Vẫn vậy từ năm được di dời đến 1952 |
Từ khi thành lập dinh trấn tại thôn Phước Lư, đến khi xây dựng hoàn chỉnh Thành Biên Hòa tại thôn Tân Lân; đi đôi với việc xây dựng thành trì, binh lực, quản lý hành chánh đất đai, cư dân…; Triều đình còn ra lịnh cho quan lại sở tại, xây dựng các thiết chế thờ tự tôn nghiêm theo quy chế, điển lệ của trung ương như:
1/ Đàn Xã Tắc
2/ Tịch Điền- Đàn Tiên Nông
3/ Miếu Hội Đồng
4/ Miếu Thành Hoàng
5/ Đền Trung Tiết (Trận Vong Hướng Sĩ)
6/ VănMiếu
7/ Tiên Tàm (nhà nuôi tằm trong lỵ sở)
8/ Xưởng Thủy Sư (xưởng thuyền công)
9/ Xưởng Voi.
……
5/ Đền Trung Tiết (Trận Vong Hướng Sĩ)
Đàng trong có một nét đặt biệt khác hơn đàng ngoài, là được nhà Nguyễn cho xây dựng nhiều miếu thờ các vị công thần chết trong công cuộc phục hưng, trấn áp, tiểu phạt và phát triển bờ cỏi vương triều.
*I/Kinh sư (Huế) :
-Miếu Trung hưng công thần xây dựng xây dựng năm 1810 lúc đầu thờ Yên biên quận vương Tôn thất mân, Hoài quốc công Võ Tánh trở xuống tổng cộng 2.858 người. Đến năm 1814 thờ them 4 người là đô thống chế quận công Nguyễn Văn Khiêm, Chưởng tượng quân quận công Nguyễn Đức Xuyên, Chưởng dinh Vũ Văn Lượng và Nguyễn Đình Đắc. Năm 1851 lại thờ them 8 vị là :
Đặng Đức Siêu, Lê Quan Định, Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tĩnh, Nguyễn Đình Đức, Phạm Đăng Hưng, Trương Tiến Bảo và Nguễn Văn Hiếu. Hàng năm có 2 lễ tế vào mùa xuân và mùa thu, sau lễ tế của đàn xã tắc ở kinh sư.
-Miếu trung tiết công thần xây năm 1820 thờ từ Chưởng dinh Nguyễn Hữu Thụy và Hữu quân Nguyễn Cữu Dật trở xuống cộng 114 người. Năm 1824 thờ thêm Cai cơ Nguyễn Khoa Kiên.
Năm 1846, vua Thiệu Trị xuống dụ: Trước kia bài vị ở miếu làm tổng quát, chưa kê rõ tên tuổi, quan hàm, nay chuẩn cho tu chỉnh lại tên và thứ bậc trong sổ sách cũ thời vua Gia Long, bài vị dùng đá hoa cương Quảng Nam, khắc chữ đẩ thờ tự.
Hàng năm có 2 lễ tế vào tháng giữa mùa xuân và tháng giữa mùa thu, sau lễ tế của miếu Trung hung công thần ở kinh sư 2 ngày. Trong dịp này hợp tế có đàn Ân tự nằm bên trái miếu Trung hưng công thần.
-Đền Hiền Lương (1858) thờ Cần chánh đại học sĩ Trịnh Hoài Đức (người gốc Biên Hòa) và Quốc công Phạm Đăng Hưng tổng cộng 39 người, hằng năm tế 2 lễ vào tháng giữa mùa xuân và tháng giữa mùa thu. ( Phạm Đăng Hưng là cha của bà Từ Dũ mẹ vua Tự Đức)
-Đền Trung nghĩa nằm hướng đông nam sông Hương, bên bờ đối mặt trước kinh thành, xây dựng năm 1858 thờ thống chế Lê Mậu Cúc (Phò mã đô úy- trấn thủ Sơn nam hạ, chết trong trận đánh quân khởi nghĩa Phan Bá Vành) và Nguyễn Văn Thận tổng cộng 469 người. Hằng năm tế 2 lễ vào tháng giữa mùa xuân và tháng giữa mùa thu.
*II/Bình Định :
-Đền Chiêu Trung ở thôn Nam Định, phía bắc huyện Tuy Viễn thuộc thành Bình Địng xưa. Xây dựng năm 1801, ngay tại nền lầu Bát Giác, nơi Võ Tánh tự thiêu sau khi dâng thành cho tướng Tây Sơn là Trần Quang Diệu và Vũ Văn Dũng. Ban đầu gọi là Đền lầu Bát giác, thờ Võ Tánh, Ngô Tùng Châu ( Ninh Hòa quận công Ngô Tùng Châu uống thuốc độc tử tiết chết trước Võ Tánh). Năm 1851 cho đổi tên là Đền Chiêu Trung. Phía sau đền có mộ Võ Tánh, Ngô Tùng Châu và mộ của đội trưởng Nguyễn Thận (Nguyễn Thận là người thấy Võ Tánh tự thiêu liền cảm khái nhảy vào tòa lầu Bát Giác đang bốc cháy, chết theo chủ tướng cùng người lão bộc và người ái thiếp của Võ Tánh). Tổng cộng có 260 vị được thờ tại đây.
*III/Đạo Phú Yên :
-Đền Biểu Trung được xây dựng ở đồn Cù Mông, thờ các tướng sĩ chết trận hoặc ốm chết thời trung hung ở Phú Yên, tất cả là 526 vị.
*III/Tỉnh Khánh Hòa :
-Đền Tịnh Trung đặt ở núi Hà Ra thôn Vạn Thịnh huyện Vĩnh Xương (…) thờ các tướng sĩ chết trận hoặc ốm chết ở thành Diên Khánh trước kia 250 vị. Dựng năm 1795, năm 1841 cho tu bổ, đến năm 1852 tu bổ lần hai cho lợp mái ngói.
*IV/Tỉnh Gia Định :
-Đền Hiển Trung dựng năm 1795, ở thôn Tân Triêm huyện Bình Dương (nay thuộc khu vực giao lộ Nguyễn Trãi- Nguyễn Cư Trinh, quận I thành phố Hồ chí Minh)
Đền nằm về bên phải thành Quy; thờ các công thần thời Trung hưng, tu bổ năm 1804 đến năm 1845 cho tu bổ lần thứ hai.
Nơi đây thờ:
Hậu quân quốc công Võ Tánh, Thái sư quận công Ngô Tòng Châu, Chưởng doanh quận công Chu Văn Tiếp, Tiền quân quận công Tôn Thất Hội…Đặc biệt có cả một quân nhân người Pháp là Chưởng vệ Mạn- Hòe (Manuel người theo giúp Nguyễn Ánh từ những năm đầu trung hưng, trong trận chiến với Tây Sơn tại Thất Giang, cửa biển Cần Giờ năm 1782, ông tử trận và được truy phong Hiệu nghĩa công thần phụ quốc thượng tướng quân).
Tổng cộng có 1.015 người được thờ trong đền Hiển Trung- Gia Định.
Năm 1846 vua Thiệu Trị xuống dụ: Trước kia đã có biển bài vị, nay giao cho các quan địa phương sở tại làm bằng gỗ cứng hoặc bằng đá hoa cương, làm thành bài vị dài, chiểu theo hang tên kê trước, khắc chữ để thờ, nhằm tỏ ý nghĩa tên tuổi còn mãi ở sử sách.
*V/Tỉnh Cao Bằng:
Năm 1833, Nông Văn Vân nổi dậy vây đánh tỉnh thành Cao Bằng (Ông là anh vợ của Lê Văn Khôi, lúc bấy giờ cũng đang chiếm thành Gia Định). Quan Bố chánh là Bùi Tăng Huy, quyền Án sát là Phạm Đình Trạc bị vây bức, liệu bề khó chống lại, cả hai mặc áo mão, đặc hương án hướng về Kinh sư Huế làm lễ; lễ xong đốt áo mão, bằng sắc rồi cùng với quan hình binh là Phạm Văn Lưu ( lãnh binh từ Lạng Sơn đến cứu viện) đều tự tử.
Sau khi dẹp loạn, triều đình cho lập đàn tế một tuần. Ở phía đông nam tỉnh thành lập đền thờ là đền “ Tam Trung”. Hàng năm cúng tế một lần; lễ phẩm bằng 1 bò, 1 heo, 1 mâm xôi, giấy vàng bạc, hương nến trầu rượu đầy đủ.
*VI/Tỉnh Biên Hòa
Ở ấp Bình Thành xưa thuộc địa phận tỉnh lỵ Biên Hòa (nay là phường Quang Vinh), trong Biên Hòa Sử Lược Toàn Biên- Tập I, Trấn Biên Cổ Kính, trang 105 cụ Lương Văn Lựu có chép:
Miễu Bình Hòa (Xóm chùa cô hồn, cuối đường Phan Đình Phùng) nguyên là Đền Trung Tiết, thiết lập từ năm Minh Mạng thứ 18 (1837), phụng tự 7 công thần đã tử trận khi chống nhau với binh của Lê Văn Khôi năm 1833, sau khi sự hình, được Vua chuẩn cho Quan trấn thủ đến bái tế hằng năm (ngày 16 và 17 tháng 08 âm lịch).
Thờ:
1- Lãnh Binh Bình- Thuận
Gia hàm chưởng- cơ Lê Văn Nghĩa
2- Võ Lâm hậu- nhị vệ- úy
tặng chưởng cơ Phan Văn Song
3- Tả- dực hữu- nhứt- vệ Phó vệ- úy Trần- văn- Du.
4- Định- dũng quản- cơ Đặng-văn- Quyến.
5- Phú-tráng Thuận, Nghĩa, Biên Hùng tam cơ,
Phó quản cơ:
- Trần Văn Thiều
-Nguyễn Văn Lý
-Ngô Văn Hóa.
Vậy theo trên ta biết Đền Trung- Tiết sau khi dời về xóm chùa Cô Hồn, đường Phan Đình Phùng, thì đổi tên là Miểu Bình- Hòa (vì nằm trên thôn Bình Hòa ).
Trong Khâm Định Đại Nam hội Điển Sự Lệ của Nội Các Triều Nguyễn, quyển 91 trang 303~ 304 có ghi:
”…Năm ấy Ngụy Khôi gây phiến loạn, tỉnh Biên Hòa bị mất khi đại binh chưa kịp đến; quan quân các tỉnh hội lại đánh nhau kịch liệt với quân giặc, trong đó có bọn lãnh binh Lê Văn Nghĩa, hết lòng chống giặc, bị chết tại trận; được dụ chuẩn cho hậu tặng tuất và chọn cho chỗ làm đàn tế lễ; lại chuẩn cho làm đền, hàng năm đến tế một lần.
Năm Minh Mạng thứ 18 (1837), việc dẹp giặc đã yên, quan tỉnh tâu lên và được chuẩn cho làm Đền ở phía tây thành tỉnh Biên Hòa gọi là đền “ Trận Vong Hướng Sĩ”, hàng năm tế một lần. Khi tế lấy giấy làm bài vị thần linh viết rõ chức hàm họ tên. Gian chính giữa thờ:
-Tặng chức chưởng cơ Lê Văn Nghĩa;
Gian bên tả, chỗ trên thờ :
-Tặng chức chưởng cơ Phan Văn Song.
Chỗ dưới thờ:
-Tặng chức phó quản cơ: Trần Văn Thiều;
Gian bên hữu, chỗ trên thờ:
-Tặng chức vệ úy: Trần Văn Du,
-Tặng chức phó vệ úy: Đặng Văn Quyên;
Chỗ dưới thờ phó quản cơ:
-Nguyễn Văn Lý, Ngô Văn Hóa,
Tất cả 7 người. Hàng dưới là quân lính chết trận. Lễ phẩm bằng bò, lợn, mâm xôi đều một; quân lính hành dưới lại dùng hai mâm xôi đậu, 1 con lợn. là cổ để bày lễ, vàng bạc, tiền giấy, hương nến, trầu rượu đủ cả.”
Theo trên, Ta biết khởi thủy đền Trung Tiết mà cụ Lựu kể trong BHSLTB có tên :
Trận Vong Hướng Sĩ – 陣忘向士。
Được dựng lên để thờ các tướng sĩ thuộc thành Biên Hòa, chết trong các trận chiến với cuộc khởi loạn của Lê Văn Khôi chiếm thành Phiên An (Gia Định- Sài Gòn) từ ngày 05/07/1833 đến 8/09/1835.
Sử chép : Minh Mệnh năm thứ 14 tháng 5, ngày 18 năm Quý Tị (05/07/1833); vào lúc canh ba Phó vệ- vệ Minh nghĩa Lê Văn Khôi, con nuôi của Tả Quân Lê Văn Duyệt (nguyên Tổng trấn thành Gia Định, mất năm 1832) , đã cùng các thuộc tướng, bộ hạ nổi dậy, chiếm lấy thành Phiên An. Được tin cấp báo của Phó lãnh binh thành Phiên An là Giã Tiến Chiêm gởi đến, Tuần phủ quan phòng Biên Hòa là Vũ Hữu Quýnh, cùng Niết ti (án sát) Lê Văn Lễ đã điều ngay biền binh, cùng các cơ Biên Hùng, Biên Hòa, Biên Uy tất cả là 154 người, do Quản Cơ Biên Hùng Trần Văn Khánh thống lãnh tiến đến thành Phiên An hộ chiến ! trải hơn hai năm chiến sự, đến tháng 7, ngày 16 năm Ất Mùi (08/09/1835), quân triều đình đã chiếm lại thành Phiên An…
Năm 1837 Vua Minh Mệnh lệnh cho quan đầu tỉnh Biên Hòa , lập đền Trận Vong Hướng Sĩ , hàng năm cúng tế các tướng- sĩ thành Biên Hòa, đã bỏ mình trong trận giặc ấy!
Theo tài liệu “ Khâm định tiểu bình Nam Kỳ nghịch phỉ phương lược chính biên’ thì ngày 26 tháng bảy âm lịch năm Quý Tỵ (1833) vua Minh Mạng đã sai: “ Bộ binh truyền dụ cho Phan Văn Thúy, Trương Minh Giảng rằng: Trước khi đại binh chưa đến nơi, biền binh các tỉnh đã từng đánh nhau với giặc, gián hoặc có người giữ lòng đối địch với kẻ đáng giận, xông ra trận đến nỗi phải bỏ mạng. Đã từng xuống dụ truy tặng cho tiền tuất để ưu hậu, thưởng cấp cho tiền bạc và chuyển cho xét để bổ dùng cho con cái rồi. Nhưng Ta còn nghĩ rằng: Hồn trung lẫm liệt của bọn ấy, nên làm lễ tế để yên ủi linh hồn. Vậy chuẩn cho thảo nghịch hữu tướng quân, Tham tán đại thần biết, nếu sau khi đại quân tiến đánh thu phục lại tỉnh Biên Hòa, thì lập tức sức cho bọn Vũ Hữu Quýnh, Hoàng Văn Đãn chọn chỗ đất thông thoáng đặt một đàn sở, ở giữa thì đặt bài vị của bọn Lê Văn Nghĩa, Phan Văn Song, Đặng Văn Quyến đã chết, ở dưới để các bài vị các biền binh chết trận, sửa đủ trâu lợn tiền giấy và đem các tên trong bọn giặc đã bắt sống được ấy, giải đến trước đàn mổ bụng lấy tim gan bầy ra để tế, cho thỏa hồn thơm dưới âm và thỏa lòng căm giận trung nghĩa. Lại chuẩn cho chọn chỗ đất dựng miếu để làm chổ thờ cúng cho các tướng biền chết trận, hàng năm do quan địa phương làm lễ tế một lần, đễ được thừa hưởng ân điển mãi mãi”.
Vị trí đền nằm ở hướng tây thành tỉnh Biên Hòa (theo quy định xưa, trước thành là hướng nam và bên phải là hướng tây).
Theo lời kể của bác Tư (85 tuổi), sống ở ấp Bình Thành từ năm 1947, và là thủ từ Miếu Bình Hòa từ năm 1975 đến nay thì nguyên do: Năm 1952 người Pháp có nhu cầu mở rộng sân bay Biên Hòa, đã cho giải tỏa trắng, đình Tân Phong thì chuyển về sau lưng chợ Phúc Hải, Đền Trung Tiết thì tháo gỡ toàn bộ cột kèo, mái ngói…chuyển đến xây cất lại tại vị trí hiện nay (di chuyển bằng xe bò); góp công sức lớn nhất ngoài dân làng sở tại còn có hai vị hương chức của làng Bình Thành lúc bấy giờ là ông Huỳnh Văn Thọ (ông Hương Cả- thầy giáo của trường Mỹ Nghệ Biên Hòa từ 1938 - 1961, nghệ nhân gốm bọng cuối cùng của Biên Hòa ) và ông Lương Văn Lựu (nhà sử học địa phương) có tên trong bảng ghi công đức.
Sau gần hai tháng thi công , lễ tất được tổ chức rất long trọng đáo lệ hằng năm, dân làng đều tổ chức lễ cúng bái vào hai ngày: 16 và 17 tháng 08 âm lịch. Có vấn đề được nêu ra: vì sao đến nơi mới, đền lại đổi tên là miếu Bình Hòa, có thờ thêm Ngũ Hành nương nương , ngày nay trong bàn thờ không thấy bài vị của các tướng- sĩ?
Có thể đoán định : định chế tế lễ, người trông coi, ngân quỹ hoạt động của đền, đều do triều đình quản lý, khi Biên Hòa lọt về tay người Pháp thì các định chế ấy không còn, để duy trì trong thời loạn ấy, quả là rất khó khăn, có thể vì thế đền đổi thành miểu (?) đến nơi mới thì đổi tên theo địa phương, phối thờ thêm các vị thần khác, nhằm thỏa mãn cho tín ngưỡng của dân sở tại (?)...
Trải qua bao thăng trầm, chiến tranh, đói kém... có thời gian phong trào bài trừ mê tín, dị đoan, mang hơi hướng chủ nghĩa phong kiến suy đồi, được phát động mạnh mẽ…Miếu (đền Trung Tiết) đứng trước nguy cơ bị triệt phá, nhưng nhờ tấm lòng dân làng, ban hộ miếu kiên trì, mềm dẻo, ứng biến…cho nên ngày nay, sau gần 180 năm hiện diện, Đền Trung Tiết của Biên Hòa xưa vẫn tồn tại, làm chứng nhân của lịch sử, chứng kiến bao cuộc thay đổi, bể dâu…
Bản đồ năm 1862 có vẽ thành Biên Hòa |
Bác tư năm nay 84 tuổi, làm Thủ Từ miếu hơn 40 năm nay |
Đền xưa nay đã đổi tên |
Xôi thịt, giản lược hơn xưa! |
Hóa vàng mã |
Trích trong bản thảo :THÀNH BIÊN HÒA VÀ CÁC CÔNG TRÌNH VĂN HÓA TÍN NGƯỠNG.
Nguyên Phong- Lê Ngọc Quốc
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
(1)
Gia Định thành thông chí- Trịnh
Hoài Đức
(2)
Hoàng Việt thống nhất dư địa chí-
Lê Quang Định
(3)
Đại Nam Thực Lục- Quốc sử quán
(4)
Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn
Biên Hòa- Nguyễn Đình Đầu.
(5)
Đại nam Quốc Lược Sử- Alfred
Schreinr, Sài Gòn 1906
(6)
Khâm định đại nam hội điển sự lệ-Nội
các triều Nguyễn.
(7)
Đại Nam nhất thống chí- Nội các triều Nguyễn.
(8)
Biên Hòa sử lược toàn biên- Lương
Văn Lựu.
(9)
85 sắc phong ở Miếu công thần tại
Vĩnh Long.Thư viện khoa học tổng hợp Tp HCM 2013.
(10) 290 năm
(1715- 2005) Văn Miếu Trấn Biên- Thành Ủy, UBND Thành phố Biên Hòa
(11) Đại Nam
Thực Lục, Quốc Sử Quán Triều Nguyễn
(12) Minh Mệnh
Chính Yếu, Quốc Sử Quán Triều Nguyễn.
(13) Việt Nam
phong tục – Phan Kế Bính.
(14) Việt điện
u linh tập- Lý Kế Xương.
(15) Văn cúng-
văn tế hán nôm ở Đồng Nai, Bảo Tàng Đồng Nai
(16) Cơ sở tín
ngưỡng và truyền thống ở Biên Hòa, Phan Đình Dũng
(17) Một số
tài liệu trên internet và tư liệu điền dã
(18) “ Khâm định tiểu bình Nam Kỳ nghịch phỉ phương lược chính biên’
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét