Chủ Nhật, 24 tháng 12, 2023

LONG VƯƠNG MIẾU- TRẤN BIÊN XƯA.

 



MIẾU LONG VƯƠNG

(Tục gọi Miếu Ông: Khu phố Thái Bình, phường Long Bình, TP. Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh).

*Lê Ngọc Quốc



Long Vương Điện

(Ảnh minh hoạ copy internet)

Miếu Long Vương (tục gọi Miếu Ông) có lịch sử hơn 300 năm; kể từ khi Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vâng lệnh chúa Nguyễn vào kinh lược xứ Đồng Nai, xác lập vùng đất mới ở Nam Bộ (năm 1698).

Miếu xưa kia thuộc dinh Trấn Biên, huyện Phước Long (sau là tỉnh Biên Hoà) được ghi chép trong các thư tịch cổ:

1- Hoàng Việt nhất thống dư địa chí (1806).

2- Gia Định thành thông chí (1820).

3- Đại Nam nhất thống chí (1865).

4- Ghi chép trong 1 hồ sơ quân sự:

Hồ sơ kế hoạch đánh Biên Hòa do chuẩn Đô đốc Bonard soạn thảo (cuối năm 1861), sau đó được tuần báo Illustration số ra ngày 01/3/1862 đăng tin và kèm bản đồ chi tiết: Carte du Théâtre des Dernières Opération Militaires en Cochinchine – bản đồ chiến trường tác chiến mới nhất ở Nam Kỳ.

Khi liên quân Pháp – Tây Ban Nha chuẩn bị đánh chiếm tỉnh Biên Hoà, khu vực miếu Long Vương lúc bấy giờ được quân Đại Việt lập 1 pháo đồn phòng thủ.

5- Miếu Long Vương xuất hiện trong bản đồ địa hình Hạt tham biện Sài gòn-1885.

(Plan topographique de l'arrondissement de Saïgon 1885); sau khi đã chiếm toàn bộ Nam kỳ, Pháp thành lập bộ máy cai trị mới.

1. MIẾU LONG VƯỢNG TRONG THƯ TỊCH CỔ

1.1. Hoàng Việt nhất thống dư địa chí (1806)

Hoàng Việt nhất thống dư địa chí (皇越一統輿地志) là sách địa chí do Lê Quang Định (1759 – 1813) – Thượng thư bộ Binh biên soạn xong năm 1806. Đây là bộ địa chí đầu tiên của nhà Nguyễn, mở đầu cho các bộ địa chí có quy mô lớn và những phương chí sau này. Nét nổi bật nhất của bộ sách chính là việc ghi chép một cách tường tận về hệ thống giao thông đường bộ lẫn đường thủy của nước ta vào đầu thế kỷ 19. Trong ghi chép về Doanh Trấn Biên có đoạn:

“100 tầm (khoảng 230m) hai bên bờ đều có ruộng vườn và dân cư thưa thớt, đến chùa cổ Vãi Lượng, chùa ở trên gò đất bên bờ nam, ngày xưa có ni cô tên là Vãi Lượng dựng chùa này, ngày nay đã bị hư hỏng, phong cảnh chùa khá đẹp… 120 tầm, hai bên đều có ruộng vườn và dân cư thưa thớt, đến rạch Cai Quý [Quới], rạch ở bên bờ nam, rộng 10 tầm, chảy xuống hướng nam 947 tầm thì giáp ngả ba hai nhánh Mụ Lộ và Đồng Tròn, hai bên bờ đều có ruộng vườn và dân cư thưa thớt… 150 tầm, hai bên đều có ruộng vườn và dân cư thưa thớt, đến miếu Long Vương (龍王廟) thôn Phước Hòa, miếu ở bên bờ nam, tương truyền vào thời tiền triều khi Vân Long hầu [tức danh tướng Nguyễn Cửu Vân] đem quân đi chinh phạt Cao Miên, thuyền lương qua đến bến này thì bỗng dưng nổi sóng gió không tài nào đi được, Vân Long hầu bèn đến cầu đảo Long Vương linh thần thì liền có ứng nghiệm, sau khi xong việc bèn lập miếu thờ…”

1.2. Gia Định thành thông chí (1820)

Gia Định thành thông chí ( ) hay Gia Định thông chí ( ) là một quyển địa chí của Trịnh Hoài Đức (1765 – 1825) viết về miền đất Gia Định bằng chữ Nho và chữ Nôm, là một sử liệu quan trọng về Nam Bộ thời nhà Nguyễn.

Quyển 6, Thành trì chí, Trấn Biên Hoà có đoạn ghi chép:

“Đền Long Vương (龍王𡑴), ở bờ nam sông Phước Giang, cách thành về phía đông 15 dặm. Đời Hiển Tông (1691-1725), Chánh thống suất Nguyễn Vân [tức danh tướng Nguyễn Cửu Vân] đi đánh Cao Miên, khi quân đến đây thấy vực sâu hiểm, dưới lòng sông có đá ngầm, nước xoáy mạnh, sóng dữ, bỗng gió to mưa lớn, rất nguy cấp, chiến thuyền hầu như khó an toàn. Bỗng thấy có ngôi đền tranh nhỏ vắng vẻ trong lùm cây bên bờ sông, hỏi ra mới đó là nơi thờ thần Long Vương. Vân Thống suất bèn cầu đảo thầm, trong chốc lát trời lại tạnh sáng, thuyền đi qua đều yên ổn. Lần đi này chỉ một trận là thành, nên ngày khải hoàn Ngài cho cho tu bổ lớn lao để đền ơn, nay đền vẫn còn nguy nga, trông rất trang nghiêm”

1.3. Đại Nam nhất thống chí (1865)

Đại Nam nhất thống chí (大南一統志) là bộ sách dư địa chí, của Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn thời vua Tự Đức. Đây là bộ sách lớn nhất và quan trọng nhất về địa chí nước ta dưới thời nhà Nguyễn. 

Tập 2, Tỉnh Biên Hoà, mục Đền Miếu ghi:

“Đền Long Vương (龍王𡑴): Ở thôn Long Sơn huyện Long Thành, bờ nam sông Phước Long; thờ Nhất, Nhị, Tam lang Long Vương. Đời vua Hiển Tông bản triều, suất thống Nguyễn Cửu Vân đi đánh Cao Man, đến chỗ này, thấy dưới vực sâu có gành đá nước xô sóng mạnh, giây lát lại nổi lên mưa mù gió dữ rất nguy hiểm; Ông cầu khấn liền được yên lặng, quân đi đến đâu đánh thắng đến đó, nên sau Ông dựng Đền để đền đáp, nay dân gian cầu đảo đều được linh ứng. Ở bên đền có nhiều cây cổ thụ, cây cao nhất thường có giống dơi vàng, lớn bằng con chim (dơi quạ), cánh dài đến 2 thước[thước ta khoảng 70-80cm], đến đậu cả trăm con, ai muốn bắn phải cầu khẩn mới bắn được”.

1.4. Tài liệu của Pháp thời kỳ đầu Chiến tranh Pháp – Đại Nam

Ngày 01/09/1858, liên quân Pháp và Tây Ban Nha nổ súng tấn công Đà Nẵng mở đầu cuộc xâm lược nước ta.

Ngày 02/02/1859, tướng De Genouilly kéo đại quân tiến xuống Nam kỳ. Ngày 18/02/1859, liên quân chiếm được thành Gia Định. Sau đó lần lượt đại đồn Chí Hoà (25/02/1861), rồi Định Tường (12/4/1861) cũng thất thủ…

Lúc này trước nguy cơ chiến sự, triều đình nhà Nguyễn cho lập nhiều đồn lũy xung quanh bảo vệ thành Biên Hoà: Mỹ Hoà, Gò Công- Trau Trảu, Suối Sâu, Bình Thuận, Bình Chuẩn… Trên sông Đồng Nai, từ ngã ba Nhà Bè đến phía trước cửa thành Biên Hoà có chín cản gỗ và một cản đá. Dọc hai bờ sông có một số pháo đài bố trí súng thần công, dưới sông có một số thuyền chứa chất cháy dùng chuẩn bị đánh hỏa công khi địch lọt vào trận địa.

Theo “Bản đồ chiến trường tác chiến mới nhất ở Nam Kỳ Tuần báo Illustration số ra ngày 1/3/1862” thì khu vực Miếu Long Vương lúc bấy giờ có bố trí một pháo đài, được ghi chú là “Fort Rectangulaire de Long-Young” [Pháo đài hình chữ nhật – Long Vương].

Diễn biến trận Biên Hoà (1861):

Ngày 13/12/1861, Tướng Bonard gởi tối hậu thư cho khâm sai đại thần Nguyễn Bá Nghi đòi quân triều đình triệt thoái các pháo đài và các vật cản trên sông Đồng Nai. Chưa nhận được trả lời, sáng sớm 14/12 ông ta ra lệnh tiến quân. Trước hoả lực mạnh của liên quân, đồn Gò Công – Trau Trảu rồi Mỹ Hòa thất thủ. Các pháo hạm bắn phá các đồn [trong đó có đồn Long Vương] và các cản chướng ngại dọc sông Đồng Nai suốt hai ngày 15 và 16; lần lượt triệt các đồn bằng hai mặt thủy bộ khiến quân ta phải tự hủy hoặc rút bỏ. Sáng 17/12/1861, Tướng Bonard đích thân chỉ huy hành quân, theo sông Đồng Nai đến trước thành Biên Hòa trên tàu hộ tống Ondine. Viên đại úy thủy quân Jonnard chỉ huy pháo hạm hộ tống soái hạm. Các cánh quân bộ và các tàu địch dàn trận rồi nã đại bác vào thành Biên Hòa… Đêm 17, quân ta rút khỏi tỉnh thành; ngày 18/12/1861, Liên quân tiến vào Thành Biên Hoà…

1.5. Bản đồ địa hình Hạt tham biện Sài Gòn năm 1885 (Plan topographique de l'arrondissement de Saïgon 1885)

Năm 1867, thực dân Pháp chiếm trọn 6 tỉnh Nam Kỳ. Sau đó, họ chia Nam Kỳ ra làm 6 tỉnh là Sài Gòn, Mỹ Tho, Biên Hòa, Vĩnh Long, Châu Đốc và Hà Tiên, đồng thời đặt ra 24 sở Tham biện để cai quản số tỉnh ấy.

Lúc bấy giờ Miếu Long Vương thuộc làng Long Sơn, tổng An Thuỷ, hạt tham biện Sài Gòn.

2. ĐỊA DANH HÀNH CHÍNH QUA CÁC THỜI KỲ NƠI MIẾU LONG VƯƠNG TOẠ LẠC

Kể từ khi chúa Nguyễn Phúc Chu phong Nguyễn Hữu Cảnh làm Thống suất, cử vào kinh lược đất Chân Lạp (1698) ổn định dân tình, hoạch định cương giới xóm làng, lấy đất Nông Nại đặt làm Gia Định phủ, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng doanh Trấn Biên, lấy đất Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng doanh Phiên Trấn.

Chưa rõ Miếu Long Vương được xây dựng từ khi nào và lúc ấy địa danh hành chính tên gì, nhưng không thể trể hơn năm 1705 – là thời điểm danh tướng Nguyễn Cửu Vân vâng mệnh chúa Nguyễn Phúc Chu, thống lĩnh quân thuỷ bộ Gia Định, tiến đánh quân Cao Miên đang cầu viện Xiêm La vào quấy rối phủ Gia Định.

Đến năm 1806, trong ghi chép của Hoàng Việt nhất thống dư địa chí thì Miếu Long Vương thuộc thôn Phước Hoà, bên bờ nam sông Phước Long [sông Đồng Nai].

Trong Gia Định thành thông chí (1820), thời Gia Long; mục cương vực chí, chúng ta thấy có tên: thôn Phước Hoà thuộc tổng Long Vĩnh, huyện Long Thành, phủ Phước Long, Trấn Biên Hoà.

Trong địa bạ Minh Mạng (1836) tỉnh Biên Hoà, huyện Long Thành, tổng Long Vĩnh Hạ, bờ nam sông Đồng Nai khu vực rạch Cai Quí [Quới], có ghi: thôn Long Thành: xứ Cai Quới [trong bản đồ hạt tham biện Sài Gòn năm 1885 ghi là R. Cai Quí-làng Long Sơn].

Địa giới làng Long Thành như sau: “Đông giáp thôn Bình Dương (Long Vĩnh Thượng), giáp thôn Long An, đều lấy lòng sông làm giới [sông Đồng Nai]. Tây giáp hai thôn Bình Thắng Đông, Bình Thắng Tây (tổng An Thuỷ Đông, huyện Bình An) đều lấy bờ ruộng làm giới. Nam giáp thôn Vĩnh Thuận, lấy lòng rạch làm giới [trong bản đồ hạt tham biện Sài Gòn ghi là R. Đồng Tròn]. Bắc giáp chân núi[Núi Vãi Lượng]”

Trong Đại Nam nhất thống chí (1865) ghi: Đền Long Vương ở thôn Long Sơn huyện Long Thành, bờ nam sông Phước Long [sông Đồng Nai].

Trong bản đồ địa hình Hạt tham biện Sài Gòn 1885: Chúng ta thấy Miếu Long Vương nằm ở làng Long Sơn có tứ cận ranh giới đều tương ứng với thôn Long Thành trong địa bạ Minh Mạng (1836).

Trong sách Địa danh hành chính Nam Bộ của Nguyễn Đình Tư, NXB Chính trị Quốc gia (2008), trang 596-597: Thôn Long Sơn thuộc tổng Long Vĩnh Hạ, huyện Long Thành, phủ Phước Tuy, tỉnh Biên Hoà, triều Tự Trị, Tự Đức. Đầu thời Pháp vẫn thuộc tổng cũ. Đặt thuộc hạt thanh tra Long Thành, rồi Sài Gòn. Từ ngày 05/01/1876 gọi là làng, đổi thuộc hạt tham biện Sài Gòn, Bình Hoà, rồi Gia Định. Từ ngày 01/01/1900 thuộc tỉnh Gia Định. Từ 01/01/1918 thuộc quận Thủ Đức, cùng tỉnh. Ngày 01/01/1928 làng Long Sơn hợp với làng Vĩnh Thuận thành làng Thái Bình. Đến ngày 9/12/1939 hợp với làng Long Bửu, đổi tên thành làng Long Bình [quận Thủ Đức tỉnh Gia Định]. Sau 1956 gọi là xã Long Bình, vẫn tổng cũ, đổi  thuộc quận Dĩ An, tỉnh Biên Hoà. Ngày 10/10/1962 đổi thuộc quận Thủ Đức tỉnh Gia Định. Sau 30/4/1975, thuộc huyện Thủ Đức, thành phố Sài Gòn – Gia Định.

Ngày 02/7/1976, Tp Sài Gòn – Gia Định chính thức đổi tên thành thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 06/01/1997, huyện Thủ Đức giải thể, tách làm 3 quận: Thủ Đức, quận 2, quận 9; xã Long Bình thuộc quận 9, thành phố Hồ Chí Minh. Đến 2019 đổi thành phường Long Bình.

Ngày 01/01/2021, chính thức thành lập thành phố Thủ Đức thuộc thành phố Hồ Chí Minh trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích và dân số của quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức.

Hiện tại (2023), Miếu Long Vương thuộc khu phố Thái Bình, phường Long Bình, thành phố Thủ Đức.

Phường Long Bình có diện tích 17,61 km², dân số năm 2021 là 25.614 người, mật độ dân số đạt 1.454 người/km². Phường nằm ở phía đông bắc thành phố Thủ Đức, có vị trí địa lý:

+ Phía đông giáp tỉnh Đồng Nai với ranh giới là sông Đồng Nai

+ Phía tây giáp các phường Long Thạnh MỹTân Phú và Linh Trung

+ Phía nam giáp phường Long Phước

+ Phía bắc giáp tỉnh Bình Dương.

3. TÍN NGƯỠNG THỜI THUỶ THẦN Ở VÙNG ĐẤT MỚI 

Theo các tài liệu xưa ghi chép: Từ đầu thế kỷ 17 đã xuất hiện lưu dân từ miền ngoài vào. Họ có thể là những cố nông đi tìm đất mới, tội đồ bỏ trốn, ngưới tránh sưu thuế nặng nề, trốn binh dịch; là những người thích phiêu lưu, mạo hiểm và cả những nhóm dân công giáo bị chánh quyền đương thời bức đạo, đe dọa tính mạng, nên bỏ chạy vào đây, nơi còn hoang vắng, thoát vòng cương tỏa để giữ lấy đức tin.

Họ vào khai phá vùng hoang địa, tạo dựng cuộc sống mới. Lưu dân ban đầu đối diện với đầm lầy, rừng hoang, thú dữ, chứa đựng đầy mối hiểm nguy, với thiên nhiên cảnh vật xa lạ, chưa từng thấy bao giờ. 

Đến đây xứ sở lạ lùng

Chim kêu cũng sợ, cá vùng cũng kinh!

Trước vùng đất hoang sơ mênh mông sông nước, lưu dân đang đem theo tín ngưỡng thờ thuỷ thần từ quê hương bổn quán vào vùng đất mới, cầu mong thần nước gia ơn cho họ được nguồn nước ngon ngọt để sử dụng trong cuộc sống hàng ngày, người làm nghề nông thì cầu mưa thuận gió hoà cho mùa màng tốt tươi, người làm nghề hạ bạc (đánh bắt thuỷ sản), nghề thương hồ thì cầu xin thần phù hộ sóng yên, gió lặng…

Trong văn hóa của người Việt cổ, tín ngưỡng phổ biến và quan trọng bậc nhất, phản ánh quan niệm, ứng xử của họ với nước là tục thờ thủy thần. Đó không chỉ là nguồn nước uống cho con người và vạn vật mà nước còn gây ra những tai họa khủng khiếp; nước có thể hủy diệt mọi thứ nhưng đồng thời đánh thức sự hồi sinh. Một trong những nỗi kinh hoàng nhất đến từ thiên nhiên đối với con người chính là lũ lụt; sự tàn phá kinh khủng của hiểm họa thiên nhiên này làm cho con người vừa muốn chế ngự vừa muốn sùng bái, tục thờ Thuỷ thần ra đời trên cơ sở tâm lý ấy

(Trích: Rắn và tục thờ thủy thần của người Việt – Đại học Thái Nguyên)

3.1. Tục thờ Long Vương

Tín ngưỡng Thuỷ thần được lưu dân đưa vào miền đất mới phổ biến như: thần ao đầm, thần giếng, thần Rái Cá, thần Rắn, Hà Bá, Đại Càn Tứ vị Thánh nương, Thuỷ Long tôn thần… đặt điệt là tục thờ Long Vương.

Long Vương là tên gọi chung cho các vị thần cai quản các vùng biển và đại dương trong thần thoại Trung Hoa và ở Việt Nam, từ xưa dân gian xem nơi nào có nước như ao, hồ, đầm, phá, sông, biển đều có Long Vương.

Tục thờ Long Vương có thể là một trong các tục thờ thuỷ thần xưa nhất ở nước ta: Phú Thọ nơi được coi là đất tổ của người Việt và Lạc Long Quân cũng được xem là 1 vị Long Vương.

Trong thư tịch cổ (Đại Nam nhất thống chí), ghi chép các nơi có miếu Long Vương, cả nước ta lúc bấy giờ chỉ có 5 tỉnh có miếu thờ Long Vương:

1)    Hưng Hoá

2) Hà Tĩnh

3) Quãng Bình

4) Biên Hoà.

5) Định Tường

3.2. Miếu thờ Long Vương ở Nam Bộ

Chưa có nghiên cứu khảo sát rõ các địa phương Nam Bộ hiện tại, còn có bao nhiêu cơ sở thờ thuỷ thần Long Vương.

Theo Đại Nam nhất thống chí thì Nam Bộ chỉ có 2 tỉnh là có miếu thờ Long Vương.

1. Định Tường: Miếu Long Vương thờ Nam Hải Long Vương, ở thôn Từ Linh huyện Kiến Hoà.

Nam Hải Long Vương, Vua rồng ở biển Nam - một trong Tứ hải Long Vương của người Trung Hoa cũng được người Việt cổ thờ phụng.

Theo khảo sát của chúng tôi, thôn Từ Linh xưa kia, nay là ấp Pháo Đài,  Phú Tân, Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang (Cù lao Lợi Quản - cửa Tiểu). Nơi này hiện có miếu Lăng Ông thờ 18 bộ cốt cá Ông.

Theo các nhà nghiên cứu: tục thờ cá Ông (tức cá voi, cá heo, cá nhà táng và các loại cá lớn nói chung) là một tín ngưỡng dân gian vùng duyên hải miền Trung và miền Nam Việt Nam từ Thanh Hóa đến toàn bộ các tỉnh ven biển miền Nam. Đây là tín ngưỡng của cư dân vùng biển, hay còn gọi là vạn chài. Cá Ông ở đây là những con cá voi mà theo ngư dân chính là thần Nam Hải.

Có thể đây chính là di tích Miếu Long Vương ở Định Tường xưa, sau bao biến thiên thăng trầm lịch sử, được người dân gìn giữ tôn tạo thờ tự, và đặt lại tên mới là Lăng Ông.

2. Biên Hoà: Miếu Long Vương thờ đệ nhất lang, đệ nhị lang và đệ tam lang Long Vương.

Tục thờ Tam Vị Long Vương có từ rất xưa ở miền ngoài. Vùng La Phù, Đào Xá ở Phú Thọ, vùng Ngã Ba Hạc Thái Bình… Hà Tĩnh hiện có khá nhiều nơi thờ Tam Lang Long Vương.

Sách Nghệ An phong thổ ký chép: “Xưa ở Chỉ Châu có hai vợ chồng ông Mái, mụ Mái đã luống tuổi mà chưa có con. Một hôm người vợ nhặt được ba quả trứng về nhà, chồng đem bỏ vào cái chậu. Ít lâu sau ba quả trứng nở thành ba con rắn, ông bèn thả xuống ngã ba sông, bỗng mưa gió nổi lên ầm ầm lúc sau mới lặng. Nhưng hôm sau thì ba con rắn trở về quấn quýt bên ông bà, ông đi đâu rắn cũng theo đi. 

Một hôm, ông ra bờ cuốc ruộng, ba con rắn bò lượn xung quanh tỏ ý rất vui vẻ, nhưng không may ông vô tình cuốc nhằm một con làm đứt đuôi. Ba con rắn cùng bỏ đi ẩn dưới vực Đan Hai. Về sau ba con rắn thành Thần được dân Chỉ Châu lập Miếu thờ gọi là Tam Lang Long vương”.

Đền Tam Lang Long Vương ở Chỉ Châu nay thuộc xã Thạch Lạc, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Di tích này được biết với tên đền Sắc vì tới nay còn lưu giữ được 86 đạo sắc, phần lớn phong cho các vị thần là Ông Cả, Ông Hai, Ông Ba Long Vương. Các sắc phong này có niên đại từ năm Thịnh Đức thứ 5 (1657) thời Hậu Lê đến năm Thành Thái thứ 13 (1992) thời Nguyễn.

 [https://congdankhuyenhoc.vn/tam-lang-long-vuong-nhung-nguoi-con-theo-cha-lac-long-quan-xuong-bien-179220723214000902.htm]

Ở Nam Bộ, tại Công Thần Miếu tỉnh Vĩnh Long, nguyên là Miếu Hội đồng tỉnh; nơi còn lưu trữ 85 sắc phong cổ; trong đó có 6 sắc phong Trung Đẳng thần cho ba vị:
Đệ Nhất, Đệ Nhị và Đệ Tam Long Vương

[https://ttltls.vinhlong.gov.vn/xem-chi-tiet-tin-tuc/id/212850]

Hiện nay, miếu Long Vương thuộc địa giới của khu phố Thái Bình, phường Long Bình, thành phố Thủ Đức, quanh miếu không có cư dân. Việc quản lý và duy trì các lễ thức tế tự  được ban quản lý đình Thái Bình đảm trách (đình Thái Bình vốn là đình làng Vĩnh Thuận xưa), cách đó khoảng 1 km đường chim bay. Trong đình Thái Bình hiện nay, khu hội đồng nội có hương án Long Vương và bài vị Hoàng Đế. Theo hồi cố của các vị cao niên của địa phương, vào ngày 16/12 âm lịch hàng năm, người dân trong làng cùng long trọng tổ chức nghi lễ rước bài vị Thần cùng sắc phong, đi bộ từ đình làng ra tới cầu Đồng Tròn, sau đó xuống ghe di chuyển từ rạch Đồng Tròn ra sông Đồng Nai, rồi ngược dòng lên miếu Long Vương. Sau cúng bái, tế lễ rồi canh con nước để trở về làng vì thời ấy miếu nằm biệt lập, không có đường bộ để vào nên đi đường sông và phải phụ thuộc vào con nước. Sau bao năm, hiện nay khu đất quanh miếu đã được quy hoạch, và có con đường mòn nhỏ dẫn vào miếu, nên dịp cúng tế bà con đi đường bộ cũng tiện lợi hơn xưa.

4. KẾT LUẬN

- Tín ngưỡng thờ Long Vương là loại hình tín ngưỡng đặc biệt của người Việt. Miếu Long Vương là một trong những nơi hiếm hoi tại Nam Bộ còn lưu giữ tín ngưỡng này.

- Miếu Long Vương tại thành phố Thủ Đức ngày nay vốn là miếu Long Vương Biên Hòa xưa đã được ghi chép trong sử sách, là một di tích gắn với nhiều sự kiện lịch sử.

- Miếu xứng đáng được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa nhằm bảo tồn một chứng tích của tiền nhân.

Ngày nay, khi đến thăm Miếu Long Vương, đầu tiên chúng ta hãy vào chánh điện chiêm bái thần linh, cầu mong mưa thuận gió hoà, quốc thái dân an; sau đó chúng ta dạo thăm khuôn viên Miếu; nơi đây có hàng cổ thụ xanh tươi, không gian u nhã, trước miếu là khoảng không minh mông, sông nước bao la, sóng nước chập chùng; có thể sẽ nghe thấy đâu đấy vọng lại tiếng khua mái chèo, tiếng gió thổi căng những cánh buồm, tiếng vọng của tiền nhân đi mở cõi năm xưa… ./.

Biên Hoà 2023

*Lê Ngọc Quốc- hội viên ban quý tế Đình Thần Tân Lân- tp Biên Hoà- Đồng Nai.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Hoàng Việt nhất thống dư địa chí – dịch giả Phan Đăng NXB Thuận Hóa 2003

2. Gia Định thành thông chí- dịch giả Lý Việt Dũng- NXBTH Đồng Nai 2005

3. Đại Nam nhất thống chí - bản dịch Hoàng Văn Lâu NXB Lao Động 2002

4. Rắn và tục thờ thủy thần của người Việt- Đại học Thái Nguyên.

5. https://congdankhuyenhoc.vn/tam-lang-long-vuong-nhung-nguoi-con-theo-cha-lac-long-quan-xuong-bien-179220723214000902.htm

6. https://ttltls.vinhlong.gov.vn/xem-chi-tiet-tin-tuc/id/212850

7. Tài liệu thư viện Pháp

8. Tài liệu trên internet

.

Long Vương Điện

(Ảnh minh hoạ copy internet)

Miếu Long Vương năm 2023

Đồn Long Vương trong bản đồ trận đánh Biên Hoà 

của liên quân Pháp- Tây Ban Nha năm 1861

Làng Long Sơn nơi miếu Long Vương toạ lạc trong bản đồ 1873


Làng Long Sơn nơi miếu Long Vương toạ lạc trong bản đồ 1885







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét