Thứ Năm, 28 tháng 6, 2018

NAM TIẾN- THƯỢNG ĐẲNG THẦN NGUYỄN HỮU CẢNH

1-Thượng Đẳng Thần ở Cù Lao Phố

Tại cù lao Phố (Biên Hòa) hiện có đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, trong tác phẩm Gia Định Thành Thông Chí viết vào đầu thế kỷ 19, Trịnh Hoài Đức kể:

“Đền ở phía Nam Cù lao Đại Phố, phụng thờ quan Khâm sai Thống suất chưởng cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Phúc Lễ, miếu vũ trang nghiêm, mặt trông ra Phước Giang, lấy tảng đá lớn làm thủy thành, dưới đấy có con cá chép to, đớp gió đùa sóng, bơi lượn khi ẩn khi hiện, lúc gió mưa nước vỗ vào tảng đá nghe ầm ầm, sóng cuộn ào ạt, càng thêm vẻ oai linh, làm cho người nghe phải kính sợ. Từ khi Tây Sơn nổi lên, hương tàn khói lạnh, có người thuộc giới sĩ lâm trong trấn (Trấn Biên) tên là Tấn qua đấy cảm xúc mà đề bài thơ như sau:
Ải cũ bụi bay cỏ bạc màu 
Thành hoang hoa tạp trổ xen nhau 
Trời đem sự nghiệp trao đời trước, 
Đất lấp sơn hà gởi lớp sau. 
Mưa gió chưa tàn xương chiến sĩ, 
Cháu con lại vướng nạn binh đao. 
Bình sinh giọt lệ tầm thường ấy, 
Chẳng khóc trung cang, khóc công thần! 


Sau vài trăm năm tạo lập, vài lần phải di dời đến vị trí hiện nay , đình Bình Kính thờ Nguyễn Hữu Cảnh ở Cù Lao Phố, đã được xếp hạng cấp quốc gia theo quyết định số 457 – QĐ của Bộ Văn hóa Thông tin, Thể thao và Du lịch ngày 25 tháng 3 năm 1991.


Xem trong 4 sắc phong lưu trữ tại đình; sắc năm 1822, ta thấy miếu Bình Kính lúc ấy tọa lạc tại thôn Bình Kính Đông, huyện Bình An. Các sắc năm 1843, 1850 ta thấy thôn ấy đổi thành thôn Bình Hoành, huyện Phước Chánh....
2- Lần theo dấu xưa
...Sau khi bình định Cao Miên Ông kéo quân về cù lao Cây Sao (cù lao này xưa có nhiều cây sao, tức nay là cù lao Ông Chưởng) làm tờ báo tiệp và chờ lệnh.
Đêm 26 tháng ấy bỗng có gió mưa tầm tã, đất đầu cù lao bị sụt lở, tiếng vang như sấm lớn. Đêm ấy Lễ công nằm mộng thấy một người cao lớn mặc áo gấm, tay cầm cái búa Việt màu vàng, mặt đỏ như son, mày râu bạc trắng, đến trước ông bảo rằng: Tướng quân hãy kéo quân về sớm, không nên ở lâu nơi ác địa nầy. Công thức dậy, cảm thấy dã dượi nhưng vì việc ngoài biên chưa xong, bọn yêu nghiệt còn ẩn núp chốn núi rừng. Công đang trù trừ chưa quyết định thì ba quân bỗng bị phát bệnh dịch mà chính Công cũng bị nhiễm nhẹ, dần dần hai chân mất hẳn cảm giác, không ăn uống được. Gặp ngày Đoan ngọ (ngày 5 tháng 5), Công miễn cưỡng ra dự tiệc để khen lao tướng sĩ, rồi bị trúng gió mà thổ huyết, bệnh tình càng trầm trọng. Ngày 14, Công kéo binh về, ngày 16 đến Sầm Giang (Rạch Gầm) thì than ôi! Công từ trần. Quan quân chở quan tài về dinh Trấn Biên tạm quàn ở đấy, tâu trình sự việc lên vua [sic]
*Trích: Gia Đình Thành Thông Chí, bản dịch và chú giải của Thầy Lý Việt Dũng- Tiến sĩ Huỳnh Văn Tới hiệu đính và chú giải; Nxb Đồng Nai năm trang 244-245).
Vàm Ông Chưởng- bản đồ Long Xuyên năm 1920

*Theo bản dịch của Viện Sử Học, dịch giả Đỗ Mộng Khương- Nguyễn Ngọc Tỉnh được Thầy Đào Duy Anh hiệu đính và chú thích.Nxb Giáo Dục năm 1998 trang 200 thì đoạn về đến Trấn Biên:
…Tướng sĩ chở quan tài ông về dinh Trấn Biên tạm chôn, rồi đem việc tâu lên.[sic]
1/ miếu thờ Đức ông tại làng Bình Hoành
2/ Đền thờ Đức ông ngày nay
3/ Mộ Đức Ông tại gò Y- Phụng

*Theo Biên Hòa Sử lược toàn biên-Quyển thứ II của cụ Lương Văn Lưu. Tác giả xuất bản năm 1973, sự kiện trên được chép ở trang 128-129:
…Phó tướng báo tinh về phủ Chúa tại Chánh-dinh, rồi lo việc tẩn liệm và lo việc chuyển cửu vế dinh Trấn-biên.
Trên đường di chuyển, quan quân lại cho đình-cửu rồi quyền táng tại thôn Bình-hoành (Châu Đại-phố) chỗ ba năm về trước Cụ tạm đặt tổng hành dinh khi đến khai khẩn đất Đồng-Nai. [sic]
Bấy lâu có tranh luận là linh cữu Đức Ông được chôn ở Cù Lao Phố hay chỉ dừng lại, sau đó chuyển về an táng ở quê hương?
 Mộ Đức Ông tại gò Y- Phụng
*Nghiên cứu của tác giả Vĩnh Quý- báo Gia đình và Xã hội Xuân Canh Dần
http://giadinh.net.vn/xa-hoi/chuyen-chua-ke-ve-hanh-trinh-tim-mo-to-20100201012159376.htm:

-Theo sử sách và gia phả của dòng họ Nguyễn Hữu tại thôn Đại Phúc, xã Vạn Ninh (Quảng Ninh - Quảng Bình), thì linh cữu Ông được đưa về an táng tại Hiệp Hoà (Biên Hoà - Đồng Nai).
Năm 1802 (?), di cốt Ông được cải táng và đưa về an táng tại Phước Long, Chương Tín, Phong Lộc, Quảng Bình. Đến năm 1945, chiến tranh, loạn lạc đã xoá đi dấu tích phần mộ ông.
Mộ Đức Ông ở cố thổ (nguồn internet)

Bài báo đăng ngày 14 Tháng 2, 2010 | 10:15 AM không ghi chép danh tánh ai là người đã cải táng mộ Đức Ông vào năm 1802(?). Trong bài có chi tiết về đội Hộ từ phu đền Vĩnh An, được hưởng lương bổng của triều đình trước đây để coi sóc cho phần mộ Ngài. Khoảng năm 1936 (?), Hội từ phu đã đón bia mộ Nguyễn Hữu Cảnh và thân phụ của Ônng là Nguyễn Hữu Dật về dựng trước phần mộ hai Ngài. Sau khi đón bia, đội Hộ từ phu xuống thuyền chèo dọc sông lên vùng thác Ro (xã Trường Thuỷ ngày nay) và dựng bia Lễ Thành Hầu ở đó. Tấm bia kia đặt ở núi An Mã, nơi có phần mộ của Nguyễn Hữu Dật. Trên mộ Đức Ông được rải đá cuội, xung quanh có những hòn đá bạc, mộ đắp bằng đất... Đến năm 1995 thì dòng tộc đã tìm lại được mộ Đức Ông, hiện nay lăng mộ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh đã được xây dựng lại rất bề thế tại xã Trường Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Nhưng thông tin về Bia và người lập Bia không có ghi chép.
Bia Vĩnh An Hầu do quan Nguyễn Hữu Bài lập năm 1930 (nguồn internet)

*Năm 2015 tác giả Thanh Thúy có 3 bài nghiên cứu đăng trên báo Đồng Nai :

1/ http://www.baodongnai.com.vn/vanhoa/201508/nguyen-huu-canh-nguoi-mo-coi-phuong-nam-nguoi-co-3-le-gio-bai-1-2620157/

2/ http://www.baodongnai.com.vn/vanhoa/201508/nguyen-huu-canh-nguoi-mo-coi-phuong-nam-bi-an-ngoi-mo-go-y-lang-bai-cuoi-2621020/

3/ http://baodongnai.com.vn/vanhoa/201509/cau-chuyen-tim-mo-le-thanh-hau-nguyen-huu-canh-2626197/

Trong loạt bài này có thông tin:

Trên bia chạm khắc dòng chữ “Vĩnh An hầu (một tước phong khác của ông) Nguyễn Hữu Cảnh chi mộ” qua bao mưa nắng thời gian vẫn còn rất sắc sảo. Dòng bên phải bia ghi “Nguyễn triều sơ thác Nam tung khai quốc công thần thượng cấp” (Người mở mang phía Nam, Thượng đẳng khai quốc công thần của triều Nguyễn). Dòng bên trái ghi “Gia Long sơ niên, Quý hương nhân kỳ huyền tôn thi Hưng Nghĩa đạo Cai đội Ngũ Đức hầu Nguyễn Hữu Quỳnh” (Năm Gia Long thứ nhất, người cháu ở quý hương, Cai đội đạo Hưng Nghĩa, Ngũ Đức hầu Nguyễn Hữu Quỳnh lập bia mộ). Mặt sau bia ghi “Bảo Đại ngũ niên thất nguyệt thập lục nhật. Hậu duệ Cơ mật viện Viện trưởng đại thần Thái tử Thái phó Võ hiển đại học sĩ Phước Môn bá Nguyễn Hữu Bài, huệ tử Hữu Giải, nữ thị Dương, cung xướng thụ bia cẩn chỉ” (Ngày 16-7 năm Bảo Đại thứ 5, hậu duệ là Viện trưởng Viện Cơ mật đại thần, Thái tử Thái phó đại học sĩ Phước Môn bá Nguyễn Hữu Bài cùng con là Hữu Giải và Thị Dương cung kính ghi lại, dựng bia).[sic]

*Theo các tài liệu trên người cải táng mộ Đức Ông từ cù lao Phố về cố thổ thời vua Gia Long mới lên ngôi, là cháu xa của Ngài, tên Nguyễn Hữu Quỳnh; và người dựng bia vào thời vua Bảo Đại là quan Nguyễn Hữu Bài.

* Cai đội đạo Hưng Nghĩa, Ngũ Đức hầu Nguyễn Hữu Quỳnh
Theo thông tin trên trang công giáo:
Thánh tử đạo An Tôn Quỳnh Năm (nguồn internet)
http://conggiao.info/thanh-anton-nguyen-huu-quynh-nam-trum-ho-1768-1840-d-9080

Nguyễn Hữu Quỳnh sinh năm 1768 tại làng Mỹ Hương, huyện Lệ Thủy tỉnh Quảng Bình. Cha là Antôn Nguyễn Hữu Hiệp, mẹ là Mađalêna Lộc. Theo gia phả ông Quỳnh là con cháu đời 15 của đệ nhất Công Thần Nguyễn Trãi (1380-1442). Vì là con thứ năm, nên thường được gọi là Năm Quỳnh.
Thời niên thiếu, cậu xin làm đệ tử Đức Cha Labartette Bình có ý học làm linh mục, nhưng vì hai người anh trai cũng xin đi tu nên gia đình gọi cậu về để nối dõi tông đường. Năm 1800, theo việc cắt cử của làng xã, anh gia nhập đội quân của Nguyễn Ánh, góp phần chiến thắng quân Cảnh Thịnh và được thăng chức Vệ Uý. Đến khi đất nước đã thống nhất (1802), Gia Long lên ngôi, ông thấy đời quân ngũ không thích hợp, liền xin giải ngũ.

Về nhà ông làm nghề thuốc và thầy giảng; trong cơn bách đạo công giáo của vua Minh Mạng, ông bị bắt năm 1838 vì thuộc Hội Thừa Sai Balê. Trong hai năm tù ông chăm lo cho các tù nhân và chịu đựng nhiều cuộc tra tấn. Bị xử giảo (thắt cổ) chết. Đức Lêo XIII suy tôn Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh lên bậc chân phước ngày 27/05/1900; ngày 19/06/1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.

http://tinmung.net/CACTHANH/118ThanhTDVN/_TieuSu/Quynh_AntonNguyenHuu.htm

Chúng tôi đọc trong t
ư liệu châu bản triều Nguyễn; vào thời kỳ đầu niên hiệu Gia Long (Gia Long sơ niên); ở nam kỳ có phong trào cải táng di dời hương cốt người thân về miền trung. Chúng tôi chưa tìm ra văn bản triều đình cấp Công đồng phó (sự vụ lệnh) cho Vệ úy Nguyễn Hữu Quỳnh vào nam cải táng hài cốt Ngài…nhưng chắc chắn ông Năm đi vào dịp này (theo bia do cụ Bài lập ở thác Ro), lúc bấy giờ (Gia Long sơ niên) Cù Lao Phố vừa bị chiến tranh tàn phá (theo cụ Trịnh Hoài Đức), hoang vắng…nên việc cụ Quỳnh đến, ít người được biết.

* Cơ mật viện Viện trưởng đại thần Thái tử Thái phó Võ hiển đại học sĩ Phước Môn bá Nguyễn Hữu Bài
Quan Nguyễn Hữu Bài (nguồn internet)
Nguyễn Hữu Bài(阮有排), sinh 28/9/1863 mất ngày 10/7/1935 là một quan đại thần nhà Nguyễn.
Theo thông tin của Giáo xứ Phước Môn xã Hải lệ, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị
http://www.giaoxugiaohovietnam.com/Hue/01-Giao-Phan-Hue-PhuocMon.htm

Thì quan Nguyễn Hữu Bài là hậu duệ của Thánh Tử đạo AnTôn Nguyễn Hữu Quỳnh .
*Như vậy ngày 16 tháng 5 (ÂL) năm 1700, Đức Ông mất ở Sầm Giang (Rạch Gầm), linh cữu được đưa về Doanh Trấn Biên, sau mai táng tại gò Y Phụng cù lao Phố, nhân dân lập miễu thờ nơi Ngài đã từng lập đại bản doanh.

Đến những năm đầu thời vua Gia Long, cai đội đạo Hưng Nghĩa, Ngũ Đức hầu Nguyễn Hữu Quỳnh (thánh tử đạo An Tôn Quỳnh Năm) vào bốc mộ, đưa về an táng tại cố hương, sau đó năm 1930, quan Nguyễn Hữu Bài (hậu duệ Đức Ông) cho tạc bia đá dựng tại mộ mà cố ông là Nguyễn Hữu Quỳnh đã cải táng năm xưa!
Bia Vĩnh An Hầu (Nguồn Kiến Thức)


Trích bản thảo: Nam Tiến- Thượng Đẳng Thần Nguyễn Hữu Cảnh (Nguyên-Phong Lê Ngọc Quốc)






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét