Thứ Sáu, 18 tháng 6, 2021

THƯỢNG ĐẲNG THẦN NGUYỄN HỮU CẢNH (002)



THƯỢNG ĐẲNG THẦN NGUYỄN HỮU CẢNH

ĐỀN THỜ, SẮC PHONG TẠI MIẾU BÌNH KÍNH- CÙ LAO PHỐ, BIÊN HÒA

1- Lễ thành Hầu

Theo các thư tịch cổ thì trong quá trình mở đất phương nam, người có công xác lập chủ quyền vùng đất này là Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Kính 禮 成 候 阮 有 鏡 (1650- 1700)

( Tên trong gia phả của Ngài là Nguyễn HữuThành(*), Kính là tên được chúa gia phong , còn tên Cảnh mà ta thường gọi ngày nay chưa rỏ nguồn gốc, mặc dù đã có nhiều thuyết biện giải...)

Sinh ra trong một danh gia vọng tộc, là hậu duệ đời thứ 19 của Đinh Quốc Công Nguyễn Bặc (nhà Đinh), đời thứ 9 của Ức Trai Nguyễn Trải (nhà Hậu Lê). Ông nội là Tham tướng chưởng cơ Triều Văn Hầu Nguyễn Triều Văn theo Chúa tiên Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa năm 1609. Cha là Chiêu Võ Hầu Nguyễn Hữu Dật (sau được phong là Tĩnh Quốc Công), là danh tướng nhiều lần đánh lùi các cuộc tiến công của chúa Trịnh vào đàng trong.

Huynh đệ của Ngài đều là dũng tướng của chúa Nguyễn, có đại công chinh phục mở mang đất nam trung bộ và nam bộ của nước ta:

-Hào Lương Hầu Nguyễn Hữu Hào, người lãnh mệnh chúa Nguyễn, vào nam bộ thay Mai Vạn Long(1689).

-Trung Thắng Hầu Nguyễn Hữu Trung.

-Tín Đức Hầu Nguyễn Hữu Tín ( Khắc).

-Dũng Đức Hầu Nguyễn Hữu Dũng.

-Chương Tài Hầu Nguyễn Hữu Bích…

Sự nghiệp riêng của Ngài thật lừng lẩy, ghi đậm và lưu truyền hiển hách trong lịch sử mở mang bờ cỏi;

Thiếu thời, huynh đệ Ngài cùng theo Cha trấn giữ lũy Sa Phụ, sau đó Phụ tử Ngài góp phần lập nên chiến công oanh liệt tại lũy Trấn Ninh năm 1672. Đây là trận chiến được xem là ác liệt nhất trong 7 trận chiến giữa Đàng Ngoài và Đàng trong, chấm dứt một giai đoạn chiến tranh đẫm máu của hai miền từ năm 1627 đến 1672, sau đó lấy Sông Gianh làm giới tuyến)

Năm 1692 Ngài làm Thống binh dẹp loạn Champa tại phủ Diên Ninh, thành lập trấn Thuận Thành ( nay là xứ Ninh Thuận, Bình Thận) rồi nhận Trấn Thủ dinh Bình Khương (Khánh Hòa, Ninh Thuận).

Năm 1698 được chúa Nguyễn Phúc Chu (Quốc Chúa- 1691- 1725) phong làm Thống Suất, vào kinh lược xứ Đồng Nai, với một thời gian ngắn Ngài đã dựng nên một diện mạo mới cho nam bộ lúc bấy giờ:

Tạo lập trật tư an ninh trên vùng đất mới, phân định ranh giới xóm thôn. Từ nơi vùng đất vừa được xâm cư, Ngài đặt làm phủ Gia Định, bao gồm 2 huyện:



1- Huyện Phước Long có dinh Trấn Biên (Biên Hòa)

2- Huyện Tân Bình có dinh Phiên Trấn (Sài Gòn).

Tổ chức hành chánh, cất đặt quan lại quản lý trật tự, đặt thuế khóa, sổ sách, pháp luật...Xin chúa Nguyễn cho chiêu mộ dân từ Quảng Bình trở vào, đến ở khắp nơi trên vùng đất mới, Do đó lảnh thổ nước ta thuở ấy được mở rộng “nghìn dặm” !

Năm 1699 Ngài lảnh chức Thống binh, vâng mệnh Chúa Nguyễn vào nam một lần nữa: Dẹp yên cuộc nổi loạn của Vua Chân Lạp; thăm nom khích lệ, vổ an dân chúng…sau khi báo tin thắng trận về Kinh thì Ngài đột ngột từ trần (tháng 5 năm canh thìn-1700).

Sau khi Ngài mất nhân dân tiếc thương vô hạn, họ lập đền thờ để tưởng nhớ đại ân đại đức của Ngài. Ngày nay đền thờ Ngài có mặt ở nhiều địa phương: Quảng Bình, Quảng nam, Đồng Nai, An Giang …



Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca

Trích:

Sông Lễ Công chỗ cù lao,

Miếu quan Chưởng Lễ thuở nào lưu lai.

Đồng Nai cũng có miễu ngài,

Nam Vang, Châu Đốc lại hai chỗ thờ.

Coi ra hiển hách bây giờ,

Cù lao ông Chưởng tư cơ đứng đầu.

(Nguyễn Liên Phong, 1909)

2- Đền Lễ Công ở Cù Lao Phố

Tại cù lao Phố (Biên Hòa) hiện có đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, nguyên thủy là miếu thờ thành hoàng bổn cảnh của làng Bình Hoành xưa, đầu thế kỹ 19, Trịnh Hoài Đức kể:

“Đền ở phía Nam Cù lao Đại Phố, phụng thờ quan Khâm sai Thống suất chưởng cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Phúc Lễ, miếu vũ trang nghiêm, mặt trông ra Phước Giang, lấy tảng đá lớn làm thủy thành, dưới đấy có con cá chép to, đớp gió đùa sóng, bơi lượn khi ẩn khi hiện, lúc gió mưa nước vỗ vào tảng đá nghe ầm ầm, sóng cuộn ào ạt, càng thêm vẻ oai linh, làm cho người nghe phải kính sợ. Từ khi Tây Sơn nổi lên, hương tàn khói lạnh, có người thuộc giới sĩ lâm trong trấn tên là Tấn qua đấy cảm xúc mà đề bài thơ như sau:

Ải cũ bụi bay cỏ bạc màu

Thành hoang hoa tạp trổ xen nhau

Trời đem sự nghiệp trao đời trước,

Đất lấp sơn hà gởi lớp sau.

Mưa gió chưa tàn xương chiến sĩ,

Cháu con lại vướng nạn binh đao.

Bình sinh giọt lệ tầm thường ấy,

Chẳng khóc trung cang, khóc công thần!



Sau gần 300 năm tạo lập, vài lần phải di dời đến vị trí hiện nay , đình Bình Kính thờ Nguyễn Hữu Cảnh ở Cù Lao Phố, đã được xếp hạng cấp quốc gia theo quyết định số 457 – QĐ của Bộ Văn hóa Thông tin, Thể thao và Du lịch ngày 25 tháng 3 năm 1991.

3- SẮC PHONG:

....





























Đối tượng thờ chính là Thượng đẳng thần Nguyễn Hữu Cảnh. Gian giữa chánh điện thờ thần, hai bên thờ tả ban, hữu ban liệt vị. Một góc bên bàn thờ có tủ kiếng giữ bộ áo mão tương truyền là của Đức Ông Nguyễn Hữu Cảnh thuở sinh thời. Điểm nổi bật trong nghệ thuật điêu khắc kiến trúc từ chất liệu gỗ là các bàn hương án trong chánh điện. Các hương án được chạm khắc nhiều đề tài như rồng chầu, linh thú, muông thú, hoa lá…rất tinh tế, sắc sảo làm tăng thêm tính chất nghệ thuật được bảo tồn của ngôi đình làng. Phía sau chánh điện là khu nhà khách, nhà bếp và nhà kho.





Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh là một trong số ít những di tích ở Biên Hòa còn lưu giữ được sắc thần, trong đó ghi rõ tên họ, chức tước vinh hiển, thứ bậc Thượng đẳng thần của vua ban phong cho Nguyễn Hữu Cảnh. Hằng năm, tại đình tổ chức lễ hội vào ngày 16,17 tháng 5 và ngày 11 tháng 11 (âm lịch) để tưởng nhớ công lao, đức trọng của vị khai quốc công thần, có công lớn với cả xứ Nam Bộ. Di tích đình Bình Kính được xếp hạng cấp quốc gia theo quyết định số 457 – QĐ của Bộ Văn hóa Thông tin, Thể thao và Du lịch ngày 25 tháng 3 năm 1991.