Miếu Hội Đồng
Bên trong một ngôi đình tên Đình Trung tại hội chợ Mác- Xây năm 1922 ,có thể là miếu Hội Đồng Biên Hòa (?)
Miếu hội đồng là thiết chế thờ tự quan trọng ở cấp tỉnh, đứng sau văn miếu do triều đình quản lý. Các vị thần được thờ tại miếu hội đồng được triều đình chuẩn cấp bằng sắc phong. Hàng năm, các quan đầu tỉnh thay mặt triều đình đến tế, theo điển lễ.
Theo thiết chế, điển lệ chung của triều đình, nơi đây thờ :
Thượng, trung, hạ đẳng dương thần, âm thần, nhiên thần, nhân thần. Thổ địa long thần, Hà bá thủy quan; Tiên sư thổ công, Táo quân trụ trạch….
Đây là hệ thống thần linh ở địa phương, gồm có những biểu tượng văn hóa, những biểu tượng khí thiêng sông núi. Nếu là nhân thần thì cũng là những danh nhân lức còn sống có công với dân tộc, có công với địa phương.
Miếu hội đồng Trấn Biên được xây dựng sớm ở nam bộ (1801) chỉ sau Gia Định (1795). Đây là thiết chế tín ngưỡng văn hóa quan trọng của triều đình, đến trước thời điểm Pháp xâm lược nước ta; từ kinh sư, phủ thừa thiên đến 2 đạo Hà Tỉnh, Phú Yên và 26 tỉnh từ bắc chí nam đều được cho xây dựng miếu hội đồng, riêng chỉ có tỉnh An Giang là chưa dựng.
Năm 1803 vua Gia Long chuẩn y lời đề nghị cho lập một miếu hội đồng ở phía tây bắc các lị sở dinh trấn trong toàn quốc, miếu nhìn về hướng nam, chính đường tiền đường đều 1 gian 2 chái.
Trong ghi chép về Dinh Trấn Biên (quyển 7- Hoàng Việt thống nhất dư địa chí- 1806) Thượng thư bộ hộ của vua Gia Long là Lê Quang Định, có đoạn ghi:
...Từ trước trấn thành (Thành Biên Hòa) theo hướng tây (bên phải Thành- hướng về núi Bửu Long)...100 tầm, 2 bên đường có dân cư thưa thớt, đến miếu Hội Đồng, miếu nằm bên phía bắc đường đi, năm Ất Sửu (1805) phụng mệnh xây điện lợp ngói rất nguy nga, lệ cắt dân thôn Phước Lư lo việc phục dịch ở miếu này, hằng năm ban lễ tế hai kỳ xuân thu...
Trong địa bạ Minh Mạng năm 1836 có chép:
Bình Thành thôn, ở xứ Thành Tự (Chùa Thành)
. Đông giáp phường Bình Trúc (Bình Trước), thôn Tân Lân, có lập cột gỗ làm giới
. Tây giáp địa phận thôn Tân Lại, có lập cột gỗ làm giới
. Nam giáp địa phận thôn Tân Lân, có lập cột gỗ làm giới
. Bắc giáp thôn Bình Điện (Phước Vinh Trung), có lập cột gỗ làm giới
-Thực canh ruộng đất 32.7.2.9:
. Điền tô điền 15.2.8.2 (29 sở chủ, BTĐC 0.1.1.7-0.1.0.0 và sư tăng chùa Bửu Sơn đồng canh 0.7.0.0).
. Đất trồng dâu, mía 17.4.9.7 (71 sở)
- Đất để ở 1.0.0.0
- Mộ địa 1 khoảnh.
- Đất gò đồi hoang một khoảnh.
- Đất lập Miếu Hội Đồng 1 sở.
- Đất lập Đàn Xã Tắc 1 sở.
Bản đồ Biên Hòa năm 1863 (chú thích các địa điểm năm 2016)
Bản đồ ghi chú vị trí các di tích xưa trực thuộc quản lý củaThành Biên Hòa
Số 1: Thành Biên Hòa- Nhà Tiên Tàm ( nuôi tằm)
Số 2: Văn Miếu
Số 3: Miếu Hội Đồng
Số 4: Đền Trung Tiết (Trận Vong Hướng Sĩ)
Số 5: Miếu Thành Hoàng
Số 6: Đàn Xã Tắc
Số 7: Tịch Điền
Số 8: Xưởng Thuyền Công
Số 9: Chuồng Voi.
Năm 1825 vua Minh Mạng lại chuẩn y lời đề nghị của bộ công về quy chuẩn xây dựng miếu hội đồng cho cả nước : Chính đường, tiền đường đều 3 gian, 2 chái, mái thềm đằng trước hợp làm một tòa. Kích thước ngang, dọc, chiều cao cột chính, cột phụ…nhất tề đều theo quy chuẩn của triều đình.
Miếu hội đồng trấn biên được xây dựng năm 1801(thời kỳ nhà Nguyễn trung hưng, Nguyễn Ánh chưa lên ngôi), thờ linh thần bổn cảnh (các vị thần địa phương) và 68 quan văn, võ có công lao từ thời mở nước. Hàng năm theo lệ ban của triều đình, tế lớn hai lần vào tháng trọng xuân và tháng trọng thu (tháng thứ 2 của mùa xuân và tháng thứ 2 của mùa thu). Trước kia nằm ở phía tây tỉnh thành, thuộc địa phận thôn Bình Thành (Bình Thiền), đến năm 1809 dời về địa điểm hiện tại, năm 1849 cho tu sửa lại (Lương Văn Lựu)
Sau biến cố tháng 12 năm 1861, Thành Biên Hòa rơi vào tay thực dân Pháp. Ngày 5 tháng 6 năm 1862, một hiệp ước được ký kết giữa Triều Đình Huế và đế quốc Pháp ( Hiệp ước nhâm tuất), theo đó triều đình nhượng 3 tỉnh miền đông nam kỳ là Gia Định, Biên Hòa và Định Tường cho Pháp. Kể từ đấy, các thiết chế cơ sở văn hóa tín ngưỡng tại Biên Hòa như: Văn miếu, miếu hội đồng, đàn xã tắc, tiên nông, đền trung tiết…không còn sự quản lý, điều động, cấp phát nhân lực, tài lực của triều đình nữa!
Miếu nằm trên đồi cao (nay là khu đồi có nhà thi đấu- ký túc xá trường mỹ thuật trang trí Đồng Nai), 1931 chưa rõ lý do vì sao, lại dời về đầm trũng thấp, cách đấy chừng hơn trăm mét, nhường chỗ cho Phước Kiến Nghĩa Từ (?)
Một thời gian sau, không rõ vào khi nào, miếu hội đồng Biên Hòa đổi thành miếu Bình Thiềng (Bình Thành), dân gian gọi là đình Trung; thuộc sự quản lý của làng Bình Thành (nay thuộc khu phố 4, phường Quang Vinh).
Ngày nay, mọi dấu vết thờ tự thời miếu hội đồng đã xóa sạch. Đối tượng thờ chính tại đình Bình Thiền là Đương cảnh thành hoàng đại vương (có sắc phong của vua Minh Mạng (!). Đình này có sự khác biệt với đa số đình khác là 2 bên chánh điện không thờ tả ban, hữu ban, mà ta thấy là bàn thờ Thần Nông và Thánh Mẫu nương nương (?). Hàng năm còn giữ lệ cúng vào các ngày 15, 16 và 17 tháng 10 âm lịch (vẫn lệ cũ thời còn là miếu Hội Đồng)
Đủ các lệ: Thỉnh sắc chu du, tụng kinh cầu an, túc yết, xây chầu đại bộ, cúng tiên sư hậu bối, lễ tỉnh sanh, đàn cả. Qua ngày 17 lễ tôn vương cuối cùng là lễ tất. Hàng năm đến lệ cúng, dân trong làng đến viếng rất đông đảo, họ đến để cầu mong an khang thịnh vượng cho gia đình, làng xóm; đình có diễn hát các tuồng cổ phục vụ miễn phí cho bá tánh trong suốt 3 ngày lễ hội.
Đình Bình Thiền còn giữ được cấu tạo như điển lệ xưa của miếu hội đồng Biên Hòa
Hàng năm đến lệ cúng 15, 16 và 17 tháng 10, dân làng nô nức đến chiêm bái, và xem tuồng hát.
Miếu Hội Đồng Vĩnh Long, nay là miếu Công Thần hiện đang lưu giữ 85 sắc thần.
Ngày nay miếu hội đồng Vĩnh Long còn lưu 2 sắc thần của Nguyễn Hữu Cảnh, miếu hội đồng Gia Định còn 1 sắc của Ngài lưu tại đình Châu Phú; như thế miếu hội đồng Biên Hòa thờ thờ linh thần bổn cảnh cùng 68 vị văn thần võ tướng thời khai quốc xưa, ắt có nhiều sắc thần, trong đó tất nhiên có sắc của Nguyễn Hữu Cảnh và Trần Thượng Xuyên, hai vị có công đầu trong việc mở cõi phương nam và đã được nhà Nguyễn phong thượng đẳng thần.
(Công việc truy tìm những sắc thần đang còn lưu lạc ấy thật khó khăn, nhưng là việc đáng làm trong công việc gìn giữ bảo tồn văn hóa của tiền nhân !)
Trích: Thành Biên Hòa và các cơ sở thiết chế văn hóa tính ngưỡng- Nguyên Phong Lê Ngọc Quốc (bản thảo)
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
(1) Gia Định thành thông chí- Trịnh Hoài Đức- Hậu Học Song Hào Lý Việt Dũng dịch và chú thích- NXB Đồng Nai 2006.
(2) Hoàng Việt thống nhất dư địa chí- Lê Quang Định
(3) Đại Nam Thực Lục- Quốc sử quán
(4) Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn Biên Hòa- Nguyễn Đình Đầu.
(5) Đại nam Quốc Lược Sử- Alfred Schreinr, Sài Gòn 1906
(6) Khâm định đại nam hội điển sự lệ-Nội các triều Nguyễn.
(7) Đại Nam nhất thống chí- Nội các triều Nguyễn.
(8) Biên Hòa sử lược toàn biên- Lương Văn Lựu.
(9) 85 sắc phong ở Miếu công thần tại Vĩnh Long.Thư viện khoa học tổng hợp Tp HCM 2013.
(10) 290 năm (1715- 2005) Văn Miếu Trấn Biên- Thành Ủy, UBND Thành phố Biên Hòa
(11) Đại Nam Thực Lục, Quốc Sử Quán Triều Nguyễn
(12) Minh Mệnh Chính Yếu, Quốc Sử Quán Triều Nguyễn.
(13) http://gallica.bnf.fr/ark:/12148/bpt6k62202176.item
(14) Việt Nam phong tục – Phan Kế Bính.
(15) Việt điện u linh tập- Lý Kế Xương.
(16) Nghi và văn cúng chữ Hán ở thành phố Biên Hòa, Bảo Tàng Đồng Nai, nhà xuất bản Đồng Nai, 2013- Hậu học song hào Lý Việt Dũng dịch và chú thích-
(17) Cơ sở tín ngưỡng và truyền thống ở Biên Hòa, Phan Đình Dũng
(18) Người Pháp và người Annam, bạn hay thù- Philipe Devillers- Nhà xuất bản tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh.
(19) Hồ sơ khoa học di tích lịch sử- kiến trúc nghệ thuật thành phố Biên Hòa- Ban di tích thành phố Biên Hòa.
(20) Lịch sử cuộc viễn chinh nam kỳ năm 1861-Le1opold Pallu, Hoàng Phong dịch và bình- Nhà xuất bản Phương Đông 2008
(21) Tuần báo Le Monde Illustré của Pháp, số 254 năm thứ 6, ra ngày 22/02/1862.
(22) Tuần báo L’Illustation Journal Universel của Pháp, ra ngày 01/03/1862.
(23) Lý lịch sự vụ, nguyên tác Nguyễn Đức Xuyên, dịch và khảo chú: Trần Đại Vinh- Tạp chí nghiên cứu và phát triển số 6(123) và số 7(124) năm 2015
(24) Một số tài liệu trên internet và tư liệu điền dã
(25) http://gallica.bnf.fr/ark:/12148/bpt6k62202176.item
(26) https://www.delcampe.net/fr/collections/cartes/autres/carte-lever-de-la-place-de-bien-hoa-et-de-ses-environs-363149798.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét