Thứ Năm, 9 tháng 7, 2015

LÝ VIỆT DŨNG- ĐẠO VÀ ĐỜI ! (Bài 49, trang 210 )

(49)
NHÌN LẠI VẤN ĐỀ A-NAN, CA-DIẾP VÒI CỦA HỐI LỘ TRONG PHIM TÂY DU KÝ CỦA ĐẠO DIỄN DƯƠNG KHIẾT
Tôn tượng đức Thich Ca Mầu-Ni được thờ ở giữa,
 bên tả là tượng Ca-Diếp Tôn-Giả,
bên hữu là tượng A-Nan-Đà tôn giả,
là hai đại đệ tử của Đức Thích-Ca khi ngài còn ở thế-gian

Đoạn kết bộ phim dài nhiều tập “Tây Du Ký” của Trung Quốc do nữ đạo diễn tài ba Dương Khiết thực hiện chiếu trên truyền hình Đồng Nai vừa qua đi mà xem chừng âm vang của nó vẫn chưa ngân đọng, nhất là đối với tập chót diễn tả cảnh hai tôn giả A-Nan, Ca-Diếp vòi của Tam tạng khi trao kinh, thuộc hồi 98 trong nguyên văn tiểu thuyết của Ngô Thừa Ân. Hình như nỗi ẩn ức đó do đoạn phim gây ra đè nặng lên tâm tư đồng bào Phật tử, khiến một số người đã viết bài truyền đạt dư luận chỉ trích gay gắt thái độ bêu riếu Phật giáo của họ Dương. Để tiện tìm hiểu thực hư của vấn đề, xin mời quí độc giả hãy cùng chúng tôi đọc lại vài trích đoạn chủ yếu trong nguyên văn tiểu thuyết Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân ở hồi thứ 98, dịch ra như sau:



“... A-Nan và Ca-Diếp dẫn Đường Tăng xem hết các kinh xong, nói với Tam Tạng rằng: “Thánh Tăng từ Đông Độ đến đây, hẳn có chút quà cáp gì biếu chúng tôi chứ! Mau đưa ra đây để còn truyền kinh cho người mang về”. Đường Tăng nghe thế, đáp: “Đệ tử Huyền Trang này phải vượt dường sá xa xôi mới đến đây, nên chẳng chuẩn bị được gì!”. Hai vị tôn giả cười bảo: “Ngộ dữ ta, hay dữ à! Trao kinh truyền đời chẳng có một xu ten, hẳn người sau đến chết đói mất!...

... Tiến thẳng đến trước điện Đại Hùng, Hành Giả kêu nhặng lên: “Thưa Như Lai, thầy trò chúng con chịu biết bao gian khổ, từ Đông Độ lặn lội đến đây, đội ơn Như Lai cho lệnh truyền kinh, lại bị A-Nan và Ca-Diếp vòi tiền chẳng thành, hùa nhau làm bậy, cố ý đem những bốn kinh không có chữ bảo chúng con mang về. Chúng con mang thứ ấy về dùng vào việc gì được? Mong Như Lai xuống chỉ trừng trị họ”. Phật Tổ cười rằng: “Ngươi chớ khá làm ầm lên. Chuyện hai người ấy vòi của hối lộ của các ngươi ta đây biết hết, có diều không thể trao cho một cách dễ dàng được, mà cũng chẳng thể lấy không. Trước kia, các Tì- kheo Thánh tăng xuống núi từng đem kinh này đến nhà vị trưởng giả họ Triệu ở thành Xá-Vệ tụng qua một lượt, giúp cho nhà ấy, người sống yên ổn, kẻ chết siêu thoát, vậy mà chỉ đòi chủ nhà được có ba đấu, ba thăng vàng cốm mang về, ta cũng đã chê họ bán hố kinh, giá rẻ mạt, khiến con cháu đời sau chẳng có tiền tiêu dùng. Nay ngươi tay không đến nhận kinh, nên họ mới trao cho những quyển không chữ. Quyển trắng tinh cũng là chân kinh không chữ...”.

Hai vị tôn giả lại dẫn bốn thầy trò đến dưới lầu báu, gác ngọc, nhưng cũng vòi Đường Tăng quà cáp nữa. Tam Tạng không có vật gì cung phụng, bèn bảo Sa Tăng lấy chiếc bình bát bằng vàng ra, hai tay dâng lên...

... A-Nan đón lấy xong, chỉ cười tủm tỉm, bị mấy lực sĩ trông coi lầu báu, mấy người nhà bếp giữ kho nhang, cùng mấy tôn giả thủ gác ngọc, kẻ vuốt mặt, người huých lưng, lêu lêu, bĩu môi cười rộ lên bảo: “Quê! Quê! Vòi tiền cả người đi thỉnh kinh ê!”. A-Nan thẹn thùng đực mặt ra, nhưng vẫn nắm chặt chiếc bát không rời...”.

Vậy qua trích dẫn, quả trong nguyên văn Tây Du Ký, Ngô Thừa Ân có tả cảnh hai tôn giả A-Nan và Ca-Diếp vòi tiền Tam Tạng khi trao kinh và đức Thích Ca Mâu Ni chê đệ tử bán kinh thấp giá. Thế thì đạo diễn Dương Khiết đâu có dụng tâm bêu xấu dựng đứng chuyện bôi bác Phật giáo như người ta đã lên án, vì bà dàn cảnh phim đúng theo tình tiết của nguyên văn! Tuy nhiên, mặc dù không bịa đặt thêm những hoạt cảnh hoàn toàn trái với nguyên văn, nhưng khi thực hiện phim, có lẽ muốn tăng trọng phần trào lộng cho thật sinh động, họ Dương đã phần nào đi quá đà hề hóa hai đệ tử khả kính của đức Phật dưới nét mặt dung tục, trâng tráo, và vẽ vời thêm chuyện hai vị tranh ăn khi độ quả phẩm ở tiệc chay, và A-Nan có cử chỉ keo bỉ, gõ chiếc bát xem có phải thật bằng vàng không khi nhận từ tay Tam Tạng dâng lên. Những tình tiết này được hư cấu thêm, chứ trong nguyên văn không có.

Về phương diện nghệ thuật phim ảnh, thì hành động trên có thể biện minh được, nhưng ở khía cạnh tinh thần trách nhiệm đối với tín ngưỡng của quảng đại quần chúng Phật tử thì chúng ta thấy đạo diễn Dương Khiết, dù trong bối cảnh lịch sử nào, và nhìn Tây Du Ký dưới nhãn giới gì đi nữa, cũng đã có phần thiếu cân nhắc, chẳng lường đúng ảnh hưởng không hay của các thước phim trào lộng quá trớn do mình thực hiện, đã xúc phạm đến tâm tư, tình cảm, đức tin của Phật giáo đồ, khiến họ bị phiền não, thân tâm không an lạc sau khi xem phim, từ đó kéo theo sự trách cứ, thậm chí ác cảm, khổ thay lại cũng có phần quá đáng đối với cá nhân bà.

Với một phụ nữ hùng tài trong nghệ thuật và uyên bác ở học thức như bà Dương Khiết, tầm cỡ thiển lậu kiến văn như chúng tôi, ngoài những góp ý mạo muội vừa nêu trên, thật không dám và không nên có ý kiến gì phê phán thêm nữa, chỉ xin mạn phép nhắc nhở bà hai chữ “thận chi” bất hủ của tiên hiền Trung Hoa đối với những ai làm công tác văn hóa phổ cập đến quần chúng.

Bài này không đặt chủ điểm góp ý chuyện dựng phim của Dương Khiết, mà bản tâm chúng tôi, nhân có thắc mắc của đồng bào Phật tử qua một số hình ảnh của 23 tập phim Tây Du Ký, cố gắng tâm cầu, ý nghĩa triết học Phật giáo trong hành động vòi của trao kinh của A-Nan và Ca-Diếp được Ngô Thừa Ân dụng tâm hàm dụ trong tiểu thuyết Tây Du Ký lừng danh của ông.

Đối với một vấn đề Phật lý uyên áo như thế, mặc dù không phải đợi tới khi có bộ phim trình chiếu trên truyền hình chúng tôi mới để tâm suy nghĩ, mà thật sự đã đầu tư tim óc tìm hiểu từ bao nhiêu năm rồi, ngay khi vừa đọc xong nguyên tác bộ Tây Du lần đầu tiên nhưng thành tâm mà nói cho tới nay vẫn tự xét thấy những kiến giải của mình chưa có cơ sở vững chắc đủ sức thuyết phục bạn đọc qua một bài báo, nên đã bỏ công “lặn lội” đến chốn sơn môn, Thiền viện, cổ sát, u cốc, biệt thất, tham vấn các cao tăng như quí thầy: Thượng tọa Thích Viên Minh nguyên tổng thư ký giáo hội Phật giáo Nguyên thỉ Thérévada, hiện trụ trì chùa Bửu Long Biên Hòa, Hòa thượng Thích Trí Quảng trưởng ban Hoằng pháp Trung ương GHPGVN, trụ tại chùa Ấn Quang, Tổng biên tập báo Giác Ngộ, Thượng tọa Thích Giác Toàn Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Hòa thượng Thích Thông Bửu trụ trì Tổ Đình Quán Thế Âm Phú Nhuận, Hòa thượng Thích Phước Sơn Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Thượng tọa Thích Lệ Trang trụ trì chùa Định Thành, Giáo sư Lê Mạnh Thát Phó Viện trưởng thường trực Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam và nhiều kỳ nhân dị sĩ, trong đó tiến sĩ Đoàn Hồng Minh, một bạn thân nhưng có những kiến giải hoàn toàn trái ngược với chúng tôi và chính những bất đồng đó lại bổ xuyết cho bài viết này nhiều điểm rất là bổ ích. Các cao tăng mà chúng tôi đến tham vấn, thì vị nào cũng hoan hỉ chỉ giáo cho và hết sức động viên vượt qua ma phiền hoàn thành thiện niệm. Riêng Thượng tọa Viên Minh và Hòa thượng Tổng biên tập báo Giác Ngộ dù bận bịu nhiều Phật sự đã từ bi dành cho chút thì giờ quí báu, xem lại giùm bản thảo bài viết.

Chúng tôi nêu chuyện tham vấn các cao tăng không phải tăng trọng giá trị cùng chứng ấn tính chính xác bài viết của mình mà chỉ để tỏ rõ tầm lòng cúc cung tận tụy, tính cẩn thận cầu thị cao nhân, hầu có được yếu tố khách quan qua tổng hợp lý giải của nhiều người quanh một vấn đề Phật lý hiểm hóc.

Giờ xin trở lại đề tài chính. Trước khi tìm hiểu ý nghĩa triết học hành động vòi của trao kinh của A-Nan, Ca Diếp, tưởng nên xác định rõ mình nhìn Tây Du Ký qua nhãn giới gì?.

Có lẽ ai cũng công nhận từ xưa tới giờ, trong các danh tác tiểu thuyết của Trung Quốc, chưa có quyển nào có nhiều cách đọc, lắm kiểu nhìn như Tây Du Ký của họ Ngô. Để thuyết giải ý nghĩa truyện này, lắm người đã dùng dịch lý Nho gia, Thiền lý nhà Phật, lẽ đạo của Lão-Trang, thậm chí có người còn đem cả y lý cổ truyền ra để định luận nội dung thâm mật cuốn truyện.

Chúng tôi xin đơn cử một vài quan điểm dị biệt đối với Tây Du Ký:

- Trần Ngột Chi, trong bài tự quyển Tây Du Ký do nhà Thê Đức Đường khắc in khoảng đời Gia Tĩnh, Long Khánh nhà Minh, đã viết: “Tôn Hành Giả tức Viên Tâm, viên là thần của tim. Ngựa Bạch Long tức Mã. Ý mã là chuyển dịch của ý Bát giới là gìn giữ 8 điều răn để điều hòa khí của gan, thuộc mộc. Sa Tăng tức sông Lưu Sa, là nước của thận, thuộc thủy v.v...”.

- Tạ Triệu Xế, trong quyển Ngũ Tạp Tổ, viết: “Tây Du Ký tuy kể chuyện hoang đường, nhưng nét tung hoành biến hóa của nó, lấy tâm viên, ý mã khởi thỉ cho chuyện Ngộ Không phóng túng lên trời, xuống đất, không ai ngăn cản được, nhưng sau đó qui phục chú Khẩn Cô, khiến Tâm viên thuần phục, đến chết cũng không thay đổi. Tất cả những tình tiết đó đều là hoán dụ để chỉ việc tầm cầu “Phóng tâm”, không phải là một tác phẩm quàng xiên, tầm thường!...”.

- Trong khi đó, học giả Hồ Thích ở phần kết luận cuốn “Khảo chứng Tây Du Ký” đã viết: “... Sách này chỉ là quyển tiểu thuyết đơn thuần, bắt nguồn từ thần thoại và truyền thuyết của dân gian, chẳng có lời vi diệu, nghĩa sâu xa gì đáng bàn đến... Cùng lắm nó là một quyển hoạt kê tiểu thuyết rất thú vị, chủ trương chửi người, ngạo đời, và tính cách chửi rủa hiện ra rõ rệt, chẳng cần tầm cầu sâu xa...”.


- Còn Chu Thụ Nhân, tức nhà văn Lỗ Tấn trong cuốn “Trung Quốc tiểu thuyết lược sử” cũng viết: “Những người bình nghị sách này, hoặc bảo khuyến Nho đàm Thiền, giảng Đạo, rồi cố gắng suy diễn nghĩa lý sâu xa rắc rối. Thật ra, Ngô Thừa Ân tuy là nhà Nho, nhưng tiểu thuyết của ông chẳng có khuyến học mà chỉ là chuyện cợt đùa. Lại cũng chẳng giảng Đạo, đàm Thiền gì, chỉ gộp chung tư tưởng tam giáo khiến lâu dần Thích Ca, Lão Quân đồng lưu, chân tính nguyên thần tạp xuất, thành ra tam giáo môn đồ đều có thể cùng tôn sùng mà thôi...”.

- Thậm chí trong bối cảnh XHCN thời bao cấp duy ý chí, có kẻ còn nhìn Tôn Ngộ Không dưới hình ảnh một người lao động cần cù bị giai cấp tiểu tư sản là Đường Tam Tạng bóc lột công sức v.v... thật là buồn cười hết chỗ nói! Cũng may mà báo chỉ đăng hoạt họa này có mấy số phải dẹp bỏ! Vậy Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân đúng là một quyển tiểu thuyết có thể được hiểu nhiều cách, nhìn nhiều kiểu và qua lăng kính tự tâm mỗi cá nhân, mỗi tầng lớp, mỗi thời đại đều có quyền bảo thủ quan điểm của riêng mình.

Chúng tôi, một là do kính trọng học thức uyên bác của nhị vị đại học giả Chu, Hồ, hai là tôn thủ tính khách quan trong tư tưởng, nên không mảy may nào dám bài xích ý kiến của họ, nhưng đồng thời cũng không tin theo một cách mù quáng bóng lộn vàng son của đại trụ, mà kiên quyết bảo lưu lập trường của mình là: Ngô Thừa Ân viết Tây Du Ký là để đề cao hùng tâm, tráng chí của Pháp sư Huyền Trang, nhà chiêm bái Phật giáo vĩ đại, rồi qua đó hoằng dương giáo pháp Đại thừa dưới hình thức hoán dụ, sinh động đầy nét thần kỳ biến ảo, bằng bút pháp trào lộng hoạt bát, xuất phát từ thiên tính thích u mặc, hoạt kê của ông.

Vì khuôn khổ hạn hẹp của bài báo, chúng tôi xin chứng minh vắn tắt, quan điểm của mình như sau:

- Thứ nhất, mục tiêu cốt lõi xuyên suốt của quyển truyện là tiểu thuyết hóa cuộc Tây du thỉnh kinh vô tiền khoáng hậu có thật trong lịch sử của Pháp sư vĩ đại Huyền Trang, mang giáo pháp Đại thừa Tây Thiên về hoằng dương tại Trung Hoa.

- Thứ hai, toàn văn cuốn truyện là mượn chuyện thỉnh kinh gian khổ gặp nhiều tai nạn để diễn tả tâm cảnh của Huyền Trang, mà cũng là tâm cảnh của toàn thể chúng sinh, trước bao nhiêu biến hóa hư ảo của cuộc đời, dưới quan điểm Duy Thức luận, vốn là sở trường của Tam Tạng Pháp sư, cho nên tên gọi các nhân vật chính là Ngộ Năng, Ngộ Không, Ngộ Tịnh cùng cá tính của họ đều hàm dụ ý nghĩa Duy Thức cao sâu của Phật giáo.

- Thứ ba, những tình tiết ly kỳ biến ảo trong truyện đều là những hoán dụ ám chỉ yếu lý Phật giáo: Bàn tay Phật Tổ biến thành năm ngọn núi đè Ngộ Không chính là Ngũ uẩn tự thân Mỹ Hầu vương ràng buộc lấy chính mình; sáu tên cướp bị giết là đoạn lìa lục căn, lục dục, lục trần; bảy nữ tinh nhền nhện là thất tình trói buộc như tơ; Tam-muội hỏa là tham, sân, si; bài kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa của Thiền sư Ô Khoa dạy cho Tam Tạng để hàng tà ma, thật ra chính là để hàng phục tâm động ma sanh của những chúng sinh; thuyền Bát Nhã không đáy vô chấp độ mê tận; 81 nạn ứng với lẽ Cửu Cửu Qui Chân của Phật thừa, vòng Kim cô và chú Khẩn cô để thuần tâm, định tính v.v...

- Thứ tư, và cũng là chi tiết quan trọng nhất, chứng minh không thể chối cãi được Ngô Thừa Ân viết Tây Du Ký để hoằng dương Phật pháp, chủ yếu ĐỊNH CÁI TÂM, là tên hầu hết 100 hồi trong toàn truyện được viết dưới dạng TÂM ẤN, định rõ YẾU CHỈ Phật giáo, đồng thời bài xích “Tà ma ngoại đạo”. Chúng tôi xin được trích vài lời quan yếu như:

Hồi nhất: Linh căn dục dụng nguyên lưu xuất

Tâm trí tu trì đại đạo sinh

Hồi nhì: Ngộ trượt Bồ đề chân dịu lý

Đoạn ma qui bổn hiệp nguyên thần

Hồi 7: Bát quái lô trung đào Đại Thánh

Ngũ hành sơn hạ Định Tâm viên

Hồi 14: Viên tâm qui chính

Lục tặc vô tung

Hồi 30: Tà ma xâm chính pháp

Ý mã tức tâm viên

Hồi 33: Ngoại đạo mê chân tính

Nguyên thần trợ bổn tâm

Hồi 35: Ngoại đạo thị uy khi chính tính

Tâm viên hoạch bửu phục tà ma

Hồi 46: Ngoại đạo lộng cường khi chính pháp

Tâm viên hiển Thánh diệt chư tà

Hồi 50: Tinh loạn tính tùng nhân ái dục

Thần viên Tâm động ngộ Ma Đầu

Hồi 55: Sắc tà dâm hí Đường Tam Tạng

Tính chính tu trì bất hoại thân

Hồi 72: Bàn ty động, thất tình mê bổn

Trạc cấu tuyền, Bát Giới vong hình v.v...

Riêng hồi thứ 8 với câu “Ngã Phật tạo kinh truyền cực lạc, Quan Âm phụng chỉ thượng Trường An” thì thử hỏi hai vị Hồ, Chu nghĩ thế nào về hai ý kiến cực đoan của mình cho Tây Du Ký chỉ là một tiểu thuyết hoạt kê, và Ngô Thừa Ân viết truyện này không nhằm mục đích đề cao Phật giáo, họ Ngô không phải uyên thâm Phật lý, trong khi chính tác giả gọi thẳng đức Thích Ca Mâu Ni một cách kính ái là “ĐỨC PHẬT CỦA CHÚNG TA”.

Không thể nào trích dẫn hết nguyên văn những đoạn hoán dụ về tâm cảnh, tâm duyên trong Tây Du Ký, chúng tôi chỉ nêu một đoạn ngắn trong hồi thứ 13 để tạm gọi là chứng minh Ngô Thừa Ân viết truyện này để định luận về CÁI TÂM trong Phật lý: “Các thầy sải ngồi dưới đèn cùng nghị luận về định chỉ của nhà Phật cùng lý do qua Tây Thiên thỉnh kinh. Tam Tạng ngậm miệng không nói, nhưng lấy tay chỉ vào tâm mình, gật đầu mấy lượt. Các thầy sải không hiểu ý, chấp tay xin hỏi: “Pháp sư chỉ TÂM, gật đầu là có ý gì?”. Tam Tạng đáp: “TÂM SANH, MỌI MA CHƯỚNG ĐỀU SANH. TÂM DIỆT MỌI MA CHƯỚNG ĐỀU DIỆT... Chuyến đi này ta nhất định đến Tây Thiên gặp Phật cầu kinh giúp chúng sinh được PHÁP LUÂN HỒI CHUYỂN...”.

Với ngần ấy luận cứ, tưởng độc giả cũng hoan hỉ nhìn nhận Ngô Thừa Ân viết Tây Du Ký là để nhân thuật chuyện thỉnh kinh, bàn về yếu lý Phật giáo, và trong suốt quyển truyện, dưới nhiều hình thức hoán dụ sinh động khác nhau, họ Ngô luôn đề cao sự vi diệu của Phật môn. Vậy có thể nào một người chuyên tâm thành ý hoằng dương Phật pháp trong tiểu thuyết luận đề của mình suốt 97 hồi, tựa đề hồi 98 tiếp theo đó được viết trang trọng “VIÊN THỤC, MÃ THUẦN PHƯƠNG THOÁT XÁC, CÔNG THÀNH, HẠNH MÃN KIẾN NHƯ LAI”, nội dung lại bỗng bất ngờ lạc điệu bôi bác nặng nề ba nhân vật tối cao chủ của Phật giáo là đức Phật cùng hai đại đệ tử A-Nan, Ca-Diếp của Ngài, tại cảnh giới mà Tam Tạng Pháp sư hằng hoài vọng tới nơi là chùa Lôi Âm, qua hành động vòi của bán kinh, phá đổ hoàn toàn mục tiêu lý tưởng mà cuốn truyện mô tả: Đường Tăng trải bao gian khổ tới xứ Phật vào chùa Lôi âm gặp Phật Tổ chí tôn thỉnh kinh nhất định là không có nghịch lý quái gở như thế đối với nhà văn lỗi lạc uyên thâm Phật lý như Ngô Thừa Ân. Vậy đưa ra hình ảnh A-Nan, Ca Diếp vòi của trao kinh ở hồi áp chót 98 quan trọng nhất toàn truyện hẳn Ngô Thừa Ân phải có dụng tâm gì sâu sắc nhất, chứ không bôi bác theo cách nghĩ quá dung dị của bao người. Và chúng ta thử cố gắng tìm hiểu ý nghĩa triết học của hoán dụ đầy dụng tâm nghịch lý đó. Phật giáo có hai phạm trù tư tưởng là thể tánh và tướng sự hoặc nói gọn khác đi là lý và sự. Về thể tánh Phật giáo là đạo phá chấp diệt mê, tầm cầu chân lý để giải thoát đau khổ tiến đến chỗ hoàn toàn tịch tịnh tạm gọi là Niết-bàn. Do đó ở phần thể tánh tức lý đạo Phật không chủ trương phép lạ, không chấp nhận chuyện thần, Phật với thần thông quảng đại, biến hóa vô lường, cũng như cảnh giới hư ảo Tây phương cực lạc còn gọi là Phật quốc. Nói tóm lại, về phương diện thể tánh, đạo phật mưu tìm một trạng thái rốt ráo viên mãn, thâm áo vô biên bất khả tư nghì, không thể bàn bạc bằng lời nói phân tích mà chỉ lãnh ngộ qua tâm là chân như, còn những gì có thể nghe, nhìn, tưởng, cầm được đều là hư ảo không thực. Nhưng căn cơ chúng sinh vốn thấp thỏi, chi một thiểu số là có thể tâm hội được được phần thượng thừa Phật pháp như vừa trình bày mà đối tượng phổ độ của đức Phật là cả quần sinh, nên Ngài buộc lòng phải đề ra phần trung đạo hình nhi hạ, vận dụng tướng sự với hình tướng chùa chiền có chư Phật, Bồ tát, A-la-hán qua phương tiện là truyền lại huấn dụ của đức Thế Tôn cho chúng sinh tu học. Và để nhắc nhở chúng sinh Phật, Pháp, Tăng chỉ là PHƯƠNG TIỆN TƯỚNG SỰ để mọi người nương theo mà tìm chân lý, chứ Tam Bảo cõi đời chưa phải Thể Tánh Chân Như, đức Thich Ca Mâu Ni thường dùng hoán dụ “ngón tay không phải mặt trăng, mà chỉ là phương tiện để chỉ trăng”. Hơn nữa, trong kinh Kim Cương Ngài cũng luôn lặp đi lặp lại để nhắc nhở những gì bàn nói tới được đều là hư chấp, dù cho đó là lời Phật: “Cái gọi là Phật thuyết pháp, vốn không phải Phật thuyết pháp, cho nên tạm gọi là Phật thuyết pháp”, hoặc “Này Văn Thù! Ta 49 năm chưa nói lời nào, nay ông bảo Ta tái chuyển pháp luân là nói Ta có thuyết pháp rồi chăng!”.

Để sinh động hóa tiểu thuyết Tây Du Ký của mình, Ngô Thừa Ân đã trình bày cơ cấu Phật giáo dưới dạng siêu cung đình, trong đó đức Thích Ca Mâu Ni là một siêu nhân vật, cai quản một lãnh địa riêng biệt là nước Tây Trúc không chịu sự khống chế của Ngọc Hoàng Thượng Đế, có đầy đủ triều nghi là chư tiên, chư thần phục vụ, Yết Đế Già Lam canh giữ, và lịnh của đức Phật được gọi là chỉ dụ như từ dùng của nhà vua. Nói tóm lại, tâm cảnh, tâm duyên của Đường Tăng trong chuyến hành trình Tây Thiên thỉnh kinh vĩ đại được khai thác triệt để, lồng trong một cảnh giới Phật giáo ngoài Phật lý thật tầm thường. Vậy vốn là nhà uyên thâm Phật pháp, Ngô Thừa Ân sợ quần chúng hiểu lầm Phật cảnh trong tiểu thuyết với Phật cảnh rốt ráo chân thật, nên ông đã viết hồi 98 để khép lại tất cả mọi uyển vọng đã được bung ra suốt 97 hồi, nhắc nhở độc giả chuyến Tây du thần thánh của thầy trò Đường Tăng, tuy vĩ đại nhưng vẫn là công đức trần tục hạn hẹp, chưa hoàn mãn. Nước Tây Trúc, chùa Lôi Âm và ngay cả kim thân đức Như Lai mà Tam Tạng Pháp sư đã gặp trong hồi 98 Tây Du Ký chưa phải là cảnh giới CHÂN NHƯ ĐÍCH THỰC THEO TƯ TƯỞNG PHẬT GIÁO mà chẳng qua nó chỉ là một dạng cơ sở giáo hội cung đình của đời, hay nói rõ hơn đó là hình ảnh đại tu viện Na Lan Đà ở Ấn Độ thời trước với hơn 500 tăng chúng, nơi mà Huyền Trang trong lịch sử thật đã đến tu học trong 6 năm rồi sau đó thỉnh kinh về Trung Hoa. Vậy A-Nan, Ca-Diếp chẳng qua là các Tri Khách Tăng, còn đức Phật là vị Sư Trụ Trì Ân Độ mà thội. Vậy cho là Ngô Thừa Ân có dựng hình ảnh A-Nan, Ca-Diếp vòi của mới trao kinh để trào lộng đi nữa thì ông cũng chỉ chế giễu đời chứ không bôi bác đạo. Mà nào ông có bêu riếu gì cho cam, vì đối với tướng sự, Phật giáo chủ trương không hoang tưởng viễn vông như một số người lầm lẫn mà ngược lại rất cụ thể, thực tế hiện tiền đầy chúng sinh tính trong tư tưởng cũng như sinh hoạt. Về tư tưởng, ở phần hình nhi hạ, Phật giáo chủ trương tương đối, tinh thần và vật chất hay đạo với đời tuy đôi ngã nhưng không thể cách ly, mà phải cụ túc, viên dung cho nhau. Chỉ thuần túy tinh thần là không tưởng, theo riêng biệt vật chất là thô lậu. Chủ trương được thể hiện qua sinh hoạt thực tế bằng sự phân công, tuy bất thành văn, nhưng rất rõ rệt: hàng tăng lữ ly gia cát ái, tu học kết tập kinh điển truyền giáo vun bồi tinh thần đạo, phải được hỗ trợ nuôi dưỡng y thực dưới dạng cúng dường của hàng cư sĩ tại gia ngoài đời, cũng là một công đức rất quan trọng thường được đức Phật đề cao nhắc nhở trong chư kinh, để duy trì thân tứ đại là sự sống. Hiện nay chuyện Phật tử cúng dường Tam Bảo để các chùa có phương tiện duy trì sinh hoạt là một Phật sự bình thường mà thôi!

Trong hồi 98 Tây Du Ký, Đường Tăng muốn thỉnh kinh, tức phương tiện tinh thần để truyền về Đông Độ hộ đời, thì phải có vật chất gì cúng dường, hay nói thẳng ra là trao đổi mới hợp lẽ. Và giá trị tinh thần càng cao, tức CHÂN KINH, thì vật trao đổi cũng phải có giá trị tương đương, đó là chiếc bát vàng Ngự Tứ, phương tiện vật chất quan yếu để Đường Tăng ngày ngày khất thực duy trì sự sống đi thỉnh kinh.

Vậy hành động của A-Nan, Ca-Diếp đòi Đường Tăng phải nạp của mới trao kinh trong truyện nào phải đâu bôi bác mà chỉ là hoán dụ sâu sắc về sự viên dung giữ vật chất và tinh thần mà thôi. Có người cho Ngô Thừa Ân đã quá trịch thượng khi đem cả hai vị tôn giả đệ tử của Phật là A-Nan và Ca-Diếp để giễu cợt là chưa để ý đến chỗ dụng tâm sâu sắc của họ Ngô muốn nói một sự thực hiển nhiên là khi đã ở trong cảnh giới sự tướng thì đừng nói chi đến kẻ dung phàm tiểu sa-di mà ngay cả các tôn giả cẩn mật nghiêm trang, thông suốt giáo điển nhất cỡ A-Nan, Ca-Diếp hay thậm chí bậc Đại Đạo Sư như Thích Ca Mâu Ni lúc tại thế, cũng không thoát ly khỏi định luật bất tương ly của phương tiện vật chất và cứu cánh tinh thần. Bằng cớ là khi Tôn Hành Giả kiện A-Nan, Ca-Diếp, Như Lai đã chẳng những không trách phạt hai người mà còn cười hòa xác định: “KINH KHÔNG PHẢI TRAO CHO DỄ DÀNG VÀ CŨNG CHẲNG THỂ LẤY KHÔNG ĐƯỢC”. Câu nói: “Hà hà, ngộ quá ta, kinh truyền đời mà trao không, thì người sau đến phải chết đói mất” của A-Nan, cùng câu: “Tụng kinh cầu an xong... họ chỉ đòi chủ nhà có ba đấu, ba thăng vàng cốm đêm về, ta còn cho là họ bán hớ kinh giá rẻ mạt, khiến con cháu sau này không có tiền tiêu” của đức Phật cho thấy sự quan trọng của vật chất để duy trì tính kế thừa của sự nghiệp tinh thần trong cõi tướng sự. Thử hỏi không có gì ăn để sống thì còn ai để tu? Kinh cứ cho không thì lấy gì làm tiếp để bù vào chỗ hao hụt đã cho? Hoa sen tượng trưng cho tinh thần tinh khiết của Phật, nhưng thử hỏi hoa sen từ đâu mà có? Há chẳng phải mọc từ trong bùn? Nếu không hút chất bùn để nuôi dưỡng mình thì cây sen sẽ khô héo chết mất còn đâu tới trổ hoa đẹp, tỏa hương thơm. Tính kế thừa còn thể hiện ở hình ảnh vị Nhiên Đăng Cổ Phật đã giúp thầy trò Tam Tạng phát hiện kinh không chữ. Đây là một vị Phật vào thời xa xưa trong quá khứ mà ở kinh Kim Cương Đức Như Lai thường nhắc đến. Có Cổ Phật mới có hiện tại Phật là Đức Thích Ca Mâu Ni và các Vị Lai Phật sau này, cụ thể là Phật Di Lặc. Xem thế đủ biết, Phật giáo rất coi trọng tính kế thừa.

Hành động nhận chiếc bát vàng rồi mới trao kinh của A-Nan về một phương diện khác còn hàm dụ một yếu lý Phật giáo sâu sắc nữa. Phật giáo là đạo Vô Vi Pháp cho nên trong kinh Kim Cương, đức Phật luôn đề cao Vô Vi và phá trừ Hữu Vi. Đường Tăng sang Tây Thiên là tìm Vô Vi Pháp, vậy mà bản thân ông vẫn khư khư giữ mãi chiếc bát hóa trai, tức tâm còn Hữu vi chưa khai phóng, há chẳng phải là còn chấp quá đó sao? A-Nan đoạt chiếc bát tủm tỉm cười rồi mới trao kinh chính là hàm ý giúp Đường Tăng buông thả hết vạn hữu để nắm được chánh pháp vô thượng, bởi theo truyện Tây Du thì cảnh giới chùa Lôi Âm cái gì cũng bằng vàng: nền bằng vàng, vách chùa bằng vàng. Vậy thì ở đây vàng đâu có giá trị gì, hà cớ A-Nan phải tham lam đòi cái bình bát vàng của Tam Tạng làm chi?

Đọc đến đây hẳn quí độc giả cho chúng tôi mâu thuẫn khi thì nói thỉnh kinh thật ra thì “mua kinh” nên phải trả bằng tiền bạc, khi thì lại nói chẳng cần vàng bạc gì cả. Thật ra đây là cách tung hứng viên dung lý sự của Ngô Thừa Ân chẳng những không mâu thuẫn mà còn bổ sung cho nhau giữa lý tánh và tướng sự.

Về vấn đề kinh vô tự và hữu tự, phần đông đều cho kinh vô tự mới là chân kinh. Theo chỗ chúng tôi nghĩ, ta không nên câu chấp như thế vì kinh có chữ hay trắng bạch đều là chân kinh do mỗi loại đều có thể dụng riêng của nó. Vấn đề quan trọng là ở chỗ chúng ta phải biết tùy căn cơ và trình độ mê ngộ của chúng sinh, tức chính mình, mà sử dụng cho thích hợp thì mới hiệu dụng. Vô tự kinh đúng là phần thượng thừa của pháp Vô Vi, vì đức Phật lúc còn tại thế có nói: “Ta 49 năm thuyết pháp mà thật ra chẳng nói lời nào”. Tuy nhiên, nếu đem vô tự kinh mà truyền cho chúng sinh trình độ cảm ngộ tâm dung còn kém cỏi thì cũng thành vô dụng thôi, vì chẳng khác nào đem thuyết “nguyên tử đồng vị” chẳng hạn để giải thích cho một thôn phu ít học về “sự cấu tạo vật chất nguyên thỉ”. Do đó, Nhiên Đăng Cổ Phật khi thấy A-Nan, Ca-Diếp trao vô tự kinh cho Tam Tạng chính cũng là chân kinh, đã phải cười thầm: “Hàng tăng lữ ở Đông Độ ngu mê hiểu thế nào được kinh không chữ, há đã chẳng uổng phí công lặn lội cầu kinh”.

Về chuyện nhiều người bất bình tại sao Phật Tổ đã trao kinh mà còn bày ra nạn sau cùng thầy Đường Tăng bị con ba ba hụp xuống nước làm ướt kinh khi phơi trên đá đã dính lại một tờ chót khiến công trình thỉnh kinh không hoàn mãn 100%, khiến Tam Tạng than thở và được Tôn Ngộ Không giải thích là “Trời đất kia còn chưa hoàn mãn (vị hoàn) huống chi công cuộc thỉnh kinh của sư phụ”. Đúng! Đây là một quan điểm chí lý của Phật giáo mà Ngô Thừa Ân đã mượn nhân vật Tôn Ngộ Không nói ra để trình bày diệu lý sau cùng, đồng thời cũng khép lại câu chuyện: “Đời phải chưa xong (vị hoàn) thì chúng sinh mới có đối tượng để phấn đấu vươn lên. Kinh phải chưa trọn vẹn mất một trang chót để chúng sinh còn có con đường sáng tạo của riêng mình trong tu học để vượt Phật, vượt Pháp”. Về thuyết vị hoàn này, ngày nay các chùa Nguyên Thỉ, chủ yếu của người Miên đã thể hiện rất trung thực: Mỗi năm họ đều sửa chữa chùa nhưng trải qua hàng trăm năm cũng không khi nào là hoàn mãn mà năm nào cũng luôn chừa lại một phần chưa làm xong để năm tới có mục tiêu sửa chữa tiếp. Chí lý thay!

Trình bày đến đây chúng tôi đã cùng trí lự, vậy chỉ xin nêu thêm một ý nhỏ nữa là để đến được Lôi Âm tự thỉnh chân kinh, Tam Tạng đã phải lao tâm khổ xác trải suốt 80 nạn, thì độc giả chúng ta muốn thưởng thức ý nghĩa một quyển tiểu thuyết hoằng dương Phật lý, tưởng cũng phải lắm công sức phá chấp, vạch mây mù ma chướng, vượt thường lý mâu thuẫn tướng sự mới thấy được chân như. Âu đó cũng là một dụng tâm trào lộng mà bi hùng của Ngô Thừa Ân, vị đại văn sĩ Thiền thích cợt đùa.

Do lực bất tòng tâm, bài viết của chúng tôi chắc chắn chỉ là những kiến giải, nếu không chủ quan sai lầm, thì cũng dung thường hạ phẩm. Nhưng chỉ cần những ý kiến dung thường này giúp được phần nào thân tâm đồng bào Phật tử có được phương tiện lý giải miễn trừ nê chấp phiền não để có trọn niềm vui xem phim Tây Du Ký – có lẽ sắp được chiếu lại, kể như đại nguyện của chúng tôi viên thành.

Chúng tôi cũng xin phân trần là bài viết này chỉ nhằm phục vụ giải trừ ma phiền cho số đồng bào Phật tử tâm tư thuần phác, xem phim bực tức, đọc truyện khó chịu, còn đối với các bậc tâm định, tính khai, giác ngộ Thiền lý sâu xa thì không cần thiết vì chẳng có ai chấp nê đoạn phim, trang sách làm gì!

Cuối cùng, dù chê khen, bất bình hay đồng ý, vui vẻ hay giận tức hồi 98 hay toàn truyện Tây Du Ký của đại tiểu thuyết gia Ngô Thừa Ân thì cũng xin khán giả xem phim và độc giả xem sách chớ quên một câu độc đáo trong kinh Hoa Nghiêm là “Nhứt thiết duy tâm đạo”. Mong thay!

Song Hào Hậu học Lý Việt Dũng

Giáo thọ Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét