MIẾU QUAN ĐẾ BIÊN HOÀ
(Chùa Ông, Thất Phủ Cổ Miếu)
MỘT SỐ PHÁT HIỆN MỚI QUA ĐỐI CHIẾU CÁC THƯ TỊCH CỔ
Lê Ngọc Quốc*
Theo thư tịch cổ đã ghi nhận: Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh lập phủ Gia Định vào năm 1698 thì trước đó vào năm 1679, đô đốc Trần Thượng Xuyên đã vâng mệnh Chúa Nguyễn Phúc Tần (Chúa Hiền), đem quân bản bộ vào kinh dinh xứ Bàn Lân (Biên Hoà ngày nay) [1].
Thưở ấy, tại một cù lao lớn trên sông xứ Bàn Lân (nay là cù lao
Phố), tổng binh họ Trần đã cho khai thác trên quy mô lớn: mở mang đất đai, lập thành phố chợ, xây dựng đường sá, cầu
đò, bến cảng, kho bãi, tửu điếm, khách sạn… Kêu gọi thương nhân Trung Hoa, người
Tây, người Nhật, người Chà Và… các nơi đến mua bán giao thương. Chẳng bao lâu,
dưới sự quản lý, tổ chức linh hoạt; đô đốc Trần Thượng Xuyên cùng các lưu dân
đã biến vùng đất hoang sơ trở thành thương cảng, trung tâm thương mại và giao dịch
quốc tế của cả vùng Đồng Nai, Gia Định.
Lưu dân người Hoa đi tới đâu, họ cũng mang theo tín ngưỡng thờ Quan Công
và xem Quan Công là một trong ba vị thần tối thượng cùng với Ma Tổ (Thiên Hậu
Thánh Mẫu) và Phúc Đức Chánh Thần trong đời sống tinh thần của họ. Sau
khi ổn định ở vùng đất mới, họ cùng nhau tạo dựng miếu thờ Quan Công (Quan Đế miếu).
1. 1. Đôi nét về miếu Quan Đế Biên Hoà
Địa chỉ Miếu: số 48 Đặng Đại Độ, phường Hiệp Hoà, thành phố Biên
Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Thất
Phủ cổ miếu, tên gốc là Quan Đế miếu, tạo dựng vào năm 1684 tại Cù lao Phố, là
cơ sở văn xã đầu tiên của cộng đồng người Hoa ở nam bộ. Chính vì vậy nên việc
tìm hiểu về di tích này là một đóng góp quan trọng cho việc tìm hiểu lịch sử
quá trình hình thành và phát triển văn hoá của vùng đất nam bộ [2].
Thất phủ cổ miếu ngày nay toạ lạc trên một thế đất đẹp phía tả ngạn sông Đồng nai; rộng gần 3.000m2, được ngăn cách với bên ngoài bởi vòng tường gạch. Mặt tiền miếu hướng tây nam nhìn ra sông lớn. Tất cả đã tạo cho ngôi miếu một quang cảnh thoáng mát, nên thơ nhưng cũng thật thâm u, cổ kính. Miếu có 3 cổng ra vào, cổng chính nhìn ra sông Đồng Nai xây theo lối tam quan, biển cổng khắc chữ Hán 七府古廟- Thất Phủ Cổ Miếu. Một cổng phụ biển đề chữ Hán 七府五行廟- Thất phủ Ngũ Hành Miếu, ở mặt tường bên phải sân miếu, cổng phụ còn lại biển đề 七府觀音殿- Thất Phủ Quan Âm Điện [2].
2. Miếu Quan Đế qua các tư liệu lịch sử
2.1. Phủ Biên tạp lục
Theo
sách Phủ Biên Tạp Lục biên
soạn năm 1776 có ghi chép tổng hợp về Đàng Trong nguồn đa số từ thư tịch trong tàng
thư ở Phú Xuân.
Trong
mục thuế
đò, phủ Gia Định có ghi chép:
1/ Tuần Đồng Tranh thuộc Phủ Gia Định: thuế 35
quan 5 tiền.
2/ Chợ Lạch Cát: thuế 81 quan.
3/ Đò Điện Quan Đế: thuế 373 quan.
4/ Đò dọc từ An Lâm đến Sài Côn: thuế 89 quan.
5/ Đò chợ Đồng Nai: thuế 60 quan.
6/ Đò nhỏ Lò Giấy: thuế 55 quan.
7/ Đò chợ Dinh cũ: thuế 30 quan 2 tiền 1
Như
vậy trước năm 1775, thời điểm Thuận Hóa – Phú Xuân bị Chúa Trịnh chiếm, ở khu vực
quanh Cù lao Phố có 3 bến đò, 1 chợ được triều đình lập sổ bộ đánh thuế:
-
Chợ Lạch (Rạch)
Cát (nay là khu vực đầu cầu Hiệp Hoà).
-
Bến đò điện Quan Đế (nay là khu vực giữa Chùa Ông - cầu Gành).
-
Bến đò chợ Lò Giấy (nay là khu vực bến nước sau đồn công an phường Bửu Hoà).
- Đò dọc từ An Lâm (*) nay là khu vực bến Đò Kho (nay là khu vực bến Đò Kho Hiệp Hoà- An Bình).
- So sánh các địa phương khác trong phủ Gia Định lúc bấy giờ:
- Thuế
3 sở : chợ Phú Lâm, chợ Lò Luyện, chợ Quán Bình Khang ở Sài Côn (vùng Chợ Lớn
ngày nay): 110 quan.
- Đò
Sài Côn (vùng Chợ Lớn ngày nay): 178 quan.
- Đò Rạch Cát (vùng
Chợ Lớn ngày nay): 78 quan[1].
- So với số tiền thuế hàng năm của chợ và đò ở khu đô thị cổ Hội An ghi chép trong chương này thấp hơn ở Cù Lao Phố:
- Đò Thanh Hà (ở
Hội An): 190 quan 5 tiền.
- Chợ Hội An: 49
quan[2].
Qua đó có
thể thấy rằng: bến đò điện Quan Đế (Nông Nại đại Phố) thuế năm là 373 quan. Đây là mức thuế cao
nhất phủ Gia Định lúc bấy giờ, thậm chí hơn Hội An, Đà Nẵng và ngang tầm 2 bến đò ở Huế là Phú Xuân
Thượng, Phú Xuân Hạ (2 bến này, gộp thuế năm là 684 quan)[1].
Vì thế trong Đại
Nam nhất thống chí đã mô tả sự hưng thịnh
của Cù Lao Phố lúc bấy giờ:“…Trần Thượng Xuyên chiêu nạp
được người buôn nhà Thanh, xây dựng phố chợ đường xá, nhà ngói lâu đài san sát ở
trên bờ sông, nối liền năm dặm, chia thành ra ba đường phố: Đường phố lớn, giữa
phố lát đá trắng, đường ngang lát đá ong, đường nhỏ lát đá xanh, đường rộng bằng
phẳng, người buôn tụ tập đông đúc, tàu biển, ghe sông đến đậu neo chen lấn lẫn
nhau, còn những nhà buôn to lớn ở đây là nhiều hơn hết, làm thành một chốn đại
đô hội...” [2]
2.2. Hoàng Việt nhất thống dư địa chí
Hoàng Việt nhất thống dư địa chí
biên soạn năm 1806, là bộ sách ghi
chép tường tận về hệ thống giao thông đường bộ lẫn đường thủy của nước ta đầu
thế kỷ 19. Trong quyển II, mục Đường trạm bộ và thuỷ dinh Trấn Biên - Phụ chép về đường bộ có đoạn:
“…Hai bên đều là ruộng vườn, dân cư thưa thớt, chuyên trồng
dâu và mía, đến lị sở dinh Trấn Biên, thuộc địa phận thôn Tân Lân, tổng Tân
Chánh, huyện Phước Long. 52 tầm [1 tầm khoảng 1.8~ 2.3 mét], hai bên là
nhà quan và trại quân, dân cư đông đúc, đến chợ thôn Tân Lân [chợ Biên Hoà ngày
nay], tục gọi là chợ Bàn Săng, chợ này có quán xá rất đông đúc, có rất nhiều
người buôn bán.
728 tầm, hai bên đường
là nhà quan và trại quân, dân cư đông đúc đến bến đò Phước Lư, sông rộng 80 tầm, tục
gọi là bến đò Rạch Cát. Nước ở đây ngọt, khi nước lên sâu 5 tầm, nước xuống sâu
4 tầm, rồi qua bến Cù Lao Phố, ngày trước ở đây có cầu bắc ngang, cửa nhà phố
xá của cư dân đều lợp ngói san sát nhau, đến thời Tây Sơn dân cư chạy tán loạn,
chỉ còn lại ruộng vườn.
90 tầm, hai bên đường là
nhà tranh nhà ngói xen nhau, dân cư rất trù mật, đến bến đò, sông rộng 164 tầm,
tục gọi là sông Đồng Nai, bến đò tục gọi là bến đò Cù Lao Phố (*).
Nước sông này vào mùa xuân hè có nắng to thì trong và ngọt, đến mùa thu đông do
mưa lụt nên hơi đục, khi nước lên thì sâu 5 tầm, nước xuống thì sâu 4 tầm. Thượng
lưu sông này tức đầu suối Ba Can, hạ lưu tức ngả ba Nhà Bè, đến chợ thôn Bình
Tiên, tục gọi là chợ Lò Giấy, thời Tây Sơn có đồn đóng ở đây, nên còn gọi là Chợ
Đồn, chợ này có quán xá rất đông đúc…” [3]
Trong quyển VII ghi chép
về dinh Trấn Biên, ghi chép hướng từ trước cửa trấn thành xuôi về hướng hạ lưu
sông lớn [sông Đồng Nai]:
“…Bên trái sông lớn có cồn
tức Cù Lao Phố, cồn dài 1.580 tầm, bề ngang 1.070 tầm, ở đây đường phố và nhà
ngói liền nhau, tàu buôn đậu kín bến, đến thời Tây Sơn thì nơi này trở thành ruộng
vườn.
50 tầm, hai bên bờ đều
có ruộng vườn và dân cư nhưng thưa thớt, đến bến đò chợ thôn Bình Tiên [nay là
Bình Long- Bửu Hoà], sông rộng 168 tầm, khi nước lên sông sâu 5 tầm, nước xuống
sâu 4 tầm, tục gọi là chợ Lò Giấy, từ khi Tây Sơn đóng đồn ở đây, thì đổi tên
là bến đò Chợ Đồn, chợ có quán xá đông đúc, có đò ngang đưa qua Cù Lao Phố…” [1]
Tra cứu phần các bến đò ở
Trấn Biên trong 2 tài liệu Phủ Biên Tạp Lục (1776) và Hoàng
Việt nhất thống dư địa chí (1806), chúng tôi cho rằng bến đò ngang từ
bến đò Chợ Đồn [bến đò chợ Lò Giấy] qua Cù Lao Phố có tên là bến đò Cù Lao Phố
; đây
chính là bến đò Điện Quan Đế trong ghi chép của Phủ Biên Tạp Lục.
2.3. Gia Định thành
thông chí
Gia Định thành thông chí
là một quyển địa chí do Trịnh Hoài Đức (1765-1825) biên
soạn. Sách viết về vùng đất Gia Định (khoảng năm 1820), đây là một sử liệu quan
trọng về Nam Bộ thời nhà Nguyễn.
Trong quyển 6 - Thành
Trì chí, mục Miếu Quan Đế chép:
“Nằm về phía nam cù lao Đại Phố, phía đông ngã ba đường, mặt trông ra Phước Giang, điện vũ nguy nga, tượng đắp cao hơn một trượng, phía sau là điện quán Quan Âm, phía ngoài có tường gạch bao quanh, bốn góc có 4 con lân bằng đá ngồi xổm (*). Cùng với hội quán Phúc Châu đầu phía tây đường lớn và hội quán Quảng Đông ở dưới phía đông là 3 cái đền lớn. Từ loạn Tây Sơn nhân dân ly tán, 2 đền kia bị hoang phế, duy miếu nầy là của chung phố nên riêng được giữ gìn tồn tại. Nhưng đến mùa thu năm Kỷ Mùi (1799) Thế Tổ Cao Hoàng thứ 22 [Nguyễn Ánh lên ngôi Chúa tại Gia Định năm 1778], ở Trấn Biên có lụt lớn, tượng bị nước ngâm rã mục rường cột và mái ngói trải lâu năm nên cũng đã hư mục. Năm Đinh Sửu (1817) niên hiệu Gia Long thứ 16, người làng họp bàn trùng tu nhưng không đủ sức, nhờ tôi thần đây, đứng ra làm chủ việc ấy, vì cho thần là người sở tại của bản quán này. Ban đầu tôi thần cũng vì người mà miễn cưỡng nhận lời cho họ vui lòng, mà lòng thì vẫn chưa quả quyết. Đến khi dỡ miếu, trên cây đòn dông chính có đóng phụ vào một tấm ván, tuy mối mọt đã ăn mòn nhưng chữ khắc vẫn còn rõ, chỉ vì muội khói hương đèn lâu ngày làm tối mờ. Bảo nhẹ tay chùi rửa rồi xem kỹ, thì thấy nước sơn vẫn dày dặn bền bỉ, nét chữ rõ ràng, mặt trước kê tên 8 người chủ hội, trong ấy có tên họ ông nội của tôi thần, kỳ dư còn tên nhiều người nữa, đều không biết đó là ai, mặt sau khắc: ngày tốt tháng 4 năm Giáp Tý, niên hiệu Chính Hòa thứ 5 (1684). Cây đòn dông bên trái có một tấm ván khắc tên 11 người chủ hội, trong ấy có tên họ cha tôi thần, mặt sau khắc: ngày tốt tháng 2 năm Quý Hợi niên hiệu Cảnh Hưng thứ 4 (1743) nên tôi thần bàng hoàng hồi lâu, trong lúc đó có đông người dành xem, rốt lại tấm ván ấy liền tự rã ra, tôi thần đem tới trước miếu khấn vái rồi đốt đi. Tôi thần chạnh nghĩ rằng: thần linh với nhà tôi thần đã 3 đời có túc duyên, tôi thần này đâu dám không hoàn thành ước nguyện tha thiết của đời trước? Nên tôi thần cố kêu gọi mọi người cùng làm, sửa mới đắp lại pho tượng, sửa sang đồ thờ phụng, nay cũng đã tạm đầy đủ. Vậy xin ghi vào đây”. [1]
Ngày
nay chúng ta được biết lịch sử miếu Quan Đế ở Cù Lao Phố xây dựng từ năm 1684,
trùng tu lần 1 vào năm 1743, và tái thiết năm 1817; là từ tài liệu chép trong Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài
Đức.
Một
chi tiết khác được đề cập trong Gia Định
thành thông chí như sau:
“
Tháng 4 mùa hạ năm thứ 32 Kỷ Mùi (1679)… quan Tổng binh thủy lục trấn thủ
các xứ ở Long Môn thuộc Quảng Đông nước Đại Minh là Dương Ngạn Địch và Phó tướng
Hoàng Tấn, quan Tổng binh trấn thủ các châu Cao, Lôi, Liêm là Trần Thắng Tài,
Phó tướng Trần An Bình dẫn quân và gia nhân hơn 3.000 người cùng chiến thuyền
hơn 50 chiếc, chạy sang nước Nam nguyện được làm dân mọn…, triều đình mới tổ chức
khao đãi ân cần, chuẩn y cho giữ nguyên chức hàm, phong cho quan tước rồi lệnh
cho tới Nông Nại (Đồng Nai) làm ăn, gắng sức khai thác đất đai. Mặt khác, triều
đình còn hạ chỉ dụ cho Quốc vương Cao Miên (Thủy Chân Lạp) biết việc ấy để
không xảy ra chuyện ngoài ý muốn. Được lệnh, các ông Dương, Trần vào Kinh tạ ơn
rồi phụng chỉ lên đường. Bọn tướng Long Môn họ Dương đem binh thuyền tiến nhanh
vào cửa Xoài Rạp, và cửa Đại cửa Tiểu (thuộc trấn Định Tường) dừng trú tại xứ Mỹ
Tho. Bọn tướng các xứ Cao, Lôi, Liêm họ Trần thì đem binh thuyền tiến vào cửa Cần
Giờ rồi đồn trú tại xứ Bàn Lân thuộc Đồng Nai (nay là Biên Hòa)”. [2]
Định
cư được một thời gian ngắn thì nhóm lưu dân cùng chung sức xây dựng Miếu Quan Đế,
thờ Quan Vân Trường – Ông là một vị
thánh nhân có tầm ảnh hưởng sâu rộng đối với cộng đồng, là hình tượng đại diện
cho sự uy nghiêm, thịnh vượng và chính trực.
Lúc
bấy giờ ngoài hai nhóm lưu dân nhà Đại Minh, được chính sử ghi chép trên thì
vùng đấy Thuỷ Chân Lạp này đã có lưu dân từ nơi khác thâm nhập. Họ có thể là những cố
nông đi tìm đất mới, tội đồ bỏ trốn, ngưới tránh sưu thuế nặng nề, trốn binh
dịch; là những người thích phiêu lưu, mạo hiểm và cả những nhóm dân Công giáo
bị chánh quyền đương thời bức đạo, đe dọa tính mạng, nên bỏ chạy vào đây, nơi
còn hoang vắng, thoát vòng cương tỏa để giữ lấy đức tin.
Trong
1 bản đồ mang tên: “Giáp Ngọ niên bình Nam đồ” [3], được các nhà nghiên cứu gần
đây khảo cứu. Thông tin trong bản đồ ghi nhận vùng
này, [hậu bán thế kỷ 17] lúc bấy giờ có hai nhóm người Hoa từ Quảng Đông và
Phúc Kiến, định cư bên hai bờ sông Tiền, và có sự hiện diện của ba thuyền lính
Quảng Nam trú đóng gần Thành của phó Vương Nặc Nộn ở Sài Côn [vùng Chợ lớn ngày
nay].
3. Miếu Quan Đế qua các thời kỳ
3.1. Xây dựng và trùng
tu, tái thiết
Theo
tài liệu của Ban Trị sự Thất Phủ cổ miếu [2], cơ sở tín ngưỡng này
được xây dựng, trùng tu, tái thiết qua nhiều thời kỳ:
1/
Xây dựng năm Giáp Tý – 1684.
2/
Trùng tu năm Quý Hợi – 1743 (lần thứ 1).
3/
Đại trùng tu năm Đinh Sửu – 1817 (lần thứ 2).
4/
Trùng tu năm Mậu Thìn – 1868 (lần thứ 3).
5/
Trùng tu năm Giáp Ngọ – 1894 (lần thứ 4).
Sau đó trùng tu Quan Âm Các (phía sau miếu) năm 1927, tiếp
sau là các đợt tu sửa nhỏ, trang trí nội thất nhiều lần 1944, 1947…
Từ sau năm 1975 đến
trước năm 2005, Thất Phủ cổ miếu gần như không được tu sửa gì lớn, nếu có thì
chỉ xử lý mối mọt, sơn mới tường, tượng thờ, bao lam, hoành phi, liễn đối với
nguồn kinh phí không đáng kể.
Đến năm 2005 – 2006, Quan
Âm Các được xây dựng mới toàn bộ theo kiến trúc truyền thống của người Trung
Hoa.
6/ Đại trùng tu
năm Mậu Tý – 2008 (lần thứ 5)
Ban Trị sự Thất Phủ cổ
miếu và bốn bang người Hoa Biên Hòa tiến hành đại trùng tu toàn bộ ngôi miếu với
kinh phí trên 9 tỷ đồng (thời giá năm 2008). Nguồn kinh phí trùng tu được xã hội
hóa từ cộng đồng người Hoa và người Việt ở Biên Hòa (Đồng Nai), Thành phố Hồ
Chí Minh, Bình Dương cùng các tỉnh thành lân cận; một số người Hoa ở Hà Nội và
các tỉnh phía Bắc cũng tham gia đóng góp.
3.2. Khảo tả.
1-Xây dựng năm Giáp Tý
– 1684.
Khởi
thuỷ do 8 người hội chủ bang hội trong đó có ông nội của quan Trịnh Hoài Đức cùng một
số người khác đứng tên cho công trình xây cất miếu Quan Đế.
2- Trùng tu năm Quý Hợi
– 1743 (lần thứ 1)
Sau
59 năm thì miếu được trùng tu, trong 11 người hội chủ bang hội có cha của quan
Trịnh Hoài Đức.
3- Đại trùng tu năm
Đinh Sửu – 1817 (lần thứ 2)
Biến loạn chiến tranh, Cù lao Phố bị tàn phá khốc hại, mặc dù còn tồn tại do là miếu chung của Phố, nhưng lúc ấy dân chúng xiêu tán tứ phương, rồi tiếp đến trận lụt năm 1799, khiến miếu bị hư hại nặng nề.
Trong
Hoàng Việt nhất thống dư địa chí
(1806) ghi chép về dinh Trấn Biên;
ngoài các di tích cổ được liệt kê: Điện Văn Thánh ở Bình Thành, Tân Lại; Chùa
núi (Bửu Phong tự) ở thôn Bình Điện, miếu Quan Đế ở thôn Bình Thảo chợ Bến Cá,
chùa Sắc Tứ thôn Tân Phước, chùa cổ Vãi Lượng (bị hư hỏng), miếu Long Vương ở
thôn Phước Hoà. Riêng ở khu vực Cù Lao Phố chỉ thấy ghi chép về miếu Chưởng cơ
Lễ Thành Hầu: “miếu ở bờ phía bắc trông ra sông, Ông là biên tướng thời tiên
triều,ngày trước từng giao chiến với Cao Miên rồi chết trận, triều đình sai lập
miếu này để thờ, tặng là khai quốc công thần, muôn thuở cúng tế, ngày nay vẫn vậy,
lại được dự lệ quốc tế như cũ…”. [1]
Xét theo tài liệu trên, có thể sau khi chịu đại
nạn “thuỷ, hoả, đạo, tặc” thì miếu Quan Đế đã hư hỏng hoàn toàn, cỏ cây che lấp
nên đã không được ghi chép trong Hoàng Việt nhất thống dư địa chí (1806) chăng?
Sau chiến tranh (1802) dân chúng lần hồi trở về
bổn quán, xây dựng lại quê hương: “… hai bên đường là nhà tranh nhà ngói xen
nhau, dân cư rất trù mật, đến bến đò, sông rộng 164 tầm, tục gọi là sông Đồng
Nai, bến đò tục gọi là bến đò Cù Lao Phố [2]. Đến năm 1817, dân sở tại cậy nhờ quan Trịnh Hoài Đức làm chủ
trì, tái thiết xây dựng lại miếu Quan Đế.
4- Trùng tu năm Mậu
Thìn – 1868 (lần thứ 3)
Từ đợt đại trùng tu năm 1817 đến đợt trùng tu năm
1868; trải qua 50 năm, Biên Hoà hứng chịu hai cuộc chiến:
1/ Lực
lượng của Lê Văn Khôi từ Thành Gia Định đánh chiếm 3 đợt (1833)
Trận này
chưa thấy tài liệu ghi nhận Cù Lao Phố và Miếu Quan Đế có bị ảnh hưởng cuộc chiến
hay không.
2/ Liên
quân Pháp đánh chiếm tỉnh Biên Hoà (1861).
Trong tài liệu
của Ban Tri sự Thất Phủ cổ miếu, dựa theo thông tin của 1 tấm bia đá ốp vào tường
tiền điện ghi tên những người đóng góp tiền của trùng tu có ghi niên đại “Đồng
Trị Mậu Thìn” (năm 1868), chỉ ra đây là lần trùng tu lần thứ ba.
Khi chiếm được
tỉnh Biên Hoà một trại lính thuỷ
đánh bộ của liên quân (camp des Marins) được dựng cạnh
Thất phủ miếu (Pagodes de Sept Congrégation); 1 ảnh vẽ trong sách xuất bản tại
Paris năm 1862 cho ta thấy kiến trúc của Miếu Quan Đế 3, như vậy theo các tài liệu trên,
có thể kiến trúc của Miếu Quan Đế trong hình vẽ năm 1862, chính là nguyên bản
Miếu được trùng tu năm 1817.
5- Trùng tu năm Giáp Ngọ - 1894 (lần thứ 4)
Trong
một tấm bia đá khác trong miếu khắc tên “Thất Phủ Cổ Miếu” và các bức gốm men
xanh trang trí trên nóc ngôi miếu… đều ghi niên đại “Quang Tự Giáp Ngọ” (1894).
Có lẽ dây là niên đại trùng tu cuối cùng của ngôi miếu, mang lại dáng dấp như
ngày nay.
Bên
cạnh đó, miếu còn trải qua nhiều lần tái thiết, tu sửa trang trí nhỏ:
-
Quan Âm Các (phía sau miếu) do ông
Bang Ngầu tái thiết lại năm 1927.
-
Trên một số hoành phi liễn đối, bao lam trong miếu có ghi: “Dân Quốc năm thứ
33”, “Dân Quốc năm thứ 36”… cho thấy đây là các đợt tu sửa nhỏ, trang trí nội
thất vào các năm 1944, 1947…[2]
6- Đại trùng tu năm Mậu
Tý – 2008 (lần thứ 5)
Từ
sau năm 1975 đến trước năm 2005, Thất Phủ cổ miếu gần như không được tu sửa gì
lớn, nếu có thì chỉ xử lý mối mọt, sơn mới tường, tượng thờ, bao lam, hoành
phi, liễn đối với nguồn kinh phí không đáng kể.
Năm
2007, trước tình trạng xuống cấp của miếu, Ban trị sự miếu cùng Ban quản lý di
tích danh thắng tỉnh, họp bàn và đi đến quyết định đại trùng tu toàn bộ ngôi miếu.
Năm
2008, Ban trị sự Thất Phủ cổ miếu, cùng 4 bang người Hoa ở Biên Hoà tiến hành
trùng tu, tôn tạo miếu, với tổng kinh phí trên 9 tỷ đồng
(thời giá năm 2008) do cộng đồng người Hoa và người Việt ở Biên Hòa – Đồng Nai,
Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh cùng các tỉnh thành lân cận và cả một số người
Hoa ở Hà Nội, các tỉnh phía Bắc cùng đóng góp [2]
3.3. Cổ Vật.
Trong
số các cổ vật hiện còn lưu lại tại miếu, thì cổ vật được ghi chép trong thư tịch
là 4 con lân đá:
“…phía
ngoài có tường gạch bao quanh, bốn góc có 4 con lân bằng đá ngồi xổm 1”. Hiện tại các con lân này nằm ngoài khuôn viên miếu. Đi kèm
với 4 tượng lân nói trên còn có 4 mốc địa giới bằng đá xanh để đánh dấu ranh đất của miếu
trước kia [8].
Chính điện có tượng Quan Đế, được tạc bằng
gỗ mít trong đợt đại trùng tư năm 1817,
trước bàn thờ chánh là một bàn đá chạm nổi “Long Phúng Thuỷ”
làm năm 1894, giữa chánh
điện là 1 bàn vọng làm bằng gỗ trai, do ông Trần Thiên Thành
hỉ tạ năm 1752. Lâu thuyền
trước nghi môn được mang từ quê Hương Trung Hoa sang vào năm
1894. Ở thiên tỉnh có lư
gang lớn năm 1894, và nhiều liễn đối, bao lam trong chính điện,
quần thể tiểu tượng gốm trên bờ nóc mái… có tuổi đời hơn trăm năm.
4. Thay lời kết
Miếu Quan Đế Biên Hoà (Thất phủ cổ miếu, chùa Ông
Cù Lao Phố) được kiến lập từ thuở ban sơ khai thác vùng Nam bộ, đến nay đã trải
qua lịch sử gần 340 năm; nhưng luôn được cộng đồng người Hoa và người Việt tôn
tạo gìn giữ, Miếu trở thành một biểu tượng văn hóa, tâm linh gắn kết của cộng đồng
người Hoa và văn hóa dân tộc Việt Nam. Di tích Miếu
Quan Đế Biên Hoà (Thất phủ cổ miếu, chùa Ông Cù Lao Phố) là một di tích lịch sử văn hoá, kiến trúc độc
đáo, được xem là cơ sở tín ngưỡng đầu tiên của người Hoa trên cả vùng Nam bộ; đã
được xếp hạng di tích ở cấp quốc gia theo Quyết định số 04/2001/QĐ của Bộ Văn
hóa thông tin ngày 19/02/2001.
Hiện nay, lễ hội tại chùa Ông diễn ra với nhiều
hoạt động văn hóa tín ngưỡng đặc sắc, thu hút nhiều người dân khắp nơi đến tham
quan, lễ bái. Lễ hội chùa Ông lần thứ nhất diễn ra từ ngày 19 đến 22/02/2013 (từ
mùng 10 đến 13 tháng Giêng âm lịch năm Quý Tỵ). Lễ hội là dịp để nhân dân chiêm
bái và ngưỡng vọng các bậc tiền hiền đã có công mở mang, xây dựng vùng đất Biên
Hòa- Đồng Nai, qua đó thể hiện nét đẹp trong giao lưu văn hóa của các cộng đồng
dân tộc ở địa phương. Năm 2023, lễ hội truyền thống chùa Ông, thành phố Biên Hòa, tỉnh
Đồng Nai được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định
số 3440/QĐ-BVHTTDL ngày 10/11/2023 do Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Nguyễn Văn Hùng ký.
Miếu Quan Đế Biên Hoà, cổ
miếu ngày nay toạ lạc trên 1 cù lao, được con sông Đồng Nai ôm quanh; Miếu được
ngăn cách với bên ngoài bởi vòng tường gạch. Mặt tiền miếu ra sông lớn, trước cổng
tam quan có cây si cổ sum suê toả bóng mát, gió lộng, nước trong xanh, bốn mùa
mát rượi. Tất cả đã tạo cho ngôi miếu một quang cảnh thoáng mát, nên thơ nhưng
cũng thật thâm u, cổ kính. Ngôi miếu là chứng nhân lịch sử, gợi nhớ về thuở hoang sơ mở
cõi, khai thác vùng đất này… hơn 300 năm trước của tiền nhân.
Biên Hoà- Lê Ngọc Quốc, phone 0903906956
Tranh vẽ Thất Phủ Miếu Biên Hoà trong sách xuất Bản
tại Paris năm 1862
[1]
Đại
Nam Thực Lục- NXB Giáo Dục năm 2007.
[2]
Thất phủ cổ miếu- Ban Trị Sự Thất Phủ Cổ Miếu-
NXB Đồng Nai 2010.
[3] Phủ Biên Tạp Lục- bản dịch, hiệu đính
và chú thích của Nguyễn Khắc Thuần- NXB Giáo Dục năm 2008.
[4] Đại Nam nhất thống chí- bản dịch
mới của Hoàng Văn Lâu- NXB Lao Động, Trung Tâm Văn Hoá Ngôn Ngữ Đông Tây 2012.
[5] Hoàng Việt nhất thống dư địa chí-
Phan Đăng dịch, chú giải và giới thiệu- NXB Thuận Hoá, Trung Tâm Văn Hoá Ngôn
Ngữ Đông Tây năm 2005.
[6] Gia Định thành thông chí- Hậu học Lý Việt Dũng (dịch và chú giải) Tiến
sĩ Huỳnh Văn Tới (hiệu đính và giới thiệu)- NXB Tổng Hợp Đồng Nai năm 2005.
[7] Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư
và Giáp Ngọ Niên Bình Nam Đồ- Tạp chí nghiên cứu và phát triển số 2 năm 2014.
[8] Nguyễn Hữu Lộc- Bảo tàng Lịch sử - TP. Hồ Chí Minh.
[9] Cù
Lao Phố Lịch Sử và văn hoá- Bảo Tàng Đồng Nai, NXB Đồng Nai năm 1998.
[10] Tableau
de la Cochinchine: rédigé sous les auspices de la Société d'ethnographie- A.Le
Chevalier,Paris năm 1862.
Và 1 số tài liệu Internet: