Thứ Năm, 29 tháng 3, 2018

XỨ NHẬT BẢN Ở NAM BỘ XƯA!

(bài đăng trong tạp san Nam Bộ Đất & Người tập XIII, Hội KHLS Tp Hồ Chí Minh năm 2018)
*Lê Ngọc Quốc.

Hình 1: Nông thôn Nhật Bản cuối thế kỷ 19 (ảnh mang tính minh họa- nguồn Internet)


1.      Lưu dân và đất mới
Vùng đất nam bộ ngày nay, theo các tài liệu xưa ghi chép từ đầu thế kỷ 17 đã xuất hiện lưu dân từ miền ngoài vào. Họ có thể là những cố nông đi tìm đất mới, tội đồ bỏ trốn, ngưới tránh sưu thuế nặng nề, trốn binh dịch; là những người thích phiêu lưu, mạo hiểm,
và cả những nhóm dân công giáo bị chánh quyền đương thời bức đạo, đe dọa tính mạng, nên bỏ chạy vào đây, nơi còn hoang vắng, thoát vòng cương tỏa để giữ lấy đức tin.
Họ vào khai phá vùng hoang địa, tạo dựng cuộc sống mới. Lưu dân ban đầu đối diện với đầm lầy, rừng hoang, thú dữ, chứa đựng đầy mối hiểm nguy, với thiên nhiên cảnh vật xa lạ, chưa từng thấy bao giờ. 
Đến đây xứ sở lạ lùng
Chim kêu cũng sợ, cá vùng cũng kinh!

Rừng thiêng nước độc thú bầy,
Muổi kêu như sáo thổi, đỉa lội đầy như bánh canh!

Cỏ mọc thành tinh
 Rắn đồng biết gáy!
(ca dao nam bộ)
Lưu dân xưa kia khi đến khai phá, lập xứ mới, thì một trong những việc quan trọng ban đầu là định danh cho cuộc đất ấy. Địa danh các xứ ở nam bộ thời mới khẩn hoang lập ấp, trước khi chánh quyền vươn tay đến để quản lý bằng những tên được ghi bằng chữ Hán lấy ý nghĩa tốt đẹp (mỹ tự); thì đa phần thường dùng chữ nôm (địa danh dân gian, nói lên đặc tính cụ thể của từng địa phương) để gọi như: xứ Thị Nghè, xóm Chợ Đũi, xóm Bến Nghé, miệt Gò Vắp…[1]
Địa danh dân gian thường mang tên người, cây cỏ, cầm thú, tên các địa hình thiên nhiên, các công trình xây dựng.[2] Trong địa bạ Minh Mạng năm 1836, phần Nam kỳ lục tỉnh; ghi chép đầu đủ tên các tỉnh, phủ, huyện, tổng…riêng phần xã, thôn, phường, ấp, điếm, hộ, trại… Ngoài các tên ghi bằng chữ Hán, chúng ta thấy kèm thêm tên xóm hay miệt (trong địa bạ ghi chung là xứ), có thể đoán định các tên này là tên gốc ban đầu mà lưu dân đầu tiên đến, định danh cho vùng đất mới mà họ khai phá:
Phước Tỉnh thôn ở xứ Giếng Bộng (Bà Rịa- Biên Hòa), Thắng Nhứt Thuyền ở xứ Rạch Dừa, Thắng Nhị thuyền ở xứ Ghềnh Rái, Thắng Tam thuyền ở xứ Vũng Tàu (Vũng Tàu- Biên Hòa). Hòa Mỹ thôn ở xứ Thị Nghè, Hanh Thông Tây thôn xứ Gò Vắp, Thạnh Đa thôn xứ Cầu Sơn, Cần Thạnh thôn ở xứ Cần Giờ (Gia Định)…
Tỉnh Định Tường theo chánh sử ghi chép, vào năm 1679, Dương Ngạn Địch và Hoàng Tiến là tướng nhà Đại Minh chạy xuống Đại Việt xin làm bô thần, sau đó Chúa Nguyễn đã cho họ Dương và quân tướng bản bộ, xuôi nam vào cửa Soài Rạp, đồn quân lưu trú ở Mỹ Tho, xây dựng phố xá, ruộng vườn. Trong địa bạ Minh Mạng chép năm 1836, chúng tôi thấy nhiều thôn mang tên nôm kèm theo tên hành chánh: Kim Sơn thôn ở xứ Gạch Gầm, Nhơn Nhượng thôn ở xứ Vũng Cù, Thới Sơn thôn ở xứ Cù Lao Tôn… Ở huyện Kiến Hòa, tổng Hòa Thanh chúng tôi thấy có hai thôn ngoài  mỹ danh hành chánh là Minh Đức và Thọ Phú thì cả 2 thôn trên đều ghi thuộc xứ Nhựt Bổn (Nhật Bản-日本).
Theo nhà nghiên cứu Lê Trung Hoa:[3]
Địa danh ra đời trong những điều kiện lịch sử, địa lý nhất định. Do đó, phần lớn địa danh mang dấu ấn của môi trường, thời đại mà nó chào đời. Có người cho rằng địa danh giống như “vật hoá thạch”; người khác lại cho rằng đấy là những “đài kỷ niệm”. Như vậy, qua địa danh, ta có thể biết một vùng đất, một quốc gia về các mặt địa lý, xã hội, các công trình xây đựng, lịch sử và văn hoá. Địa danh Việt Nam cũng thế “[sic].
Ông cho rằng:
Ra đời trong môi trường nào, địa danh phản ảnh hoàn cảnh địa lý ở đó. Đó là điều tất yếu vì địa danh là sản phẩm của tư duy mà tư duy luôn phản ảnh hiện thực mà nó tiếp nhận. Hiện thực đi vào địa danh có thể chia làm ba phần lớn. Đó là địa hình, thực vật và động vật…” [sic].
Trong nghiên cứu về địa danh ở Sài Gòn ông nói:
“Về mặt dân tộc học, qua mặt nghiên cứu điạ danh, ta biết được những dân tộc nào đã đã sống trên một địa bàn nào đó. Chẳng hạn, qua địa danh thành phố, ta biết rằng các dân tộc khơ-me và Pháp đã sinh sống ở đây”[sic].[4]
Ở Gia Định xưa có cầu Cao Miên, vì lúc bấy giờ do một phó vương Cao Miên (khmer) lúc đó đang xin tá túc tại Bến Nghé, cho bắt cầu qua sông để tiện việc đi lại. Vùng Chợ Lớn xưa có cầu Chà Và là cây cầu bắc qua kênh Tàu Hủ nối với kênh Ruột Ngựa; từ thời xưa, vùng này là phố chợ của người gốc Ấn, chuyên bán vải, nhưng người dân Việt Nam nhầm họ là người đến từ đảo Java của quần đảo Indonesia, nên gọi trại ra thàng người Chà Và, vì vậy cây cầu ở đây được gọi là cầu Chà Và.
Tại thành phố Hồ Chí Minh ngày nay có một số địa danh nói lên nơi ngụ cư của ngoại kiều: xóm Tàu Ô, xóm Mọi Lèo, đất thánh Chà, suối Chà, mạch Chà… Ngoài ra còn một số địa danh nói lên gốc tích đa số cư dân ở vùng ấy: xóm Cai Lậy, ấp xóm Huế, xóm Phát Diệm, khu Bùi Chu.[5]
2.      Địa danh Nhật Bản (Nhựt bổn日本) trong thư tịch xưa
2.1.           Tài liệu trong nước
Trong tác phẩm Gia Định Thành Thông Chí (chép vào khoảng đầu thế kỷ 19) củaTrịnh Hoài Đức; mục Sơn Xuyên Chí- Trấn Định Tường, kể về các giồng đất ở địa phương này ta thấy có nhắc địa danh Nhật Bản:
“Giồng Nhật Bản, giồng Tổng Đỗ, giồng Dung (Dong).
- Ở cồn Nhật Bản trồng bông vải, khoai lang, khoai nước. Nhà cửa ẩn hiện trong bóng tre trúc cổ thụ um tùm”.
[6]
Mục Đại Hải Môn (cửa Đại):
“...phía tây cảng có cồn Nhật Bản, trên cồn có trạm đồn trú, trước mặt cồn nỗi cát ngầm, tục gọi là cồn Tàu..."[7]
Về địa danh "giồng Nhật Bản" trong Gia Định Thành Thông Chí, quan Trịnh Hoài Đức không có chú giải gì thêm, xem trong các tài liệu chính thống của triều Nguyễn về vùng đất này thì cũng không hề thấy cắt nghĩa về nguồn gốc của địa danh đó!
Tham khảo các thư tịch cổ của Việt Nam, chúng tôi thấy kể tàu buôn Nhật Bản có đến hoạt động tại nam bộ vào thời kỳ này (thế kỷ 17):
" Bọn Ngạn Địch đến cửa khuyết tạ ơn để đi. Binh thuyền của Ngạn Địch và Hoàng Tiến vào cửa Lôi Lạp, đến đóng ở Mỹ Tho. Họ vỡ đất hoang, dựng phố xá, thuyền buôn của người Thanh và các nước Tây Dương, Nhật Bản, Chà Và đi lại tấp nập, do đó mà phong hóa Hán thấm dần vào đất Đông Phố”.[8]
Trong Đại nam Nhất Thống Chí cũng thấy ghi chép:
"Giồng Nhật Bản: ở cách huyện Kiến hòa 65 dặm về phía đông.
Tấn cửa Đại: ở cách huyện Kiến hòa 58 dặm về phía đông, cửa tấn rộng chừng 7 dặm, thủy triều lên sâu 27 thước, thủy triều xuống sâu 22 thước, bùn sâu lầy lội, lòng rạch nhỏ hẹp quanh co, ít khi có thuyền bè ra vào. Bãi Nhật Bản ở phía tây lạch, trên bãi có lập bảo bằng đất, gọi là đồn Thừa Đức, chu vi 86 trượng, cao 5 thước, mở 2 cửa. Năm Minh Mệnh thứ 15 đắp, năm Tự Đức thứ 1 sửa lại." [9]
Trong địa bạ Minh Mạng năm 1836, tỉnh Định Tường, huyện Kiến Hòa, tổng Hòa Thanh ghi 2 thôn:
1/ Thôn Minh Đức ở xứ Nhựt Bổn.
- Đông giáp bờ biển.
- Tây giáp địa phận thôn Thọ Phú.
- Nam giáp địa phận thôn Thới Thuận.
- Bắc giáp bờ biển.
- Dân cư thổ 1.0.0.0
- Đồn  Minh Đức và thủ sở Đại Hải Khẩu 1.0.0.0
- Đất đền thờ thần 1.2.0.0
- Rừng chằm 4 khoảnh.

2/ Thôn Thọ Phú ở xứ Nhựt Bổn.
- Đông giáp địa phận thôn Minh Đức.
- Tây giáp bờ biển.
- Nam giáp địa phận thôn Thới Thuận.
- Bắc giáp bờ biển.
- Dân cư thổ 3.1.0.0
- Rừng chằm 4 khoảnh” [sic].[10]
Trong sách Nam Kỳ lục tỉnh của Duy Minh Thị soạn năm 1872, mục tỉnh Định Tường chép:
“Cửa Đại cách hướng nam tỉnh lỵ 87 dặm, bề ngang 1.487 trượng nước lớn lên 1 trượng 9 thước, nước ròng xuống 1 trượng 1 thước. Lòng cảng cạn hẹp, hướng tây là cù lao Nhựt Bổn, trên cù lao có đồn thủ ngự đóng, trước có cồn cát nổi tục danh là cồn Tàu. Hướng đông cù lao lớn gọi là cù lao biển nhỏ (Tiểu Hải Châu)”[sic].[11]
Có lẽ thư tịch nước ta chép về địa danh này sớm nhất là vào năm 1806:
“Từ cửa sông lớn Mỹ Tho đi xuống hạ lưu...dọc sông đều có ruộng vườn, đến ngã ba sông, tục gọi là ngã ba cửa Đại, nhánh hướng nam đi 13.020 tầm đến cửa Đại, cửa rộng 1.604 tầm, nước sâu 5 tầm 1 thước, đằng trước có hòn đảo, tục gọi là cù lao Nhật Bản, trên đó có dân cư ước chừng 100 nhà, ở đó có đồn phân thủ để canh chừng giặc biển”[sic].[12]
2.2.           Tài liệu nước ngoài
Trong một số bản đồ cổ thế kỷ 17, họa vùng hạ lưu sông Mecon (Mê Kông) chúng tôi thấy các tác giả chú thích một địa danh: R.Japanse, R. Japonoise, Japanese River và R.Iapante... so sánh với bản đồ hiện tại, đó chính là sông Tiền.[13]
Vào nữa cuối thế kỷ 19, Léopold Augustin Charles Pallu de la Barrière, một sĩ quan trong đạo quân viễn chinh đánh chiếm thành Gia Định năm 1859, trong quyển hồi ký của ông có mô tả khu vực này: 
“Các nhà viết sử người Hòa Lan chép rằng sông Mê Kông đổ ra biển bằng 3 cửa: cửa Umbequamme, danh xưng này theo tiếng Pháp có nghĩa là “bất tiện” Incommode, cửa Nhật Bản  và cửa Saĩgon. Chiến tranh Nam Kỳ giúp thêm cho việc nghiên cứu địa lý thủy học của sông Mê Kông; hiện nay người ta biết rằng sông Mê Kông có 7 nhánh chính. Umbéquamme là cửa đổ ra biển của một nhánh sông tách ra từ sông chánh gần Châu Đốc, sông Nhật Bản gồm hai nhánh bắc và nam …” [sic].[14]
v    Địa danh có hậu tố Nhật Bản
·                    Nhánh sông Mê Kông đổ ra cửa Tiểu và cửa Đại
Lần theo các tấm bản đồ châu âu và các thư tịch xưa, chúng tôi thấy có một tài liệu tên “Maritime geography and statistics …” của James Hingston Tuckey (1776-1816) là một nhà thám hiểm người Anh. Trong trước tác của ông tập 3, xuất bản năm 1815, chương Empire Cochin- China có nhắc đến con sông này:
“The second branch of the river is called the Japanese Branch from its having been formerly frequented by Japanese junks" [sic].[15]
Tạm dịch: Chi nhánh thứ hai của con sông được gọi là nhánh Nhật Bản vì nó đã từng được thuyền của nước Nhật lui tới.
Ghi chép trong “Đại Hòa Điền Trọng Thanh Nhật Ký” được Vũ Đoàn Liên Khê trích dẫn trong kỷ yếu hội thảo quốc tế Nhật Bản và các nước tiểu vùng sông Mekong- mối quan hệ lịch sử:
 “Đến thời Edo, thương nhân Karaya Morisukejiro đến Camphuchia đã cho neo thuyền rộng 37m, dài 500m ngay cửa sông trong suốt 60 ngày, thuyền của Karaya được cho là đã vào từ sông Mê kông để đến Phnom Penh.
Giữa cuối thế kỷ XVI là thời kỳ giao thương giữa Nhật Bản và Campuchia phát triển rực rở nhất. Năm 1569, thuyền Campuchia đã cập bến các cảng ven Kyushu, đến năm 1579, Shimazu và Ootomo đã thực hiện chuyến đi khứ hồi giữa Nhật Bản và Campuchia. Tháng 7 năm 1593, các sứ thuyền của Campuchia đã cập bến chính thức Hizen (Nagasaki). [sic][16]
Như vậy, có một thời gian con sông Tiền ngày nay, đã được người châu âu định danh: sông Nhật Bản, vì từ cuối thế kỷ 16 trên sông có hoạt động thường xuyên lui tới của thương thuyền người Nhật. Điều này cũng đã được nhà nghiên cứu Li Tana thống kê trong sách Xứ Đàng Trong- Lịch sử kinh tế- và xã hội Việt Nam thế kỷ 17- 18. Theo số liệu của bảng 1: Số thuyền châu ấn của Nhật tới các nước Đông Nam Á (1604- 1635):[17]

Năm

AnNam
Tong king
Thuận Hóa
Cajian
Cochinchina
Champa
Cambodia
Siam
Luzon
1604
4
3
1
1

1
5
4
4
1605
3
2



1
5

4
1606
2
1



1
3
4
3
1607
1




1
4
4
4
1608
1




1
1
1

1609

1


1

1
6
3
1610
1



3

1
3
2
1611
2



3


1
2
1612

1


3


2
1
1613

1


6

1
3
1
1614

1


7

2
3
4
1615




5

1
5
5
1616

1


4



1
1617

2


5


1
1
1618

3


7

2
1
3
1619

3


1



1
1620




5

1

2
1621

1


2

1

4
1622




1


2
2
1623

2


2
1
2
3
1
1624

2


2


1
2
1625

1




1
2

1626







1

1627




1

1
2

1628

2


2

2
3

1629




1

1
1

1630







1
2
1631

1


1

1
1

1632

2


3

4

2
1633

3


2

1
1

1634

3


2

2


1635




1

1


Total
14
36
1
1
70
5
44
56
53

Xem số liệu của Li Tana, chúng ta thấy những năm đầu thế kỷ 17 cụ thể là từ 1604 đến 1608, hoạt động của thương thuyền Nhật Bản đến Cambodia (theo tuyến hạ lưu sông Mê Kông) số lượng nhiều hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á. Tổng cộng trong 31 năm (1604- 1635) số thuyền châu ấn Nhật đến Cambodia, được Li Tana thống kê là 44 chiếc, số lượng có thể nhiều hơn vì đó là số thuyền có phép của chính quyền Tokugawa, cũng có thể còn có nhiều thuyền không có phép, vẫn hoạt động mua bán trong thời gian này.
·                 Vùng đất hạ lưu sông Mê Kông (cửa Đại)
Sông Tiền vào thế kỷ 17 được người nước ngoài định danh là sông Nhật Bản, và được ghi chú trong nhiều bản đồ xuất bản ở châu âu từ thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 19; vì lúc bấy giờ thương thuyền của Nhật hoạt động dọc ngang trên hạ lưu sông Mê Kông; vậy các địa danh mà thư tịch xưa ghi chép: xứ, cồn, giồng… mang hậu tố “Nhật Bản” tại vùng đất hạ lưu sông Mê Kông, nằm bên hữu ngạn cửa Đại, có liên quan gì đến người Nhật Bản hay không ?
3.      Người Nhật Bản đến Đông Nam Á (Cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII)
Theo các ghi chép của các cha đạo Dòng Tên thời kỳ ấy cùng các nghiên cứu mới nhất; người Nhật Bản đã có mặt tại Cochichina (Đàng Trong), Cambodia (Cao Miên) và Siam (Xiêm La) từ cuối thế kỷ 16 qua các quan hệ thương mại mua bán, đến đầu thế kỷ 17 thì số lượng người Nhựt ở đây càng gia tăng, họ là những:
Ø  Thương nhân, thường dân đến đây buôn bán và làm các công việc hỗ trợ.
Ø  Lực lượng chiến binh Samurai đến đây có thể qua hai thời điểm:
*Trận chiến nổi tiếng nhất lịch sử Nhật Bản: trận Sekigahara (Quan nguyên chi chiến) xảy ra năm 1600.
*Trận vây hãm Ōsaka (1614-1615)
Các chiến binh này thuộc lực lượng của các lãnh chúa đối nghịch với tướng quân Tokugawa Ieyasu (Đức xuyên gia khang, người chiến thắng và lập ra Mạc phủ từ 1603 đến 1867).  Bị thất bại trong 2 trận chiến trên, một số các chiến binh đã rời khỏi đất nước, phiêu bạt đến các nước lân bang. Nơi xứ lạ họ không còn chủ nhân để phụng sự theo truyền thống Samurai, họ trở thành Rōnin (Lãng Nhân 浪人) đa số họ làm nghề lính đánh thuê, vệ sĩ, sĩ quan cao cấp trong các chính quyền sở tại. 
Ø Người công giáo phải bỏ đất nước vì luật cấm đạo của Mạc Phủ Tokugawa; và sực kiện cuộc nổi dậy của gần 40.000 nông dân phần lớn theo Thiên Chúa giáo (Shimabara 1637-1638); sau khi dập tắt cuộc khởi nghĩa này, Chính quyền Mạc Phủ Nhật Bản đã thi hành chính sách Tỏa quốc (Sakoku), ngừng các hoạt động giao lưu văn hóakinh tế với các nước phương Tây. Một số chiến binh và giáo dân sống sót, đã đào thoát khỏi Nhật Bản sau sự kiện này.
3.1.           Di dân và định cư
Sau khi thống nhất Nhật Bản, Toyotomi Hideyoshi thi hành nhiều chính sách nhằm phát triển kinh tế. Năm 1592, ông ban lệnh Châu Ấn (Gosyuin-Jo), cho phép thuyền nhân Nhật được vượt biển đi giao thương với các quốc gia trên thế giới, phần lớn họ đã tìm đến các cảng thị ở khu vực Đông Nam Á[18]. Trong giai đoạn giữa những năm cuối của thế kỷ 16 và đầu thế kỷ 17, các thương nhân Nhật di cư đến các nước trong khu vực này, thúc đẩy mối quan hệ giữa Nhật Bản với các nước mà họ đến lưu trú, đồng thời cải thiện sự tiếp xúc với người bản địa và người châu âu mà họ giao tiếp trong quá trình trao đổi thương mại. Họ đã lập các khu lưu trú tại đấy (Nihomachi). Đàn ông Nhật đã kết hôn với phụ nữ địa phương, do đó đã tạo ra các cộng đồng được thành lập bởi con cháu họ; chính vì thế, bốn thập kỷ trước chính sách Tỏa Quốc- Sakoku, là thời kỳ mở rộng thương mại của Nhật Bản, nhất là ở Đông Nam Á, một khu vực mà một số lượng lớn người Nhật đã đến định cư.[19]
Theo tư liệu của các tu sĩ Dòng Tên [20] thời gian này, hoạt động của người Nhật ở khu vực Đông Nam Á và các vùng lân cận phát triển mạnh mẽ, họ di cư đến: Ma Cao (Trung Quốc), Tonkin (Đàng Ngoài), Cochinchine (Đàng Trong), Cambodia (Cao Miên), Siam (Xiêm La), Batavia (Jakarta)…Nhiều cộng đồng định cư Nhật Bản được thành lập (được gọi là Nihonmachi trong tiếng Nhật), lớn đáng kể nhất là ở Siam, Cambodia và Cochinchina.
Ø    Siam (Bangkok)
Theo các tài liệu giáo sĩ dòng tên và các ghi chép của người Châu Âu; thời cực thịnh vào khoảng những năm 1620s, ở Siam có từ 1000 đến 1500 người cư trú, kiều dân Nhật ở đây đa số là thương nhân, giáo sĩ, giáo dân công giáo và các chiến binh lưu vong (Rōnin). Sau các biến cố về tôn giáo ở chính quốc, số lượng người công giáo Nhật đến lưu trú ngày càng đông; giáo xứ công giáo được thành lập vào năm 1626, quản lý hơn 400 giáo dân. Lực lượng chiến binh Nhật tham gia tích cực vào các cuộc biến chính trị tại Siam, nó chính là nguyên nhân chính dẫn đến sự kiện: tháng 10 năm 1630 vua Prasat Thong của Siam lúc bấy giờ đã ra lịnh đốt cháy khu Nihonmachi ở Siam, người Nhật một số bị giết, số bị đuổi ra khỏi Siam, một số chạy qua Cambodia, một số đào thoát về quê hương…Đến năm 1632, chính vua Prasat Thong vì muốn thiết lập lại nền thương mại với nước Nhật, đã thay đổi chính sách, mời Nhật kiều đào thoát qua Cambodia trước kia, quay lại Siam. Sau đó có khoảng hơn 300 người đã trở lại; nhưng năm sau (1633) khu Nihonmachi ở đây lại bị cháy rụi, thiệt hại người và tài sản thật lớn…từ đó khu định cư này tàn lụi dần, nhiều người bỏ sang định cư ở Cambodia, một số tìm cách trở về nước.
Ø    Cambodia (Phnom Penh- Ponhea Lueu)
Người nhập cư Nhật Bản đã thành lập 2 khu phố: ở Phnom Penh năm 1614 và Ponhea Lueu vào năm 1618, và tồn tại cho đến năm 1667; ước tính có hơn 1500 người Nhật lưu trú ở Cambodia trong thời gian này. Tại Phnom Penh, khoảng năm 1615, đã có một giáo xứ và một cộng đồng gồm hơn 70 giáo dân lưu trú; những năm 1620 và 1630, có ba linh mục ngưới Nhật Bản làm việc ở đó. Nhật kiều ở đây một số phục vụ cho chính quyền sở tại, họ nắm giữ các vị trí khá quan trọng như: hộ vệ hoặc quan chức cho hoàng gia. Khoảng năm 1650, một trong số những người Nhật này chiếm được một địa vị quan trọng trong triều đình Cao Miên. Một thời gian sau khu Nihonmaci ở Campuchia cũng dần lụi tàn do chiến tranh triền miên ở nước này.
Theo nghiên cứu mới nhất của ông Hiroshi Sugiyama năm 2004, nhóm ông đã phát hiện ra dấu vết một ngôi làng Nhật Bản từ thế kỷ 17 tại xã Ponhea Lueu, cách Phnom Penh 25 km về phía bắc. Phát hiện dưới tầng đất cho thấy, có khoảng 100 người Nhật đã sống trong làng trong thời gian đó và hầu hết họ đều tham gia vào các hoạt động tôn giáo và buôn bán. 
Ø    Cochinchina (Faifo- Hội An, Touran- Đà Nẵng).
Từ cuối thế kỷ 16, đã có người Nhật đến buôn bán và lưu trú tại Hội An và Đà Nẵng, qua đến đầu thế kỷ 17, khi Mạc Phủ Tokugawa tăng cường bức hại đạo công giáo thì nơi này nhận được nhiều đợt nhập cư của người Nhật. Theo tư liệu của các giáo sĩ Dòng Tên, Đàng trong lúc bấy giờ là một trong những nơi cư ngụ ưa thích của người Nhật. Tại đây, có thể tìm thấy 2 khu định cư, một ở Faifo (Hội An) được thành lập vào năm 1617 và tồn tại cho đến năm 1696, và một ở Touran (Đà Nẵng) được thành lập vào năm 1623; ước tính có khoảng 300 người Nhật sống ở Đàng Trong. Đa số là giáo dân công giáo và họ xây dựng một nhà thờ trong khu phố của họ để các nhà truyền giáo từ Macao đến lưu trú.
3.2.     Cộng đồng Nhật kiều Đông Nam Á và chính sách Tỏa Quốc của Mạc Phủ
Cộng đồng Nhật kiều định cư và phát triển ở Đông Nam Á được khoảng 4 thập niên thì Mạc Phủ Nhật ban bố chính sách Tỏa Quốc- Sakoku. Tỏa Quốc (khóa đất nước lại) là chính sách đối ngoại của Nhật Bản, theo đó không người nước ngoài nào được vào Nhật Bản hay người Nhật được rời xứ sở; kẻ vi phạm phải chịu án tử hình. Chính sách này được Mạc phủ Tokugawa ban bố dưới thời Tokugawa Iemitsu qua một số chiếu chỉ và chính sách từ năm 1633 đến năm 1639 và cho đến cuộc Minh Trị Duy tân (1868), lệnh cấm dân Nhật ra nước ngoài vẫn hiệu lực.
Chính sách đó là một bản án lưu đày vĩnh viễn hàng ngàn Nhật kiều ở nước ngoài lúc bấy giờ. Họ đã hoàn toàn bị bỏ rơi số phận của mình; không có hy vọng về hồi hương, từ giữa những năm 1630 trở đi, những người Nhật này đã phải nỗ lực tìm ra phương tiện sống còn. Họ tham gia nhiều hơn vào việc buôn bán ở Đông Nam Á hoặc trở thành những tay lính đánh thuê để phục vụ chính quyền địa phương. Theo tài liệu của các “bức thư hàng năm” của Tỉnh Dòng Nhật Bản ở Ma cao; các nhà truyền giáo đã dành rất nhiều quan tâm cho các cộng đồng này. Người Nhật lưu vong, thành lập tại một số thành phố và các cảng trên khắp Đông Á, nơi đó họ đóng góp một phần vào sự thịnh vượng kinh tế xã hội của các khu vực này thông qua các hoạt động thương mại hoặc quân sự. Khả năng duy trì bản sắc cộng đồng này giảm dần theo tiến trình của thế kỷ 17, cộng đồng này cuối cùng hòa tan vào với các cộng đồng địa phương, vì họ có rất ít khả năng tự đổi mới do thiếu người mới đến từ cố hương. Di sản văn hoá của họ, ngôn ngữ, tôn giáo, truyền thống dần biến mất. Các tài liệu nghiên cứu đương đại cho thấy những cộng đồng này đã không tồn tại được hơn 50 hoặc 70 năm kể từ khi Mạc Phủ ra lệnh Tỏa Quốc"đóng cửa" Nhật Bản (1639).[21]
3.3.     Cộng đồng giáo dân công giáo ở Đàng Trong vào thế kỷ 17
Sách Lịch sử công giáo Nhật Bản[22] có ghi chép: Mối quan hệ giao thương nở rộ với Đàng Trong là nguồn gốc định cư của người Nhật Bản tại đây. Tháng Giêng năm 1615, đoàn thừa sai từ Macao đã đến Đàng Trong (Đà Nẵng và Hội An) với nhiệm vụ săn sóc giáo hữu Nhật Bản. Ban đầu mặc dầu chính quyền cũng khá chống đối tôn giáo mới, nhưng do cái lợi về giao thương với Nhật và Bồ Đào Nha, nên Chúa Đàng Trong cũng nới lỏng. Tân tòng người bản địa cũng như người Nhật Bản vẫn được rửa tội. Báo cáo mục vụ trong năm 1621 kể rằng: trong năm ấy đã có 82 người bản xứ và 27 người Nhật đã nhận phép rửa.
Lúc này những người Nhật theo đạo Thiên Chúa đến Đàng Trong ngày một đông. Với tư cách là một nhà truyền giáo, Alaxandre de Rhodes đã từng sinh sống ở Hội An (1624 – 1627), sau đó được chuyển ra Bắc để thiết lập giáo đoàn Đàng Ngoài (1627 – 1630), ông đã chú ý đến hiện tượng có rất nhiều tín đồ công giáo Nhật Bản di cư đến An Nam. Theo ông: 
“Hoàng đế Nhật đã cấm hết công dân phải bỏ việc thương mại vì biết có rất nhiều giáo dân, kể từ năm 1614 bắt đầu có sắc lệnh cấm đạo, người Nhật đã kéo nhau đi lũ lượt, nhất là vào mùa chay, và cả ngoài mùa này nữa, mỗi năm ba hay bốn lần, để được xưng tội với các Cha dòng biết tiếng Nhật và nhận lễ ban thánh thể và mỗi lần ba hay bốn chiếc thuyền. Họ đi tự do, lấy cớ buôn bán. Và cứ thế gần mười năm nay họ vẫn tiếp tục ra đi và rất mãn nguyện vì được an ủi về phần hồn”[23] .
Đàng trong dưới thời cai trị của Chúa Sãi (1613- 1635), Chúa Thượng (1635- 1648) vì đang tập trung tài lực cho chiến tranh với Đàng ngoài, việc cấm đạo cũng có lúc buông lỏng, các Chúa cần bang giao với Bồ Đào Nha để mua khí giới đạn dược, hàng hóa và công nghệ phương tây; người đứng đầu cộng đồng Nhật ở Hội An được các Chúa giao cho làm đại diện giao thương với nước ngoài. Cho nên tuy có lúc cương quyết cấm đạo, cầm tù, xử tử giáo dân bản địa; nhưng đối với các thừa sai ngoại quốc lúc mạnh nhất chỉ là trục xuất; còn giáo dân người Nhật Bản sống trong khu định cư vẫn an toàn; không bắt buộc phải thi hành, có quyền miễn tố của người nước ngoài. Trong hoàn cảnh này, giáo dân Nhật Bản có thể che dấu các vị thừa sai trong Nihomachi ở Hội An. Tuy nhiên đến thời chúa Hiền (1648- 1687), thì vị thế ưu ái đó không còn nữa, nhất là sau lệnh Tỏa Quốc của Mạc Phủ, thương thuyền Nhật không đến Hội An, mối lợi về kinh tế mà Nhật Kiều mang đến cho nhà Chúa bị suy giảm.
“Tình hình giáo dân công giáo Nhật Bản không bao giờ hứa hẹn tốt đẹp như xưa nữa, họ sống trong sự sợ hãi triền miên, phải bị khủng bố và một số trong họ đã bị đẩy vào chỗ chết với giáo dân bản địa. Năm 1658, một số giáo dân công giáo Nhật nổi bật đã bắt đầu di cư sang xứ sở khác, năm 1665, tất cả các thừa sai nước ngoài đều bị trục xuất và sự khủng bố bao gồm mọi giáo dân công giáo bản địa cũng như Nhật Bản.”[24]
Từ những năm 60, 70 của thế kỷ 17, cơn bách đạo tại đây càng trở nên khốc liệt, Chúa Hiền ngày càng mạnh tay bức hại giáo dân công giáo, nhiều giáo dân phải bị tử hình vì không chối đạo; giáo dân công giáo Nhật ở đây cũng không thoát khỏi, nhiều người không chịu Khóa- Quá (dẫm lên ảnh thánh hoặc bước đạp qua thánh giá) đã bị sát hại: đàn ông thì bị chém đầu, đàn bà con trẻ thì bị voi dày.[25]
3.4.     Cộng đồng giáo dân công giáo Nhật đã đi đâu?
Theo các nghiên cứu đương đại về dấu tích khu Nihomachi ở Hội An; căn cứ vào diện tích của số căn nhà, thì dân số lưu trú trong khu phố cổ Hội An vào đầu thế kỷ XVII không quá 1.000 người. Trong đó, người Nhật có khoảng 60 gia đình, nếu mỗi gia đình có trung bình từ 4 đến 5 nhân khẩu, thì có khoảng 200 đến 300 người Nhật định cư tại Hội An. Tuy nhiên cũng có tác giả cho rằng vào đầu thế kỷ XVII đã có đến 700 người Nhật sinh sống ở Hội An.[26]
Theo thừa sai Alaxandre de Rhodes đã ở Hội An từ năm1624, ông đã chép về việc người công giáo Nhật Bản di cư đến Đàng trong:
“Có rất nhiều giáo dân, kể từ năm 1614 bắt đầu có sắc lệnh cấm đạo, đã kéo nhau lũ lượt ra đi, nhất là vào mùa chay, và cả ngoài mùa này nữa, mỗi năm ba hay bốn lần, để được xưng tội và rước lể với các Cha dòng biết tiếng Nhật; mỗi lần có tới ba hay bốn chiếc tàu. Họ đi tự do, lấy cớ buôn bán. Và cứ thế gần mười năm nay họ vẫn tiếp tục ra đi và rất mãn nguyện vì được yên ủi về phần thiêng liêng”[27].
Theo ghi chép trên, từ năm 1614 đến năm 1624 có từ 30 đến 40 chuyến tàu chở giáo dân rời Nhật Bản, tải trọng của thương thuyền Nhật thời ấy chứa khoảng 200 người, họ lưu trú tại nơi định cư mới, một số người kết hôn với dân bản địa, 2 đến 3 thế hệ con cháu được sinh ra tại hải ngoại; như thế theo thống kê của các nhà nghiên cứu Nhật Bản đương đại đến khoảng những năm giữa thế kỷ 17, số lượng Nhật Kiều ở Hội An khoảng 700 người là khả tín.
3.5.     Đức tin của Ki tô hữu Nhật Bản
Giáo hội Nhật Bản là một giáo hội có những trang sử tuy ngắn, nhưng đẫm máu, khi bị bách đạo, giáo hội lâm nguy, nhiều giáo dân Nhật Bản đã tỏ ra anh dũng. Việc bách đạo đại quy mô vào năm 1622 và xử tử công khai 50 người công giáo quyết không bỏ đạo tại Nagasaki 22/9/1622 mới chỉ là mở màn; vào năm 1637- 1638 cuộc nổi dậy Simabara có gần 35.000 giáo dân bị giết khi đứng lên bảo vệ đức tin và sinh mạng. Tư liệu ấy nói lên tính cách can trường, thà chết không rời bỏ đức tin; sự trung thành với đức tin Thiên Chúa một cách kiên trì của các Ki-tô hữu ẩn danh (Kakure Kirishitan) thật đáng kinh ngạc, có lẽ đây là trường hợp duy nhất trong lịch sử của những tín hữu không có linh mục, không thánh lễ, không thánh đường mà giữ được đức tin và lòng yêu mến Chúa; sau hơn 200 năm bị cô lập (từ 1638 đến 1865) người ta còn tìm thấy 20.000 giáo dân sống ẩn mình thờ phụng đức tin, bất chấp án tử.[28]
3.6.     Giáo dân Nhật ở Hội An thời Chúa Hiền (1648- 1687), Họ đã đi đâu?
Để giữ lấy đức tin, họ đã cam lòng rời bỏ cố hương; đến vùng đất mới được vài mươi năm, đức tin và sinh mạng của họ lại bị xâm hại lần nữa. Cuộc bách hại đạo thời Chúa Hiền bắt đầu từ những năm 1649, trở nên ác liệt kể từ năm 1664; lúc này giáo dân Nhật cũng cùng chung khổ nạn như giáo dân bản địa. Một số đã bỏ đức tin để giữ lấy sinh mạng; nhưng số còn lại vẫn can trường giữ lấy đức tin mang đi từ “Cố hương”.
“Tình hình giáo dân công giáo Nhật Bản không bao giờ hứa hẹn tốt đẹp như xưa nữa, họ sống trong sự sợ hãi triền miên, phải bị khủng bố và một số trong họ đã bị đẩy vào chỗ chết với giáo dân bản địa. Năm 1658, một số giáo dân công giáo Nhật nổi bật đã bắt đầu di cư sang xứ sở khác”.[29]
Các Ki-tô hữu hằng thường niệm: “Thiên Chúa ở khắp mọi nơi”*
Và thế là họ lại ra đi tìm miền đất Hứa 1 lần nữa.
Ngày 18/8/1695, viên mại biện người Anh Thomas Bowyear của Công ty Đông Ấn Anh đến đàm phán với Chúa Minh về việc xây dựng một khu cư trú tại Hội An. Việc thương thảo tuy không thành, nhưng cũng đã để lại một ghi chép:
“Hội An lúc ấy gồm một đường phố trên bờ sông và hai dãy nhà. Số lượng chừng 100 nóc, phần lớn đều là Hoa kiều. Cũng có khoảng bốn năm gia đình người Nhật…”[30]
Theo thông tin trên thì đến những năm cuối thế kỷ 17, người Nhật ở Hội An còn khoảng trên dưới 20 người, một số lượng quá ít so với con số thống kê khoảng 700 người của những năm đầu thế kỷ; số người ấy đã đi đâu? Năm xưa chính bị bách đạo mà họ đã vượt bao hiểm nguy để đến xứ Đàng Trong, và vài mươi năm sau đó, cũng để giữ lấy đức tin đức tin, cộng đồng công giáo này một lần nữa đã quyết định di cư sang xứ sở khác[31].
Số dân công giáo Nhật chối bỏ đức tin, và những kiều dân Nhật không công giáo ở lại, đã hòa nhập vào cộng đồng bản địa. Trong luận án tiến sĩ đại học Sorbonne (Paris), ông Nguyễn Thanh Nhã (giảng sư kinh tế học Trường Đại Học Sorbonne-Panthéon) dựa trên cơ sở nghiên cứu của Nguyễn Thiệu Lâu, người có rất nhiều chuyên khảo về Hội An từ đầu thập niên 1940, ông cho biết:
“Các cộng đồng này đã tan rã nhanh chóng sau khi các quan hệ trực tiếp với quê hương của họ bị cắt đứt hẳn vào năm 1637. Lâm vào tình cảnh đơn độc, các cộng đồng này mất dần khả năng cạnh tranh với thế lực đang lên của các thương gia người Hoa. Bị các thương gia người Hoa dần dần thay thế, các cộng đồng người Nhật buộc phải phân tán thành từng nhóm nhỏ để hòa vào dân cư địa phương. Đặc biệt, cộng đồng người Nhật tại Hội An, dù cố gắng chèo chống để tồn tại, rốt cuộc, cũng buộc phải dời xuống miền tây nam bộ (basse- Cochichine) năm 1681”.[32]
4.      Vùng đất Thủy Chân Lạp thế kỷ XVII
Những người di dân đến Thủy Chân Lạp lúc bấy giờ không phải chỉ những người nghèo khổ, hay nững tội án bị phát lưu, những người trốn thuế hay hạng trộm cướp hoặc bọn người thích phiêu lưu, mà còn có cả dân công giáo di cư vì lý do trốn tránh những cuộc bách hại của chúa Nguyễn ở trong nước[33]. Những người di cư vào vùng Bà Rịa cùng vào thời điểm vua Cao Miên Chey Chettha II xin cưới 1 công nương của Chúa Sãi. Năm 1623, nhà Chúa lại sai một phái bộ tới Oudong, yêu cầu vua Chey Chettha II cho lập đồn thu thuế tại Prei Nokor (Sài Gòn) và Kas Krobei (Bến Nghé). Sau khi vua Chey Chettha II mất (1628) thì xảy ra các biến động tranh giành quyền lực của nội bộ vương triều Cao Miên: 1642 Nặc Ông Chân giết chú và em họ, giành lại ngôi vua, sau đó có ý chống đối Chúa Nguyễn nên năm 1658, lực lượng quân sự của Chúa Hiền tiến vào bắt Ông đưa về Quảng Bình. Năm 1672 và 1674 hàng loạt cuộc chiến đối đầu giữa hoàng tộc Cao Miên, và quân đội Chúa Hiền đã góp phần tham chiến; rồi tiếp đến là cuộc thâm nhập của lực lượng chiến binh Đại Minh: Dương Ngạn Địch và Trần Thượng Xuyên, làm vùng đất từ Mô- Xoài (Bà Rịa) đến tả ngạn sông Mê Kông trở nên sôi động.
Theo các diễn biến, tình hình thời cuộc lúc bấy giờ “cộng đồng giáo dân Nhật ở Hội An di cư qua xứ sở khác”[34] có thể đã chọn vùng đất còn hoang vắng, yên bình nằm bên hữu ngạn nhánh sông Mê Kông đổ ra cửa Đại (?). Vùng đất này nằm cạnh bên hải trình của các thương thuyền Trung Quốc được phép từ Cao Miên, Xiêm La, Batavia... đi đến cảng Nagasaki của Nhật và ngược lại. Có thể họ đã dừng chân lưu trú tại cửa biển này, nơi đây hội một số điều kiện cần cho họ định cư an toàn, giữ lấy đức tin; có thể liên lạc với cố hương thông qua các thương thuyền đến Nagasaki, ước mong ngày trở về quê cha đất tổ!
Xứ Mỹ Tho cho đến năm 1732, trên danh nghĩa thuộc về Đàng Trong; nhưng mãi đến tận năm 1772  đạo Trường Đồn mới được thiết lập, nâng lên cấp Dinh từ 1779, đến 1781 cải tên thành Dinh Trấn Định. Đó là phần đất trung tâm của Dinh Trấn, nằm bên tả ngạn sông Tiền thuộc Mỹ Tho, còn phần đất bên hữu ngạn cửa Đại, lúc ấy ắt vẫn còn hoang vắng, mê địa… “vùng ao chằm chằng chịt hiểm yếu” [35]
5.      Xứ Nhật Bản ngày nay
“Tư bề Thừa Đức nội thôn,
đất trồng dưa hấu ngọt ngon quá chừng!”
Nguyễn Liên Phong từng ca ngợi sản vật chính của xứ này trong Nam Kỳ phong tục nhân vật diễn ca (1909). Xứ Nhật Bản xưa kia gồm 2 thôn Mỹ Đức (thời vua Tự Đức đổi thành Thừa Đức) và Thọ Phú thuộc Mỹ Tho, ngày nay thuộc huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. So với các huyện khác trong tỉnh thì Bình Đại có phần cô lập, nằm lẻ loi trên một dãy cù lao. Xứ Nhật Bản này chiếm trọn phần đất cuối của cù lao An Hoá. Thừa Đức là một xã nghèo vị trí không thuận lợi về cơ sở hạ tầng, giao thông, kinh tế xã hội thuần nông, chủ yếu là nuôi trồng thủy sản, trồng hoa màu, đánh bắt thủy sản bằng các phương tiện thô sơ rời rạc chưa tập trung, đời sống bà con gặp rất nhiều khó khăn.[36]
Khu vực nằm giữa sông Tiền và sông Hàm Luông đến đầu thế kỷ đầu 18 bao gồm nhiều cù lao, rừng chằm, sông nước đang xen chằng chịt; đó chính điều kiện thiên nhiên thuận lợi cho lưu dân bỏ quê hương tìm đến. Giáo dân công giáo đã có mặt từ lâu, và sau đó 3 họ đạo lớn đã được thành lập: Cái Nhum (1731) ; Cái Mơn (1732) ; Cái Bông (1780)[37]Như thế vùng hữu ngạn cửa Đại cách đây hơn 300 năm có thể đã được một cộng đồng giáo dân Nhật chọn làm nơi cư trú. Họ đến từ Siam, Phnom Penh, Đàng Trong và cả các nơi khác, mà ở đó cuộc sống và đức tin họ bị bách hại. Không rõ họ lưu trú được bao lâu và ai đã đặt tên cho xứ ấy là Nhật Bản?
Quê hương là chốn gắn bó thân thiết với mỗi con người. Đó không chỉ là nơi có mồ mả tổ tiên ông bà, mà còn là nơi ghi dấu những ký ức đẹp; là nơi mà tâm hồn, bản sắc văn hóa con người được nuôi dưỡng. Lấy địa danh cố hương để đặt tên cho nơi cư trú mới là để luôn nhắc cho thế hệ con cháu mai hậu phải luôn ghi nhớ gốc tích tổ tông; đời sau nếu có dịp sẽ phải quay về, để thỏa nỗi niềm khát khao quê hương mà lớp tiền nhân đã gạt nước mắt, dứt áo ra đi.
Chính với sự phong tỏa đất mẹ gắt gao, qua nhiều thế hệ, không như các cộng đồng lưu dân khác cùng đến đất này: Chine, Cochinchine, Champa… Có thể các cộng đồng lưu dân Nhật; do đứt hẳn mối dây liên hệ với nước mẹ, thiếu người Nhật mới đến và rất ít khả năng tự đổi mới, di sản văn hoá, ngôn ngữ, tôn giáo, truyền thống của họ đã biến mất; cuối cùng Họ đã hòa tan vào các cộng đồng cư trú tại địa phương.
Ngày nay, trong ký ức của một vị cao niên trên 60 tuổi đã từng lưu dấu chân xứ này, ông nói: xưa kia họ gọi chỗ đó là “Giồng Nhựt”…




*Hội viên câu lạc bộ Người Đồng Nai- thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai (phone 0903906956).
[1] Nguyễn Đình Đầu (1994), Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn, Nam kỳ lục tỉnh, Nxb Tp Hồ Chí Minh, trg 60.
[2] Lê Trung Hoa (2003), Nguyên tắc và phương pháp nghiên cứu địa danh (địa danh thành phố Hồ Chí Minh,
Nxb Khoa học xã hội, trg 10.

[3] PGS. TS. Lê Trung Hoa (2006), ĐỊA DANH - NHỮNG TẤM BIA LỊCH SỬ-VĂN HOÁ CỦA ĐẤT NƯỚC.
Báo cáo tại Hội thảo khoa học “Nâng cao chất lượng đào tạo bậc sau đại học chuyên ngành văn hóa học” do Bộ môn Văn hóa học tổ chức tháng 1-2006.
[4] Lê Trung Hoa (2003), Nguyên tắc và phương pháp nghiên cứu địa danh (địa danh thành phố Hồ Chí Minh).
Nxb Khoa học xã hội, trg 35.
[5] Lê Trung Hoa (2003), Nguyên tắc và phương pháp nghiên cứu địa danh (địa danh thành phố Hồ Chí Minh).
Nxb Khoa học xã hội, trg 134.
[6] Trịnh Hoài Đức- Lý Việt Dũng dịch và chú giải (2005), Gia Định thành thông chí, Nxb Tổng hợp Đồng Nai, trg 54.
[7] Trịnh Hoài Đức- Lý Việt Dũng dịch và chú giải (2005), Gia Định thành thông chí, Nxb Tổng hợp Đồng Nai, trg 57.
[8] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục,  Nxb Giáo Dục, tập I, trg 91.
[9] Quốc sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam nhất thống chí, Nxb Thuận Hóa, tập 5, tỉnh Định Tường, trg 109-127.
[10] Nguyễn Đình Đầu (1994), Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn, tỉnh Định Tường, Nxb Tổng Hợp Tp Hồ Chí Minh, trg 238- 242.
[11] Duy Minh Thị (1872), Thượng Tân Thị dịch theo bản Hán văn, Hồ Biểu Chánh tiểu dẫn (1944), Nam Kỳ lục tỉnh,  Đại Việt Tạp Chí ấn tống, trg 58-59.
[12] Lê Quang Định- Phan Đăng dịch và chú giải  và giới thiệu (2005), Hoàng Việt Nhất Thống Dư Địa Chí, Nxb Thuận hóa- Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, trg 315~316.
[14] Léopold Augustin Charles Pallu de la Barrière- Dịch và bình Hoàng Phong (2008), Lịch sử cuộc viễn chinh Nam Kỳ năm 1861, Nxb Phương Đông,  trg 35~36.
[15] James Hingston (1815), Maritime geography and statistics …by Tuckey, Topics Ocean, Commercial geography, Commerce, Shipping Publisher London, Black, Parry & Co.sVol 3. p. 239
[16] Vũ Đoàn Liên Khê (2011), Kỷ yếu hội thảo quốc tế “Nhật Bản và các nước tiểu vùng sông Mekong- mối quan hệ lịch sử”.
Bài viết: Thương mại cảng Nagasaky và các nước tiểu vùng sông Mekong thế kỷ XVI-XVII-, công ty CP dịch vụ  xuất bản giáo dục Gia Định, trg 125.
[17] Li Tana- Nguyễn Nghị dịch (2013),  Xứ Đàng Trong- Lịch sử kinh tế- và xã hội Việt Nam thế kỷ 17- 18, Nxb Trẻ năm, trg 101- 102.
[18] Võ Văn Hoàng (2017), Người Nhật ở Hội An thế kỷ XVI- XVII, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng. Tạp chí phát triển kinh tế- xã hội Đà Nẵng. Nxb Văn hóa- Văn Nghệ.
[19] 20 Madalena  Ribeiro(2001), The Japanese Diaspora in the Seventeenth Cen tury. According to Jesuit Sources
Bulletin of Portuguese - Japanese Studies, núm. 3, December, Universidade Nova de Lisboa, Portugal, pp. 53 - 83


[21] Madalena  Ribeiro (2001), Portuguese - Japanese Studies, Universidade Nova de Lisboa, Portugal, núm. 3, pp 53 – 83.
[22] Joseph Jennes- Bản tiếng Việt (2008), A History of the Catholic Church in Japan, CICM., Lịch sử Giáo Hội Công giáo Nhật Bản, Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, Hà Nội, trang 235~ 236.
[23]  Võ Văn Hoàng (2017),  Người Nhật ở Hội An thế kỷ XVII- XVII - Đà Nẵng- Miền Trung, những vấn đề lịch sử văn hóa. Nxb Văn hóa văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, trg 95.
[24] * Joseph Jennes, Bản tiếng Việt- Lịch sử Giáo Hội Công giáo Nhật Bản (2008),  A History of the Catholic Church in Japan, , CICM, Nhà Xuất Bản Tôn Giáo Hà Nội, trang 235- 236.
* Lm Bùi Đức Sinh (2013), Giáo hội công giáo ở Việt Nam, Veritas Edition Calary- Canada, in lần 3.
[25] Lieut. Colonel Bonifacy (1929), Tuần báo Thức tỉnh kinh tế Đông Dương (L'Eveil économique de l'Indochine) số ra ngày chủ nhật 28/7/1929, chuyên mục: Causeries sur L'histoire D'Annam, p. 7:
Hiên vuong fut beaucoup plus cruel envers les chrétiens; après le martyre de neuf indigènes, il fit paraitre un édit contre la religion. Les missionnaires furent chassés. Les Japonais catholiques de Faifo abjurèrent; à plusieurs repri- ses des hommes furent décapités, tan- dis que des femmes, des enfants étaient livrés aux éléphants.
[26] Võ Văn Hoàng(2017), Người Nhật ở Hội An thế kỷ XVII- XVII, Đà Nẵng- Miền Trung, những vấn đề lịch sử văn hóa. Nxb Văn hóa văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, trg 97.
[27] Alexandre de Rhodes, bản dịch tiếng việt Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên (1994), Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài. Tủ sách Đại kết, trg 36 .
[28] Gioan Baotixita Trần Thái Thành , tài liệu:"Truyền giáo ở Á châu và một nỗi tiếc khôn nguôi...".

[29] Joseph Jennes, Bản tiếng Việt- Lịch sử Giáo Hội Công giáo Nhật Bản (2008),  A History of the Catholic Church in Japan, , CICM, Nhà Xuất Bản Tôn Giáo Hà Nội, trang 235- 236.
* Thiên Chúa không có ở xa chúng ta đâu. Thật vậy, chính là ở trong Ngài mà ta sống, ta cử động, ta có. (Tông đồ công vụ 17, 28)
[30] Charles B. MayBon- dịch giả Nguyễn Thừa Hỷ (2006), Những người Châu Âu ở nước An Nam,  Nxb Thế Giới Hà Nội, trg 154.
[31] Joseph Jennes, Bản tiếng Việt- Lịch sử Giáo Hội Công giáo Nhật Bản (2008),  A History of the Catholic Church in Japan, , CICM, Nhà Xuất Bản Tôn Giáo Hà Nội, trang 235- 236.
[32] Nguyễn Thanh Nhã- dịch giả Nguyễn Nghị (2013), Bức tranh kinh tế Việt Nam thế kỷ XVII và XVIII, Nxb Tri Thức, trg 377.
* trích dẫn tài liệu của Nguyễn Thiệu Lâu, Le port et la ville de Faifo au XVIII siècle, CEFEO nº30 ,1942.
...Les relations entre le Japon et la Cochinchine cessèrent et la Colonie japonaise se trans porta en 1681 en Basse-Cochinchine. Les Chinois, vers le troisième quart du 17e siècle, s'implantent définitivement à Faifo, en y créant le village de Minh- Huong.
[33] Lm Bùi Đức Sinh (2013), Giáo hội công giáo ở Việt Nam, Veritas Edition Calary- Canada, in lần 3, trg 256.
[34] Joseph Jennes, Bản tiếng Việt- Lịch sử Giáo Hội Công giáo Nhật Bản (2008),  A History of the Catholic Church in Japan, , CICM, Nhà Xuất Bản Tôn Giáo Hà Nội, trang 235- 236.
[35] Trịnh Hoài Đức- dịch và chú giải Lý Việt Dũng (2005), Gia Định thành thông chí, Nxb Tổng hợp Đồng Nai, trg 142.
[36] Cổng thông tin điện tử tỉnh Bến Tre,
[37] http://www.giaoxugiaohovietnam.com/VinhLong/01-Giao-Phan-VinhLong-CaiNhum.htm#LỊCH SỬ HỌ ĐẠO CÁI NHUM-WebVinhLong


Hình 2: Bản đồ cổ Amsterdam xuất bản năm 1662: số (1)- Iapanfe R. số (2) Fayfo.
Nguồn: https://www.raremaps.com/ 

Hình 3: Bản đồ cổ London xuất bản năm 1720: số (1)- Iapanga R.
Nguồn: https://www.raremaps.com/ 

Hình 4: Bản đồ Đông Dương thuộc Pháp, xuất bản năm 1889: số (1) R. Nhựt Bổn ở Thừa Đức- Cửa Đại
Nguồn: http://gallica.bnf.fr/ark:/12148/btv1b53025179v/f2.planchecontact 
Tài liệu tham khảo
1.      Nguyễn Đình Đầu (1994), Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn- Nam kỳ lục tỉnh, Nxb Tp Hồ Chí Minh.
2.      Lê Trung Hoa (2003), Nguyên tắc và phương pháp nghiên cứu địa danh (địa danh thành phố Hồ Chí Minh), Nxb Khoa học xã hội.
3.      PGS. TS. Lê Trung Hoa (2006), ĐỊA DANH - NHỮNG TẤM BIA LỊCH SỬ-VĂN HOÁ CỦA ĐẤT NƯỚC, Báo cáo tại Hội thảo khoa học “Nâng cao chất lượng đào tạo bậc sau đại học chuyên ngành văn hóa học” do Bộ môn Văn hóa học tổ chức tháng 1-2006.
4.      Trịnh Hoài Đức, dịch và chú giải Lý Việt Dũng (2005), Gia Định thành thông chí, Nxb Tổng hợp Đồng Nai.
5.      Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, Nxb Giáo Dục.
6.      Quốc sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam nhất thống chí, Nxb Thuận Hóa.
7.      Duy Minh Thị (soạn năm 1872), Nam Kỳ lục tỉnh, Thượng Tân Thị dịch theo bản Hán văn, Hồ Biểu Chánh tiểu dẫn. Đại Việt Tạp Chí ấn tống năm 1944.
8.      Lê Quang Định- dịch và chú giải  và giới thiệu Phan Đăng (2005), Hoàng Việt Nhất Thống Dư Địa Chí, Nxb Thuận hóa- Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây.
9.      Barry Lawrence Ruderman (1662), Antique Maps, Inc. Amsterdam.
10. Léopold Augustin Charles Pallu de la Barrière, dịch và bình Hoàng Phong (2008), Lịch sử cuộc viễn chinh Nam Kỳ năm 1861, Nxb Phương Đông.
11. James Hingston (1815), Maritime geography and statistics …by Tuckey, Topics Ocean, Commercial geography, Commerce, Shipping Publisher London, Black, Parry & Co.sVol 3.
12. Kỷ yếu hội thảo quốc tế “Nhật Bản và các nước tiểu vùng sông Mekong- mối quan hệ lịch sử”.
13. Li Tana, người dịch Nguyễn Nghị (2013), Xứ Đàng Trong- Lịch sử kinh tế- và xã hội Việt Nam thế kỷ 17- 18, Nxb Trẻ.
14. Võ Văn Hoàng (2017), Người Nhật ở Hội An thế kỷ XVI- XVII, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng. Tạp chí phát triển kinh tế- xã hội Đà Nẵng. Nxb Văn hóa- Văn Nghệ.
15. Madalena  Ribeiro (2001), The Japanese Diaspora in the Seventeenth Cen tury. According to Jesuit Sources Bulletin of Portuguese - Japanese Studies,
      Universidade Nova de Lisboa, Portugal.
16. Joseph Jennes, Bản tiếng Việt- Lịch sử Giáo Hội Công giáo Nhật Bản (2008),  A History of the Catholic Church in Japan, , CICM, Nhà Xuất Bản Tôn Giáo Hà Nội.
17. Lm Bùi Đức Sinh (2013), Giáo hội công giáo ở Việt Nam,Veritas Edition Calary- Canada, in lần 3.
18. Lieut. Colonel Bonifacy (1929), Tuần báo Thức tỉnh kinh tế Đông Dương (L'Eveil économique de l'Indochine) số ra ngày chủ nhật 28/7/1929, chuyên mục: Causeries sur L'histoire D'Annam. 
19. Alexandre de Rhodes, bản dịch Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên (1994), Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài, tủ sách Đại kết,TP HCM.
20. Gioan Baotixita Trần Thái Thành, tài liệu: "Truyền giáo ở Á châu và một nỗi tiếc khôn nguôi...".
21.  Charles B. MayBon, dịch giả Nguyễn Thừa Hỷ (2006), Những người Châu Âu ở nước An Nam, Nxb Thế Giới Hà Nội.
22. Nguyễn Thanh Nhã, dịch giả Nguyễn Nghị (2013), Bức tranh kinh tế Việt Nam thế kỷ XVII và XVIII,  Luận án tiến sĩ đại học Sorbonne (Paris), Nxb Tri Thức năm 2013. Trích dẫn tài liệu của Nguyễn Thiệu Lâu, Le port et la ville de Faifo au XVIII siècle, CEFEO nº30 ,1942.
23. Nguyễn Văn Trung (2015), Hổ sơ về lục châu học- tìm hiểu con người vùng đất mới.. Nxb Trẻ .
24. Cao Thế Dung (2003), Việt Nam công giáo sử tân biên, Nxb cơ sở Dân Chúa.
25. Nguyễn Chí Trung (2005), Cư dân Faifo- Hội An trong lịch sử, Trung tâm quản lý bảo tồn di tích Hội An năm.
27. http://www.giaoxugiaohovietnam.com/VinhLong/01-Giao-Phan-VinhLong-CaiNhum.htm#LỊCH SỬ HỌ ĐẠO CÁI NHUM-WebVinhLong.
28. Cổng thông tin điện tử tỉnh Bến Tre.
        Biên Hoà
*Lê Ngọc Quốc 0903906956

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét