Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2015

CHỢ BIÊN HÒA- DẤU XƯA (phần 01)

Đố ai con rít mấy chưn,
Cầu ô mấy nhịp, chợ Dinh mấy người!

Chợ Dinh (chợ Biên Hòa) do nằm trong dinh Trấn Biên mà gọi nên! [1]

                                                                               Chợ Biên Hòa xưa

Chợ Biên Hòa ngày nay thuộc phường Thanh Bình và một phần phường Hòa Bình. Xưa kia không rõ hình thành từ lúc nào, khu đất này nằm trước mặt thành cổ Biên Hòa, hướng nam- Thời Tự Đức gọi là thành cũ Tân Lân, là lị sở tỉnh Biên Hòa xưa [2].
                                                                               đi chợ 

Nơi này năm Kỷ Mùi, mùa hạ tháng tư (1679) được phép của chúa Nguyễn, tổng binh người nước Đại Minh là Trần Thượng Xuyên cùng quân bản bộ, ước khoảng ngoài ngàn người, và hơn vài mươi chiến thuyền:

 …”Vào cửa Cần Giờ rồi đồn trú tại xứ Bàn Lân 盤 轔 thuộc Đồng Nai (nay là lị sở trấn Biên Hòa-1820)”  [3]

Có lẽ địa danh này được mô tả trong sử sách chính thống sớm nhất vào năm Gia Long thứ 5 (1806): 
“…Phần lị sở dinh Trấn Biên: thuộc địa phận thôn Tân Lân, tổng Tân Chánh, huyện Phước Long. (đi về ) 52 tầm ( khoản 120m) hai bên đường là nhà quan và trại quân, dân cư đông đúc, đến chợ thôn Tân Lân, tục gọi là chợ Bàn Lân 木盘 橉 . 
 chợ này có quán xá rất đông đúc, có rất nhiều người buôn bán.”[4]
Xưa kia (trước 1816) thời triều Nguyễn mới xây dựng, lị sở dinh Trấn Biên đặt ở thôn Phước Lư (gần cầu Rạch Cát- cù lao Phố); lúc này chợ dinh trấn vẫn còn nằm ở khu vực ấp Lân Thị, mãi đến năm 1816 vì lý do khu vực này hay bị ngập úng triều đình mới cho dời lên vị trí mới ở thành cổ Biên Hòa, và chợ dinh trấn cũng dời theo, sáp nhập cùng chợ Bàn Lân (盤 轔- theo Trịnh Hoài Đức-木盘 橉- theo Lê Quang Định) thành Chợ Dinh…Chợ phát triển, phồn thịnh được hơn 40 năm…Cho đến ngày 16 tháng 12 năm 1861, Pháp đánh thành Biên Hòa, chợ Dinh nằm ngay trên mặt trận chính, nơi đổ bộ của quân Pháp, đạn nổ pháo rơi... kể từ ngày ấy chợ Dinh tan hoang đổ nát vì chiến tranh!
Sáng sớm ngày 16 tháng 12 năm 1861, quân Pháp tấn công quân ta trên cả hai mặt đường. Chiến hạm Pháp lợi dụng nước lên, Trung tá Trung tá Domenech Diégo được lệnh xung phong cho quân ào ạt bức thành, nã đại bác vào trong như long trời lở đất, yểm trợ cho quân thủy và quân bộ kéo lên. Tuần Phủ Nguyễn Đức Duy, Án sát Lê Khắc Cẩn chống đỡ suốt ngày, xét thấy giữ không xong, nhờ đêm tối lui quân về Hồ Nhĩ...Ngày 17 tháng 12 năm 1861, liên quân vào trong thành.[5]
Sau khi chiếm Biên Hòa, quân Pháp ra sức trấn áp các cuộc nổi dậy của quân dân Đại Việt, với khí tài , chiến thuật vượt trội, lần hồi họ đã bình định được Biên Hòa. Trật tự dần được ổn định, người dân (đa số là dân công giáo, trước bị bức đạo, khủng bố, tróc nã) trốn chạy tứ phương, nay gồng gánh, tụ về, sinh sống trên mảnh đất ven sông, gần đồn lính, nhà nguyện mới tạo dựng (1863) ngày nay là khu vực chợ Biên Hòa. Số giáo dân lúc này có khoảng 700 người. Ít năm sau, chính quyền Pháp tiến hành nâng cấp khu chợ, đòi buộc các tiểu thương và dân trong khu vực phải thay nhà lá bằng nhà ngói. Nhiều gia đình Công Giáo không thể xoay sở nên phải bỏ đất ra đi. Sau biến cố này, họ đạo Biên Hòa chỉ còn vỏn vẹn 300 giáo hữu.[6]


Lúc ban đầu 1889, chợ dựng bằng cây và mái lợp ngói tại giao lộ Lê Thánh Tôn- Lê Văn Lễ ( nay là đường Nguyễn Thị Hiền), vào năm 1896 chánh quyền cho lấp bãi dưới sông, kè bằng đá ong, xây nhà dài, cột gạch lợp thiếc, chia 03 gian: khu bán cá, hàng xén và gạo.[1]
Ban sơ có lẽ dân chợ dùng nước lấy từ sông lên là chính, có thể có giếng đào, cụ Lương văn Lựu có kể đến một cái giếng Quây nằm đầu trên chợ (!), đến năm 1927 xí nghiệp cấp nước Biên Hòa được xây dựng (CEE) nước lấy từ sông Đồng Nai lên, lắng lọc, khử trùng, dùng hệ thống ống gang truyền dẫn, cấp cho các công sở và một số nhà dân các phố quanh chợ Biên Hòa [7]
Một cái giếng nước nơi giao lộ Phan Chu Trinh- Nguyễn Hữu Cảnh (nay là CMT8)


Trước năm 1927, việc thắp sáng phố chợ được cụ Lương văn Lựu mô tả:
Để soi sáng ban đêm, có những trụ thấp bằng cây, trên gắn bầu nhỏ, bọc kín 4 mặt, ở trong đặt mộ cốc đèn dầu. Mỗi buổi chiều, có người vác thang, đẩy xe bò ệt, trên xe đựng 1 thùng dầu lửa, có muỗng, gáo, quặng, hộp kéo cắt tiêm, đi châm dầu đốt từng ngọn. Về sau được biến chế, chuyển thắp bằng khí đá, do nhà hơi tại địa điểm góc Phòng triển lãm mỹ- nghệ hiện nay”.[1] (góc ngã ba Nguyễn Thái Học- CMT 8 )

Cuối thập niên 20 của thế kỷ XX, tỉnh Biên Hòa có chi nhánh Công ty điện và nước Đông Dương (CEE: compagnie des eaux et électricité) kinh doanh điện và nước máy cho tỉnh lỵ Biên Hòa, điện kéo từ nhà máy điện Chợ Quán về bằng đường dây cao áp năm 1925 nhưng đến năm 1927 mới kéo đi vài phố cho một số hộ dân [7]
Bến đò chợ Dinh xưa


Bến xe ngựa Biên Hòa xưa


Chợ nằm trên trục đường thiên lý bắc nam xưa, có bến xe ngựa ở khu đường Lý Thường Kiệt, bến đò ngang, dọc bên bờ sông, cặp men theo đường Trần Thượng Xuyên (nay là đường Nguyễn Văn Trị) đi các địa phương khác…
Nhà Việc xã Bình Trước nằm trong khu vực chợ Biên Hòa

Cụ Lựu kể…Trên nữa là một ngôi nhà lớn, từng lầu lộng kiếng màu, để làm công sở cho làng Bình Trước, một vòng phố nhỏ thấp lụp sụp, che bọc ở phía sau cùng(!)


Góc giao lộ Lê Thánh Tôn- Lê Văn Lễ (nay là đường Nguyễn Thị Hiền)

Cụ Lựu kể:  năm 1896, chỉ có 2 căn lầu , một là tiệm cầm đồ do ông Hộ-Chiên làm chủ, và một căn là của Bà Bành (vị trí tại tiệm xe đạp Đông Hưng  đường Lê Văn Lễ) Có một thuyết kể , chủ nhân là hậu duệ của Ngài Trần Thượng Xuyên (!)
Bản đồ người Pháp vẽ năm 1862, Hải quân hoàng gia Anh hiệu đính và xuất bản năm 1866

Trên bản đồ 1862~ 1866 ta thấy khu vực chính của chợ chưa có nhiều đường ngang dọc, trục đường "thiên lý cù" đối nhau ở hai bên tả hữu bờ sông nơi hai vị trí hiện nay, là Cầu Mát- Bến đò ngựa (!). Thiên lý Cù được thể hiện rõ, nối Biên Hòa- Tam Hiệp- Bến Gổ- Long Thành- Bà Rịa-...Đặc biệt trên con đường ngang Thành Biên Hòa (nay là đường CMT8 và Huỳnh Văn Nghệ, ta thấy bên phải, cuối cùng là đường cụt giới hạn tại thôn Phước Lư- khu Hãng dầu (khu đất trống để lại sau khi dinh Trấn củ dời về thành Cựu (?).
Bên trái ta thấy ghi chú một địa danh Pagoda đi tới một đoạn có ngã ba rẽ trái xuống bờ sông, đường xuống bến đò Văn Thánh có chùa Long Ẩn (?) mà cụ Lựu có kể trong Biên Hòa Sử Lượt Toàn Biên.

Bản đồ năm 1926- trong bộ sưu tập của cụ Nguyễn Đình Đầu


Trên bản đồ năm 1926, Thành Biên Hòa đã bị san phẳng nhưng vẫn cò dấu chân thành, thành Kèn mới được nối với chợ Biên Hòa bằng " Đại Lộ Thành Trì" nay là đường Phan Chu Trinh. Đường xá trong nội ô chợ đã hoàn tất. riêng đoạn nối từ bùng binh Công trường sông phố qua dinh tỉnh trưởng xuống bờ sông vẫn còn (bến đò chợ Dinh)
Bản đồ năm 1930 (có thể so sánh với bản đồ năm 1926)




Tham khảo:
[1]Biên Hòa sử lược toàn biên- Lương Văn Lựu
[2]Đại nam nhất thống chí- Sử quán triều Nguyễn
[3]Gia định thành thông chí- Trịnh Hoài Đức
[4]Hoàng Việt thống nhất dư địa chí- Lê Quang Định
[5]Việt sử tân biên- Phạm Văn Sơn
[6]150 năm Giáo Xứ Biên Hòa- Giáo Phận Xuân Lộc, Giáo Xứ Biên Hòa.
[7]Lịch sử giai cấp công nhân Biên Hòa- Liên Đoàn Lao Động Tỉnh Đồng Nai
Một số hình copy trên net, xin trân trọng cảm ơn các tác gia
Biên Hòa , cuối tháng tư năm 2015