Thứ Sáu, 3 tháng 3, 2017

THIÊN LÝ CÙ BIÊN HÒA- GIA ĐỊNH (P3)

BƯỚC CHÂN CHINH PHỤC ĐẤT PHƯƠNG NAM!

Có những khi trên đường thiên lý
trông trời nam, ta chợt thấy hãi hùng!
Trên đầu ta, trời rộng vô cùng,
và trước mặt, đất dài vô tận.
Mặc, rừng thiêng, nước độc, chông gai!
Ta vẫn bước với chân trần Giao Chỉ.
Tiếng cọp um, vượn gào cùng khỉ.
Ta bổng lo, ta bỗng thấy ngại ngùng!.. ( Tèo can-cook)


Biên Hòa vùng đất luôn hấp dẫn từ bao đời nay. Trên hơn 300 trước, lưu dân Việt, Chăm, Hoa... từng lớp, từng lớp đã lặng lẽ dứt ruột rời bỏ mái nhà, gia đình, gia hương, mồ mả ông bà tổ tiên...tiến về phương nam- miền đất Hứa ! Họ mong mỏi tạo dựng một cuộc sống tốt hơn cố hương, dành cho con cháu mai hậu một vùng đất mới, một cuộc sống sung túc, tươi đẹp!

Miền đất mới này có quá nhiều sông rạch, tất nhiên khi di chuyển trên thuyền bè sẽ thuận lợi hơn về tốc độ, thời gian , sức lực…nhưng từ những ngày ấy đa số lưu dân là bần nông từ xa đến, họ chỉ có đôi chân trần, cùng ý chí cang trường...Khi gặp được cuộc đất tốt, họ dừng chân, phá đất, lập làng; đoàn lưu dân tiếp sau cứ thế, mở đường tiến về phương nam. Theo dấu chân mở cõi, những con đường hình thành, nối các thôn làng với nhau, liên kết giao thương trao đổi, qua lại mua bán...


Con đường thiên lý ngày ấy từ Bình Thuận dinh đi Biên Hòa trấn, cũng chỉ là con đường đất, nối các làng mạc thưa vắng với các thị tứ nhỏ bé của Biên Hòa xưa (bao gồm cả tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu ngày nay). Hai bên đường là rừng rậm, bải lầy, trảng cát hoang vắng. Lúc này còn nhiều cọp, voi, thú dữ và cả thổ phỉ; cho nên, thường các bộ hành phải kết hợp, lập đoàn từ 7 ~ 8 người trở lên, trang bị vũ khí mới dám vượt qua.
Năm 1859 Vua Tự Đức thấy đường quan lộ các tỉnh từ Khánh Hòa trở vào Nam, rừng rậm, vắng không có người ở, các người đi đường qua lại, đã lo về việc đói khát, lại không có chỗ nghỉ đỗ. Vua sai các quan tỉnh lệnh cho các phủ huyện chiêu mộ nhân dân (không cứ dân nội tịch hay ngoại tịch) đều làm nhà ở ven đường, bán cơm nước, cấp tiền công cho mỗi nhà 20 quan, hoặc 15 quan, 3 năm người nào thành cơ chỉ, không phải trả tiền lại. Thuê dân phu sửa tước cây cỏ, san bằng chổ hiểm chổ cao, phái lính bắn ác thú, để cho tiện việc nhân dân đi lại
(Đại Nam thực lục, Đệ tứ kỷ- quyển XX, kỷ mùi Tự Đức năm thứ 12) Nguyễn Thông một quan lại nhà Nguyễn; trong một chuyến đi trên thiên lý cù, khi dừng chân trên đoạn giữa Long Thành và Bà Rịa, ông đã cảm tác:
Tiếng ve ra rả từ đâu ?
Lại thêm chiều tới dạt dào bi thương.
Chồn chân nghỉ lại ven đường,
Rừng sâu vắng vẻ bặt không dấu người.
Sương đêm rơi áo ướt vùi ,
À uôm tiếng cọp, rụng rời bước mau!
Nhớ ai xa thẳm thêm sầu ,
Bơ vơ nào biết về đâu bây giờ ?
(Long Thành- Phước Tuy đồ trung hoài cảm)












(Nguyễn Thông 阮通 (1827-1884) tự là Hy Phần, biệt hiệu Ðôn Am, người huyện Tân Thạnh (Gia Ðịnh). Năm 23 tuổi đậu cử nhân trường thi hương Gia Ðịnh (1849) được bổ làm huấn đạo huyện Phong Phú, tỉnh Gia Định. Năm 1859, quân Pháp đánh Gia Ðịnh, Ông giúp việc quân 2 năm. Sau hàng ước 1862, ông được bổ đốc học tỉnh Vĩnh Long. Năm 1867, Pháp chiếm 3 tỉnh miền Tây, Ông được bổ ra Trung. Nhân mắc bệnh, ông cáo quan về nghỉ, dựng nhà riêng gọi là Ngọa Du Sào, gần thị xã Phan Thiết cùng các bạn làm thơ ngâm vịnh.)

Ngoài thủy lộ giao thông có từ khi mở đất, sau một thời gian ổn định, triều đình chúa Nguyễn, đã mở thêm đường bộ thông thương giữa 2 dinh Trấn Biên và Phiên An, có lẽ căn bản dựa trên những con đường nhỏ nối các thôn làng từ trước.

“ Khi mới khai thác thì bắc đầu từ phía bắc Tất Kiều đến Bình Giang, ruộng ao sình lầy, đường bộ chưa đắp, hành khách muốn qua Biên Hòa hoặc lên Thủy Vọt đều phải đi đò dọc. đến đời Thế Tông năm thứ 11 Mậu Thìn (1748), nhân có việc Cao Miên cảnh báo, quan điều khiển Nguyễn Hữu Doãn mới đo đạc giăng dây làm đường thẳng, gặp chỗ có kinh ngòi thì bắc cầu, chỗ bùn lầy thì đắp đất và cây gỗ. Từ cửa Cấn Chỉ của thành đến bến đò Bình Đồng dài 17 dặm, bờ phía bắc là địa giới Biên Hòa có đặt trạm Bình Đồng, đi về phía bắc qua núi Châu Thới, đến bến đò Bình Tiên rồi qua bến Sa Giang (Rạch Cát- cù lao phố) do đường sứ Đồng Tràm xuống Đồng Môn thôn xuống Mô Xoài, ấy gọi là đường thiên lý. Trên đường này chỗ nào gặp sông lớn theo lệ có đặt đò qua, người chèo đò được miễn sưu dịch khác.
(Trích mục: Đường thiên lý- Trấn Phiên An- Thành trì chí- Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức)
Trước đó trong Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn có chép:
“ Miền ấy nhiều sông ngòi, đường thủy nhiều chằng chịt. Đường bộ không tiện. Người đi buôn đường thủy dùng thuyền to, tất phải mang theo cái thuyền nhỏ để tiện khi đi vào các sông ngòi nhỏ. Từ cửa sông cho đến đầu nguồn phải đi đến 6, 7 ngày, hết thảy đều là đồng ruộng, trông mông mênh bát ngát và bằng phẳng. Đất ấy giồng lúa rất tốt. Lúa nếp lúa tẻ đều trắng và mềm. 
(Phủ biên tạp lục, viết ở Gác Tiêu-Dương, thành Phú-Xuân. Cảnh-Hưng năm thứ 37 tháng 8 ngày rằm Bính Thân (1776). Quyển thứ VI- Thổ sản Nguời dịch : Ngô Lập Chí- Khoa Xã Hội- Truờng Đại Học Tổng Hợp Hà Nội- 1959)
Bản đồ năm 1862 của người Pháp, ta thấy có đoạn thiên lý cù từ chợ Bình Tiên (đối diện cù lao phố- Biên Hòa) đến Don Chai- Đồng Cháy (khoảng 15.679 m)
Phần 1: Thiên lý cù đoạn từ Trấn Biên đi bến Bình Đồng giáp ranh giới Phiên Trấn đầu thế kỷ 19 (trích Hoàng Việt Thống Nhất Dư Địa Chí- Lê Quang Định)
...Chợ thôn Bình Tiên, tục gọi là chợ Lò Giấy (nay là khu vực gần đồn công an phường Bửu Hòa- Biên Hòa), đi 150 tầm đến cầu xã Tân Bản ( cầu nay vẫn còn tên này), cầu dài 3 tầm…cầu Ba ván dài 2 tầm+1.033 tầm+ 500 tầm thì đến núi Châu Thới, núi ở bên trái đường đi+ 3.489 tầm thì đến cầu Suối Nhum, cầu dài 5 tầm+ 780 tầm thì đến điếm thôn Bình Đất Thượng, tục gọi là Quán mít + 2.400 tầm đến ngã ba điếm Đồng Cháy+ 229 tầm
Đến bến đò Đồng Cháy, sông rộng 110 tầm, đến đầu địa giới dinh Phiên Trấn.
Tổng cộng đoạn này hết 8.591 tầm, theo cách tính 1 tầm = 1.825m thì ta có đoạn này dài (8.591x 1.825m) Tổng = 15.679m.

Dựa trên bản đồ google map :
Tổng= 15.210 m.
Từ đồn công an phường Bửu Hòa, đi hướng Tây Nam về phía Bùi Hữu Nghĩa/ ĐT16 :40m
Rẽ trái tại nem nướng Hồng Hoa vào Bùi Hữu Nghĩa/ ĐT16: 10m
Rẽ phải tại Nem Nướng Hồng Hoa về hướngNguyễn Tri Phương/ ĐH11 :300m
Rẽ phải tại Trường mẫu giáo Bửu Hòa vào Nguyễn Tri Phương/ ĐH11, băng qua Clb Bida 298 (ở bên phải cách 77 m) :1.400m
Băng qua Cửa Hàng Sắt Thép Đình Trình (ở bên trái cách 24 m)
Tại vòng xuyến, đi theo lối ra thứ 1 vào Quốc lộ 1K/ Xa lộ Hà Nội: 4.300 m
Chếch sang trái tại Dịch Vụ Cầm Đồ An Khang vàoBảo vệ tuyến ống nước thô: 1.300m
Rẽ trái về hướng Bảo vệ tuyến ống nước thô: 36 m
Rẽ phải về hướng Bảo vệ tuyến ống nước thô: 9 m
Rẽ phải về hướng Bảo vệ tuyến ống nước thô: 35m
Rẽ trái vào Bảo vệ tuyến ống nước thô: 1.400m
Rẽ trái tại Đức An Paper Power Unit vào Xa lộ Đại Hàn/ QL1A: 230 m
Rẽ phải tại Cơ Sở Thuận Hưng vào Lê Văn Chí
Băng qua Tiệm Sửa Xe Quốc Thống (ở bên phải cách 27 m): 2.400m
Tại Cửa Hàng Điện Cơ Năm Hữu, tiếp tục vàoNguyễn Văn Bá, băng qua Công Ty TNHH Xây Dựng Rạng Đông - Cn (ở bên trái cách 42 m): 2.900m
Rẽ phải vào Nhà Máy Điện Thủ Đức/Số 1
400 m đến đường Số 1, 450 m thì đến bờ sông Sài Gòn (bến đò Đồng Cháy xưa)
Tổng= 15.210 m.
So sánh hai số liệu đo đạc hai con đường:
năm 1806 = 15.679 m

năm 2016 = 15.210 m
Ta thấy chênh lệch 479 m...

Phần 2 : Thiên lý cù đoạn từ bến Bình Đồng ranh giới Trấn Biên đi đến chợ Thị Nghè đầu thế kỷ 19. (trích Hoàng Việt Thống Nhất Dư Địa Chí- Lê Quang Định)

(Còn tiếp)


Trích trong: Thành Biên Hòa và các cơ sở thiết chế tín ngưỡng- Thiên Lý Cù- Nguyên Phong Lê Ngọc Quốc (bản thảo)
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
(1) Gia Định thành thông chí- Trịnh Hoài Đức- Hậu Học Song Hào Lý Việt Dũng dịch và chú thích- NXB Đồng Nai 2006.
(2) Hoàng Việt thống nhất dư địa chí- Lê Quang Định
(3) Đại Nam Thực Lục- Quốc sử quán
(4) Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn Biên Hòa- Nguyễn Đình Đầu.
(5) Đại nam Quốc Lược Sử- Alfred Schreinr, Sài Gòn 1906
(6) Khâm định đại nam hội điển sự lệ-Nội các triều Nguyễn.
(7) Đại Nam nhất thống chí- Nội các triều Nguyễn.
(8) Biên Hòa sử lược toàn biên- Lương Văn Lựu.
(9) 85 sắc phong ở Miếu công thần tại Vĩnh Long.Thư viện khoa học tổng hợp Tp HCM 2013.
(10) 290 năm (1715- 2005) Văn Miếu Trấn Biên- Thành Ủy, UBND Thành phố Biên Hòa
(11) Đại Nam Thực Lục, Quốc Sử Quán Triều Nguyễn
(12) Minh Mệnh Chính Yếu, Quốc Sử Quán Triều Nguyễn.
(13) http://gallica.bnf.fr/ark:/12148/bpt6k62202176.item
(14) Việt Nam phong tục – Phan Kế Bính.
(15) Việt điện u linh tập- Lý Kế Xương.
(16) Nghi và văn cúng chữ Hán ở thành phố Biên Hòa, Bảo Tàng Đồng Nai, nhà xuất bản Đồng Nai, 2013- Hậu học song hào Lý Việt Dũng dịch và chú thích-
(17) Cơ sở tín ngưỡng và truyền thống ở Biên Hòa, Phan Đình Dũng
(18) Người Pháp và người Annam, bạn hay thù- Philipe Devillers- Nhà xuất bản tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh.
(19) Hồ sơ khoa học di tích lịch sử- kiến trúc nghệ thuật thành phố Biên Hòa- Ban di tích thành phố Biên Hòa.
(20) Lịch sử cuộc viễn chinh nam kỳ năm 1861-Le1opold Pallu, Hoàng Phong dịch và bình- Nhà xuất bản Phương Đông 2008
(21) tuần báo Le Monde Illustré của Pháp, số 254 năm thứ 6, ra ngày 22/02/1862
(22) Lý lịch sự vụ, nguyên tác Nguyễn Đức Xuyên, dịch và khảo chú: Trần Đại Vinh- Tạp chí nghiên cứu và phát triển số 6(123) và số 7(124) năm 2015
(23) Một số tài liệu trên internet và tư liệu điền dã
(24) http://gallica.bnf.fr/ark:/12148/bpt6k62202176.item
(25) https://www.delcampe.net/fr/collections/cartes/autres/carte-lever-de-la-place-de-bien-hoa-et-de-ses-environs-363149798.html

....


































Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét