Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2017

ĐÀN XÃ TẮC - THÀNH CỔ BIÊN HÒA !

Đàn Xã Tắc Thành Biên Hòa đước đánh dấu số 1 trong bản đồ năm 1862.
Năm 1832, Vua Minh Mạng ra chỉ dụ: Ở các địa phương từ xưa đến nay chưa đặt đàn Xã Tắc, nay chuẩn cho bộ Lễ bàn bạc, thi hành xây dựng với mục đích là cầu phúc cho nhân dân. Bộ Lễ đề nghị và vua Minh Mạng chuẩn y phương cách xây dựng cho các địa phương trong cả nước . Các địa phương chọn một khu đất rộng rãi, ở phía tây bên ngoài tỉnh thành ( bên phải cổng chính của lỵ sở Tỉnh); xây đàn Xã Tắc hai thành. Mỗi năm tế hai kỳ xuân- thu. Vật tế lễ gồm 1 trâu, 1 heo, quả phẩm và xôi đều 6 mâm ( từ năm 1835 trở về sau thì chỉ dụ xôi dùng gạo nếp thu hoạch ở ruộng tịch điền làm lệ vĩnh viễn. Đến kỳ tế, quan tỉnh phải chay sạch trước, đến ngày, vào khắc đầu canh năm, viên hữu tư bày biện đồ tế lễ phẩm ở đàn sở. Đàn đặt 2 bộ bài vị bằng giấy, bài vị thần đàn Xã đặt bên phải, bài vị thần Tắc đặt bên trái. Trước đàn đặt sắp hạng, cờ, giáo, và các thớt Voi cho nghiêm chỉnh, quan tỉnh cùng quan lại sở tại, đều mặt lễ phục làm lễ, cho đặt 10 dân địa phương để luôn chăm nom Đàn.

Đàn Xã Tắc, là một trong các loại đàn tế cổ xưa của Trung Quốc, đàn Xã Tắc là nơi được lập để tế Xã thần (Thần Đất 社) và Tắc thần (tức Thần Nông 稷) - hai vị thần của nền văn minh lúa nước. Người xưa quan niệm, dân chúng cần có đất ở, nên lập nền Xã để tế thần hậu thổ, lại cần có lúa ăn, nên lập nền Tắc để tế thần nông. Nếu để nước mất thì sẽ mất Xã Tắc, nên Xã Tắc cũng có nghĩa là đất nước, tổ quốc; Chính vì quan niệm như thế, nên từ xa xưa, các triều đại Trung Hoa, và Việt Nam đàn Xã Tắc có vị trí vô cùng quan trọng, thiêng liêng; nên việc lập đàn, tế lễ luôn được coi trọng giữ gìn, ước mong dân giàu nước mạnh, mãi mãi trường tồn.

Khi vua Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi và định đô ở Hoa Lư năm (968) cho xây dựng cung điện, ra định chế nghi lễ triều đình, sách lập quan chức, và cho xây đàn Xã Tắc.

Năm 1048, thời vua Lý Thái Tông đóng đô ở Thăng Long (Hà Nội) đàn Xã Tắc đã được xây đắp.

Đàn phải được xây dựng tại địa điểm không gian thoáng đãng, cảnh vật hoàn toàn thanh tịnh, sạch sẽ.
Khi một vương triều phong kiến bị thay đổi thì đàn Xã Tắc của triều đại trước cũng bị xóa bỏ và triều đại sau sẽ tìm địa điểm mới. Thời nhà Ngô lập đàn ở Sơn Tây, nhà Đinh lập đàn ở Hoa Lư, thời nhà Lý lập đàn ở Thăng Long, Hà Nội, thời nhà Trần lập đàn ở Thiên Trường, Nam Định, thời nhà Hồ lập đàn ở Thanh Hóa, thời Tây Sơn (1788- 1801) lấy chùa Thiên Mụ- Huế làm nền đàn Xã Tắc, thời nhà Nguyễn lập đàn ở Huế ( phường Thuận Hòa).
Các triều đại sau luôn phế bỏ quyền thống trị của triều đại trước và đương nhiên cũng phế bỏ long mạch, linh khí liên quan đến, Đàn Xã Tắc của triều đại trước, rồi dựng nên tín ngưỡng cho triều đại mình.

Năm 1806 vua Gia Long cho lập đàn Xã Tắc bên trong Kinh thành Huế; hàng năm xuân thu hai kỳ nhà vua thường đích thân làm lễ cầu thần đất và thần lúa cho mùa màng tốt tươi, quốc thái dân an.

Biên Hòa vốn là đất địa đầu của nam bộ, là nơi được xác lập hành chánh đầu tiên của vùng đất mới phương nam; nơi lập Biên Trấn trông coi công cuộc di dân, khai hoang lập ấp, mở mang bờ cõi. Vì thế khi chỉ dụ Minh Mạng năm 1832 vừa ban hành thì Biên Hòa cũng là một trong số các địa phương vâng lệnh, cho đắp đàn Xã Tắc ngay trong năm ấy. Quy mô kiểu dáng, phương hướng đều theo hội điển do triều đình quy định.

Công việc này do quan đứng đầu tỉnh lúc bấy giờ là Võ Quýnh tuần phủ kiêm bố chánh thực hiện. Xây dựng tại phía tây tỉnh thành, thuộc địa phân thôn Bình Thành, huyện Phước Chánh, thờ thần Xã Tắc bổn tỉnh (bên phải cổng thành hướng nam- hiện nay là khu vực cuối đường cách mạng tháng tám, gần hẻm 291 chùa Bửu Sơn ( chùa một cột).

Đàn được đắp đất sét sạch, nguyên liệu lấy từ các xã huyện trong toàn tỉnh (Lúc ấy Biên Hòa bao gồm cả các vùng : một phần Bình Phước, Bình Dương, Thủ Đức, Thủ Thiêm, Bà Rịa Vũng Tàu). Đàn xây trên nền đất cao, rộng thoáng hình vuông có hai tầng:

Tầng trên chu vi khoảng 17m, thành cao khoảng 0,45m sơn màu vàng, mặt nền Đàn tế sơn 5 màu ở 5 phương vị: chính giữa màu vàng, đông xanh, tây trắng, nam đỏ, bắc đen.

Ở giữa có 2 am : bên phải thờ bài vị của thần Xã (thần đất), bên trái thờ bài vị của thần Tắc (thần lúa). Trên nền có bệ đá khoét lỗ để cắm tàn, lọng dù.

Tầng dưới chu vi khoảng 120m, cao khoảng 0.85m sơn màu đỏ. Mặt trước hai bên có bệ đá có đục lỗ để cắm tàn, lọng dù. Chung quanh có lan can và trụ bằng đá. Phía bắc trổ Phượng Môn (hướng về kinh đô- Vua), đông- tây- nam thì dựng cửa thường. Trước đàn cách đường lộ, có hồ đá vuông làm minh đường. (50 năm trước còn dấu vết trong hẻm 291- khu quán lẩu tôm năm Ri, nay nhà dân xây dựng đã mất dấu)

Vì là nơi tế lễ quan trọng bậc nhất tỉnh, nên triều đình nhà Nguyễn chỉ dụ cho quan đầu tỉnh phải làm chủ tế. Vị quan đầu tỉnh phải trai giới, tinh khiết, giữ thân sạch sẽ trước ngày vào lễ. Ngày chánh lễ, gần giờ Tý, chủ tế quan phục, cân đai, mũ mão, xiêm áo, tề chỉnh; đi cáng từ Thành Biên Hòa đến Đàn. Đoàn rước lễ đi theo thứ tự dưới ánh đuốc sáng trưng, và đèn đinh- điệu (?) chập chờn.

Văn võ quan lại, binh lính trang phục nghiêm chỉnh. Đoàn binh lễ mang chiêng trống, tàn lọng, cờ đuôi nheo năm sắc, 28 lá cờ nhị thập bát tú. Đội quân nhạc: loa kèn, đội ngũ lôi, cổ nhạc. Voi, ngựa cũng đeo chuông, yên, bành màu sắc rực rỡ. Ngoài ra cũng có một kiệu gỗ chạm rồng ( long đình) sơn son thếp vàng để sắc chỉ, vật quí giá, ngọc, lụa…để tế.

Đoàn xuất hành từ hướng cửa bắc (nay là hướng đường Phan Đình Phùng đi đường Nguyễn Ái Quốc, rẽ trái xuống đường Hồ Văn Đại đến giáp đường CMT 8); Lối đi lên Đàn ở từng dưới chia là 3 phần:  chính giữa giành cho “Thần” đi, chủ tế, quan viên thì đi 2 bên. Xong đến tầng trên, làm lễ đốt một con nghé (phần sài), và chôn một ít lông và máu của con vật hiến tế (Ế mao). Khi quan viên trợ tế xướng lệnh “Đăng đàn”; chủ tế nghiêm chỉnh bước lên Đàn chánh. Các quan tuần phủ, bố chánh, án sát, thành thủ, đề lại, thông lại, thơ lại…Cùng bước theo vào theo hướng hai bên bệ cấp trái, phải. Các nghi và văn cúng tương tự như nghi lễ trong các hội cúng đình nam bộ ngày nay. Có đội lễ sinh hang chục người múa và đọc chúc văn- khấn nguyện. Lễ tất, các thực phẩm chia cho các quan lại theo phẩm tước. Quan chủ tế cũng có phần riêng, là ly rượu (phúc tữu) và miếng thịt (tri phúc tợ). Sau đó đoàn tế lễ trở về Thành Biên Hòa cũng theo con đường cũ, trong tiếng kèn, trống nhạc rộn rã!

Ngày nay cũng như nhiều tỉnh trong cả nước, Đàn Xã Tắc Biên Hòa đã không còn nữa, dấu tích chỉ còn được ghi chép trong sử sách ( Huế đã phục dựng). Lễ tế Thần xã tắc là hình thức tín ngưỡng lâu đời của cư dân nông nghiệp; Đàn thờ Đất và Ngũ Cốc . Đất sinh ra cây trái, ngũ cốc để nuôi sống con người nên được coi là bậc Thần linh có sức sống mãnh liệt. Con người phải nhờ đất mà ở, nhờ thóc để ăn, nên ngày xưa từ thiên tử cho đến thần dân đều coi trọng tế Thần Xã Tắc. Hai chữ xã tắc còn tượng trưng cho đất nước. Xã Tắc còn nước còn, Xã Tắc mất thì nước mất.

Văn cúng, văn tế hán nôm và các nghi thức, nhạc lễ hiện nay ở các đình miếu nam bộ có thể có nguồn gốc từ lễ tế Xã Tắc. Ngày nay tại các cơ sở văn hóa dân gian này, nó được phục dựng, phát huy mạnh mẽ góp phần gìn bản sắc văn hóa dân gian!

Biên Hòa 02/10/2016
Đàn Xã Tắc – Huế (mới phục dựng)
Tam Sanh (ảnh tư liệu tham khảo)

Lễ tế Nam Giao Huế
Lễ tế Nam Giao Huế

Bia cổ "Thái Xã Chi Thần" ở Huế

Di tích đàn Xã Tắc Thăng Long- Hà Nội


TÀI LIỆU THAM KHẢO:

(1) Gia Định thành thông chí- Trịnh Hoài Đức

(2) Hoàng Việt thống nhất dư địa chí- Lê Quang Định

(3) Đại Nam Thực Lục- Quốc sử quán

(4) Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn Biên Hòa- Nguyễn Đình Đầu.

(5) Đại nam Quốc Lược Sử- Alfred Schreinr, Sài Gòn 1906

(6) Khâm định đại nam hội điển sự lệ-Nội các triều Nguyễn.

(7) Đại Nam nhất thống chí- Nội các triều Nguyễn.

(8) Biên Hòa sử lược toàn biên- Lương Văn Lựu.

(9) 85 sắc phong ở Miếu công thần tại Vĩnh Long.Thư viện khoa học tổng hợp Tp HCM 2013.

(10) 290 năm (1715- 2005) Văn Miếu Trấn Biên- Thành Ủy, UBND Thành phố Biên Hòa

(11) Đại Nam Thực Lục, Quốc Sử Quán Triều Nguyễn

(12) Minh Mệnh Chính Yếu, Quốc Sử Quán Triều Nguyễn.

(13) Việt Nam phong tục – Phan Kế Bính.

(14) Việt điện u linh tập- Lý Kế Xương.

(15) Văn cúng- văn tế hán nôm ở Đồng Nai, Bảo Tàng Đồng Nai

(16) Cơ sở tín ngưỡng và truyền thống ở Biên Hòa, Phan Đình Dũng

(17) Theo Đàn xã tắc Thăng Long của Tiến sĩ Vũ Thế Khanh.

(18) Một số tài liệu trên internet và tư liệu điền dã

Thứ Bảy, 4 tháng 2, 2017

LÝ VIỆT DŨNG với Cảnh Đức Truyền Đăng Lục

trích trong trang : www.quangduc.com
http://quangduc.com/a51979/gioi-thieu-tac-pham-canh-duc-truyen-dang-luc
Giới thiệu tác phẩm: Cảnh Đức Truyền Đăng Lục
21/01/201411:26
Lý Việt Dũng
Lời giới thiệu Cảnh Đức Truyền Đăng Lục
Đọc bản dịch Cảnh Đức Truyền Đăng Lục của anh Lý Việt Dũng, tôi không khỏi thán phục khi biết sức khỏe anh rất kém mà vẫn phấn đấu kiên trì để hoàn thành dịch phẩm khó khăn này một cách đầy đủ chứ không lược dịch như ý định ban đầu.

1-Lời giới thiệu Cảnh Đức Truyền Đăng Lục
Sa môn Thích Thông Bửu - 2004
Nhà nghiên cứu Phật học Lý Việt Dũng là giáo thọ của Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (Vạn Hạnh) cùng nhiều đạo tràng khác trong Tp.HCM, đặc trách mục "Hỏi đáp Phật học" của Nguyệt san Giác Ngộ, đồng thời cũng là người góp ý thường xuyên về mặt biên soạn kinh điển của Tổ đình Quán Thế Âm chúng tôi.
Ngoài thì giờ dạy học và viết báo Phật giáo ông thường xuyên chú tâm phiên dịch kinh Phật không phân biệt Thiền hay Giáo. Riêng về Thiền, ông chủ trương biên soạn các tác phẩm Thiền tông Hoa – Việt mảng Hán Tạng, tuần tự sau Việt tới Hoa, cụ thể như sau "Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục" là đến “Cảnh Đức Truyền Đăng Lục”.
Cảnh Đức Truyền Đăng Lục là một bộ Thiền sử Trung Hoa có thể nói là xưa nhất nhì và hoàn bị nhất mà từ khi ra đời vào năm đầu niên hiệu Cảnh Đức nhà Tống (1004) cho đến nay (2004), trải qua 1.000 năm mà chưa có ai phiên dịch hay chú giải vì sách vừa đồ sộ về dung lượng (Tiểu truyện 1.701 Thiền sư), lại vừa rất khó hiểu ở văn Lý và Thiền ý. Cho nên một dịch phẩm đầy đủ, trọn vẹn, nhất quán mà lại có chất lượng là rất cần không chỉ riêng cho các tăng, ni sinh mà cho cả những ai trong nước Việt Nam ta, muốn hiểu Thiền phong Trung Hoa nói riêng và lãnh vực Thiền nói chung.
Do ý thức được sự cần thiết của bản dịch, trân trọng tính chịu khó cần cù của dịch giả, nên ban đầu chúng tôi gợi ý động viên rồi sau đó trong phạm vi khả năng cho phép, đã hết sức ủng hộ dịch giả về mặt vật chất, vì nói thẳng, ông rất nghèo, và tinh thần, vì không mấy khi ông được mạnh khỏe, để hoàn thành công trình.
Sau khi hoàn thành bản thảo, nhà nghiên cứu có nhờ chúng tôi xem lại và viết mấy dòng giới thiệu. Đọc xong bản thảo chúng tôi vô cùng cảm động vì bản dịch được truyền tải từ nguyên văn chữ Hán qua chữ Việt một cách tự nhiên nhưng trong sáng dễ hiểu, nên đặt bút viết ngay mấy lời mà không có chút e ngại vì dĩ nhiên tác phẩm phải có chỗ khiếm khuyết, nhưng nhìn chung, công có thể lấn át tội. Vậy nên mạnh dạn có mấy lời giới thiệu thô thiển đến độc giả.
Tổ đình Quán Thế Âm 2004

Trụ trì
Sa môn Thích Thông Bửu



2-Lời giới thiệu Cảnh Đức Truyền Đăng Lục
HT. Thích Phước Sơn
Sau khi bộ Thiền Luận của thiền sư Suzuki được chuyển ngữ sang tiếng Việt, những độc giả hâm mộThiền tông có dịp thưởng thức một bộ Luận thư đầy lý thú, xem đó như là một bộ sách khái yếu về Thiền học rất đáng trân trọng, nhưng vẫn mơ ước được đọc một bộ Thiền sử hoàn bị hơn. Khát vọng chân chính ấy giờ đây đã trở thành hiện thực.
Đó là sự xuất hiện của dịch phẩm Cảnh Đức Truyền Đăng Lục. Bộ lục này do Thiền sư Đạo Nguyên người đời Tống biên soạn, gồm 30 quyển, trình bày từ bảy đức Phật đến 27 vị Tổ Tây Thiên, sáu Tổ Đông Độ và Ngũ gia thất phái, bao quát 52 thế hệ, 1.701 người. Sau khi soạn xong, Đạo Nguyên đem dâng lên vua Tống Chân Tông, vào năm Cảnh Đức thứ nhất (1004). Nhận được sách, Chân Tông rất hân hoan, liền truyền lệnh cho quan Hàn lâm học sĩ Dương Ức hợp lực cùng các bạn đồng liêu giám định, rồi bảo ông viết lời tựa. Qua đó chúng ta thấy rõ giá trị của bộ sách như thế nào.
Vì vậy mà các nhà Phật học xem nó như kim chỉ nam của Thiền tông nói chung và của Thiền tông Trung Hoa nói riêng. Giờ đây, bộ sách đã được nhà dịch thuật Lý Việt Dũng phát tâm phiên dịch. Khi đề cập đến vị dịch giả này, có lẽ ít ai trong chúng ta là không biết đến ông. Bản tính ông vốn cẩn trọng, phải chăng do chịu ảnh hưởng quan điểm được xem là của Lão Tử: Làm văn hóa mà sai lầm thì hại cả muôn đời. Vì thế mà trước đây khi nhận trách nhiệm dịch quyển Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục, ông đã tốn khá nhiều công phu thôi xao tư liệu, đắm mình trong Thiền tịch; và nhờ vậy mà khi phiên dịch, ông đã có cơ hội kiểu chính không ít những thuật ngữ Thiền học bị nhầm lẫn trong các tư liệu Phật giáo Việt Nam từ trước đến nay. Sau khi sách xuất bản, ông đã nhận được sự phản hồi đầy ưu ái của các bạn đọc có nhiều tâm huyết.
Với niềm khích lệ lớn lao ấy, ông tiếp tục dấn thân vào lãnh vực chuyên môn của mình trong công việc dịch thuật. Phải công nhận rằng ông vốn có năng khiếu bẩm sinh về Hán học, đồng thời có biệt nhãn sắc bén về Thiền lý, vô sư tự ngộ, và đặc biệt rất ngưỡng mộ phong thái kỳ đặc của các Thiền sư trác việt. Mặc dù không xuất thân từ danh môn chánh phái, cũng chưa từng tham thiền nhập định mòn rách bồ đoàn, thế mà khi đọc những vấn đáp nghịch thường của các Thiền sư, ông lãnh hội một cách dễ dàng như những câu chuyện nhàn đàm trong cuộc sống đời thường. Điều này gợi cho chúng ta liên tưởng đến truyền thuyết cho rằng thi hào Tô Đông Pha là hậu thân của một Thiền sư.
Quí mến mối chân tình tri ngộ, cảm kích tấm lòng nhiệt thành đối với tiền đồ Phật giáo và tin tưởng bản lĩnh của dịch giả, chúng tôi trân trọng giới thiệu dịch phẩm Cảnh Đức Truyền Đăng Lục với chư vị Tôn túc, Tăng Ni, Phật tử và độc giả bốn phương. Hy vọng dịch phẩm này sẽ đáp ứng phần nào niềm khát khao của những người muốn tìm về nguồn mạch tâm linh và nâng kiến thức Thiền học của Phật tử Việt Nam lên ngang tầm với thời đại.

Thiền viện Vạn Hạnh, mùa Vu lan năm 2004, PL.2548
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam

HT. Thích Phước Sơn
* *


3-Lời giới thiệu Cảnh Đức Truyền Đăng Lục
Tỷ-kheo Viên Minh
Ngôn ngữ Thiền là ngôn ngữ phi ngôn ngữ, bởi nó không giống như ngôn ngữ triết học, tôn giáo hay bất kỳ thể loại nào khác. Nó không nhằm dẫn đến một hệ thống luận thuyết hay quan điểm nào cả. Tuy vậy, qua nó chúng ta có thể bắt gặp chiều sâu mà hành trạng, sự tu chứng hay thân giáo phong phú, trung thực của các vị Thiền sư biểu thị. Ngôn ngữ Thiền có vẻ như rất kỳ bí nhưng thực ra lại quá rõ ràng và trực tiếp đến độ dường như trong đó ngôn ngữ không hề có mặt.
Trớ trêu thay, hầu như tất cả Ngữ Lục đều viết bằng chữ Hán, dù cho đó là Ngữ Lục của các Thiền sư Nhật Bản, Hàn Quốc hay Việt Nam. Để đọc được những tác phẩm ấy chúng ta cần có những bản dịch tương đối chính xác, đòi hỏi người dịch không những phải có một trình độ uyên thâm về Hán ngữ, Việt ngữ cũng như Thiền lý, mà còn phải dày công tra cứu, so sánh, đối chiếu... rất nhiều tài liệu mới có thể chuyển ngữ được một cách trung thực, ít nhất là trên phương diện ngữ nghĩa.
Ngữ nghĩa sai thì khó có thể tiếp cận được với những ngụ ý mà chư Thiền đức muốn khải thị huống chi là chạm đến chiều sâu thân chứng của các ngài. Dịch thuật Ngữ Lục quả là khó hơn bất kỳ loại phiên dịch nào khác, bởi dịch giả không những phải dịch đúng từng câu từng chữ mà còn phải đọc được những ẩn ý vô ngôn giữa những từ, những cú như một thứ cạm bẫy thường giăng ra để thử thách căn cơ của chư Thiền giả.
Xem ra, ngoài tinh thông ngữ nghĩa người dịch còn phải có trực giác thấy được “Ý tại ngôn ngọai” mới mong chuyển tải được ý chỉ thâm mật của Thiền. Trong tất cả Ngữ Lục thì Cảnh Đức Truyền Đăng Lục mà Thiền sư Đạo Nguyên đã sưu tập được 52 đời truyền thừa của Thiền tông Trung Hoa với 1.701 vị Thiền sư xuất chúng, có thể xem là tiêu biểu, nòng cốt và mẫu mực cho hầu hết các Ngữ Lục về sau, do đó là tài liệu quí giá cho những ai muốn khám phá thế giới Thiền Đông Độ. Bởi vậy một bản dịch chính xác, trung thực sẽ đem lại lợi ích lâu dài cho nhiều thế hệ Thiền học Việt Nam.
Đọc bản dịch Cảnh Đức Truyền Đăng Lục của anh Lý Việt Dũng, tôi không khỏi thán phục khi biết sức khỏe anh rất kém mà vẫn phấn đấu kiên trì để hoàn thành dịch phẩm khó khăn này một cách đầy đủ chứ không lược dịch như ý định ban đầu. Với trực giác bẩm sinh về ngôn ngữ, với trình độ tinh tường về Hán học, với thời gian chuyên nghiền ngẫm tham cứu lâu dài về Thiền, anh vẫn thận trọng làm việc một cách nghiêm túc, cần cù và tỉ mỉ để tránh tối đa những sai sót mà người trước đã vấp phải. Tuy vậy, không tự mãn, anh luôn tham vấn, thỉnh ý chư tôn Thiền đức hoặc bàn bạc với các Thiền hữu cho đến khi khai thông được những điều chưa sáng tỏ. Đó chính là lương tâm khả kính của một người làm công tác dịch thuật.
Những sáng kiến mà anh thêm vào, như phần Phụ Lục, có thể giúp cho những người nghiên cứu khỏi mất thì giờ tìm kiếm tài liệu đối chiếu, tra cứu; phần Gợi Ý của riêng anh, dù chủ quan hay khách quan, vẫn là những ý kiến cần được tôn trọng như là thiện ý muốn giúp cho người nghiên cứu rộng đường tầm cầu Thiền lý, mặc dù khi tâm sự với tôi về những góp ý của mình anh tỏ ra khiêm nhường, rằng phần này chỉ đặc biệt dành cho tăng ni sinh trong các lớp Thiền học mà anh hướng dẫn thôi chứ không xem đó như là những kiến giải mẫu mực. Thực ra chưa ai dám tự cho kiến giải của mình là đúng, nên mới cần đến sự ấn chứng của chư vị Thiền sư đạt ngộ. Do đó, thái độ khiêm nhường của anh cũng là một phẩm chất đáng quí. Tuy nhiên, theo tôi, kiến giải vẫn là giai đoạn tất yếu có trước và sau khi ngộ.
Tôi không dám bàn gì thêm về giá trị nguyên tác hay phê bình phẩm chất bản dịch cũng như những góp ý chân tình của anh, vì tất cả đã được trình bày đầy đủ, xin nhường lại cho chư độc giả rộng quyền phán xét. Dĩ nhiên, không có bất kỳ một bản dịch nào hoàn hảo, nhưng với những gì đạt được trong dịch phẩm này không những là một cống hiến lớn lao của anh cho Thiền học Việt Nam nói riêng mà còn làm phong phú cho kho tàng văn học nước nhà nói chung. Chân thành cám ơn anh Lý Việt Dũng đã cho tôi xem lại bản thảo dịch phẩm Cảnh Đức Truyền Đăng Lục trước khi xuất bản. Cẩn bút.
Tổ đình Bửu Long, mùa An cư 2548
Tỷ kheo Viên Minh
Sách do Nhà xuất bản Hồng Đức ấn hành, có bán tại Nhà sách Văn Thành, http://nhasachvanhoaphatgiao.com/
Nhà Sách Văn Thành, ĐT: 38 482 028 – 0908585 560,<nhasachvanthanh@gmail.com>
411 Hoàng Sa, P8, Q3, TP. HCM