Thứ Ba, 30 tháng 8, 2016

LÝ VIỆT DŨNG- VĂN BIA MIẾU KHỔNG TỬ VĨNH LONG

BÀI VĂN BIA MIẾU KHỔNG TỬ Ở VĨNH LONG
Song Hào Lý Việt Dũng



Cụ Phan Thanh Giản, vị tiến sĩ đầu tiên của Nam Bộ, sinh thời có viết ba bài văn bia. Bài thứ nhất viết về chuyện bà Tiên nữ A Na Thiên Y, dựng tại đền thờ Ponagar ở Nha Trang. Bài thứ hai viết về Sư biểu Võ Trường Toản, dựng tại miếu cụ Võ ở làng Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Bài thứ ba viết về Khổng Tử dựng tại miếu Văn Thánh ở Vĩnh Long. Bài 1 và 2 chúng tôi đã dịch và đăng trên Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển ở Huế (số 2 (28) và 3 (29) năm 2000). Để cho trọn bộ, chúng tôi xin cố gắng dịch bài văn bia miếu Văn Thánh ở Vĩnh Long và cũng gởi đăng ở báo Nghiên cứu và Phát triển. Dĩ nhiên, văn bia rất khó dịch nên xin độc giả kiểu chính cho những sai sót khó tránh khỏi. Trân trọng cám ơn.

I. Nguyên văn

永隆文聖廟碑

天祐下民,作之君,作之師,而以治與教 命,焉其爲惠爱也至矣。惟治記見於當時而教傳之萬祀。必有教焉而後治有所措,情,此教之於治民其最切要,而不可一日無者也。

大哉,夫子之道,爲天地立心,爲生民立命,爲往聖繼絕學,爲萬世開太 平,所以歷大崇祀,而莫之在替者也。

我皇朝隆師重道稽古立教,首善大成殿,體製尊嚴,数百年來,欽崇作養,治教休明,於是乎。在南圻六省地势遼隔,幾三千里,開闢獨後。



奉我顯尊皇帝在御之己未,二十五年鎮邊營鎮守阮攀,記錄范慶德始奉于氂之福隆府,建先師孔子廟

祠,每遇春秋二祀。嘉定城擇委文職大員,率同學官,紳士,前往齋粛行禮。

明命六年始奉于,原城之平陽縣地別見在城文廟而各鎮均未有焉。然每至課試之期,各鎮士子冠帶雜還弦誦,誾秋,遇有釋奠函得預事,高山景行有所尊仰焉。迨改設六省,其永隆本省,初卜築于新山村,材庀已具,尋以有事中停。嗣德十二年,己未嘉定,邊和,定祥相繼失陷,士夫避地本省,及安河諸轄。于時戎馬倥傯,士子負羽從軍,學業稍解。十五年領題學阮通爰會諸紳欽而謀之,相于城東南二里許,在湖村地,面前俯長江,後倚皋阜,左右園林帶廻,地勢幽静,卜云其吉,告于上司即此奉先師孔子廟,以十七年甲子仲冬起工,迄今年秋季告成,凡祠器與應用等項製造各稱事。又於垣外左邊,臨江建書樓以爲藏經之所。且備歲時會集讀書焉,餘鳩工顧役支金,置田各若干,已別有記。功竣,本省督部堂張公文苑,布政使阮文雅,按察使武允清,爲請置守護廟夫二十名,祀田干畝免稅,以充祀事。

夫,两楹坐奠,千古尊崇,葢瞻式有所在也。而聖人之教始於誠己,終於誠物,吾人爲學要在身體而力行之,須有實著文章不關世教,雖工猶無益也。

又聞:夫子行在孝經,而志在春秋。葢,夫子之襃貶諸候之志在春秋,而崇人倫之行在孝經,其至德要道不外乎是。

簡,於學未有所得,無以補益,謹誦所聞如此,多士之事聖人,其亦知所以事乎。

時嗣德十九年,歲在丙寅重陽後三日。

後生:潘清簡再拜謹爲記。

II. Phiên âm
Vĩnh Long Văn Thánh (1) miếu bi

Thiên hựu hạ dân, tác chi quân, tác chi sư, nhi dĩ trị dữ giáo mạng, yên kỳ vi huệ ái dã chí hỷ. Duy trị ký kiến ư đương thòi nhi giáo truyền chi vạn tự. Tất hữu giáo diên nhi hậu trị hữu sở thố, thử giáo chi ư trị dân, kỳ tối thiết yếu nhi bất khả nhất nhật vô giả dã.

Đại tai, Phu tử  (2) chi đạo, vị thiên địa lập tâm, vị sanh dân lập mạng, vị vãng thánh kế tuyệt học, vị vạn thế khai thái bình, sở dĩ lịch đại sủng tự, nhi mạc chi tại thế giả dã.

Ngã Hoàng triều long sư trọng đạo, kê cổ lập giáo, kinh sư thủ thiện Đại Thành điện, thể chế tôn nghiêm, sổ bách niên lai, khâm sùng tác dưỡng, trị giáo hưu minh, ư thị hồ. Tại Nam Kỳ lục tỉnh (3) địa thế liêu cách, kỷ tam
 thiên lý, khai tịch độc hậu.

Phụng ngã Hiển Tông Hoàng đế (4) tại ngự chi Ất Mùi, nhị thập ngũ niên, Trấn Biên doanh (5) Trấn thủ Nguyễn Phàn Long, Ký lục Phạm Khánh Đức thỉ phụng vu ly chi Phước Long phủ, kiến Tiên sư Khổng Tử miếu từ, mỗi ngộ xuân thu nhị tự, Gia Định thành trạch ủy văn chức đại viên, suất đồng học quan, thân sĩ (6), tiền vãng trai túc hành lễ.

Minh Mạng lục niên thỉ phụng vu, nguyên thành chi Bình Dương huyện địa biệt kiến tại thành Văn Miếu (7) nhi các trấn (8) quân vị hữu diên. Nhiên mỗi chí khóa thí chi kỳ, các trấn sĩ tử quan đái tạp hoàn huyền tụng, ngân thu, ngộ hữu thích điện (9) hàm đắc dự sự, cao sơn cảnh hành (10) hữu sở tôn ngưỡng diên. Đãi cải thiết lục tỉnh(11), kỳ Vĩnh Long bổn tỉnh, sơ bốc trúc vu Tân Sơn thôn, tài can dĩ cụ, tầm dĩ hữu sự trung đình. Tự Đức thập nhị niên, Kỷ Mùi Gia Định, Biên Hòa, Định Tường tương kế thất hãm (12), tam tỉnh sĩ phu ty địa bổn tỉnh, cập An-Hà chư hạt. Vu thời nhung mã khống tổng, sĩ tử phụ vũ tùng quân, học nghiệp sảo giải. Thập ngũ niên Lãnh- đề học Nguyễn Thông viên hội chư thân khâm (13) nhi mưu chi, tương vu thành đông nam nhị lý hứa, tại Long Hồ thôn địa, diện tiền phủ trường giang, hậu ỷ cao phụ, tả hữu viên lâm đái hồi, địa thế u tịch, bốc vân kỳ cát, cáo vu thượng ty tức thử phụng Tiên sư Khổng Tử miếu, dĩ thập thất niên Giáp Tý trọng đông khởi công, hất kim niên thu quý cáo thành, phàm từ khí dữ ứng dụng đẳng hạng chế tạo các xứng sự. Him ư viên ngoại tả biên, lâm giang kiến thơ lâu dĩ vi tàng kinh chi sở. Thả bị tuế thòi hội tập độc thơ diên, dư cưu công cố dịch chi kim, trí điền các nhược can, dĩ biệt hữu ký. Công (thuyên) thuân, bổn tỉnh Đốc bộ đường Trương Công Văn Uyển, Bố chánh sứ Nguyễn Văn Nhã, Án sát sứ Võ Doãn Thanh, vi thỉnh trí thủ hộ miếu phu nhị thập danh, tự điền can mẫu miễn thuế, dĩ sung tự sự.
Phù, lưỡng doanh tọa điện, thiên cổ tôn sùng, cái chiêm thức hữu sở tại dã. Nhi thánh nhơn chi giáo thỉ ư thành kỷ, chung ư thành vật, ngô nhơn vi học yếu tại thân thể nhi lực hành chi, tu hữu thực trứ văn chương bất quan thế giáo, tuy công do vô ích dã.
Hựu văn: Phu tử hạnh tại Hiếu Kinh (14), nhi chí tại Xuân Thu (15). Cái, Phu tử chi bao biếm chư hầu chi chí tại Xuân Thu, nhi sùng nhơn luân chi hạnh tại Hiếu Kinh, kỳ chí đức yếu đại bất ngoại hồ thị.
Giản, ư học vị hữu sở đắc, vô dĩ bổ ích, cẩn tụng sở văn như thử, đa sĩ chi sự thánh nhơn, kỳ diệc tri sở dĩ sự hồ.
Thời Tự Đức thập cửu niên, tuế tại Bính Dần trùng dương hậu tam nhật. 

Hậu sanh: Phan Thanh Giản tái bái cẩn vi ký.

III. Tạm dịch
Bia miếu Văn Thánh ở Vĩnh Long
Trời giúp dân hèn mọn nên tạo ra đấng làm vua để cai trị, bậc lam thầy để dạy dỗ, mà lòng thương yêu trìu mến thật là hết mức vậy! Nhưng sự cai trị thì chỉ thấy ở lúc bấy giờ, mà sự dạy dỗ thì lưu truyền đến muôn đời. Phải có sự dạy dỗ trước rồi sau sự cai trị mới có chỗ thi thố được.
Do vậy, sự dạy dỗ đối với sự cai trị dân rất cần yếu, không thể bỏ qua một ngày mà không có vậy.

Lớn thay, đạo của đức Khổng Phu Tử, vì trời đất lập tâm, vì sanh dân lập mạng, vì thánh đời xưa nối sự học đã dứt, vì muôn đời mở ra cuộc thái bình, cho nên trải qua các đời được thờ phụng, cúng tế không bao giờ suy giảm.

Hoàng triều ta kính thầy trọng đạo, xét thời xưa mà bày ra cách dạy. Ở kinh đô trước lập ra đền “Đại Thành”, thể chế rất tôn nghiêm. Vài trăm năm trở lại đây, kính chuộng đạo học, nuôi dạy nhơn tài, trị và dạy đều sáng chói ở nơi đó.

Ở Nam Kỳ lục tỉnh, vì địa thế xa cách gần ba ngàn dặm, nên mở mang phải sau. Vào năm đức Hiển Tông Hoàng đế ta trị vì, là năm Ất Mùi thứ 25 (1715), quan Trấn thủ doanh Trấn Biên Nguyễn Phan Long, quan Ký lục Phạm Khánh Đức mới lập tại phần đất ở phủ Phước Long một tòa Văn Miếu, thờ đức Tiên sư Khổng Tử, rồi từ đó, mỗi khi gặp tiết xuân thu hai lần cúng tế thì ở thành Gia Định có lựa chọn phái bên văn một quan lớn đi với quan Đốc học và các thân sĩ đến đó trai túc hành lễ.

Qua triều Minh Mạng năm thứ 6 (1825) mới lại phụng mệnh ngay thành cũ thuộc đất Bình Dương, riêng cất tại thành một tòa Văn Miếu mà các trấn lúc bấy giờ chưa có. Song mỗi lần đến kỳ thi khóa, học trò các trấn tề tựu về đó đông đầy, áo khăn chỉnh tề, tụng đọc ngân nga nghiêm túc và như có gặp nhằm lễ cúng đức Khổng Tử, các trò cũng đều được đến dự. Đường cả non cao, có chỗ chiêm ngưỡng vậy. Kịp đến sau sửa đổi thiết lập lục tỉnh, thì bổn tỉnh Vĩnh Long mới chọn cất miếu tại làng Tân Sơn. Cây ngói đã sẵn sàng, sau đó có việc phải nửa chừng đình hoãn lại. Đến năm Tự Đức thứ 12 (Kỷ Mùi 1859), các tỉnh Gia Định, Biên Hòa và Định Tường nối nhau bị chiếm. Sĩ phu trong ba tỉnh ấy lánh nạn chạy qua bổn tỉnh cùng các hạt An Giang, Hà Tiên.

Lúc bấy giờ việc binh mã vội vàng cấp tập, các trò đều quẳng bút theo quân khiến cho sự học hành lần lần bê trễ. Đến năm Tự Đức thư 15 (Nhâm Tuất 1862), quan Đề học Nguyễn Thông bèn hội họp các thân sĩ lại để tính việc xây miếu, chọn một miếng đất ở về hướng đông nam cách tỉnh thành chừng hai dặm, thuộc về địa phận làng Long Hồ, mặt tiền ngó xuống sông dài, mặt hậu dựa gò đất cạnh chằm nước. Hai bên tả hữu có vườn tược bao quanh, địa thế thật là thanh vắng. Chọn được ngày lành tháng tốt, bẩm với quan trên dựng miếu thờ đức Tiên sư Khổng Tử, chọn tháng giữa đông năm thứ 17 (Giáp Tý 1864) khởi công. Qua cuối mùa thu năm nay (Bính Dần 1866) hoàn thành. Phàm những đồ thờ với các món để dùng, chế tạo đều xứng đáng cả.

Lại ở phía ngoài tường, bên tả gần mé sông, có dựng một cái lầu sách để làm nơi chứa sách đồng thời cụ bị sẵn nơi hội họp đọc sách trong năm.

Còn về số tiền chi phí rước thợ, mướn phu và để ruộng cúng là bao nhiêu, thì đã y số ghi ở sổ riêng. Công việc xây cất xong, quan Tổng đốc bổn tỉnh Trương Văn Uyển, Bố chánh sứ Nguỵễn Văn Nhã và Án sát sứ Võ Doãn Thanh có xin cấp trong miếu 20 người phu để coi sóc giữ gìn và một mẫu ruộng tư điền khỏi đóng thuế để dùng vào việc cúng tế.

Ôi ! Hai gian thờ cúng, muôn đời tôn sùng, ngắm xem gương mẫu, có chỗ trước mặt. Mà sự dạy dỗ của thánh nhơn, bắt đầu đốc thành cho mình rồi sau mới đốc thành cho vật. Còn việc học hành của chúng ta thì gốc ở nơi mình mà phải ra sức làm cho nên việc. Thảng hoặc có kẻ văn chương thật sắc sảo mà chẳng quan tâm đến sự dạy dỗ cho đời, tuy có giỏi củng không ích chi !

Lại nghe: Đức Khổng Phu Tử hạnh ở sách Hiếu Kinh mà cái chí thì ở sách Xuân Thu, bởi vì cái chí của Phu Tử khen chê các nước chư hầu ở sách Xuân Thu, mà cái hạnh chuộng nhơn luân thì lại ở sách Hiếu Kinh, cho nên cái đức tột cùng, cái đạo quan trọng chẳng ngoài nơi đó.

Giản tôi, sự học chưa có gì, không lấy chi giúp ích cho đời, nên kính đọc những chỗ nghe như thế. Các học trò thờ đức thánh nhơn qua đó cũng biết về chỗ tại sao thờ ấy vậy.

Năm Tự Đức thứ 19 (Bính Dần 1866), sau tiết Trùng dương ba ngày (12 tháng 9 âm lịch).

Kẻ hậu sanh Phan Thanh Giản lạy lần nữa kính làm bài này.

Hậu học Song Hào Lý Việt Dũng
CHÚ THÍCH

(1) Văn Thánh: Đời Minh, Thanh,Trung Quốc gọi tôn đức Khổng Tử là Văn Thánh Đế quân. Khổng Tử (551-478 tr.CN), người làng Xương Bình, huyện Khúc Phụ, nay thuộc phủ Duyên Châu tỉnh Sơn Đông. Ồng tổ ba đời dời sang nước Lỗ. Thân phụ ngài là Thúc Lương Ngột, mẹ là Nhan thị. Vì bà Nhan thị có lên cầu tự ở núi Ni Khâu nên đặt tên ngài là Khâu, tự Trọng Ni.

Khổng Tử làm quan nước Lỗ, từng giữ chức Tướng quốc trong ba tháng, nước Lỗ đại trị. Sau đó vua Lỗ chểnh mảng việc triều chính nên Khổng Tử liền bỏ Lỗ đi chu du các nước Tề, Chu, Tào, Tống, Trần, Thái, Khuông, Diệp, sở trong vòng 14 năm đều không được nước nào trọng dụng bèn trở về Lỗ san định Kinh Thi, Thư, đính Lễ, Nhạc, tán Chu dịch và soạn Kinh Xuân Thu, lập đạo Nho dạy hậu thế, được hậu thế tôn là thánh nhơn.

(2) Phu tử: Gọi đủ là Khổng Phu Tử, tức đức Khổng Tử. Phu tử là tiếng gọi kính bậc trên trước.

(3) Nam Kỳ lục tỉnh: Đó là sáu tỉnh ở Nam Bộ: Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, Châu Đốc, Hà Tiên.

(4) Hiển Tông Hoàng đế: Là thụy hiệu của chúa Nguyễn Phúc Chu (1675-1725). Nguyễn Phúc Chu là chúa thứ 6, con cả của chúa Anh Tông Nguyễn Phúc Thái.

Năm 1691, Anh Tông mất, ông lên thay, được triều thần tôn là Bình Chương Quân Quốc Trọng Sự Thái Bảo Tộ Quốc Công. Sau khi hết tang cha, ông được tôn hiệu là Quốc chúa. Đời ông trị vì văn trị võ công đều rực rỡ. Ông là người học rộng, hiểu nhiều, sùng Nho, mộ Phật. Năm 1725 ông mất, ở ngôi 34 năm, được triều đình thụy hiệu là Đô Nguyên Súy Tổng Quốc Minh Vương, truy tôn là Hiển Tông Hiếu Minh Hoàng đế.

(5) Trấn Biên doanh: Tức trấn Biên Hòa.

(6) Thân sĩ: Cũng gọi là thân khâm, thân hoạn, tức quan lại. Sĩ là sĩ tử, tức học trò. Khâm là thanh khâm, cũng chỉ học trò. Ban đầu chữ thân sĩ hay thân khâm dùng để chỉ quan lại hay học trò, là thành phần trí thức tại địa phương. Sau từ này dùng để chỉ chung kẻ có địa vị được kính trọng tại địa phương là thân hào nhân sĩ.

(7) Văn Miếu: Hai đời Minh, Thanh ở Trung Quốc gọi miếu thờ đức Khổng Tử là Văn Miếu.

(8) Các trấn: Thời Minh Mạng, thành Gia Định có 5 trấn. Huyện Bình Dương thuộc trấn Phiên An, vậy từ các trấn chỉ 4 trấn còn lại là trấn Biên Hòa, trấn Định Tường, trấn Vĩnh Thanh và trấn Hà Tiên. (Chú của người dịch: theo thiển ý, chỗ này cụ Phan viết hình như hơi có mâu thuẫn, vì đoạn trước nói vào năm Hiển Tông thứ 25 (1715), phủ Phước Long, tức một phủ của Trấn Biên (Biên Hòa) đã có dựng miếu thờ Khổng Tử, vậy mà đoạn dưới lại nói, năm Minh Mạng lục niên (1826) tại huyện Bình Dương thuộc trấn Phiên An cất Văn Miếu thờ Khổng Tử, là việc mà 4 trấn còn lại (trong đó có trấn Biên Hòa) chưa từngcó !).

(9) Thích điện: Là lễ cúng đức Khổng Tử. Thiên Văn Vương thế tử ở Kinh Lễ: Phàm học trò mùa xuân phải cúng đức tiên sư, mùa thu, mùa đông cũng thế. Phàm mỗi nhà học đều phải dâng lễ vật cúng tiên thánh, tiên sư. Thích điện là bày lễ vật rượu thịt cúng đức Khổng Tử vậy.

(10) Cao sơn cảnh hành: Kinh Thi, Tiểu nhã: “Cao sơn ngưỡng chỉ, cảnh hành hành chỉ” . Chú: cảnh là lớn, sáng, ý nói có đức lớn như núi nên được ngưỡng mộ, có đường dài lớn, theo pháp mà đi. Nói tóm lại là núi cao đường cả.

(11) Lục tỉnh: Tức Nam Kỳ lục tỉnh.

(12) Năm Tự Đức thứ 12, ba trong sáu tỉnh Nam Kỳ là Biên Hòa, Gia Định và Định Tường đều bị Pháp chiếm.

(13) Thân khâm: Tức thân sĩ.

(14) Hiếu Kinh: Là sách thuật chuyện vấn đáp giữa Tăng Tử và Khổng Tử để làm sáng tỏ đạo hiếu và ý nghĩa hiếu trị. Hán thư nghệ văn chí: “Hiếu là kinh sách của trời, nghĩa lý của đất, hạnh của dân....” Hiếu Kinh: “Hiếu Kinh vì sao được soạn ra? Đáp, vì xiển phát minh vương lấy hiếu trị thiên hạ mà làm ra đại kinh, đại pháp vậy”.

Lại, Hiếu Kinh luận hiếu đại để tại lập thân, hành đại đức, giáo trị hóa. Hiếu Kinh có kim văn và cổ văn hai bổn. Kim văn do Trịnh Huyền chú phân ra 18 chương, cổ văn do Khổng An Quốc chú phân ra 22 chương.

(15) Xuân Thu: Tên sách do Khổng Tử căn cứ vào sử nước Lỗ mà chế tác ra. Mạnh Tử nói: “Thời thế suy vi, đạo đức băng hoại, tà thuyết mọc ra như nấm, tôi thần giết vua, con giết cha. Khổng Tử lo sợ mới soạn sách Xuân Thu. Sách Xuân Thu là để phụng sự cho vua”.

Khổng Tử soạn kinh Xuân Thu bắt đầu từ Lỗ Ẩn Công nguyên niên (tức Chu Bình Vương năm 49) đến Lỗ Ai Công năm thứ 14 (tức Chu Bình Vương năm 39) gồm 12 đời vua, tính ra 242 năm. Đời gọi thời kỳ này là thời Xuân Thu (722-480 trước Tây lịch).

Tại sao trong kinh Xuân Thu Khổng Tử chê bai các vua chư hầu thời đó? Bởi vì khi nhà Chu lên ngôi thiên tử thì chia thiên hạ thành các nước chư hầu. Các nước chư hầu đều tự chủ, nhưng hàng năm phải triều cống thiên tử. Thảng hoặc thiên tử có chinh phạt nước nào thì các vua chư hầu phải đem quân tòng chinh. Các nước chư hầu chinh phạt ai thì phải có lệnh của thiên tử. Sau khi nhà Chu dời kinh đô về Lạc Ấp thì suy vi, hiệu lệnh không còn được các nước chư hầu tuân theo. Các nước chư hầu luôn đánh nhau, ai mạnh thì làm bá như Tề Hoàn công, Tấn Văn Công, Tần Mục Công.v.v. Thời đại này sử sách gọi là thời đại Xuân Thu. Trong đời Xuân Thu loạn lạc như thế, đạo đế vương đời trước lu mờ, người đời chỉ biết đến quyền lợi, chẳng còn ai nghĩ gì đến nhân nghĩa. Nhưng cũng vì thời thế nhiễu nhương, chư hầu cấu xé nhau khiến chiến tranh triền miên, dân tình khổ sở nên nảy sinh ra lắm người tìm cách sửa đổi tình thế bằng các học thuyết. Khổng Tử là người xuất sắc nhất, đem phát minh cái đạo của thánh hiền, lập thành học thuyết có hệ thống, lấy nhân nghĩa lễ trí tín mà dạy người, lấy cương thường mà hạn chế điều ham muốn, giữ cho xã hội được trật tự.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét