Thứ Bảy, 21 tháng 10, 2017

NAM TIẾN VÀ DẤU TÍCH HẬU DUỆ THÁI DƯƠNG THẦN NỮ! (P6)

CHUYÊN KHẢO VỀ NAM BỘ
I- NAM TIẾN

Phần 1: 

HẬU DUỆ THÁI DƯƠNG THẦN NỮ Ở THỦY CHÂN LẠP


Ảnh 01- các chiến binh Samurai vào cuối thế kỷ 16.
Đầu thế kỷ thứ 17, Campuchia lúc bấy giờ đang bị ảnh hưởng chi phối bởi vương quốc Ayutthaya (Xiêm la - ngày nay là Thái Lan). Sau 10 năm bị cầm giữ làm con tin ở Xiêm La, hoàng tử Ponhea Nhom, thái tử con vua Khmer Borommarcha VII trở về nước lên ngôi vua, xưng là Chey Chettha II (Khmer: ជ័យជេដ្ឋាទី២, 1576–1628) (Khmer: ជ័យជេដ្ឋាទី២, 1576–1628).
Với hùng tâm khôi phục đế quốc Khmer, vua cho lập kinh đô mới ở Oudong (1618), nổ lực phát triển kinh tế, quân sự; tìm kiếm sự hổ trợ từ nhiều nguồn lực bên ngoài, nhằm đưa đất nước trở về độc lập, thoát khỏi ách kềm kẹp của vương quốc Ayutthaya.

1- NHỮNG CHIẾN BINH SAMURAI.
Theo các ghi chép của các cha đạo Dòng Tên thời kỳ ấy cùng các nghiên cứu mới nhất; người Nhật Bản đã có mặt tại vương quốc Khmer từ cuối thế kỷ 16 qua các quan hệ thương mại mua bán, đến đầu thế kỷ 17 thì số lượng người Nhựt ở đây lên đến khoảng 1500 người, họ được quy hoạch sống tập trung ở 2 khu gần Phnom Penh (1614) và Ponhea Leu (1618).
Họ là những:
*Thương nhân, đến đây buôn bán và thường dân làm các công việc hỗ trợ.
*Người công giáo phải bỏ đất nước ra đi, vì luật cấm đạo của Mạc Phủ Tokugawa.
*Lực lượng chiến binh Samurai đến đây có thể qua hai thời điểm:
1- Trận chiến nổi tiếng nhất lịch sử Nhật Bản: trận Sekigahara (Quan nguyên chi chiến) xảy ra năm 1600.
2- Trận vây hãm Ōsaka (1614-1615)
Các chiến binh này thuộc lực lượng của các lãnh chúa đối nghịch với Tướng quân Tokugawa Ieyasu (Đức xuyên gia khang, người chiến thắng và lập ra Mạc phủ từ 1603 đến 1867). Bị thất bại trong 2 trận chiến trên, một số các chiến binh đã rời khỏi đất nước, phiêu bạt đến các nước lân bang.
Khi đến đất mới, đa số họ làm nghề lính đánh thuê, vệ sĩ, sĩ quan cao cấp trong các chính quyền sở tại.
2- CUỐI THẾ KỶ 16 ĐẦU THẾ KỶ 17
Thời gian đầu Nhật kiều lưu vong vẫn giữ mối liên lạc với nước mẹ qua các chuyến hàng buôn bán của các thương gia, các hoạt động của các vị thừa sai công giáo, các gián điệp của lực lượng Samurai lưu đày mơ ngày phục hận…
Nhưng mơ ước một ngày sẽ trở về quê mẹ của cộng đồng lưu dân này đã chấm hết khi lệnh Tỏa Quốc do Mạc phủ ban hành.
Tỏa Quốc (Sakoku) có nghĩa là "khóa đất nước lại" là chính sách đối ngoại của Mạc phủ, theo đó không người nước ngoài nào được vào nước Nhật Bản hay người Nhật được rời xứ sở; kẻ vi phạm phải chịu án tử hình. Lệnh này và một số chính sách, chiếu chỉ ban hành từ năm 1633 đến 1639, và cho mãi đến năm 1868, lệnh cấm dân Nhật xuất ngoại vẫn còn hiệu nghiệm.
Không như các cộng đồng lưu dân khác cùng đến đất này: Chine, Cochinchine, Champa…Chính với sự phong tỏa đất nước gắt gao, không có thông thương qua lại giữa lưu dân với đất mẹ…qua nhiều thế hệ, các cộng đồng lưu dân này cuối cùng đã hòa tan vào các cộng đồng khác cư trú tại địa phương. Do đứt hẳn mối dây liên hệ với nước mẹ, thiếu người Nhật mới đến và rất ít khả năng tự đổi mới, di sản văn hoá, ngôn ngữ, tôn giáo, truyền thống của họ đã tự biến mất.
3- DI DÂN VÀ ĐỊNH CƯ
Từ cuối thế kỷ 16 đến đầu thế kỷ 17, hoạt động của người Nhật ở khu vực đông á, đông nam á và các vùng lân cận phát triển mạnh mẽ, họ di cư đến: Ma Cao (Trung Quốc), Tonkin (Đàng Ngoài), Cochinchine (Đàng Trong), Cambodia (Cao Miên), Siam (Xiêm La), Batavia (Jakarta)…Nhiều cộng đồng định cư Nhật Bản được thành lập (được gọi là Nihonmachi trong tiếng Nhật), lớn đáng kể nhất là ở Siam, Cambodia và Cochinchina.

1- Siam (Ayutthaya- Bangkok)
Theo các tài liệu giáo sĩ dòng tên và các ghi chép của người Châu Âu; thời cực thịnh vào khoảng những năm 1620s, ở Siam có từ 1000 đến 1500 người cư trú, kiều dân Nhật ở đây đa số là thương nhân, giáo sĩ, giáo dân công giáo và các chiến binh lưu vong (Rônin). Sau các biến cố về tôn giáo ở chính quốc, số lượng người công giáo Nhật đến lưu trú ngày càng đông; giáo xứ công giáo được thành lập vào năm 1626, quản lý hơn 400 giáo dân. Lực lượng chiến binh Nhật tham gia tích cực vào các cuộc biến chính trị tại Siam, nó chính là nguyên nhân chính dẫn đến sự kiện: tháng 10 năm 1630 vua Prasat Thong của Siam lúc bấy giờ đã ra lịnh đốt cháy khu định cư của Nhật kiều, người Nhật một số bị giết, số bị đuổi ra khỏi Siam, một số chạy qua Cambodia, một số đào thoát về quê hương…Đến năm 1632, chính vua Prasat Thong vì muốn thiết lập lại nền thương mại với nước Nhật, đã thay đổi chính sách, mời Nhật kiều đào thoát qua Cambodia trước kia, quay lại Siam. Sau đó có khoảng hơn 300 người đã trở lại; nhưng năm sau (1633) khu Nihonmachi ở đây lại bị cháy rụi, thiệt hại người và tài sản thật lớn…từ đó khu định cư này tàn lụi dần, nhiều người bỏ sang định cư ở Cambodia, một số tìm cách trở về nước.
2- Cambodia (Phnom Penh- Ponhea Lueu)
Theo tư liệu của các tu sĩ Dòng Tên, người nhập cư Nhật Bản đã thành lập 2 khu phố: ở Phnom Penh năm 1614 và Ponhea Lueu vào năm 1618, và tồn tại cho đến năm 1667; ước tính có hơn 1500 người Nhật lưu trú ở Cambodia trong thời gian này. Tại Phnom Penh, khoảng năm 1615, đã có một giáo xứ và một cộng đồng gồm hơn 70 giáo dân lưu trú; những năm 1620 và 1630, có ba linh mục ngưới Nhật Bản làm việc ở đó.
Nhật kiều ở đây một số phục vụ cho chính quyền sở tại, họ nắm giữ các vị trí khá quan trọng như: hộ vệ hoặc quan chức cho hoàng gia. Khoảng năm 1650, một trong số những người Nhật này chiếm được vị trí quan trọng trong triều đình Cao Miên.
*Theo nghiên cứu mới nhất của ông Hiroshi Sugiyama năm 2004, nhóm ông đã phát hiện ra dấu vết một ngôi làng Nhật Bản từ thế kỷ 17 tại xã Ponhea Lueu, cách Phnom Penh 25 km về phía bắc. Phát hiện dưới tầng đất cho thấy, có khoảng 100 người Nhật đã sống trong làng trong thời gian đó và hầu hết họ đều tham gia vào các hoạt động tôn giáo và buôn bán.
3- Cochinchina (Faifo- Hội An).
Từ cuối thế kỷ 16, đã có người Nhật đến buôn bán và lưu trú tại Hội An, qua đến đầu thế kỷ 17, khi Mạc Phủ Tokugawa tăng cường bức hại đạo công giáo thì nơi này nhận được nhiều đợt nhập cư của người Nhật. Theo tư liệu của các giáo sĩ Dòng Tên, Đàng trong lúc bấy giờ là một trong những nơi cư ngụ ưa thích của người Nhật. Tại đây, có thể tìm thấy 2 khu định cư, một ở Faifo (Hội An) được thành lập vào năm 1617 và tồn tại cho đến năm 1696, và một ở Touran (Đà Nẵng) được thành lập vào năm 1623; ước tính có khoảng 300 người Nhật sống ở Đàng Trong . Đa số là giáo dân công giáo và họ xây dựng một nhà thờ trong khu phố của họ để các nhà truyền giáo từ Macao đến lưu trú.
*Theo Võ Văn Hoàng (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng)
Lúc này ở Đàng Trong, chúa Nguyễn đã thi hành một số biện pháp nhằm hạn chế sự phát triển của đạo Thiên Chúa, nhưng trong một chừng mực nhất định, vì muốn phát triển Quảng Nam nên chúa Nguyễn đã cho phép họ được truyền đạo tại Hội An.Được sự đồng ý của chúa Nguyễn, người Nhật tiến hành chọn đất và xây dựng khu phố của mình gọi là “Nhật Bản phố”. Năm 1618, Giáo sĩ dòng Tên người Ý là Cristophoro Borri đến Hội An, ông viết: “Thành phố ấy gọi là Faifo (Hội An), một thành phố lớn đến độ có thể nói là có đến hai thành phố, một phố của người Tàu, một phố của người Nhật. Mỗi phố có khu vực riêng, có quan cai trị riêng và sống theo tập tục riêng. Người Tàu có luật lệ và phong tục của người Tàu, người Nhật cũng vậy”. Trong mỗi khu phố, người ta bầu ra một vị trưởng khu. Vị này được chúa Nguyễn và chính quyền Nhật Bản tin cậy, họ được cử làm các công việc như thu thuế, phiên dịch và cố vấn thương mại cho chúa Nguyễn, đồng thời chịu trách nhiệm về khu vực mà mình quản lý. Hình ảnh phố Nhật (Nihonmachi) ở Hội An giống với phố Nhật ở một số nước Đông Nam Á như: Pinhalu và Phnompenh ở Cambodia; Ayutthaya ở Siam.
Căn cứ vào những chú thích trên bức tranh Giao Chỉ quốc mậu dịch độ hải đồ được vẽ trước năm 1640 của dòng họ Chaya, hiện đang lưu giữ tại chùa Jomyo ở Gen Chozan Nichiren Shu, phố Tsutsui, thành phố Nagoya, tỉnh Aichi. Nhà nghiên cứu Nhật Bản Ogura Sadao cho rằng, vị trí của khu phố Nhật ở Hội An thế kỷ XVII dài khoảng 300m, có hai dãy nhà nằm trên một con lộ chính và cách không xa vùng cửa sông. Điều này tương ứng với những miêu tả của các thương gia Nhật Bản khi họ trở về cố quốc, đó là một thành phố nằm cách biển 3,39 km, có khoảng 500 – 600 ngôi nhà. Các ngôi nhà ở phía trước giáp đường thường được lợp ngói, vách trát đất, còn nhà trong chỉ là mái lá tạm thời.
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành nhiều đợt điều tra, khảo sát về kiến trúc cổ Hội An. Kết quả cho thấy khu phố có hình chữ nhật, chạy dài từ đông sang tây khoảng 900m; còn chiều ngang khoảng 300m. Trong khu vực này, hiện đang tồn tại khoảng 984 ngôi nhà, trong đó có 400 ngôi nhà cổ. Nếu chia khu phố cổ thành 14 khối theo trục đường Trần Phú để khảo sát, thì khu phố Nhật Bản có hơn 50% số nhà thuộc loại cổ. Ogura Sadao cho rằng số dân theo điều tra kiến trúc cổ này nếu một hộ có khoảng từ 6 đến 7 người, thì dân số Hội An lúc đó độ khoảng 3.000 - 4.000 người. Căn cứ vào diện tích của số căn nhà trong khu phố Nhật Bản, thì dân số cư trú trong khu phố cổ Hội An vào đầu thế kỷ 17 không quá 1.000 người. Trong đó, người Nhật có khoảng 60 gia đình, nếu mỗi gia đình có trung bình từ 4 đến 5 nhân khẩu, thì có khoảng 200 đến 300 người Nhật định cư tại Hội An. Tuy nhiên cũng có tác giả cho rằng vào đầu thế kỷ 17 đã có đến 700 người Nhật sinh sống ở Hội An.
Người Nhật đã xây dựng ở Hội An một công trình kiến trúc mang tên “Nhật Bản nhân thương quán” (Thương quán của người Nhật Bản) để sử dụng trong việc hội họp và giao dịch thương mại của mình. Đến năm 1635, Chính quyền Tokugawa thực hiện chính sách “bế quan tỏa cảng”, nước Nhật đóng cửa hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Từ đó, người Nhật ở Hội An bị mất liên lạc với chính quốc, khiến các thương nhân Nhật Bản rơi vào tình trạng bị cô lập và không đủ sức đối phó với thương nhân Trung Hoa đang phát triển mạnh mẽ. Trước tình hình đó, người Nhật đã chuyển nhượng Thương quán lại cho cư dân Minh Hương sử dụng làm Tổ Đình của người Minh Hương, sau này gọi là chùa Bà Mụ. Hiện nay chùa Bà Mụ chỉ tồn tại một phần cổng tam quan được xây dưới thời Tự Đức, mọi dấu vết kiến trúc của Thương quán Nhật xưa giờ không còn hiện hữu.
Đến nửa đầu thế kỷ 17, người Nhật ở Hội An giảm dần. Theo bản báo cáo của Francisco Goraemon - một tín đồ Thiên Chúa người Nhật viết ngày 28-5-1642 gửi cho thương quán của Hà Lan ở Batavia (Indonesia), thì ở Hội An lúc này còn khoảng 40 – 50 người Nhật sinh sống và họ thường xuyên qua lại Manila và Siam để buôn bán. Tháng 8-1695, Công ty Đông Ấn của Anh ở Madras đã phái thương nhân Thomas Bowyear đến Đàng Trong để điều tra tình hình buôn bán và xin thành lập thương quán ở Hội An, nhưng đề nghị của ông không được Chúa Nguyễn chấp thuận. Ông thấy: “Faifo gồm một đường phố trên bờ sông và hai dãy nhà, có khoảng 100 nóc nhà của người Tàu, cũng có 4 hay 5 gia đình người Nhật Bản. Xưa kia người Nhật là cư dân chính và làm chủ việc thương mãi ở hải cảng này, nhưng số ấy đã giảm bớt và của cải của họ cũng sút kém. Sự quản trị công việc đã trao vào tay người Tàu. Mỗi năm có độ 10 hay 12 chiếc thuyền từ Nhật, Quảng Đông, Xiêm, Cao Miên và Batavia đến…”. Cùng năm, thiền sư Trung Hoa là Thích Đại Sán đến Hội An, ông thấy thẳng bờ sông là một con đường dài ba bốn dặm, hai bên đường hàng phố ở liền nhau khít rịt, chủ phố tất thảy đều người Phước Kiến. Đến năm 1766, những thương gia Nhật Bản cuối cùng ở Hội An đã vượt bao khó khăn, cách trở để trở lại vùng Taga, thuộc lãnh địa Hitachi (Nhật Bản) đoàn tụ với gia đình [sic].

4-ĐỊA DANH NHẬT BẢN TRONG THƯ TỊCH, TÀI LIỆU XƯA
Chúng tôi đọc trong một số bản đồ cổ được vẽ vào thế kỷ 17 và đầu thế kỷ 18, phát hiện khu vực Mỹ Tho- Bến Tre ngày nay, con sông đổ ra cửa biển hướng đông- cửa Đại được ghi chú là:
R. Japonoise, Japanese River, R. Iapante…
Qua tham khảo các thư tịch cổ của Việt Nam:

1/Trong Gia Định Thành Thông Chí của quan Trịnh Hoài Đức chép trể nhất là vào năm 1820, mục Trấn Định Tường:
..."Giồng Nhật Bản: ở cồn Nhật Bản, trồng bông vải, khoai lang, khoai nước. Nhà cửa ẩn hiện trong bóng tre trúc, cổ thụ um tùm" (trang 54)
..."Đại Hải Môn (cửa Đại)...phía tây cảng có cồn Nhật Bản, trên cồn có trạm đồn trú.
2/Trong Đại nam Nhất Thống Chí- Tập 5, tỉnh Định Tường chép:
"Giồng Nhật Bản: ở cách huyện Kiến hòa 65 dặm về phía đông" (trang 109)
"Tấn cửa Đại:....Bãi Nhật Bản ở phía tây lạch..." (trang 127)
mặt cồn nỗi cát ngầm, tục gọi là cồn Tàu..." (trang 57)
3/Trong địa bạ Minh Mạng 1836 :
Tỉnh Định Tường, huyện Kiến Hòa, tổng Hòa Thanh có:
(1) Minh Đức thôn ở xứ Nhựt Bổn (Nhật Bản)
(2) Thọ Phú thôn ở xứ Nhựt Bổn (Nhật Bản)

4/Trong Nam Kỳ Lục Tỉnh của Duy Minh Thị soạn năm 1872- Đại Việt Tạp Chí ấn tống năm 1944.
Mục tỉnh Định Tường, trang 59 thấy chép: Hướng tây là cù lao Nhựt Bổn (Nhật Bản), trên cù lao có đồn thủ ngự, trước có cồn cát nổi tục danh là cồn Tàu…
Dựa vào các tư liệu trên, chúng tôi tra cứu thêm các tài liệu khác thì thấy các địa danh này, ngày nay thuộc xã Thừa Đức và các vùng lân cận thuộc Huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre.
Phải chăng trong suốt thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17 trước các cuộc nội chiến triền miên, và sự xâm nhập của chính quyền đàng trong, một số lưu dân Nhật Bản ở hải ngoại đã chạy ra cửa biển này tạm cư, hướng về biển đông mong ngày về cố thổ… thế nhưng lệnh phong tỏa tại Nhật Bản vẫn nghiêm ngặt, khốc liệt…Họ đã tụ cư lại nơi đây đây, vỡ hoang đất đai, xây dựng xóm làng trên các cồn, giồng đất, qua vài thế hệ, họ dần dần hòa tan vào các cộng đồng lân cận…ngày nay chỉ còn lưu dấu lại các địa danh ở miền đất này; nhưng Họ từ đâu đến ?




Ảnh 02- Sông Tiền trong 1 bản đồ cổ thế kỷ 17 được chú là R. Japanese (sông Nhật Bản)


Ảnh 03- Xác định xứ Nhật Bản trong thư tịch xưa, nay là vùng cửa Đại-tỉnh Bến Tre ngày nay


Ảnh 04-Người Nhật Bản trong 1 ấn phẩm xuất bản năm 1595.




Ảnh 05- Bản đồ Angkor Wat do người hành hương Nhật Bản vẽ vào khoảng năm 1623-1636.



Ảnh 06- Tranh vẽ một lưu dân Nhật Bản tại Đông Nam Á vào thế kỷ 17.

Phần II: TRUY TÌM DẤU XƯA- Họ từ đâu đến và đã đi đâu?
(tiếp theo) 
...

Biên Hòa , Nguyên- Phong Lê- Ngọc- Quốc

Phone: 0903906956





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét