Thứ Ba, 17 tháng 1, 2017

CÔNG NỮ NGỌC VẠN!

Bài của Thầy Bửu Minh (Nguyễn Hiền Đức)

I- VÙNG ĐẤT BÀ RỊA-ĐỒNG NAI-GIA ĐỊNH NGÀY XƯA
Bà Rịa ngày xưa được gọi là Bà Lị, hay vùng Mô Xoài.


Tác giả Bửu Minh- Nguyễn Hiền Đức
Đồng Nai ngày xưa gọi là Lộc Dã hay Lộc Động (theo chữ Nho), gọi là Đồng Nai là vì vùng này trước kia là cánh đồng có nhiều nai.
Gia Định ngày xưa nổi tiếng với Bến Nghé và Sài Gòn.
Vùng đất Bà Rịa-Đồng Nai-Gia Định ngày xưa thuộc lãnh thổ nước Phù Nam. Sau khi vương quốc Phù Nam suy tàn, Chân Lạp phát triển, một số bộ tộc Phù Nam như Mạ, Chu Ru, Cọp, Che Sre, Koho, Lat... rút về sống ở vùng lưu vực sông Đồng Nai, lên đến tận cao nguyên Lâm Viên (Lâm Đồng ngày nay), lập thành nước Châu Mạ (Chu Mạ).
Khi vương quốc Chân Lạp thôn tính Phù Nam, tiểu quốc Châu Mạ cũng phải chịu thần phục Chân Lạp, nhưng vẫn còn được tự chủ nhờ ở xa kinh đô Angkor của Chân Lạp (vùng Đế Thiên - Đế Thích). Tiểu quốc Châu Mạ nằm giữa nước Chiêm Thành và Chân Lạp.

Đến thế kỷ 17, nước Chân Lạp bị suy yếu và phải dời kinh đô về Oudong.
Năm 1620, Chúa Sãi (Nguyễn Phước Nguyên) gả công chúa Ngọc Vạn cho vua Chey Chetta II của Chân Lạp, người Việt bắt đầu can thiệp vào triều đình Chân Lạp, và vào làm ăn ở vùng Đồng Nai, tiểu quốc Châu Mạ cũng tan rã. Các bộ tộc nhỏ như Mạ, Srê, Kôhô, Cọp, Cil... tránh xa nơi người Việt đến sinh sống vì sợ thế lực của triều đình chúa Nguyễn. Các bộ tộc này lui dần lên vùng rừng núi hoang vắng của thượng lưu sông Đồng Nai và lên đến tận cao nguyên Lâm Viên và Tây Nguyên.

Vùng đất Bà Rịa, Đồng Nai khi người Việt mới đến cư trú là vùng rừng núi rậm rạp, hoang vu với những khu rừng rậm trải dài từ Rừng Lá đến vùng thác Trị An của vùng hạ lưu sông Đồng Nai và vùng rừng rậm giữa lưu vực sông Đồng Nai và sông Bé.

Trong vùng rừng rậm bạt ngàn với các cổ thụ xưa, đi trong rừng cả ngày không thể nhìn thấy được mặt trời, thỉnh thoảng lại có một số núi lẻ loi, những ngọn núi cuối cùng còn sót lại của dãy Trường Sơn hùng vĩ như núi Chứa Chan (hay núi Gia Ray - Long Khánh), núi Thị Vãi, núi Dinh, núi Kỳ Vân (núi Châu Viên - Châu Long) ở Bà Rịa, núi Bửu Long, núi Long Ẩn (Biên Hòa), núi Châu Thới (Bình Dương) và núi Bà Đen ở Tây Ninh.

Vùng rừng núi Bà Rịa-Đồng Nai-Gia Định ngày xưa rất hoang vắng, cây cối rậm rạp, đủ các loại thú rừng, từ loại thú nhỏ nhoi hiền lành như hươu, nai, thỏ, khỉ…, các loại chim đẹp như công, trĩ, hạc… đến các loại thú dữ như cọp, beo, voi, gấu…, các loại bò sát như trăn, rắn, rít… và có cả tê giác.

Dưới nước trong rừng hay trên sông rạch, có đủ các loại cá, từ cá trê, cá lóc, cá sặc, cá bông lau, đến cả cá chép, ngoài ra lại còn có cả cá sấu, rùa và đỉa nữa. Vì vậy, ca dao ở Đồng Nai có câu:
Dưới sông cá lội,
Trên rừng cọp um.

Một bài thơ xưa ở chùa Long Ẩn cho chúng ta biết khung cảnh thiên nhiên thời xưa ở vùng núi Bửu Long, Long Ẩn như sau:

Trên chùa Long Ẩn, dưới truông voi
Nước bích xem coi rất mặn mòi
Sóng bủa gành nghê hình quái cổ
Nước xao hàng rắn, tiếng reo còi.

hoặc như cảnh rừng núi Bửu Long, được một thiền sư viết thành câu đối ở chùa Bửu Phong như sau:
“Bửu thạch long đầu, cổ cảnh linh qui tại
Phong sơn hổ cứ, vạn đại chiếu phụng tồn”

tạm dịch:
Đá bảo rồng chầu, cảnh xưa chùa linh hiện
Đỉnh núi cọp ngự, muôn đời phụng còn đây.

hoặc câu:
“Bửu Nhạc phối tề y khê lãnh
Phong sơn quang mỹ tợ Kỳ Viên”
(Núi Bửu Long đẹp tợ như núi Nam Nhạc hoa sen nở khắp
Cảnh núi đẹp như rừng Kỳ Viên)

Ngày xưa, đi vào vùng đất Bà Rịa-Đồng Nai-Gia Định, chèo ghe thì sợ cá sấu dưới sông, bước xuống nước trong rừng thì sợ rắn, đỉa, lên rừng chẳng phải sợ thú dữ như cọp, beo, voi, gấu… mà còn sợ cả ma quỷ:
“Chèo ghe sợ sấu cắn chưn
Xuống sông sợ đỉa, lên rừng sợ ma”
Cảnh rừng rậm hoang vắng lại âm u, cây cối chằng chịt, đi trong rừng suốt ngày không thấy được ánh mặt trời, thú dữ thì khắp nơi, trên mặt đất thì gặp cọp, beo, voi… Dưới nước thì cá sấu kêu như trâu rống, đỉa nhiều như bánh canh…
Trong cảnh rừng núi rậm rạp âm u đó, người dân lúc nào cũng nơm nớp lo sợ, chẳng những sợ thú dữ hay thú độc mà còn kinh hoàng hơn nữa trước cảnh xuất hiện của ma quái yêu tinh.
Ma quái còn ít sợ, yêu tinh mà quấy phá thì hết đời!
Giữa cảnh thiên nhiên rừng núi hoang vu, bao la, huyền bí như thế, người dân đi trong rừng lúc nào cũng lo sợ phập phồng, một tiếng chim vỗ cánh, một tiếng hót của chim, một tiếng cá đớp mồi… cũng làm kinh hoàng khiếp vía, nên ca dao có câu:

Tới đây xứ sở lạ lùng
Chim kêu phải sợ, cá vùng phải kinh

hoặc:
Cỏ mọc thành tinh
Rắn đồng biết gáy

Rừng núi gặp thú dữ, ma quỷ, vùng ao bàu, đầm lầy lại gặp cảnh:
Muỗi kêu như hát bội
Đỉa lội như mắm nêm
hoặc:
Muỗi kêu như sáo thổi
Đỉa lội như bánh canh

Trước cảnh khủng khiếp, nguy hiểm như thế, muốn khai phá rừng, vỡ đất làm ruộng rẫy, người dân phiêu bạt thời đó phải lo chống lại thú dữ, bắt heo rừng, đánh cọp, đuổi beo, săn bắt cá sấu… đều là các việc nguy hiểm và nặng nghiệp, nên tục ngữ có câu: “Nhứt phá sơn lâm, nhì đâm hà bá”.

Nhưng vì phương tiện sinh sống nên phải chịu gian nguy, cực khổ và dũng cảm hy sinh cho tương lai gia đình và cho thế hệ mai sau của đất nước:
Làm trai cho đáng nên trai
Phú Xuân cũng trải, Đồng Nai cũng từng !

Những chàng trai phiêu bạt giang hồ, tìm đất mới cho gia đình, cho quê hương, phải tha phương cầu thực, chịu biết bao gian lao nguy hiểm… Cảnh gian khổ, chua xót của kẻ viễn khách tha phương làm cho người dân địa phương nặng tình thương mến luyến lưu.

Rồng chầu ngoài Huế
Ngựa tế Đồng Nai
Nước sông trong sao lại chảy hoài
Thương người xứ lạ lạc loài đến đây
Tới đây thì ở lại đây
Bao giờ bén rễ xanh cây hãy về

Người đi xa, kẻ ở chốn quê nhà đều nặng tình thương mến, đã có nhân duyên gặp gỡ thì trăm năm vẫn giữ mối tình thắm thiết và giữ tròn lời ước nguyện:
Bao giờ cạn lạch Đồng Nai
Nát chùa Thiên Mụ mới phai lời nguyền
Sau khi khai phá rừng núi, khai hoang ruộng đất ở Bà Rịa-Đồng Nai, số người dân đến Bà Rịa-Đồng Nai dựng nghiệp ngày càng đông, gồm cả người Việt và người Trung Hoa, dân số gia tăng nhanh, đất đai trở nên chật hẹp, thiếu thốn, người dân ở Đồng Nai hoặc những người dân mới từ miền Trung, hay từ Trung Hoa đến (quân dân nhà Minh không chịu thần phục nhà Thanh, sang thần phục chúa Nguyễn), phải tiến xuống Sài Gòn.
Hiện chưa biết cộng đồng người Việt và một số ít người Trung Hoa đến Đồng Nai-Sài Gòn từ lúc nào? Chỉ biết rằng vào thời chúa Nguyễn, người Việt đến Chân Lạp, đầu tiên sống ở Mô Xoài (hay Môi Xuy), tức vùng núi Dinh (Bà Rịa-Vũng Tàu ngày nay, sau đó tiến lên vùng trung lưu sông Đồng Nai, tức vùng Biên Hòa (Đồng Nai), rồi sau tiến xuống hạ lưu sông Bé và sông Sài Gòn, sống ở vùng Bến Nghé và Sài Gòn (Sài Gòn-Chợ Lớn).

II. PHÁT HIỆN THÁP TỔ SƯ NGUYÊN THIỀU- SIÊU BẠCH VÀ THÁP PHỔ ĐỒNG THỜ CÔNG CHÚA NGỌC VẠN Ở CHÙA KIM CANG (TỈNH ĐỒNG NAI).

Ngày 26-12-1988, tôi phát hiện: bảo tháp của Tổ sư Nguyên Thiều-Siêu Bạch và tháp Phổ Đồng ở nền chùa Kim Cang, tại ấp Bình Thảo, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.

Tôi viết bài “Phát hiện mới về tháp của Tổ sư Nguyên Thiều-Siêu Bạch, tháp Phổ Đồng và chùa Kim Cang” đăng trên báo Đồng Nai, số 688, ngày 16-5-1989. Sau đó, bổ sung đầy đủ hơn trong bài “Phát hiện mới về tháp của Tổ sư Nguyên Thiều- Siêu Bạch, tháp Phổ Đồng và chùa Kim Cang ở Đồng Nai” đăng trên hai số báo Bán nguyệt san Giác Ngộ: ngày 15-6-1989 và ngày 01-7-1989, trong đó có hình Tháp Tổ sư Nguyên Thiều- Siêu Bạch và Tháp Phổ Đồng .

Trước nền chùa Kim Cang xưa có hai ngôi tháp cổ: Tháp của Tổ sư Nguyên Thiều- Siêu Bạch (1648-1728) và tháp Phổ Đồng thờ Công chúa Ngọc Vạn và quân dân Việt hy sinh trong cuộc kinh dinh vùng đất Bà Rịa-Đồng Nai-Gia Định.

1.Tháp Tổ sư Siêu Bạch-Nguyên Thiều.


(Xem Hành trạng Tổ sư Nguyên Thiều-Siêu Bạch trong sách “Lịch sử Phật giáo Đàng Trong” của Nguyễn Hiền Đức, nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, năm 1995)

2. Tháp Phổ Đồng ở chùa Kim Cang:

Tháp Phổ Đồng ở chùa Kim Cang

Các sách sử đời chúa Nguyễn không cho biết tông tích về công chúa Ngọc Vạn vì bí mật quốc gia, nhưng các sách sử của Cao Miên có đề cập đến việc chúa Sãi (Nguyễn Phước Nguyên) gả con gái cho vua Chey-Chetta II vào năm 1620, nhưng cũng rất sơ lược.
Qua các sách sử hiện đại, và nhứt là từ sau khi chúng tôi phát hiện tháp Phổ Đồng và bảo tháp của Tổ sư Nguyên Thiều-Siêu Bạch ở chùa Kim Cang tọa lạc tại ấp Bình Thảo, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, chúng tôi có nhiều cứ liệu để xác minh vai trò công chúa Ngọc Vạn trong việc đưa dân Việt Nam di cư đến vùng đất Bà Rịa-Đồng Nai-Sài Gòn và việc hộ trì Phật giáo của Bà ở Chân Lạp rất là quan trọng trong lịch sử Việt Nam thời đó.

Tháp Phổ Đồng được làm bằng một khối hóa chất (ô dước trộn vôi, cát…) gồm hai phần : chiếc mão hoàng hậu (?) cao gần 2m, đáy mão hình tròn có đường kính gần 2m, chiếc mão đặt trên một nền tháp khối vuông, cạnh khoảng 2m, cao khoảng hơn 1m.

Theo truyền thuyết của dân địa phương: tháp Phổ Đồng là nơi thờ bà Công chúa, nhưng không ai biết Công chúa đó tên gì ! Họ chỉ biết rằng tháp Phổ Đồng do vị Tổ của chùa Kim Cang lập để thờ bà Công chúa, nhưng họ cũng không biết vị Tổ của chùa Kim Cang là vị sư nào?

Nhưng qua phát hiện bảo tháp của Tổ sư Nguyên Thiều-Siêu Bạch ở chùa Kim Cang, ở gần tháp Phổ Đồng, chúng tôi biết được chùa Kim Cang do Tổ sư Nguyên Thiều-Siêu Bạch sáng lập vào cuối thế kỷ XVII. Tổ sư Nguyên Thiều có nhiều liên hệ đến các chúa Nguyễn và Phật giáo Đàng Trong (xem sách Lịch sử Phật giáo Đàng Trong cùng tác giả).

Tổ sư Nguyên Thiều lập tháp Phổ Đồng ở chùa Kim Cang vào khoảng 1694-1695 cũng như Tổ sư đã sáng lập tháp Phổ Đồng tại chùa Quốc Ân tại đô thành Phú Xuân (Huế) vào năm 1684 (tháp này và chùa Quốc Ân đã bị quân Tây Sơn phá hủy năm 1786, khi Tây Sơn chiếm Phú Xuân). Tổ sư Nguyên Thiều lập các tháp Phổ Đồng này để thờ công chúa Ngọc Vạn, cùng tướng sĩ người Việt và người Trung Hoa đã bị tử trận trong việc kinh dinh ở vùng đất Đồng Nai-Gia Định v hộ trì Phật giáo ở Đồng Nai và Chân Lạp.

3. Bộ kỷ trà có khắc chữ “Công chúa Ngọc Vạn” (?):
Theo lời kể của bà Ba Dựa, dâu của ông Sáu Vạn (người tổ chức xây dựng chùa Kim Long Cổ tự, kết hợp chùa Thanh Long về cổ vật ở chùa Kim Cang vào khoảng năm 1963): Ngày trước, khi ông Sáu Vạn còn sống vẫn đề cập đến bộ kỷ trà, có các chung bằng vàng, trên chung có khắc “Công chúa Ngọc Vạn” chữ Nho ở chùa Kim Cang.

Bà Út Quỳnh có ở tại chùa lúc mới mười mấy tuổi, có kể rõ hơn như sau: Bộ kỷ trà để cúng Phật tại chùa Kim Cang, khay trà làm bằng gỗ khảm xà cừ, các chung đựng nước giống như bằng đồng hay vàng, ở đáy có khắc chữ Nho, khi đưa lên ánh sáng thì thấy, nhưng vì bà còn nhỏ nên không biết chữ đó là chữ gì!

4.Bức tranh họa trên lụa hình Bồ tát Quán Thế Âm:
Ngày xưa ở chùa Kim Cang có một bức tranh Bồ tát Quán Thế Âm vẽ trên lụa rất sống động và mỹ thuật, là cổ vật của Tích Lan (theo lời kể của bà Hai Thủy, pháp danh Quảng Ngộ), bức tranh này của Tích Lan tặng cho vua Chân Lạp, sau khi vua mất, Thái hậu Ngọc Vạn tặng cho chùa Kim Cang.

5. Long vị của Thiền sư Minh Vật-Nhứt Tri bằng đá cẩm thạch: Nhờ Long vị nầy đính chánh sai lầm trong sách Việt Nam Phật giáo Sử lược của Mật Thể và một số sách Lịch sử Phật giáo khác, Nhứt Tri chớ không phải là Nhứt Trí.

Long vị của Thiền sư Minh Vật-Nhứt Tri thờ ở chùa Kim Long Cổ Tự

Ngoài ra, chùa Kim Cang xưa còn có một số cổ vật quý khác như:
* Tượng Phật Chuẩn Đề: bằng đồng màu đen, cao khoảng 0,8m đến 1m (chưa biết rõ bằng đồng đen hay đồng đỏ mạ đen hoặc bằng vàng mạ đen ?).
* Tượng Bồ tát Quán Thế Âm: bằng đá quý màu trắng, cao khoảng 0,6m đến 0,8m.
* Tượng Đấu Chiến Thắng Phật: bằng đồng, cao khoảng 0,4m – 0,6m, một cánh tay bắt ấn (giơ thẳng lên trời) trên tay có đeo vòng bằng vàng ?
* Nhiều tượng La hán: bằng đồng, bằng gỗ khác…
* Đại hồng chung: đã bị thất lạc (nhà thờ Tân Triều).
* Tiểu hồng chung: hiện còn ở chùa Kim Long cổ tự, trên có khắc “Kim Cang tự”.
Có thể còn nhiều tượng Phật, pháp khí, cổ vật khác…

Theo lời kể của ông Tám (trụ trì chùa Cửu Thiên ở Thủ Đức), ngày xưa chùa Kim Cang còn có :
- Bảng tên “Kim Cang tự” do quận chúa Ngọc Du, em của vua Gia Long, vợ của Thượng tướng quân Võ Tánh tặng (có thể bị cháy 1946).
- Ba tượng Phật tam thế rất to bằng giấy bồi do vua Gia Long tặng cho chùa (ba tượng này bị thiêu hủy vào năm Nhâm Thìn 1952), vì ngày xưa, Nguyễn Vương Nguyễn Phúc Ánh có ẩn tránh ở chùa Kim Cang và vùng Đá Lửa (Tân Triều) một thời gian (khoảng năm 1776-1782), nhân dịp này, Nguyễn Vương có gặp Giám mục Bá Đa Lộc ở nhà thờ Tân Triều. Năm 1778, Nguyên soái (Nguyễn Vương) Nguyễn Phước Ánh đã lập Triều đình tại vùng Đá Lửa nầy, nên gọi là Tân Triều.

Giám mục Bá Đa Lộc dời Chủng viện ở Hà Tiên về gần Nhà thờ Tân Triều khi quân Miên (Chân Lạp) đánh chiếm và cướp phá Hà Tiên. Giám mục Bá Đa Lộc còn lập Tòa Giám mục tại Tân Triều.
- Một tấm đá quý, láng, trên mặt óng ánh vàng, rộng khoảng 1,2m, do chúa hay vua nhà Nguyễn tặng cho chùa.
Chùa Kim Cang do Tổ sư Nguyên Thiều thành lập, Tổ sư Nguyên Thiều được coi như vị khai sơn Phật giáo Đàng Trong (Phật giáo Nam Hà), các đệ tử và pháp tôn của Ngài vẫn còn truyền thừa liên tục đến ngày nay và Tổ sư Nguyên Thiều viên tịch ở chùa Kim Cang. Do đó, tháp của Tổ sư Nguyên Thiều ở chùa Kim Cang là tháp chánh, tháp ở Huế (gần chùa Trúc Lâm) là tháp vọng. Vì vậy, chùa Kim Cang có vai trò quan trọng trong lịch sử Phật giáo thời các chúa Nguyễn và thời Nhà Nguyễn.

Chúng ta nghiên cứu kỹ về chùa Kim Cang và nhà thờ Tân Triều (Giám mục Bá Đa Lộc đã mở Chủng viện và lập Tòa Giám mục tại đây) và vùng đất Tân Triều – Bến Cá (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) sẽ bổ túc được nhiều tài liệu cho lịch sử Phật giáo Việt Nam, Lịch sử Công giáo Việt Nam và lịch sử Việt Nam [Ở Đồng Ông Binh gần chùa Kim Long Cổ Tự có lăng mộ của Thượng thư Bộ Binh họ Phạm , …].

III- VAI TRÒ CÔNG CHÚA NGỌC VẠN TRONG VIỆC KINH DINH Ở BÀ RỊA-ĐỒNG NAI VÀ GIA ĐỊNH

Theo tài liệu xưa, chúa Sãi gả công chúa Ngọc Vạn cho vua Chey Chetta II của Chân Lạp, vào năm 1620, như vậy công chúa Ngọc Vạn có thể được sinh vào khoảng năm 1600-1605 (ngày xưa các thiếu nữ được gả lấy chồng vào khoảng 16 tuổi đến 20 tuổi).

Công chúa Ngọc Vạn rất đẹp, thông minh đức hạnh, thùy mị đoan trang. Nguyễn Văn Quế, trong sách “Histoire des Pays de Le Union-Indochinoise: Việt Nam, Cambodge, Laos” (Lịch sử các nước Đông dương: Việt Nam, Cao Miên, Lào) viết: “Sau khi Srey Sauyopor được Xiêm đưa lên ngôi vua ở Chân Lạp năm 1603, nước Chân Lạp bị lệ thuộc chặt chẽ vào Xiêm, phải dùng lễ nghi của Xiêm.

Năm 1618, vua Chân Lạp là Srey Sauryopor có lẽ muốn thoát ly ảnh hưởng của Xiêm nên nhường ngôi cho trưởng nam là Chey Chetta II và mất năm sau (1619).
Vua Chey Chetta II từ nhỏ sống ở Xiêm, lớn lên thấy triều đình Chân Lạp bị lệ thuộc chặt chẽ vào triều đình Xiêm, lại có tư tưởng tự chủ, nên khi vừa lên ngôi, vua Chey Chetta II đã có ý thoát khỏi ảnh hưởng của Xiêm, vì vậy vua đã tìm hậu thuẫn với Đại Việt và Lào để hỗ trợ trong việc chống lại sự đô hộ của Xiêm bằng cách cầu thân với vua Lào và Chúa Nguyễn:

Vua Chey Chetta II đã xin cưới công chúa Lào và cầu hôn với công chúa con của chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên.
Vua Chey Chetta II dời kinh đô đến Oudong vào năm 1620, và cũng năm ấy, vua cưới con Chúa Nguyễn Phước Nguyên (1613-1635) là Ngọc Vạn. Bà công chúa Việt được phong làm hoàng hậu và rất được sủng ái, nhờ sắc đẹp tuyệt vời và có nhiều đức hạnh. Người Miên và người Việt đã trở nên đồng minh từ năm 1620 và cả suốt thế kỷ XVII.

Công chúa Ngọc Vạn có sắc đẹp, đoan trang thùy mỵ lại thông minh xử sự khéo léo nên không bao lâu đã chiếm được lòng yêu thương của vua. Vương phi Ngọc Vạn sau đó hạ sanh được một con trai nên được phong làm hoàng hậu, con của bà sau là thái tử Chau Ponhea. Năm 1624, hoàng hậu Ngọc Vạn lại sanh thêm một công chúa, tên là Néang Nhéa Ksattrey.

Hoàng hậu Ngọc Vạn đã xin cho dân Việt và người Trung Hoa (dân nhà Minh không chịu thần phục nhà Thanh, bỏ nước sang xin thần phục với chúa Nguyễn) được đến khai khẩn đất đai, làm ăn sinh sống ở Mô Xoài (gần Bà Rịa ngày nay) và vùng lưu vực sông Đồng Nai. Người Việt đến khai khẩn vùng nào thì người Chân Lạp phải bỏ đi nơi khác vì sợ uy quyền của triều đình chúa Nguyễn. Trong sách “Gia Định thành thông chí”, An Toàn hầu Trịnh Hoài Đức viết như sau:

“Khi ấy địa đầu Gia Định là Mô Xoài và Đồng Nai đã có lưu dân của nước ta đã đến ở chung lẫn lộn với người Cao Miên khai khẩn ruộng đất. Người Cao Miên khâm phục oai đức của triều đình [Chúa Nguyễn] nên đem nhượng hết cả đất ấy, rồi tránh ra chỗ khác, không dám tranh chấp, phản đối điều gì”.

Ngoài ra, hoàng hậu Ngọc Vạn còn xin với vua Chân Lạp cho người Việt và người Trung Hoa (thần phục chúa Nguyễn) đến buôn bán, mở xưởng thủ công nghiệp ở ngay kinh đô Oudong. Những thương nhân và công nhân các xưởng thủ công nghiệp này, có thể có một số gián điệp của triều đình Phú Xuân, đến hậu thuẫn cho hoàng hậu Ngọc Vạn trong việc gây ảnh hưởng và khống chế triều đình Chân Lạp lệ thuộc vào chúa Nguyễn, chống lại phe Xiêm hoặc phe chống lại Đại Việt.

Hoàng hậu Ngọc Vạn còn đưa được một số thuộc hạ thân cận người Việt và người Trung Hoa vào làm việc trong triều đình Chân Lạp. Chính số tướng sĩ người Việt và người Trung Hoa này đã giúp cho vua Chey Chetta II đánh bại các cuộc tấn công của quân Xiêm vào Chân Lạp trong năm 1621-1623.

Được sự hỗ trợ của hoàng hậu Ngọc Vạn, chúa Nguyễn khuyến khích các cuộc di dân từ lãnh thổ Đàng Trong vào làm ăn ở Đồng Nai, Sài Gòn và Oudong. Di dân đến khai khẩn đất và làm ăn sanh sống ở Bà Rịa-Đồng Nai và Sài Gòn ngày càng đông đảo hơn nhiều. Sau khi chúa Sãi giúp quân cho vua Chân Lạp đánh bại quân Xiêm (Thái Lan) ở biên giới Chân Lạp trong các năm 1621-1622, chúa Sãi cử sứ giả đến kinh đô Oudong xin vua Chey Chetta cho triều đình chúa Nguyễn được lập một “Sở thâu thuế” tại thành phố Prey Nokor (hay Prey Kor có nghĩa là rừng Gòn), dân địa phương gọi là Sài Gòn, vua Chân Lạp chấp thuận.

Việc triều đình chúa Nguyễn xin cho lập “Sở thâu thuế” ở Sài Gòn cho chúng ta biết được rằng: vào lúc đó ở thành phố Sài Gòn đã có người Việt đến sinh sống đông đảo và dân chúng buôn bán phát đạt, thương mãi thịnh vượng nên mới lập “Sở thâu thuế” . Ngoài ra với lý do cần có đội quân để bảo vệ cho việc thâu thuế và bảo đảm an ninh trật tự cho người Việt làm ăn buôn bán ở Sài Gòn, chúa Sãi đã có cử một đạo binh vào trấn đóng ở Sài Gòn. Sau đó, chúa Sãi cũng khuyến khích dân chúng từ Đàng Trong di cư vào Sài Gòn.

Sử gia Henri Russier trong sách “Histoire Sommaire Du Royaume De Cambodge” (Lược sử vương quốc Cao Miên) viết như sau: “ Vua Chey Chetta II sống từ nhỏ ở bên Xiêm, là nơi ông ta không giữ được những kỷ niệm tốt, nên ông ta tìm cách cầu thân với nước láng giềng phía Đông, và chúa Nguyễn lúc bấy giờ cũng chờ cơ hội tốt để mở mang bờ cõi, bèn gả công chúa cho vua Cao Miên. Công chúa rất đẹp và được vua Miên sủng ái vô cùng”.

Nhờ sự giao hiếu ấy, và viện trợ binh đội của chúa Nguyễn mà vua Cao Miên đã hai lần, vào năm 1621 và năm 1623, đẩy lui được cuộc xâm lăng của quân Xiêm.

Năm 1623, sứ bộ Việt từ Huế vào Oudong yết kiến vua Cao Miên và dâng nhiều ngọc ngà châu báu, đồng thời xin cho người Việt vào khai khẩn và sinh cơ dựng nghiệp tại miền Nam (Đất Việt trời Nam của Thái Văn Kiểm, trang 45).

Tập niên giám viết tay của Thư viện Hoàng gia Cao Miên dưới triều vua Chey Chetta II, trang 369, ghi sự việc này như:

Năm Phật lịch 2169, tức là năm 1623 Dương lịch, một sứ giả của vua An Nam (chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên) dâng lên vua Cao Miên Chey Chetta II một phong thơ, trong đó vua An Nam ngỏ ý “mượn” của nước Cao Miên xứ Prey Nokor (Sài Gòn) và xứ Kas Krobey (Bến Nghé) để đặt làm nơi thâu thuế. Vua Chey Chetta II sau khi tham khảo ý kiến của quần thần, đã chấp thuận lời yêu cầu trên và phúc thư cho vua An Nam biết. Vua An Nam bèn ra lịnh cho quan chức đặt Sở Quan thuế tại Prey Nokor và Kas Krobey, và từ đó bắt đầu thâu quan thuế (Sử Cao Miên của Lê Hương, Sài Gòn, 1970, trang 154).

Quốc vương Chey Chetta II rất mộ đạo Phật, cai trị đất nước rất sáng suốt, từ năm 1620 đến năm 1624, Ngài xây dựng kinh đô Oudong, cho soạn lại bộ luật của Cao Miên.

Trong thời gian cai trị Chân Lạp, vua Chey Chetta II có lẽ đã có giao thiệp với nhiều nước ngoại quốc, ngoài Lào, Đại Việt còn có thể giao thiệp với Ấn Độ, Tích Lan, Mã Lai, Nam Dương…

Khi đó, tất cả vùng đất từ Prey Nokor đến biên giới Chiêm Thành (miền Đông Nam Bộ ngày nay) gồm vùng Sài Gòn, Mô Xoài (Bà Rịa) và tỉnh Kampéâp Skékatrey (Biên Hòa) đều có người Việt làm ăn sinh sống và đặt dưới quyền cai trị của quan tướng Việt Nam thuộc triều đình chúa Nguyễn.

Sau khi vua Chey Chetta II chết (năm 1628), nội bộ triều đình Chân Lạp xảy ra nhiều cuộc tranh giành ngôi vua và tranh chấp giữa các phe thân Việt, thân Xiêm, thân Lào, thân Chiêm ...

Hoàng đệ Prah Outey được triều đình Chân Lạp cử làm phụ chánh và thái tử Chau Pônhea To là con của vua Chey Chetta II và công chúa Ngọc Vạn còn tu trong chùa (1628) ?

Năm 1629, thái tử Pônhea To về lên ngôi vua, Hòang hậu Ngọc Vạn trở thành Thái hậu.
Nhưng năm 1630, vua Pônhea To bị Prah Outey hạ sát, Outey đưa một người con khác của vua Chey Chetta II là Pônhea Nu lên ngôi, Outey vẫn làm phụ chánh và nắm hết quyền hành.

Năm 1640, vua Pônhea Nu chết trong trường hợp bí mật (có thể Prah Outey giết), Prah Outey đưa con mình lên ngôi vua, tức vua Ang Non (Nặc Ông Nộn I).
Năm 1642, hoàng tử Pônhea Chan (con vua Chey Chetta II và công chúa Lào) nhờ người Mã Lai và người Chiêm Thành phụ giúp, tổ chức cuộc nổi loạn cướp chính quyền (đảo chánh), giết chết phụ chánh và bắt giết vua Nặc Ông Nộn I, hoàng tử và các cận thần. Pônhea Chan lên ngôi lấy hiệu là Rama Thupdey Chan, sách sử Việt gọi là Nặc Ông Chân (1642-1659), dân Chân Lạp gọi là “Prah Réam Cholsas”, nghĩa là “vua Rama thay đổi tôn giáo” và vua Nặc Ông Chân cưới vợ người Mã Lai, nhờ người Mã Lai và Chiêm Thành theo Hồi giáo giúp lên ngôi, nên bỏ Phật giáo, theo Hồi giáo với tên là Ibrahim, bất chấp sự phản đối của hoàng gia và triều thần. Vua Nặc Ông Chân ưu đãi cho Hồi giáo và ban nhiều ân huệ cho người theo Hồi giáo ở Chân Lạp.

Trong thời gian đó, có lẽ công chúa Ngọc Vạn và một số cận thần người Việt về sống ở vùng đất Bà Rịa-Đồng Nai.

Hai vị hoàng thân là Pônhea Sô và Ang Tan (con của Prah Outey) trốn thoát được trong cuộc biến loạn năm 1642.

Năm 1658, hai vị hoàng thân này nhờ thái hậu Ngọc Vạn xin chúa Hiền Nguyễn Phước Tần (1648-1687) cử quân đến Chân Lạp để giành lại chính quyền. Chúa Hiền sai phó tướng dinh Trấn Biên ở Phú Yên là Nguyễn Phước Yến, cai đội Xuân Thắng và tham mưu Minh Lộc đem 3.000 quân đến đánh Mô Xoài (Bà Rịa), bắt được vua Nặc Ông Chân đưa về hành dinh của chúa ở Quảng Bình (đóng dinh ở đây để chỉ huy chống lại cuộc tấn công của chúa Trịnh).

Năm sau (1659), vua Nặc Ông Chân chết, chúa Hiền đưa hoàng thân Pônhea Sô lên làm vua ở Chân Lạp, lấy hiệu là Batom Reachea (1660-1672). Nhớ ơn đó, nên vua Reachea cho người Việt sống trên lãnh thổ Chân Lạp được hưởng quyền lợi như người Chân Lạp, và kể từ đó, các chúa Nguyễn can thiệp trực tiếp vào công việc nội bộ của triều đình Chân Lạp, để tranh giành quyền hành với Xiêm đã có từ trước ở triều đình Chân Lạp.

Năm 1672, vua Batom Reachea bị ám sát chết, triều đình Chân Lạp xảy ra nhiều cuộc chém giết tranh giành ngôi vua. Cuộc khủng hoảng này kéo dài đến năm 1675 mới tạm ổn định.

Lúc đó, hoàng thân Nặc Thu (Ang Saur) là em của vua Nặc Ông Đài đánh bại vua Nặc Nộn II (Ang Non) và quân Việt, Nặc Nộn phải rút về Sài Gòn, Nặc Thu lên ngôi lấy hiệu là Chey Chetta IV (1675-1706) đóng đô ở Oudong. Vua Nặc Nộn II đóng quân ở Sài Gòn với sự trợ giúp của quân chúa Nguyễn.

Năm 1679, các tướng sĩ nhà Minh (Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn Địch, …) không chịu thần phục nhà Thanh gồm 3.000 người, đi 50 chiếc thuyền lớn đến Đàng Trong xin thần phục chúa Hiền.

Chúa Hiền thấy số đông tướng sĩ như thế cho ở lãnh thổ Đàng Trong bất tiện (sợ phản trắc), đồng thời lại muốn dùng nhóm tướng sĩ này trợ giúp cho việc khai thác vùng đất mới trù phú của người Việt ở Đồng Nai và Sài Gòn, đồng thời cũng muốn phân tán bớt lực lượng của tướng sĩ nhà Minh này, nên chia cho làm hai nhóm:

- Tổng binh Trần Thượng Xuyên và phó tướng Trần An Bình cùng binh sĩ bản bộ và gia đình vào sinh sống ở vùng đất Đồng Nai (thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai ngày nay).

- Tổng binh Dương Ngạn Địch và phó tướng Hoàng Tiến cùng binh sĩ bản bộ và gia đình vào sinh sống ở vùng Mỹ Tho và lưu vực sông Tiền Giang (sau này là tỉnh Định Tường và nay là tỉnh Tiền Giang).

Với việc làm này, chúa Hiền đã mở rộng vùng đất mà dân Việt đã sinh sống: Đồng Nai-Sài Gòn xuống phía Nam, đến tận lưu vực đồng bằng Cửu Long, mặc dầu lúc đó, lãnh thổ Đàng Trong (Quảng Bình-Khánh Hòa) còn cách với vùng đất Đồng Nai-Mỹ Tho bởi lãnh thổ nhỏ hẹp còn lại của Chiêm Thành (vùng Phan Rang-Phan Rí-Phan Thiết).

Năm 1684, vua Chey Chetta IV (Nặc Thu) nhờ Xiêm giúp đánh bại Ang Non II (Nặc Nộn II), chiếm lại Chân Lạp, Nặc Nộn II phải chạy ra Phú Xuân để nhờ chúa Hiền giúp, có lẽ thái hậu Ngọc Vạn tử trận trong cuộc chiến này, vì năm đó, Tổ sư Nguyên Thiều lập chùa Quốc Ân ở Phú Xuân đã lập tháp Phổ Đồng.

Năm 1687, chúa Hiền chết, con là Nguyễn Phước Trăn lên nối ngôi. Chúa Nguyễn Phước Trăn cử quân đánh Chân Lạp, Nặc Thu xin thần phục nộp triều cống hàng năm và cho người Việt cùng người Trung Hoa (thần phục chúa Nguyễn) được khai khẩn đất đai, làm ăn buôn bán ở vùng Đồng Nai-Sài Gòn. Đại quân của chúa Nguyễn rút về Phú Xuân.

Năm 1691, chúa Nguyễn Phước Trăn mất, con là Nguyễn Phước Châu lên nối ngôi. Năm 1693, chúa Nguyễn Phước Châu cử quân đánh chiếm hết phần đất còn lại của Chiêm Thành, lập nên trấn Thuận Thành, sau đổi là phủ Bình Thuận. Lãnh thổ Đàng Trong lúc đó kéo dài từ sông Gianh vào đến Đồng Nai.

Năm 1692, một người Hoa kiều tên là A Ban nổi loạn ở Bình Thuận, Phú Yên. Năm 1694, một người Hoa kiều khác tên là Quảng Phú ở Qui Nhơn hợp cùng một người Việt xưng là Linh Vương nổi lên chống chúa Nguyễn Phước Châu ở vùng Qui Nhơn-Quảng Nam, chúa phải cử đại quân mới dẹp được.

Vì các cuộc nổi loạn này, Tổ sư Nguyên Thiều và một số thiền sư người Hoa ở Đàng Trong bị liên lụy, khiến cho Tổ sư Nguyên Thiều và đệ tử (Minh Hải-Pháp Bảo) phải trốn lên rừng núi hay vào Chân Lạp lánh nạn.

Năm Mậu Dần (1698), chúa Nguyễn Phước Châu sai Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh đem quân vào kinh lược vùng đất Đồng Nai-Sài Gòn của Chân Lạp, lập thành phủ Gia Định gồm: huyện Phước Long với dinh Trấn Biên và huyện Tân Bình với dinh Phiên Trấn.

Lúc đó phủ Gia Định rộng đến hàng ngàn dặm đất đai với 4 vạn hộ dân, tức khoảng 200.000 dân (trung bình mỗi hộ có 5 người). Phủ Gia Định thời đó tương ứng với miền Đông Nam Bộ ngày nay.

Trong việc thành lập phủ Gia Định này, công lao của công chúa Ngọc Vạn rất lớn. Nhưng vì bí mật quốc phòng nên các chúa Nguyễn không cho viết vào lịch sử. Vì vậy, việc tìm hiểu về công chúa Ngọc Vạn hết sức khó khăn và phức tạp.

Tuy nhiên, qua các sách lịch sử Cao Miên do người Pháp và người Việt viết sau này, chúng ta biết thêm chút ít về tông tích của công chúa Ngọc Vạn. Nhưng với sự phát hiện về tháp Phổ Đồng, bảo tháp của Tổ sư Nguyên Thiều-Siêu Bạch và chùa Quốc ân Kim Cang ở ấp Bình Thảo, xã Bình Phước (nay là xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu) ở Đồng Nai, của chúng tôi vào ngày 26-12-1988, chúng ta có được thêm nhiều di tích của công chúa Ngọc Vạn ở Chân Lạp thời đó và biết được thêm về công đức của bà đối với việc hộ trì Phật giáo ở Chân Lạp và công lao của bà trong việc kinh dinh đất Đồng Nai-Sài Gòn dưới thời các chúa Nguyễn.

Nhưng rất tiếc là, hiện nay chúng ta chưa biết được thái hậu Ngọc Vạn cư ngụ ở đâu trong thời biến động ở Chân Lạp, cũng như chưa biết bà chết trong trường hợp nào, chết ở đâu, vào năm nào? Sau khi bà chết, có xây lăng mộ không, bà có chôn giấu kho tàng ở đâu không? Nếu tìm thấy lăng mộ hay kho tàng của thái hậu Ngọc Vạn thì chúng ta sẽ có thêm nhiều tài liệu về lịch sử Việt Nam thời các chúa Nguyễn. [Bà Hai Thủy (PD Quảng Ngộ) cho biết là Công chúa Ngọc Vạn có kho tàng giành cho Việt Nam, nhưng chưa biết ở đâu ?]

Đồng thời, nếu chúng ta tìm được di tích của công chúa Ngọc Khoa ở nước Chiêm Thành xưa (vùng Khnh Hịa-Lâm Đồng), chúng ta cũng biết rõ thêm về công cuộc Nam tiến của các chúa Nguyễn … [Năm 1627, Chúa Sãi-Nguyễn Phước Nguyên gả Công nữ Ngọc Khoa cho vua Porome của Chiêm Thành].

Qua các di tích của công chúa Ngọc Vạn, bảo tháp của Tổ sư Nguyên Thiều và những cổ vật của chùa Kim Cang được lưu giữ ở chùa Kim Long Cổ Tự (Đồng Nai), chúng tôi nghi rằng: công chúa Ngọc Vạn cư ngụ ở vùng Bình Thảo và vùng lân cận ở sông Đồng Nai (từ Bà Rịa lên đến thác Trị An) trong một thời gian dài. Công chúa Ngọc Vạn cũng có thể còn để lại kho tàng ở vùng này và có lẽ công chúa Ngọc Vạn cũng đã chết và được an táng ở vùng này? Đó là việc nghiên cứu của Viện Khảo cổ và Viện sử học Việt Nam.

Năm 1708, Mạc Cửu trấn đóng ở đất Hà Tiên (Peam), Cần Bột (Kampot), Kompong Som của Chân Lạp, thấy Chân Lạp suy yếu trong lúc Xiêm muốn lấn chiếm nên Mạc Cửu cử sứ giả đến đô thành Phú Xuân xin thần phục và dâng đất cho chúa Quốc Nguyễn Phước Châu (1691-1725). Chúa Quốc phong cho Mạc Cửu là Tổng binh trấn thủ Hà Tiên và phong tước Cửu Ngọc hầu.

Năm 1711, Nặc Ông Thâm được quân Xiêm hỗ trợ, đánh chiếm kinh đô La Bích của Chân Lạp, vua Nặc Ông Yêm cầu cứu quân chúa Nguyễn ở Gia Định. Đô đốc dinh Phiên Trấn là Trần Thượng Xuyên và phó tướng dinh Trấn Biên là Nguyễn Cửu Phú đem quân tiếp viện, đánh Nặc Ông Thâm và Nặc Ông Thu chạy về Xiêm.

Năm 1731, vua Nặc Tha (Sotha II) nhượng cho chúa Nguyễn vùng đất Mỹ Tho và Long Hồ (Vĩnh Long). Năm Nhâm Tý (1732), chúa cho lập dinh Long Hồ và châu Định Viễn.

Năm Giáp Tý (1744), chúa Võ vương Nguyễn Phước Khoát cho cải tổ hành chánh, kinh tế, xã hội ở Đàng Trong, đồng thời chúa cũng cho phát triển dinh Phiên Trấn, nên mở một cuộc di dân rộng lớn. Dân từ Đồng Nai và từ các tỉnh miền Trung được đưa đến Sài Gòn, trong đó có cả một số tăng sĩ. Trong dịp này, chùa Từ Ân và chùa Khải Tường được Thiền sư Phật Ý-Linh Nhạc thành lập ở làng Tân Khai và chùa Giác Lâm được Lý Thoại Long (người Minh Hương) quyên góp thành lập ở xã Phú Mỹ Thọ, thuộc huyện Tân Bình.

Năm 1756, vua Nặc Nguyên nhờ Mạc Thiên Tứ ở Hà Tiên xin dâng cho chúa Võ vương đất Tầm Bôn và Lôi Lạp để chuộc tội đã chống lại chúa. Năm 1757, khi vua Nặc Nguyên chết, lại xảy ra tranh chấp ngôi vua ở Chân Lạp, chúa Nguyễn sai Tông Đức hầu Mạc Thiên Tứ và Thống suất Trương Phước Du đưa Nặc Tôn về Chân Lạp lên ngôi. Nặc Tôn dâng đất Tầm Phong Long cho chúa Nguyễn để đền ơn.
Như vậy, chúa Nguyễn đã sát nhập hết phần đất Thủy Chân Lạp của Chân Lạp, tức vùng đất Nam Bộ ngày nay, hoàn thành cuộc Nam tiến, mở rộng lãnh thổ Đàng Trong từ sông Gianh (Quảng Bình) xuống đến tận mũi Cà Mau và Hà Tiên.
* * *
Tóm lại, chúng ta thấy: từ năm 1620, Chúa Sãi hay Chúa Bụt (Nguyễn Phước Nguyên) gả công chúa Ngọc Vạn cho vua Chân Lạp, nhờ đó, Chân Lạp chấp nhận cho dân Việt vào sinh sống ở Bà Rịa-Đồng Nai-Gia Định và triều đình chúa Nguyễn ảnh hưởng trực tiếp đến triều đình Chân Lạp khi có một số người Việt và Trung Hoa được công chúa Ngọc Vạn đưa vào làm quan ở triều đình Chân Lạp và buôn bán ở kinh đô Oudong.

Sau khi vua Chey Chetta II chết, có nhiều cuộc chánh biến để tranh giành ngôi vua và quyền hành ở triều đình Chân Lạp, công chúa Ngọc Vạn và một số quan chức Việt ở đó đã can thiệp. Đặc biệt quan trọng nhất là khi công chúa Ngọc Vạn nhờ quân của chúa Nguyễn đánh bắt vua Nặc Ông Chân, chấm dứt được việc phát triển Hồi giáo của vua này, và nhờ đó, Phật giáo tiếp tục được phát triển ở Chân Lạp cho đến ngày nay. Như vậy, chúng ta thấy vai trò quan trọng của chúa Sãi và công chúa Ngọc Vạn trong việc phát triển Phật giáo ở Bà Rịa-Đồng Nai-Sài Gòn và ngay cả ở Chân Lạp vào thời đó.
Nhờ vậy, Phật giáo được phát triển và tồn tại đến ngày nay ở Thủy Chân Lạp (tức Nam Bộ ngày nay). Do đó, Tổ sư Nguyên Thiều lập tháp Phổ Đồng ở chùa Kim Cang (Đồng Nai) để thờ công chúa Ngọc Vạn và quân dân Việt hy sinh cho việc kinh dinh vùng đất Bà Rịa-Đồng Nai-Gia Định.

Năm 1698, Chúa Nguyễn Phước Châu sai Thống suất Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh kinh lược vùng đất Bà Rịa-Đồng Nai-Gia Định lập thành phủ Gia Định.
Vùng đất Bà Rịa-Đồng Nai-Gia Định rừng núi hoang vu, đến khi lập thành phủ Gia Định thì đất đai tương đối thuần thục, dễ trồng trọt, sinh sống dễ dàng. Quả đúng như câu tục ngữ: “Vạn sự khởi đầu nan”. Sau thời gian khai phá rừng núi nguy hiểm, gian khổ, khi thành ruộng rẫy thuần thục rồi thì đất đai rất màu mỡ, tài nguyên thiên nhiên rất phong phú nên rất dễ làm ăn sinh sống, khí hậu lại ôn hòa, do đó, vùng đất Bà Rịa- Đồng Nai- Gia Định trở thành vùng đất trù phú, thịnh vượng và an lành. Vì vậy, ca dao có câu:

Nhà Bè nước chảy chia hai
Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về
Ai về Gia Định thì về
Nước trong gạo trắng dễ bề làm ăn.

Vùng đất Bà Rịa-Đồng Nai-Gia Định không còn chỉ là vùng đất sống về nông nghiệp nữa, dân chúng đến sống đông đúc nhiều nơi, thương nghiệp cũng phát triển nên xuất hiện rất nhiều chợ buôn bán sầm uất và trù phú:

Mẹ đi chợ Quán, chợ Cầu
Mua cau chợ Vải, mua trầu chợ Dinh.

hoặc:
Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu
Mua cau Đông Phố, mua trầu chợ Dinh.

Cuộc sống của dân chúng ở Bà Rịa-Đồng Nai-Gia Định được trù phú, ổn định, làm ăn phát đạt, khá giả, không còn gian nguy khổ cực như buổi đầu mới khai phá, mà trở thành nhàn nhã. Thế hệ trẻ mới lớn sau, sống trong cảnh thịnh vượng, an bình, phong cảnh nên thơ tươi đẹp, tình yêu quê hương, tình cảm lứa đôi được nẩy nở đậm đà thắm thiết:

Anh đi ghe cá trảng lườn
Ở trên Gia Định, xuống vườn thăm em.

hoặc:
Cây trên rừng hóa kiểng
Cá dưới biển hóa long
Con cá lòng tong ẩn bóng ăn rong
Anh đi lục tỉnh giáp vòng
Đến đây thời khiến đem lòng thương em.

hoặc:
Cúc mọc bờ ao, kêu bằng cúc thủy
Chợ Sài Gòn xa, chợ Mỹ cũng xa
Viết thư thăm hết một nhà
Trước thăm phụ mẫu, sau là thăm em.

Nơi vùng đất mới, hầu hết là các chàng trai tang bồng hồ hải, không phải là những nhà nho lễ nghĩa thủ cựu, cũng như hoàn cảnh sinh sống mới gần thiên nhiên, phóng khoáng nên các phong tục lễ nghi cổ truyền được cởi mở bớt, phụ nữ không còn phải ru rú trong nhà lo việc bếp núc mà phải tham gia vào việc trồng trọt, làm ăn sinh sống nên phong tục “nam nữ thọ thọ bất tương thân” không còn nữa, phụ nữ trở nên dạn dĩ hơn:

Trầu Sài Gòn xé ra nửa lá
Thuốc Gò Vấp hút đã một hơi
Buồn tình gá nghĩa mà chơi
Hay là anh quyết ở đời với em?

hoặc:
Ghe bầu trở lại về Đông
Con gái theo chồng, bỏ mẹ ai nuôi
Mẹ tôi còn có người nuôi
Tôi theo chú lái, tôi xuôi một bề
Dầu mà chú lái có chê
Tôi theo chú mũi, tôi về Đồng Nai
Đồng Nai gạo trắng như cò
Bỏ cha bỏ mẹ, xuống đò theo anh.

Ở vùng Đồng Nai-Bà Rịa-Bến Nghé còn có một số câu ca dao dí dỏm, ngộ nghĩnh:
Chị Hươu đi chợ Đồng Nai
Bước qua Bến Nghé, ngồi nhai thịt bò.

hoặc:
Con quạ nó đứng chuồng heo
Nó kêu bớ má, bánh bèo chín chưa?
Trước sự dạn dĩ đi đến quá trớn của một số cô gái, khiến các chàng trai có ý chê trách:

Trống kia ai dám đánh thùng
Bậu không, ai dám giở mùng chun vô.

hoặc:
Trăng tròn thì mặc tròn trăng
Bậu xinh mặc bậu, bậu xằng anh chê.

Vùng đất Bà Rịa-Đồng Nai-Gia Định tươi đẹp, nên thơ, trù phú và tình tứ hình thành vào thời các Chúa Nguyễn tiếp tục phát triển cho đến ngày nay.

(Ghi chú : Theo Lịch sử, con của Chúa được gọi là Công Nữ, nhưng trường hợp Công Nữ Ngọc Vạn có nhiều công đức đối với Việt Nam nên nhiều tài liệu xưa thường tôn gọi là Công chúa).



THÁP TỔ SƯ NGUYÊN THIỀU-SIÊU BẠCH VÀ THÁP PHỔ ĐỒNG THỜ CÔNG CHÚA NGỌC VẠN Ở CHÙA KIM CANG (ĐỒNG NAI) ĐÃ BỊ CÁC TẬP ĐOÀN NHẤT HẠNH- CHÂN KHÔNG Ở VIỆT NAM PHÁ HOẠI

Ngày 26 tháng 12 năm 1988 tôi phát hiện được Tháp Tổ sư Nguyên Thiều và Tháp Phổ Đồng thờ Công chúa Ngọc Vạn và quân dân Việt Nam có công trong việc kinh dinh vùng đất Bà Rịa- Đồng Nai- Gia Định ở trước nền chùa Kim Cang (tỉnh Đồng Nai), các Tập đoàn Nhất Hạnh- Chân Không ở Việt Nam đã móc ngoặc với thế lực đen tẩu tán một số đồ cổ của Công chúa Ngọc Vạn còn được lưu giữ ở chùa Kim Long Cổ Tự, đồng thời phá hoại Tháp Tổ sư Nguyên Thiều-Siêu Bạch và Tháp Phổ Đồng ở sân chùa Kim Cang:

Tháng 4 năm 1989, ba tăng ni ở chùa Kim Long Cổ Tự (hai sư Minh Lượng và Hải Thành cùng ni cô Như Định) đã phá bỏ hoa văn ở hai tầng trên của Tháp Tổ sư Nguyên Thiều, tôi báo với ông Giám đốc Bảo tàng Đồng Nai (Tư Nghiệp), Ông đã ngăn chặn, nên tháp chỉ còn hoa văn ở tầng một như hiện nay.





















































Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét