biết gốc tích họ hàng nhà Trần của Đức Ông, việc đặt tên cho con với chữ lót theo thứ tự được xoay vần theo quy định như sau: Nguyên, Tấn, Đại, Thụ, Ngọc, Minh. Và tên chính của Đức Ông Trần Thượng Xuyên là Trần Tấn Tài.

Trên đây là những câu chuyện được viết theo lời của một người dân cố cựu Biên Hòa kể lại theo trí nhớ nên có thể có ít nhiều điều sai sót, xin quý vị đồng hương Biên Hòa vui lòng lượng thứ và chỉ giáo thêm. Chúng tôi xin ghi nhận và chân thành cám ơn quý đồng hương và các bậc trưởng thượng.
Viết nhân ngày Lễ Vía Đức Ông năm 2011, Tân Mão
Nguyễn Văn Lợi







(Xứ Bàng Lân 24 tháng tư Ất Mùi)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét