Thứ Sáu, 24 tháng 3, 2017

THÀNH CỔ BIÊN HÒA- TRUY TÌM DẤU XƯA

Sa bàn bình đồ Thành Biên Hòa xưa chồng lên vị trí tương đối trên bản đồ phường Quang Vinh Thành phố Biên Hòa 2019.



Dấu vết Thành Biên Hòa trong bản đồ năm 1926 ( bộ sưu tập của Nguyễn Đình Đầu)
Tháng giêng năm Mậu Tuất (tháng 2 năm 1838), vua Minh Mạng sai phái 4.000 binh dân xây đắp lại Thành theo thiết kế kiểu Vauban, bằng đá ong. Đây là công trình trọng đại nên ngoài quan tỉnh, còn sai phái thêm quan tỉnh Gia Định và Bình Thuận giám sát công việc. Thành có chu vi 338 trượng, cao 8 thước 5 tấc, dày 1 trượng 5 thước , xung quanh chân thành bên ngoài có hào rộng 3 trượng, sâu 6 thước. Bốn cửa thành : Đông- Tây- Nam- Bắc, mỗi cửa đều có cầu đá bắc qua hào thành, để làm lối lưu thông ra vào. Cửa Nam nhìn ra sông Phước Long (sông Đồng Nai), bên trong thành, chính giữa dựng 1 kỳ đài cao, công sở, kho lẫm, khám đường.
*Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu:
1 thước=0.424m
1 trượng= 10 thước=4.24m
1 tầm =1/2 trượng= 2.12m



Theo họa đồ: LEVER DE LA PLACE DE BIEN-HOA et de ses environs (tỉ lệ 1/12.000) ta thấy Thành Biên Hòa có bình đồ hình vuông, hoa mai 4 cánh; nằm trong phường Quang Vinh. Bốn cổng thành hướng đông- tây- nam bắc có bình đồ hình vòng cung (bán nguyệt) trước 4 cổng thành có cầu bắc qua hào thành nối với các con lộ bên ngoài. Nếu so với các bản đồ năm 1926, 1930, 1965 và bản đồ vệ tinh tháng 10/ 2016, ta có thể thấy cổng thành Nam giáp đường Cách mạng tháng tám giao vời đường Hoàng Minh Châu; cổng thành Tây giáp đường Huỳnh Văn Lũy nối dài; cổng thành Đông giáp đường Phan Đình Phùng giao với đường Trần Minh Trí; cổng thành Bắc nay nằm trong con hẽm số 176 đường Phan Đình Phùng.
Trong mặt cắt Thành tỉ lệ 1/300, ta thấy tường thành cao 4m. Tường ốp đá ong mặt bên ngoài, mặt cắt hình thang, đáy trên (mặt thành) dày 0.5m, đáy dưới rộng 1.5m âm sâu dưới mặt đất khoảng 1m. Mặt trên thành được đắp đất rộng thêm 1m (tổng cộng rộng 1.5m). Đáy thành rộng 9.6m, vát ngược hình thang, tầm cao 3m là con đường rộng 3m (thấp hơn mặt thành 0.9m) chạy bao quanh vòng thành, là con đường vận chuyển, trấn thủ chiến lược. Bên ngoài có đường đắp chạy bao quanh chân thành rộng 8.4m; kế tiếp là hào nước rộng 14m, sâu 2,4m.

Tài liệu mô tả Thành Biên Hòa trong tuần báo L'ILLUSTRATION, JOURNAL UNIVERSEL số ra ngày 01/03/1862 tại Pháp.
“T.B. Tiếp theo lá thư, tôi gởi cho ông phần mô tả thành Bien-hoa, dựa theo một bản phác họa của bộ phận công binh của đoàn xuất chinh. Thành Bien-hoa, tọa lạc ở tả ngạn dòng sông cùng tên, là một hình vuông mỗi cạnh 296m, ở mỗi giữa cạnh có phần lồi tròn để bảo vệ các góc thành. Do người Annam xây dựng khoảng 1789, theo sơ đồ của đại tá Olivier (do Louis XVI điều qua), thành Bien-hoa có thể đồn trú khoảng 15 ngàn người. Mặt nghiêng tường thành được xây bằng gạch, cao 4m, tựa đỡ cho bờ thành có trắc diện mỏng. Phía trước là đường quanh bờ kè, rộng 8m, cặp theo hố sâu 2m, rộng 13m. Có bốn chiếc cầu bằng đá bắc qua hố, trục cầu tương ứng với trục của những phần hình cong của công trình. Ta vào thành qua bốn cái cửa hoặc cửa khuất ở phía bên phải của cầu, cách phần lõm vào (hình thành bởi những phần lồi và mặt tiền) 25m. Phần vũ trang gồm đại pháo nhiều kích cỡ, bằng gang hoặc là bằng đồng, cùng với khá nhiều máy bắn đá. Có 12 tòa nhà, và ngoại trừ bốn, tất cả đều là mồi cho hỏa hoạn.
(Người dịch Nguyễn Minh Hoàng- Sun Yata)
Nguyên Văn:
P. S. Je vous donne, à la suite de ma lettre, la description de la citadelle de Bien-hoa, d'après un croquis fait par le service du génie du corps expéditionnaire.

La citadelle de Bien-hoa, située sur la rive gauche de la rivière du même nom, est un carré de 296 mètres de côté, présentant, au milieu de chaque face, une partie circulaire saillante destinée à flanquer les angles de l'ouvragc. Construite par les Annamites, vers 1789, d'après les plans du colonel Olivier, envoyé par Louis XVI, elle pouvait contenir une garnison d'environ quinze mille hommes. L'escarpe en maçonnerie de 4 mètres de hauteur, soutenant un rempart d'un faible profil, est précédée d'une berme de 8 mètres de largeur, en avant de laquelle se trouve un fossé de 2 mètres de profondeur et de 13 mètres de largeur. On passe le fossé au moyen de quatre ponts en pierre, dont les axes correspondent à ceux des parties circulaires de l'ouvrage, et l'on pénètre dans l'intérieur par quatre portes ou poternes situées à droite des ponts, à 25 mètres du rentrant formé par les parties arrondies et les faces. L'armement consistait en canons de divers calibres tant en fonte de fer qu'en bronze, et en une grande quantité de pierriers. Les bâtiments étaient au nombre de douze; ils ont, à l'exception de quatre, été la proie des flammes.
 A. Spooner.

Bản vẽ bình đồ Thành Biên Hòa xưa chồng lên vị trí tương đối trên bản đồ phường Quang Vinh Thành phố Biên Hòa


Trích trong: Thành Biên Hòa và các cơ sở thiết chế tín ngưỡng- Nguyên Phong Lê Ngọc Quốc (bản thảo)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét