Học giả Lý Việt Dũng phát biểu trong một hội thảo tại Văn Miếu Trấn Biên 2015 |
Song Hào Lý Việt Dũng
Phật giáo Hoa Việt cứ vào tháng bảy âm lịch mỗi năm, chính thức là ngày Rằm, đều tổ chức long trọng lễ Thủy Lục Pháp Hội, còn gọi Thủy Lục Đạo tràng hay chỉ gọi tắt là Thủy Lục. Nhiều học giả cho rằng Thủy Lục Pháp Hội là sự kết hợp giữa Lục Đạo Từ Sám tức Lương Hoàng Sám của Lương Võ Đế và Minh Đạo Vô Già Đại Trai của Đường Mật Tông. Nhưng theo quyển 33 Phật giáo Thống kỷ thì tối sơ, Thủy Lục Pháp Hội do Lương Võ Đế nằm mộng thấy tăng khải thị rồi sau đó được báo chí khuyến thuyết, tra cứu nghi văn trong Đại Tạng mà soạn thành nghi thức và kiến lập đại lề lần đầu tiên tại chùa Kim Sơn vào năm Thiên Giám thứ 4 (505 Tây lịch).
Nói rõ hơn, Thủy Lục Pháp Hội còn gọi là Thủy Lục Trai, Thủy lục Đạo Tràng, Bi Trai Hội, là một trong những lễ hội giàu tính từ hi thí cúng vật thực cho ma đói thuộc loài hữu tình trên bờ, dưới nước, hầu cứu bạt chúng bớt khổ. Theo quyển 4 sách Chính Môn Thống Kỷ thì sở dĩ gọi là Thủy Lục Pháp Hội là vì “Chư tiên trí thực ư lưu thủy, quỷ trí thực ư tịnh địa (lục)”. Về ý nghĩa lợi lạc của Thủy Lục Pháp Hội chúng tôi trích câu nói của Tông Trách trong “Thủy Lục Duyên Khởi” đế minh định: “Nay ta cúng Phật hay dâng trai cho một vị Tăng còn có công đức vô lượng, huống hồ cúng dường thể tam bảo mười phương, vạn linh trong lục đạo.(Kim chi cúng Phật, trai nhất Tăng thượng hữu vô hạn công đức, hà huống phổ thông cúng dường thập phương tam bảo, lục đạo vạn linh).
Trước đây pháp sư Thủy Lục được tổ chức bảy ngày bảy đêm và phân ra Nội Đàn và Ngoại Đàn. Chuyện Vu Lan thắng hội, Đại Mục Kiền Liên bạch Phật cứu mẹ ra khỏi ngạ quỷ đạo... đã được bao nhiêu sách vở Phật giáo nói đến nên chúng tôi chỉ xin nói về một nghi thức trong Thủy Lục Pháp Hội mà nay có lẽ chỉ còn là vang bóng: đó là tục thí giàn thuộc phần Ngoại Đàn của cuộc lễ, một tục lệ chỉ thạnh hành ở miền Tây Nam bộ nhất là tại các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau, nơi có nhiều Hoa kiều cư ngụ và do chúng tôi là người Bạc Liêu nên chỉ xin kể lại những gì mắt thấy tai nghe về chuyện “thí giàn, giựt giàn” tại quê nhà mà thôi.
Tục này có lẽ bắt nguồn từ tín ngưỡng người Hoa. Nhất là người Tiều và người Tiều lưu cư tại Bạc Liêu rất đông nên tục thí giàn này cũng rất thịnh hành tại đây, thực tế mà nói là chỉ diễn ra ở các chùa lớn của người Tiều trong tỉnh như chùa Minh, chùa Bang, chùa Cây Me, chùa Ông Tề... Nhân đây cũng xin đính chính ngộ nhận của một số người khi giải thích đây là lễ Thí Vàng tức “thí vàng mã” mà người Nam bộ gọi là “giấy tiền vàng hạc” cho ma quỷ. Xin thưa thí giàn đây có nghĩa là “thí vật phẩm đặt bày nơi giàn cổ cao mấy từng” cho người ta giựt.
Do khi xưa nơi nào thí cúng cô hồn cũng cất giàn cao bày lễ vật cho người ta leo lên mà giựt nên từ giựt giàn đã phổ biến sâu rộng trong dân gian, nên dù về sau các hình thức thí thực có thay đổi, như thí bằng thẻ, ai nhặt được thẻ tùy theo số ghi trên thẻ mà lãnh quà, hay vật thực được bày trên mặt đất cho người ta ùa vô mà giựt cũng gọi chung không phân biệt là thí giàn và những người đi giựt cũng gọi chung là giựt giàn. Thậm chí tại tư gia người bình dân cúng vài nải chuối, ít cái bánh, năm ba ký khoai, chục khúc mía cho con nít trong xóm giựt cũng gọi là thí giàn. Nói chung thí thực có bốn hình thức bề thế khác nhau là:
1. Thí giàn chánh thức trên giàn cao.
2. Thí giàn bằng ném thẻ ghi số.
3. Thí giàn bày vật thực trên sân trống.
4. Thí giàn cò con tại mỗi nhà.
Sau đây chúng tôi xin tuần tự thuật rõ từng loại “Thí giàn”. Trước hết xin nói về thí giàn chánh thức. Theo tập quán tín ngưỡng Phật giáo dân gian mà chúng tôi cho là thắm đượm tính nhân đạo, nhất là người chết dù có tội nặng thế mấy, dù có phải sa địa ngục chịu đói khát thì vẫn là những chúng sinh đáng thương, cho nên mỗi năm vào tháng Bảy, dưới âm ty thể theo lòng từ bi của Phật, mở cửa ngục cho họ lên dương thế thọ hưởng thí cúng của chùa chiền và nhà dân gian trong một tháng kể từ ngày mồng 1 cho đến hết ngày 29 hay 30 tháng Bảy tùy tháng đủ thiếu. Lại nữa, các cô hồn hung chung, chết oan chết ức, không mồ không mả, hay mồ xiêu mả lạng cũng là những chúng sinh quanh năm đói khát không người phụng cúng rất đáng thương, nhằm dịp trung nguyên cũng được đoái hoài thí thực. Lễ Thủy Lục Pháp Hội khi xưa thường tổ chức bảy ngày bảy đêm, nhưng cũng tùy hoàn cảnh củng tình trạng kinh tế mỗi chùa mà có thể gia giảm, phổ biến là ba ngày ba đêm và chia ra nội đàn và ngoại đàn. Nội đàn cúng chư Phật và Bồ tát, ngoại đàn cúng thủy lục hữu tình cô hồn. Địa điểm ngoại đàn thường thiết lập tại bãi đất trống của chùa. Người ta dựng lên một cái giàn bằng gỗ rất chắc chắn. Giàn này hình tháp cụt và thiết kế như các tháp thờ, tức có nhiều từng, trung bình có ba từng không kể từng dưới mặt đất. Mỗi từng được đóng mặt bằng ván chắc chắn và tùy cách bố trí thí vật của mỗi chùa, nhưng tựu trung các vật thực có giá trị được đặt bày trên từng cao nhất. Có làm cây thang để các sư lên giàn tụng kinh chẩn tế. Trên giàn cao nhất có đặt bàn thờ Phật và hình nhơn hai ông Thiện và Ác. Ông Ác tức Tiêu Diện Đại sĩ mà cái lưỡi lè ra của ông được dân leo giàn rất chiếu cố vì ai giựt được sẽ bán cho người nhà giàu giá khá cao để họ lận túi bùa cho con cháu mình đeo được mạnh giỏi.
Mấy đêm đầu không khí trang nghiêm mà vui nhộn ở nội đàn trong chùa vì nơi đây các kinh sư mà người bình dân kêu trịch thượng là mấy ông “thầy cúng” luân phiên tụng kinh và chạy kinh đàn trông rất vui mắt mà cảm động. Do số kinh sư trong một địa phương có hạn mà mỗi Thủy Lục Pháp Hội vân tập rất nhiều kinh sư, nên các chùa trong tỉnh thỏa thuận nhau bất thành văn là tổ chức các lễ Thủy Lục vào các ngày khác nhau, để điều phối thuận tiện các kinh sư đồng thời cũng để các cô hồn sống tức dân giựt giàn được tham dự đều khắp. Xin nói trở lại các vật thực bày trên giàn cao nhất gồm có bẹt hạng là trầu, cau, khoai lang sống, chuối sống, bánh cúng, bánh cấp được đựng trong các giỏ lam, giỏ là. Giỏ lam là các giỏ nhỏ đan sơ sài bằng cật tre non. Giỏ là tức các rế nồi đan sơ bằng ruột tre. Bánh cúng, bánh cấp là bánh bằng nếp được gói bằng lá dừa có khi chêm ít hột đậu. Khá chút là giỏ lam giỏ là đựng khoai chuối nhưng có đệm thêm trái bưởi. Kế đến là các bao cà ròn đan bằng cỏ bàng đựng chừng năm ký gạo hoặc năm ký muối cột túm đầu. Thường thường trên một giàn được đặt bày chừng một trăm giỏ lam, giỏ là và chừng năm mươi bao muối gạo. Kế đó là các thứ đụn như đụn kẹo, đụn cốm, đụn thịt, đụn bạc cắc, đụn rau muống (có giắt kèm theo tiền giấy). Đụn được đan bang cật tre hình tháp nhọn, kích thước to nhỏ khác nhau. Đụn nhỏ nhất đường trực kính sáu tấc, chiều cao cỡ tám tấc. Đụn phổ biến nhất đường trực kính chừng một thước, chiều cao hai thước. Đụn cổ là đụn to nhất đường trực kính hai thước, chiều cao ba thước ngoài, phải hai ba người mới nhấc nổi. Ngoài thành đụn người ta gắn kẹo đậu phộng dầy cỡ hai phân, trên đầu đụn có gắn cây cờ đuôi nheo ngũ sắc sặc sở làm tăng dáng vẻ uy nghị đẹp đẽ của chiếc đụn. Bốn gốc đài mỗi gốc cột một chùm mía ba cây cột chụm đầu và nơi đầu mía treo tòng teng cái đùi lợn gồm cả một mảng thịt to. Tâm lý kẻ đi giựt giàn không phải do lợi mà là vì danh dự của xóm làng mình, bởi mỗi mùa trung nguyên dân anh chị các xóm khác nhau giật cho được mấy chiếc đụn cổ để rồi đem về xóm chia nhau mừng vui khoe thành tích chứ không cần bán chác. Người Việt gốc Miên đi giựt giàn không tranh giành mấy chiếc đụn gì cả, mà chỉ mang theo chiếc bao tổ bố lùa bất cứ khoai chuối gì cũng được miễn nhiều là tốt vì họ tin là nếu năm nào giựt được nhiều thì năm đó trúng mùa, gia đình mạnh khỏe. Dân anh chị muốn giựt được đụn không thể đi cu ki được mà phải dàn người phân công một số lên đài, một số đứng dưới giàn.
Số lên giàn cũng phân công một tốp lo giựt đụn phóng xuống một tốp lo bao che bảo vệ phe mình, thậm chí nếu cần cũng không ngại động thủ đánh với phe khác. Nhóm dưới giàn cũng chia hai tốp, một tốp lo đón lấy mấy chiếc đụn do phe mình giựt được trên đài cao thẩy xuống, một tốp lo bảo vệ những chiếc đụn giật được khỏi bị người khác giật hôi khỏi tay ngay dưới giàn. Nếu giàn nào được thiết lập kế bên bờ sông như giàn chùa Cây Me chẳng hạn thì dân anh chị phân công cả ghe lườn chực chờ dưới mé để đón đụn, báo hại mấy chú phú lít, mã tà phải hết hơi thét đuổi phải dang ra xa bờ. Do giàn xây theo thể thức các tháp nhiều từng mà sàn ván mỗi từng de ra khỏi giàn tháp một chỏng tay nên người leo giàn phải có sức khỏe, sự khéo léo, kỹ thuật và can đảm, tức khi muốn lên mỗi từng họ phải đưa bàn tay nắm lấy bìa sàn ván rồi lộn ngược người để lên từng trên. Đây là một động tác không phái dễ nên có lắm anh hai tay ôm lấy bìa ván lắc lư rồi rơi trở lại đất chớ không đu mình lên trên được. Tệ hại hơn nữa là có một anh lúc leo lên giàn ở chùa ông Tề bị tuột mất chiếc quần “tà lỏn” mà không dám buông tay rơi xuống phải bám mép giàn mà la làng khiến Ban tổ chức phải đem thang ra cho anh ta lần xuống rồi hỗ thẹn lủi mất trong đám đông. Còn không khí thí giàn thì ai có mục kích mới thấy hết cái sôi động, hào hứng, căng thẳng của người đi giựt, mấy người phú lít gìn giữ trật tự và đông đảo người đi coi: thường thường giờ xô giàn được định khoảng hai, ba giờ chiều thì ngay từ sáng đồng bào đã lục tục đem phẩm vật cúng dường tới và được chuyển lên đặt trên các từng ván. Các đụn kẹo được chuyên lên tận từng trên càng lúc càng nhiều khiến cái giàn càng lúc trông càng thêm hấp dẫn. Mặc dù giờ xô giàn được định là hai giờ nhưng từ sớm đã có người đến chen chúc nhau giành chỗ đứng coi. Giàn được ngăn chặn bởi nhiều lớp dây luộc giữ người xem và đi giựt phải đứng cách giàn chừng mươi mét, bên trong phú- lít mã- tà (cảnh sát) mươi người cầm roi cá đuối luôn tay quát nẹt, miệng quát mắng. Sau khi xác ông Tề, ông Quan Công, hay ông gì đó tùy theo mỗi chùa lên giàn xem xét các vật phẩm xong là giờ xô giàn sắp bắt đầu. Một điều nên ghi nhận là nếu chẳng may cái đụn nào do ai cúng mà bị người lên xác ông chê ném bỏ xuống giàn vì cho là nhơ uế thì người phụng cúng đó hết sức lo sợ và phải cúng dầu chịu phạt. Dân đi giựt giàn chuyên nghiệp nghe quen kinh nên khi tiếng tụng kinh của các sư bên trong chùa sắp chấm dứt thời kinh cuối cùng là họ đều biết nên tinh thần khẩn trương da thịt rung giật như người sắp ra trận. Người ta xô đẩy nhau để chạy vô giàn cho nhanh hoặc giả để coi cho rõ khiến quang cảnh vô cùng khẩn trương căng thẳng. Và khi một hồi trống liên tục vang lên là chúng ta chỉ nghe một “cái ì” rồi thì bao nhiêu người tranh nhau chạy về chân giàn rán sức đu người leo lên, trì kéo xô đẩy, la hét giành giựt làm khoai chuối văng tung tóe, rồi thì cảnh náo loạn trên đài cao bắt đầu cùng lúc với cảnh giành giựt dưới đất khi đụn được quăng xuống. Ai có từng đi coi đám biểu tình lớn xung đột với lực lượng cảnh sát mới hình dung được cái cảnh náo nhiệt giựt giàn. Chừng mươi phút thôi là giàn lại trống vắng, ngược lại dưới đất đông nghẹt người, ai cũng ôm chặt chiến lợi phẩm trong tay, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, ơi ới gọi bạn bè hỏi han kết quả cùng khoe thành tích của mình, trong khi dân anh chị được chòm xóm mình hộ tống khuân các đụn cổ dần dần ra khỏi đám đông ra về trong chiến thắng. Nhìn chung ai cũng hả hê và không có điều gì quá đáng xảy ra. Tuy nhiên không phải lúc nào cũng êm xuôi như thế, vì có nhiều năm tại chùa này chùa khác cuộc vui không trọn vì xảy ra chuyện phá giàn đưa đến phản ứng đàn áp tất nhiên của phú -lít mã- tà mà nhiều khi trầm trọng đến phải đổ máu.
Nhưng rồi một năm kia giàn chùa Bang sập làm chết bốn người và bị thương mấy chục người khiến chánh quyền phải can thiệp cấm giựt giàn mà chuyển sang giựt thẻ. Giựt thẻ có cái hay là thí vật còn nguyên vẹn trong chùa, ai giựt được thẻ nào thì tùy theo số thẻ ăn với số ghi trên thí vật mà đến lãnh. Tuy nhiên giật thẻ có mặt không tốt là người quăng thẻ có thể thiên vị quăng nhiều thẻ nhất là các thẻ nhận đụn về phía người thân mình đứng hoặc năm nào cũng có lời ra tiếng vào là các tay quăng thẻ đã tẩng lại không ném các thẻ có số nhỏ lãnh đụn kẹo.
Một hình thức khác nữa là giựt “giàn” dưới đất mà điển hình là tại chợ cá Bạc Liêu thường diễn ra vào lúc bốn giờ chiều. Ngay từ 12 giờ trưa chợ cá đã được dọn rửa sạch sẽ bày thí phẩm trên khoảng nền trống thật rộng. Nghi thức cúng kiến cũng giống như giật giàn cao và sự sinh động có phần hơn nữa vì cảnh giành giựt chỉ diễn ra dưới mặt đất nên có rất nhiều người tham gia.
Sau cùng là thí “giàn” tại gia tuy thí phẩm có phần khiêm tốn nhiều so với thí giàn nơi chùa miếu, cơ quan, vì nhà nào thí quạu lắm cũng chẳng bao giờ có tới cái đụn, mà phổ biến chỉ là giỏ lam, giỏ là, chuối khoai, bánh gạo, bạc cắc, mía mà thôi nhưng sắc thái thì cũng hết sức sinh động. Thí “giàn” tại gia thường diễn ra vào ngày 29 hay 30 cuối tháng Bảy lúc bốn năm giờ chiều. Đặc biệt dân đi giựt “giàn” tại gia không có người lớn tham gia mà cũng không có trẻ nít làng khác đến dự mà chỉ là các tiểu cô hồn sống trong xóm. Chúng tụ tập thành nhóm chừng hai mươi đứa trong đó không thiếu mấy cậu con nhà giàu tham gia vì vui. Giựt hết nhà này chúng sang nhà khác và mặc dù không có phú lít mã tà canh giữ nhưng chuyện phá giàn rất ít khi xảy ra. Theo bản thân chúng tôi cảm nhận thì giựt giàn là kỷ niệm vui nhất, sâu sắc nhất của thời thơ ấu.
Rồi thì hoàng hôn sụp xuống, ngày thí thực cuối cùng chấm dứt. Trong tín ngưỡng người Phật giáo, cửa ngục đã được đóng lại sau một tháng mở toang. Các cô hồn hay tội nhân lại lâm cảnh đói khát để trông chờ lễ hội Vu Lan năm sau. Ít ra cũng có niềm hy vọng ... Một thoáng gợn buồn cho những ai có tâm hồn lãng mạn đượm từ bi.
Mùa vu lan- hậu học Lý Việt Dũng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét