Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2016

LÝ VIỆT DŨNG- GÓP Ý 02


Tạp chí Thông tin Khoa học và Công nghệ, số 4(26).1999

GÓP Ý MỘT VÀI SAI SÓT TRONG QUYỂN :

“TỰ VỊ TIẾNG VIỆT MIỀN NAM” CỦA CỤ VƯƠNG HỒNG SỂN
Lý Việt Dũng

Cụ Vương Hồng sển (VHS) là một nhà cổ ngoạn lớn của đất Nam Bộ. Khi qua đời cụ đã để lại cho người lớp sau nhiều tác phẩm giá trị về nhiều địa hạt mà Tự Vị Tiếng Việt Miền Nam (TVTVMN) do Nxb. Văn hóa-Hà Nội ấn hành năm 1993 là một trong những công trình đó. Tuy nhiên, quyển sách của cụ dù được biên soạn công phu rất có ích cho học giới về nhiều mặt, nhưng vẫn chưa được toàn bích. Vì yêu mến “Pề Hến” (bác Vương), “ông già gân miền Nam” nên chúng tôi xin mạo muội góp ý một vài điểm mà sách còn lâm vấp để mong góp một phần mọn việc thành toàn nó ở lần tái bản sau, và như mọi khi, chúng tôi góp ý một ma học của tác giả tới ngàn lần hơn!

Thứ nhất là tựa cuốn sách. Tựa đề TVTVMN là không thích hợp với nội dung quyển sách vì nếu ai đọc kỹ trọn 770 trang sẽ thấy phần đặc ngữ Nam Bộ, tức “tiếng Việt miền Nam”- chiếm không tới 1/10. Nội dung đích thực của sách là địa chí miền Nam, và tên gọi cùng đặc tính các địa phương Nam Bộ này không phải do cụ Sển tự viết ra mà đã căn cứ theo Gia Định thành thông chí (GĐTTC) của Trịnh Hoài Đức (THĐ) qua các bản dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo, của Thượng Tân Thị (dịch Nam Kỳ lục tỉnh địa dư chí của Duy Minh Thị, thoát thai từ GĐTTC) và bản dịch ra Pháp văn của Aubaret (Giadinh thung Chi), bởi bản thân cụ Vương như ông cũng tự nhận là không rành Hán Nôm, chẳng thể đọc thẳng nguvên văn GĐTTC của THĐ được. Cụ cũng có tham khảo thêm quyển Petit cours de géographie de la Basse Cochinchine của Petrus Trương Vĩnh Ký và quvển 4 Le Cisbassac nằm trong bộ L' Archéologie du delta du Mékong của Louis Malleret, trong đó có di cảo của Petrus Ký từ trang 181-197, chép các địa danh Nam Bộ bằng tiếng Miên, và kinh nghiệm bản thân mình. Cụ cũng có tham khảo bản dịch Đại Nam nhất thống chí lục tỉnh Nam Việt của Nguyễn Tạo.
Chúng tôi thật đau lòng thắc mắc mãi là không biết tại sao một học giả có tài, một nhà thông thái như cụ Vưong lại không chịu khó học chuyên sâu Hán Nôm là chuyện quá dễ dàng đối với một người thông tuệ như cụ, hơn nữa một người chơi đồ cổ ắt rất cần Hán Nôm hỗ trợ. Đã không chuyên sâu Hán Nôm mà cụ lại dấn thân vào chuyện chú giải địa chí qua các bản dịch “GĐTTC” của THĐ mà nguyên tác là một tác phẩm Hán Nôm rất hóc hiểm thì tránh sao khỏi nhiều lầm lẫn đáng tiếc. Cụ còn đi xa hơn trong hiểm nguy bằng cách phê bình ông Nguyễn Tạo, ông Thượng Tân Thị; là những người dù sao trình độ Hán Nôm cứng hơn ông rất nhiều; chỉ bằng những kiến giải thu nhặt được qua bản dịch ra chữ Pháp (là thứ chữ cụ Vưong rất thạo) của Auberet mà ai cũng biết là rất kém về sự chinh xác, bởi trình độ Hán học của ông nầv rất hạn chế.
Bài góp ý này không chia các nhầm lẫn theo loại mục mà tuần tự theo trang, thấy đâu nói đó, mong bạn đọc thông cảm!
Trang 53:
Khi viết về tên địa phương Ba Vát (波 越) ở Bến Tre, cụ VHS đã viết “Một điều nên nhắc là chữ viết “Ba Việt” nhưng phải đọc “Ba Vát” thì dân bản xứ mới hiểu”.
Viết như thế cụ Vương đã bộc lộ sự yếu kém của mình về Hán Nôm vì tên các địa phương trong “GĐTTC” phần lớn đều được THĐ viết bàng chữ Nôm và chữ Nôm越 đọc là vát. Vậy nguyên văn viết 波 越 là Ba Vát chứ không phải “viết Ba Việt mà phải đọc Ba Vát dân bản xứ mới hiểu” như cụ VHS đã nhắc nhầm.
Trang 85:
Cụ Vương viết: “Bưng Ca âm: đd, tên một đường nước ở NV, chữ gọi Ca âm táo (tao, táo là chở bằng đưòng thủy (HVTĐ Đào Duy Anh), còn trong PCGBC TVK ông Trương Vĩnh Ký viết Ca âm tráo, tự tôi sửa chữ này ra táo”.
Viết như vậy thật là “liều” quá. Nguyên văn trong GĐTTC viết 歌 音 淖 口 phiên âm là Ca âm náo khẩu là tên một cái Bưng Bùn xưa kia nằm khoảng giữa hai đầu sông Vĩnh Tế. Ông TVK đọc chữ 淖 là tráo cũng sai vì chữ này cả Từ nguyên và Từ hải đều thiết âm là “Ni hiệu âm náo” (閙) tức đọc là náo và có nghĩa là bùn lầy. Cụ Vương không biết nguyên văn Ca âm náo khẩu viết như thế nào, tra Hán Việt tự điển của Đào Duy Anh, thấy chữ táo 漕 (đúng ra là tào) có nghĩa “chở bằng đường thủy” âm na ná chữ tráo của ông TVK, nghĩa dính líu tới sông nước nên tự động sửa tên nguvên văn ra thành Ca âm táo.
Trang 110:
Cụ Vương viết “Cái Rô: đd th NV (....) trong Le Cisbassac tr.197 chưa tìm ra nơi nào. Ngày nay ở cách Bạc Liêu 5 kilomét trên đường đi Sóc Trăng có một nơi gọi là Xẻo Rô, hay là chỗ này?”.
Cụ Vương viết “Cái Rô” là nhầm vì địa phương này tên là Xéo Rô, người Tiều tại đây gọi là Cái Xu. Chúng tôi là người Bạc Liêu, lên xuống Phú Lộc Sóc Trăng hà rầm mà chưa từng biết có cái Xẻo Rô nào cách Bạc Liêu 5km về phía Sóc Trăng như cụ nói. Thật ra Cái Xu hay Xéo Rô này thuộc huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang, nằm bên bờ tả sông Cái Lớn thuộc đầu kinh Cán Gáo chạy về Thứ Ba. Có một Cái Tắt nối liền sông Cái Bé và sông Cái Lớn. Đầu bên Cái Bé là Tắt Cậu, đầu bên Cái Lớn là Xẻo Rô.
Trang 126:
Cụ VHS viết: “Từ ngày có Pháp sang, chức sergent (thuộc hạ cấp sous officier) dịch là ông cai, còn chức caporal dịch là ông bếp (Bếp vì ngày xưa lo việc ăn uống của quân đội)”.
Những người lớn tuổi từng sống qua thời Pháp thuộc dù không phải là tay giỏi chữ Pháp cũng biết cấp bực sergent là trung sĩ tức ông đội là hạ sĩ quan chớ không phải hạ cấp, còn cấp bực caporal là hạ sĩ tức chú cai chớ không phải ông bếp. Còn Bếp là binh nhất tức soldat lève classe, cuốì cùng là lính trơn tức binh nhì là soldat 2ème classe.
Trang 226:
Cụ VHS viết: “ở Xà Lôn có chùa Miên chim diệc làm ổ trên ngọn cây đến trên số ức vạn”.
Đây là một sự cường điệu quá đáng. Ở vùng Đại Tâm có các chùa Miên với nhiều chim diệc làm ổ trên ngọn cây nhưng con số bất quá chỉ non ngàn con chớ làm gì tới ức vạn. Còn chùa Mã Tộc (Ma ha tính) ở đầu giông có nhiều dơi quạ đeo bám trên ngọn cây nhưng con số cũng chỉ vài ngàn con thôi. Chúng tôi ở Bãi Xàu nhiều năm, thường hay săn trộm diệc ở các chùa Miên quanh vùng như Mã Tộc, Xà Lôn, Bưng Cốc, Phú Mỹ... nên rất rành số diệc nhiều ít.
Trang 265:
Cụ VHS viết: “Cù Lao Hoằng Trấn: đd, tục danh là Bãi Bà Lúa hay Bà Lụa?”.
Vì Pề Hến không thạo chữ Nôm nên mới phải thắc mắc vô ích như thế, bởi chỗ này nguyên văn trong GĐTTC viết chữ Nôm rất rõ là 𡓁 婆 穭 tức Bãi Bà Lúa. Còn lụa chữ Nôm phải viết là 縷. Vậy không thể có chuyện nhầm lẫn giữa lúa và lụa được.
Trang 276:
Cụ VHS viết: “Không biết nguyên văn bản chữ Hán câu này viết ra sao mà trong GĐTTC tập 1 tr.59 ông Nguyễn Tạo viết: “Khi trước cửa sông Mỹ Tho sâu rộng có đặt 7 cái lưới đáy... (sic) còn trong bản Pháp văn Aubaret viết: “Le fleuve de Mi Tho était en cet endroit large et profond et il formait un véritable port nommé Dê Van That Khau (dai luoi) (sic) khiến tôi dịch theo và chấm dấu độc (sic) là Đê Văn Thắt Khẩu (đai lưới) hiểu là “Bờ đê miệng thắt kiểu như đai lưới”.
Đây thêm một bằng cớ cho thấy cụ VHS đã vướng mắc những lầm lẫn trong việc lý giải địa chí Gia Định Thành qua bản dịch của người khác, rồi khi gặp hai bản dịch nghịch ý nhau ông lại theo bản dịch sai rồi biện minh theo cảm tính của mình, thành vấn đề càng sai xa hơn. Chỗ này (đoạn nói về Long Châu tức Cù Lao Rồng ở Định Tường) Trịnh Hoài Đức viết: Tùng tiền Mỹ Tho giang khẩu thâm quảng hữu để võng thất khẩu (從 前美秋江口深廣有底網七口) nghĩa là “Trước kia cửa sông Mỹ Tho sâu rộng có đặt bảy miệng lưới đáy”. Như vậy ông Nguyễn Tạo đã dịch đúng. Còn ông Aubaret đã dịch sai là (chúng tôi xin dịch lại câu của Aubaret): “Sông Mỹ Tho ở chỗ này vừa rộng mà sâu và nó hình thành thật sự một giang cảng gọi là Dê Van That Khau (dai luoi)”. Để 底 là đáy sông, võng 網là lưới. Vậy để võng tức lưới đặt tôm cá miệng dưới sát đáy sông mà người dân Nam Bộ gọi là miệng đáy, và nơi đặt nhiều miệng đáy gọi là trại đáy. Vì sông Mỹ Tho còn hơi hẹp nên chỉ đặt giăng ngang có 7 miệng, còn trên sông Cái Lớn Rạch Giá, đáy giăng ngang sông phải vài chục miệng. Ông Aubaret đã phiên âm lầm để võng theo kiểu không bỏ dấu mà lại sai là “dê van”, còn thất khẩu thanh that khau do không bỏ dấu, dẫn đến việc cụ Vương bỏ dấu sai là đề văn thắt khấu nên mới suy diễn thành nghĩa sai nhầm quá xa là “bờ đê miệng thắt kiểu như đai lưới”.
Trang 291:
Chỗ này cụ VHS trích bản dịch nhầm lẫn của Nguyễn Tạo: “Một đường do sông nhỏ ốc sên”. Thật ra chỗ này nguyên văn viết là “Nhứt điều do ốc len tiểu giang (一 條 由 𧎜 蹥 小 江 ) nghĩa là “Một đường do sông nhỏ Ốc Len. Chữ Nôm (𧎜 蹥) đọc ốc len chỉ một loại ốc ở các con sông tại rừng ngập mặn, vỏ khía có màu xanh lá cây, trôn nhọn, thịt có gân xanh, hay đeo trên cây mắm, cây sú, thịt đem hầm dừa ăn rất ngon. Còn ốc sên là loại ốc to con, vỏ có bông màu tím, hay đeo trên hàng rào bông bụp, người Pháp rất thích ăn và gọi tên là Escargot. Ốc sên trong Nam thường gọi là ốc hương. Chỗ này thì trái lại Aubaret dịch tốt hơn Nguyễn Tạo mặc dù chưa đúng lắm: “La Première Part d'Oc Lên giang”. ,/
Trang 320:
Cụ VHS viết “Cù lao Bãi Đám (...) Nguyễn Tạo viết cù lao Bãi Đắm. Thượng Tân Thị viết cù lao Phú An tục danh là cù lao Bãi (?) (sic) đều chưa đúng và xin ghi lại theo TVK là cù lao Bãi Đám”.
Chỗ này cho thấy cụ Sển tin tưởng thiếu khảo sát tất cả những gì ông Trương Vĩnh Ký viết. Đoạn này Nguyễn Tạo hoàn toàn đúng vì ở nguyên văn THĐ viết Bãi Đắm (𡓁 耽) với chữ đắm Nôm (耽) mượn âm chữ Hán đam (眈) là nhìn đăm đăm chỉ âm, có nghĩa là “nhìn say đắm” hay “đắm đuối”. Chữ này ông TVK đọc đám là sai, vì nếu là đám thì nguyên văn phải viết là đám 坫. Còn nếu nói ông THĐ viết sai, ông TVK mới đúng thì chúng tôi xin chịu thua.
Trang 351:
Cụ VHS viết: “Đồng Heo và suối Đồng Heo: đd thuộc tp Biên Hòa cũ NV”.
Chỗ này là nhầm lẫn vì ở nguyên văn viết 仝 㹯 Đồng Hươu, tức đồng có nhiều hươu, còn nếu là Đồng Heo thì phải viết dồng 仝 㺧.
Trang 405:
Cụ VHS trích đoạn dịch của Nguyễn Tạo: “Việc bọn cướp Trần Thái có chép trong địa chí Cường Thành”, rồi ông thắc mắc hỏi: “Hỏi Cương Vực chí làm sao dịch và gọi địa chí Cường Thành được?”.
Chúng tôi xin trả lời: đây là chú giải của THĐ nguyên văn viết là Sự kiến Cương Vực chí (事 見 疆 域 志) nghĩa là “chuyện tướng cướp Trần Thái này chép ở phần Cương Vực Chí”, nhưng do ở nguyên văn GĐTTC kèm bản dịch Nguyễn Tạo câu chú này ở nhiều chỗ khác viết rất nhoè thành chữ cương vực (疆 域 ) trông giống như cường thành (彊 城) nên ông Nguyễn Tạo mới dịch nhầm lẫn kỳ lạ như thế.
Trang 453:
Cụ VHS viết: “Long Xuyên đạo: sk Một đạo binh trấn thủ tại Cà Mau thời chúa Võ vương Nguyễn phúc Khoát”.
Thật là một nhầm lẫn hết sức tai hại. Chữ đạo (道) ở ngữ cảnh này không phải đạo binh mà là một đơn vị địa lý hành chánh, tức một châu đạo, một vùng đất trực thuộc trấn. Trong đời chúa Nguyền mỗi trấn chia ra làm nhiều châu đạo như đạo Châu Đốc, đạo Kiên Giang, đạo Trấn Giang và đạo Long Xuyên tức vùng Cà Mau ngày nay trực thuộc trấn Hà Tiên.
Trang 474:
Cụ VHS viết: “Mong Thọ thôn: đd, tên làng Thổ thuộc hạt Rạch Giá. Tên Miên của làng là Chong Russei (chót ngọn tre). Tại sao có tên lạ vậy (...) và Chong Russei (chót ngọn tre) kỷ niệm buổi gặp nhau khi mặt trời vừa điểm hồng trên chót ngọn tre (...). Sau rốt đổi ra tiếng Việt và dịch “Mong Thọ” (Mong là trông mông, ngụ ý chữ chong và : “Thọ” (cây) nhắc lại cây tre (...) thành ra tên xã thôn nay ngớ ngẩn vả thấy viết “Mông Thọ” cũng không cần tìm hiểu căn cội chi cho mệt óc”.
Chỗ này cụ Vương có ưu điểm là tìm ra tên Miên của Mông Thọ là Chong Russei có nghĩa là “hừng sáng mặt trời mới ửng đỏ trên ngọn cây”. Giá mà cụ dừng lại ở đây thì hay quá, đằng này cụ lại lý giải hết sức nhầm lẫn “Mong là trông mông” và chê người ta gọi làng này tên Mông Thọ là ngớ ngẩn mà cụ không biết nguyên văn GĐTTC viết chữ Hán Mông Thọ 矇 樹 có nghĩa là: “Hừng sáng mặt trời vừa ửng trên ngọn cây”, chính là nghĩa của từ Miên Chong Russei.
Trang 495:
Cụ VHS viết: “Chỗ này dịch giả là Nguyễn Tạo nhận định trúng duy nơi đoạn tiếp, ông viết “Cách phía đông nam chỗ đầu Náo Khẩu (Cửa Chầm)... “Cửa Chầm” là gì và “Chỗ đầu Náo Khẩu” là gì, nơi đoạn này, rõ lại ông quá dốt không biết vàm là gì, nên ông dùng chữ “Cửa Chầm”, và Náo Khẩu đúng ra là Vàm Nao mà ông vì chút tự ái mình là Cử nhân Hán nên không chịu khó hỏi lại người bản xứ, thành thử công việc phiên âm của ông hóa ra vô dụng nếu không nói đã đầu độc cả những thế hệ kế tiếp”.
Thật ra cụ Vương đã liều quá. Náo Khẩu là Bưng Bùn được nguyên văn viết là 淖 口. Ông Tạo dịch “Cửa Chầm” tuy không đúng lắm nhưng cũng không sai mấy. Cụ Vương “dạy” ông Tạo [“Náo Khẩu” đúng ra là “Vàm Nao”] mới là sai nặng vì Vàm Nao, nguyên văn GĐTTC viết 汛 洨 là con kinh nối liền bờ nam Tiền Giang với bờ bắc Hậu Giang và hai bên mé kinh này một bên là xứ Hòa Hảo và bên kia là Chợ Mới, còn Bưng Bùn Ca Âm (ông Petrus Ký gọi gọn Bưng Ca Âm) ở khoản giữa kinh Vĩnh Tế, tức khoản giữa từ đồn Châu Đốc tới bờ biển Hà Tiên gần biên giới Miên, nên Náo Khẩu Ca Âm không bao giờ có thế là Vàm Nao được vì hai nơi này ở cách xa nhau lắm, mà tính cách địa lý cũng khác xa.
Trang 503:
Cụ VHS viết: "Núi Khê Lập: đd.th. An Giang NV, Khê Lập sơn (PCGBCTVK) (...) GĐTTC tập 1 tr.72 viết “Khê Liệp (sic)... Tại sao cổ nhơn ở đây không dựa theo tiếng Cơ Me mà gọi núi này tỷ dụ núi Chơn Kiềng lại đặt tên hoàn toàn Việt là Khê Lập? Khê Lập hiểu là núi có khe đứng thẳng được không?”.
Nếu xem thẳng nguyên văn GĐTTC sẽ thấy THĐ viết 溪 獵 山 tức Khê Lạp Sơn. Chữ 獵 có thể đọc liệp hay lạp có nghĩa là săn bắn, nhưng phải đọc Khê Lạp vì địa phương gọi như thế. Nhà bác học TVK không bao giờ sai đến nổi đọc chữ lạp (獵) thành lập (立) mà chắc chắn đây là lỗi morasse của cuốn PCGBCTVK in lạp thảnh lập. Cụ Vương một phần vì tật cả tin ông Petrus Ký, một phần do không đọc được nguyên văn nên đã chê ông Nguyễn Tạo đọc Khê Liệp lả sai. Ông Tạo đọc Khê Liệp tuy không đúng tên gọi địa phương nhưng đúng với mặt chữ nguyên văn trong GĐTTC. Và nhứt định là không có chuyện đọc Khê Lạp thành Khê Lập để rồi hiểu là “Núi có khe đứng thẳng” như cụ Vương đã nhào nặn chữ nghĩa theo quán tính cá nhân mình được.
Trang 535:
Cụ Vương viết: “Phya Tan: nh d Người Quảng Đông, phủ Triều Châu, tên thật là Quốc Hoa (...) sau nhân dịp bắt được vua Miên là Phung (vua này mang bịnh hủi) bèn tự xưng vương, đặt mình làm vua Xiêm La quốc”.
Thật là nhầm lẫn hết chỗ nói! Phya Tan tên là Trịnh Quốc Hoa, nối nghiệp cha coi một vùng đất ở Xiêm sau tiếm ngôi làm vua Xiêm. Phya Tan không có bắt vua Phung của Miên bao giờ vì vua Phung là vị vua Xiêm La tàn bạo chớ không phải vua Cao Miên, và nhân vua Xiêm Phung này mất lòng dân nên quân Miến Điện mới cử binh sang đánh tan tành nước Xiêm, bắt vua Xiêm Phung và thái tử Chiêu Đốc. Con thứ ba của vua Phung là Chiêu Xỉ Xoang chạy qua Miên, còn con thứ hai là Chiêu Thúy chạy sang Hà Tiên của ta. Nhân nước Xiêm vô chủ, Quốc Hoa tức Phya Tan mới tụ tập đồ đảng tiếm ngôi. Không biết cụ Vương đã căn cứ vào sách vở nào mà chép một đoạn sai lầm như thế!
Trang 582:
Cụ VHS viết: “Từ sông Sóc Trăng (Nguyệt Giang) đi về ngả hướng tây tám dặm đến chợ Bãi Xàu (Mỹ Xuyên), 25 dặm đến ngả ba Lộ Kinh (lộ là con cò) tục danh sông Cổ Cò”.
Nguyên văn trong GĐTTC ở chỗ nầy viết 鷺 頸 đọc là Lộ Cảnh tức Cổ Cò. Chữ頸 Từ nguyên phiên âm “Kỷ ảnh thiết, độc như cảnh”, vậy phải đọc là cảnh có nghĩa cái cổ chớ không đọc là kinh được. Chư kinh viết là 涇 trông dễ nhầm với chư cánh nên cụ Vương hay ai đó đọc giùm cụ đã lầm.
Trang 604:
Cụ VHS viết: “GĐTTC tập 1, tr.78, viết Mỹ Lung thay vì Mỹ Lồng là dốt tiếng nói trong Nam (tuy chữ viết Mỹ Long nhưng phải đọc Mỹ Lồng mới đúng giọng người bản xứ)”.
Nguyên văn GĐTTC chỗ này viết là 美 篭 tức Mỹ Lồng. Chữ 篭 là chữ Nôm đọc là Lồng, ông Tạo hiểu lầm là chữ Hán nên đọc Lung tuy có sai tên gọi thật tế địa phương nhưng cũng đúng âm mặt chữ Hán. Còn cụ Vương cho là tuy viết long nhưng phải đọc lồng mới đúng giọng người bản xứ là hoàn toàn sai vì nguyên văn viết 美 篭 đọc thẳng là Mỹ Lồng chớ không phải vì giọng địa phương gì cả. Chữ lồng Nôm viết đủ là (籠).
Trang 605:
Cụ VHS viết: “Trong bản dịch GĐTTC tập 1, tr.84, Nguyễn Tạo không rành tiếng địa phương và cứ coi theo sách dịch ra, nên Cái Tắt Lai Vung ông dịch: Cái Dắt Lai Phong, không ai hiểu là gì?.
Chỗ nầy đúng là ông Tạo dịch Cái Dắt Lai Phong là hoàn toàn sai, nhưng sai là do tự ông Tạo đọc sai chữ Nôm trong nguyên văn chứ không phải do nguyên văn viết sai là Cái Dắt Lai Phong rồi ông Tạo không rành tiếng địa phưong cứ coi theo sách dịch ra mới lầm, mà thật ra nguyên văn viết 丐 𢴑 来 𡑵 chữ Nôm phải đọc là “Cái Tắt Lai Vung” như tên gọi địa phưong.
Trang 720:
Cụ VHS viết: “Xép Chân Cần Lung (...) chữ lung và chữ thơ trong Nôm tự có thể nào lầm lộn nhau được chăng? Và Cần Lung biến ra Cần Thơ được không?” - Xin thưa là không được vì chữ thơ có thể viết nhiều cách tùy theo nghĩa như 少 疎 là thơ ngây, 𠽔 là thơ ấu, 疎: lá thơ (Une Lettre), 書: thơ văn, 他: thơ thẩn, hoàn toàn không thể lầm lộn với chữ lung được viết 篭 hay viết đủ là 籠. Vả chăng tên tỉnh Cần Thơ được viết bằng chữ Hán là 芹 苴 cho nên không thể có chuyện “Cần Lung” biến ra “Cần Thơ” được.
Trang 735:
Cụ VHS viết: “Gành Rái dịch là Lãi Cơ, Lãi Ky đều được”.
Xin thưa là không được. Con rái cá chữ Hán viết là (獺) tức chữ lại (賴) cộng bộ khuyển bàng (犭) đọc là thát. Người sơ ý thấy chữ lại nằm trong chữ thát đọc nhầm là lại hay lãi. Tiếng Nôm gành, chữ Hán viết là 磯 đọc là ky vì Từ nguyên phiên âm “Cái Y thiết âm Ky”. Vậy Gành Rái chỉ dịch là Thát Ky chớ không thể dịch là Lãi Cơ hay Lãi Ky hay Thát Cơ được.
Trang 741:
Cụ VHS viết: “Núi Châu Thới (...) Xưa bà Lượng lập am Vân Tĩnh tu nơi đây, nên gọi chùa Vãi Lượng, chùa sau bị Tây Sơn phá.
Bà Vãi Lượng không có lập am tu tại núi Châu Thới mà chỉ lập am Vân Tĩnh tại Lượng Ni sơn tức núi Vãi Lượng. Núi này nằm kế núi Dài, núi Nứa gần Long Thành, cách núi Châu Thới mấy mươi dặm. Núi Châu Thới là núi tổ của một hệ núi, hướng đông chạy tới Long Thành, hướng đông nam chạy tới Gò Công. Núi Vãi Lượng này có thời kỳ được Nguyễn Lữ dùng làm nơi đồn binh. Nói rõ lại chùa Vãi Lượng chỉ nằm trên núi Lượng Ni trong hệ núi Châu Thới.
Chấm dứt bài góp ý này, chúng tôi xin đưa ra nhận xét là GĐTTC của Trịnh Hoài Đức hầu như là cuốn sách đáng tin cậy nhứt cho những ai muốn nghiên cứu địa chí Nam Bộ, nhưng sách viết bằng chữ Hán pha Nôm rất hóc hiểm. Vậy mấy anh em lớp sau muốn dấn thân nghiên cứu GĐTTC phải ráng học chuyên sâu Hán Nôm mới được, đừng nghiên cứu qua vay mượn bản dịch người khác như cụ Vương Hồng Sển chẳng hạn.
Song Hào Lý Việt Dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét