Thứ Tư, 11 tháng 1, 2017

VĂN MIẾU TRẤN BIÊN- THÀNH CỔ BIÊN HÒA

THÀNH CỔ BIÊN HÒA VÀ CÁC THIẾT CHẾ VĂN HÓA TÍN NGƯỠNG.
Văn Miếu  Trấn Biên năm 2015

Từ khi thành lập dinh trấn tại thôn Phước Lư, đến khi xây dựng hoàn chỉnh Thành Biên Hòa tại thôn Tân Lân; đi đôi với việc xây dựng thành trì, binh lực, quản lý hành chánh đất đai, cư dân…Triều đình còn ra lịnh cho quan lại sở tại, xây dựng các thiết chế thờ tự tôn nghiêm theo quy chế, điển lệ của trung ương như:
1/Đàn Xã Tắc
2/Đàn Tiên Nông-Tịch Điền
3/Miếu Văn Thánh
4/Miếu Hội Đồng
5/Đền Trung Tiết (Trận Vong Hướng Sĩ)
6/Miếu Thành Hoàng
7/Miếu Tiên Tàm (nhà nuôi tằm trong lỵ sở)

3/Miếu Văn Thánh
Miếu Văn Thánh (Văn Miếu) là nơi thờ các bậc tiên thánh, tiên sư của đạo Nho; ngoài ra văn miếu Trấn Biên lúc bấy giờ còn phụ kèm một cơ sở học đường của triều đình, nhằm đào đạo sĩ phu, trí thức, tầng lớp tinh hoa của xã hội thời quân chủ.
Văn miếu Trấn Biên được hình thành sớm nhất miền nam. Đây là thiết chế tín ngưỡng văn hóa quan trọng của triều đình.
Cho đến trước thời điểm Pháp xâm lược nước ta; từ kinh sư, phủ Thừa Thiên đến 2 đạo Hà Tỉnh, Phú Yên và 26 tỉnh từ bắc chí nam đều được cho xây dựng văn miếu, riêng chỉ có tỉnh An Giang là chưa dựng.
Văn miếu Trấn Biên được xây dựng từ năm 1715; chỉ sau một thời gian ngắn (17 năm) kể từ khi Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vâng lịnh chúa Nguyễn Phúc Chu vào kinh lược đất Nam Bộ vào năm 1698; Thống Suất cho thành lập phủ Gia Định, đặt dinh Trấn Biên (Biên Hòa) và dinh Phiên Trấn (Sài Gòn); chính thức sát nhập vùng đất mới này vào lãnh thổ nước ta, làm bàn đạp tiến hành công cuộc nam tiến.
Văn miếu xưa kia được xây dựng tại thôn Tân Lại, tổng Tân Chánh, huyện Phước Long (1806); theo Biên Hòa sử lược toàn biên của tác giả Lương Văn Lựu thì nay là khu vực gần chùa Phổ Hiền, khu phố III, phường Bửu Long. 
Văn miếu nằm trên cuộc đất phong thủy tuyệt đẹp: mặt tiền (tiền đường) hướng nam nhìn ra ra sông Phước Long (sông Đồng Nai), mặt hậu (hậu chẩm) có Long Sơn (núi Long ẩn)  cảnh đẹp thanh tú, cỏ cây tươi tốt... Bên trong miếu cột kèo liễn đối bằng gỗ tốt, chạm khắc tinh xảo, khuôn viên hoa cỏ, cây trái sum suê xanh tốt.
Trong ghi chép về Dinh Trấn Biên (quyển 7- Hoàng Việt thống nhất dư địa chí- 1806) Thượng thư bộ hộ của vua Gia Long- Lê Quang Định có đoạn ghi: 
…Từ bến trước cửa trấn thành, sông rộng 165 tầm, khi nước lên sông sâu 5 tầm, nước xuống sâu 4 tầm, vào mùa đông xuân nắng to thì nước trong và ngọt, hè thu có mưa lụt nên nước hơi đục. Đi ngược lên 1.020 tầm, hai bên đều có dân cư nhưng thưa thớt, thổ sản ở vùng này là cau trầu và mía. Đến điện Văn Thánh, điện ở phía bắc do tiền triều lập ra, năm Quý Sửu (1793) quan đăc mệnh bộ lễ là Điển Chương hầu tu sửa mới lại bằng tường gạch mái ngói, trông rất đẹp mắt, theo lệ nước, tế vào ngày Đinh hai kỳ xuân thu, lể sinh gồm 50 người, từ phu thì có dân phụ lũy. Mặt trước miếu trông ra sông lớn, mặt sau tựa vào núi cao, là thắng cảnh thứ nhất của Trấn Biên, từng có thơ đề rằng:
Văn phong cao trĩ hải thiên đông
Vạn thế canh tường tưởng tượng trung
Vị tử nhân tâm tỉnh hậu mộng
Trường lưu ngô đạo vãn lai phong
Oanh hồi Tứ thủy phương nguyên tịnh
Tịch mịch sơn đàn mộ vũ dung
Hư đái Nho quan ly loạn nhật
Trùng lai do đắc ngưỡng huỳnh cung
(dịch giả tạm dịch)
Non kia cao vút giữa trời đông
Muôn thuở đạo xưa vẫn ôm lòng
Chưa mất lòng người sau cơn mộng
Mãi còn đạo cả với non sông
Ngoằn ngoèo sông Tứ mùi tinh khiết
Tịch mịch đàn Sơn tiếng thông dung
Mũ áo nhà Nho ngày loạn lạc
May còn gặp lại chốn huỳnh cung.
(Tứ hủy, Sơn đàn là chỉ quê hương của Khổng Tử, Huỳnh cung là trường học, đây chỉ Văn miếu)
Văn Miếu  Trấn Biên năm 2015
Trước năm 1802, hằng năm  đích thân chúa Nguyễn Ánh đến hành lễ hai lần vào mùa xuân và mùa thu. Nhưng từ khi Nguyễn Ánh lên ngôi ở Huế, thì quan tổng trấn thành Gia Định, hoặc các quan viên đứng đầu tỉnh nhà,  thay mặt vua  đến hành lễ long trọng.
Văn miếu nằm ở phía tây (bên phải)  tỉnh thành cách độ 2 dặm (khoảng gần 1.000m), lúc ấy nơi đây dân cư đã ổn định, lưu dân (đến từ đầu thế kỷ 17) làm ruộng lúa, trồng trầu cau, mía (phường Tân Lại); một nhóm dân tộc Hoa (theo chân binh đoàn của đô đốc Trần Thượng Xuyên- 1679) làm nghề khai thác chế tác đá, rèn đúc công cụ sản xuất, làm gốm, lò gạch (phường Bạch Khôi, núi Lò Gạch- Long Sơn), làm rẩy trồng các loại rau, cải, củ giống mới, mang theo từ cố hương.
Đến năm 1794, sau khi làm chủ miền nam, chúa Nguyễn Ánh sai quan lễ bộ Nguyễn Đô trùng tu văn miếu. Tự Đức năm thứ năm- 1852, Văn miếu tỉnh thành được đại tu bổ theo điển lệ chung của triều đình:
-Văn Thánh miếu : Chính đường, tiền đường (ngang) đều 5 gian. Hai bên (dọc) trái, phải đều có 2 dãy nhà 5 gian, mặt tiền treo biển hiệu “Văn miếu điện”
-Khải Thánh miếu (thờ Thúc Lương Ngột- Nhan Thị là cha mẹ của Khổng Tử): Chính đường, tiền đường (ngang) đều 3 gian 2, mặt tiền treo biển “Khải thánh từ”.
-Một kho chứa đồ thờ 3 gian.
-Khuê văn các cao 2 tầng, 3 gian 2chái.
Bài vị trong miếu đều theo thể thức, kiểu mẫu chung do triều định quy định (không thờ ngẫu tượng).
Gian giữa của chính đường thờ bài vị chính: Chí thánh Tiên sư Khổng Tử.
Gian thứ nhất, trái- phải thờ các vị phối hưởng là 4 học trò xuất sắc của Đức Khổng Tử là: Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử. Bệ được xây gạch, trên bệ có cổ khám, trạng gỗ để bài vị.
Gian thứ hai, trái- phải thờ 12 vị tiên triết: Mẫn Tổn, Nhiễm Canh, Nhiễm Ung, Tể Dư, Đoan Mộc Tứ, Nhiễm Cầu, Trọng Do, Ngôn Yển, Bốc Thương, Chuyên Tôn Sư, Hữu Nhược và Chu Hi.
Gian thứ ba, trái- phải ở phía trước, thờ các vị tiên hiền: những người đầu tiên có công khai khẩn, khai canh xứ Trấn Biên.
Hai gian chaí, trái- phải, thờ các vị tiên nho: Những người khoa cử, học vị, người có công truyền dạy, phát triển văn hóa cho địa phương; tất cả bài vị đều đặt trên bệ xây gạch.
Hàng năm theo lệ ban của triều đình, tế lớn hai lần vào tháng trọng xuân và tháng trọng thu (tháng thứ 2 của mùa xuân và tháng thứ 2 của mùa thu).
 Bàn thờ chính cúng tam sinh (trâu, dê, heo) và xôi, quả phẩm 3 mâm. Các vị phối hưởng, lễ dùng 2 heo, 4 mâm xôi, quả phẩm 8 mâm. Các vị tiên triết, lễ dùng 1 heo, 2 mâm xôi, 4 mâm quả phẩm. Mười án thờ tiên hiền, tiên nho thì dùng 5 con heo, xôi 20 mâm, 10 mâm quả phẩm, chia nhau dâng cúng.
Sau gần 150 năm hình thành và phát triển, sau khi nam bộ bị Pháp xâm lược, Văn miếu Trấn Biên cũng dần lụy tàn .
Nhân dịp kỷ niệm 300 năm hình thành và phát triển vùng đất Trấn Biên- Biên Hòa; tỉnh Đồng Nai đã khởi công xây dựng khu Văn Miếu Trấn Biên mới tại phường Bửu Long; công trình được khánh thành vào ngày 14/ 02/ 2002, với tổng diện tích gần 15.000m2, trong đó khu trung tâm rộng khoảng 2.000m2. Công trình với quy mô hoành tráng, to đẹp với mục đích tái tạo di tích văn hóa của tiền nhân; bảo lưu, truyền thừa, phát huy tinh thần tôn sư trọng đạo; gìn giữ và tôn vinh các giá trị văn hóa - giáo dục của vùng đất địa đầu- Trấn Biên oai hùng năm xưa.
 Lễ khánh thành vào ngày 14/02/2002,
Văn miếu Trấn Biên ngày nay là một công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, là trung tâm sinh hoạt văn hóa- giáo dục. Nơi đây đón tiếp nhiều tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh đến tham quan. Là nơi tổ chức nhiều loại hình hoạt động cộng đồng. Hàng năm, trung tâm Văn miếu Trấn Biên tổ chức hội hoa xuân, đường hoa, vườn tượng, biểu diển nghệ thuật, giao lưu văn hóa văn nghệ như: biểu diễn âm nhạc dân tộc, đờn ca tài tử của các đoàn nghệ thuật, chương trình xiếc, ảo thuật; giao lưu các ban nhạc trẻ, ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng…
Với bề dày lịch sử, nghệ thuật kiến trúc đẹp, tầm quan trọng  nhất định về các sinh hoạt văn hóa, lễ hội của Biên Hòa- Đồng Nai. Văn miếu trấn biên ngày càng chứng tỏ ưu thế vượt trội của mình.
Với những giá trị lịch sử và văn hóa đó, Văn miếu Trấn Biên được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử theo Quyết định 2894/QĐ-BVHTTDL ngày 18-8-2016.  Sáng  ngày 22-11-2016, Trung tâm Văn miếu Trấn Biên  tổ chức lễ đón nhận bằng di tích lịch sử cấp quốc gia./.
 
Văn Miếu Trấn Biên tết 2015
Ảnh net
Viếng Vạn thế sư biểu 2015
Văn miếu Gia Định và Văn miếu Biên Hòa được người Pháp vẽ trong bản đồ năm 1859 ( ghi chú là Temple Royal)
Bản đồ Biên Hòa năm 1863 (chú thích  các địa điểm năm 2016)
Bản đồ ghi chú vị trí các di tích xưa trực thuộc quản lý của Thành Biên Hòa
Số 1: Thành Biên Hòa
Số 2: Văn Miếu
Số 3: Miếu Hội Đồng
Số 4: Đền Trung Tiết (Trận Vong Hướng Sĩ)
Số 5: Miếu Thành Hoàng
Số 6: Đàn Xã Tắc
Số 7: Tịch Điền
Số 8: Xưởng Thuyền Công

 Trích trong: Thành Biên Hòa và các cơ sở thiết chế tín ngưỡng- Nguyên Phong Lê Ngọc Quốc (bản thảo)

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

(1) Gia Định thành thông chí- Trịnh Hoài Đức- Hậu Học Song Hào Lý Việt Dũng dịch và chú thích- NXB Đồng Nai 2006.
(2) Hoàng Việt thống nhất dư địa chí- Lê Quang Định
(3) Đại Nam Thực Lục- Quốc sử quán
(4) Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn Biên Hòa- Nguyễn Đình Đầu.
(5) Đại nam Quốc Lược Sử- Alfred Schreinr, Sài Gòn 1906
(6) Khâm định đại nam hội điển sự lệ-Nội các triều Nguyễn.
(7) Đại Nam nhất thống chí- Nội các triều Nguyễn.
(8) Biên Hòa sử lược toàn biên- Lương Văn Lựu.
(9) 85 sắc phong ở Miếu công thần tại Vĩnh Long.Thư viện khoa học tổng hợp Tp HCM 2013.
(10) 290 năm (1715- 2005) Văn Miếu Trấn Biên- Thành Ủy, UBND Thành phố Biên Hòa
(11) Đại Nam Thực Lục, Quốc Sử Quán Triều Nguyễn
(12) Minh Mệnh Chính Yếu, Quốc Sử Quán Triều Nguyễn.
(13) http://gallica.bnf.fr/ark:/12148/bpt6k62202176.item
(14) Việt Nam phong tục – Phan Kế Bính.
(15) Việt điện u linh tập- Lý Kế Xương.
(16) Nghi và văn cúng chữ Hán ở thành phố Biên Hòa, Bảo Tàng Đồng Nai, nhà xuất bản Đồng Nai, 2013- Hậu học song hào Lý Việt Dũng dịch và chú thích-
(17) Cơ sở tín ngưỡng và truyền thống ở Biên Hòa, Phan Đình Dũng
(18) Người Pháp và người Annam, bạn hay thù- Philipe Devillers- Nhà xuất bản tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh.
(19) Hồ sơ khoa học di tích lịch sử- kiến trúc nghệ thuật thành phố Biên Hòa- Ban di tích thành phố Biên Hòa.
(20) Lịch sử cuộc viễn chinh nam kỳ năm 1861-Le1opold Pallu, Hoàng Phong dịch và bình- Nhà xuất bản Phương Đông 2008
(21) tuần báo Le Monde Illustré của Pháp, số 254 năm thứ 6, ra ngày 22/02/1862
(22) Lý lịch sự vụ, nguyên tác Nguyễn Đức Xuyên, dịch và khảo chú: Trần Đại Vinh- Tạp chí nghiên cứu và phát triển số 6(123) và số 7(124) năm 2015
(23) Một số tài liệu trên internet và tư liệu điền dã
(24) http://gallica.bnf.fr/ark:/12148/bpt6k62202176.item
(25) https://www.delcampe.net/fr/collections/cartes/autres/carte-lever-de-la-place-de-bien-hoa-et-de-ses-environs-363149798.html




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét