Chủ Nhật, 6 tháng 11, 2016

NGỤC THẤT THÀNH CỔ BIÊN HÒA !

Tù nhân và ngục thất xưa 
“Nhất nhật tại tù
Thiên thu tại ngoại”
(Một ngày trong tù bằng cả ngàn mùa thu ở bên ngoài ! )


Nhà tù là nơi giam giữ tù nhân, theo thông lệ nhà tù là một bộ phận của hệ thống tư pháp, hình sự của nhà nước. Có lẽ hình thức giam giữ người được cho là có tội, vi phạm quy ước của cộng đồng, bộ tộc thời xã hội sơ khai là trói vào cột, hoặc nhốt vào hang đá…Có truyền thuyết kể về nền pháp luật thời vua Nghiêu, vua Thuấn của Trung Hoa vào hơn 4.000 năm trước; khi có người phạm tội, vua Nghiêu cho chính do ông không biết dạy dỗ dân nên dân mới sa vào vòng tội lỗi. Vua Nghiêu nhận trách nhiệm của mình đối với đất nước. Đó là cách cư xử nhân từ phúc hậu của vua Nghiêu nên dân chúng rất cảm mến; đức độ của vua sáng ngời tỏa rộng, thấm nhuần khắp nơi, nên thời bấy giờ, không cần hình phạt răn đe bỏ tù mà dân được sống an bình thạnh trị. Truyền thuyết kể rằng có người dân phạm lỗi đến trình ông, ông vẽ một vòng tròn trên đất “Họa địa vi lao- vẽ ngục trên mặt đất”, bảo đứng tại chỗ, thế mà người dân đó răm rắp tuân theo không dám cãi, cứ đứng yên tại chỗ đó cho đến khi được vua tha tội. (antruong.free.fr/damdaiganhdao34.html)
Nhà tù và trại giam là 2 từ được dùng chính thức, phổ biến trên thế giới. Ngoài ra còn có nhiều từ khác được dùng không chính thức để chỉ nhà tù như: nhà đá, nhà lao, ngục, khám, chuồng cọp... Ra đời từ rất sớm, ngay khi nhà nước ra đời thì các nhà tù cũng được thiết lập cùng với quân đội, cảnh sát, tóa án tạo nên hệ thống công cụ trấn áp của giai cấp cầm quyền đối với các giai cấp, tầng lớp bị trị trong xã hội. Thuở sơ khai, nhà tù chủ yếu được dùng để giam giữ những người chống đối lại giai cấp cầm quyền, tức là những kẻ có thể làm ảnh hưởng đến sự tồn tại của giai cấp đó. Về sau cùng với sự phát triển của xã hội, nhà tù còn được dùng để giam giữ tội phạm, tức những kẻ chống đối, gây hại cho cộng đồng xã hội.


Theo sử ta, từ khi thống suất Nguyễn Hữu Cảnh được chúa Nguyễn Phúc Chu sai vào kinh lược xứ Đồng Nai (1698), ngay sau đó dinh Trấn Biên được thành lập, lỵ sở dinh trấn được xây dựng tại thôn Phước Lư (giáp Nông Nại Đại Phố- Cù lao phố, bởi Rạch Cát).
Chính quyền được thành lập, trật tự trị an được binh lính triều đình thay thế quân bản bộ của Đô Đốc Trần Thượng Xuyên, trấn giữ trước đó. Pháp luật kỷ cương dần dần được ban bố trên toàn vùng đất mới; nhằm bảo vệ cho dân chúng, khách thương yên tâm sản xuất, buôn bán. Có lẽ lúc này nhà ngục chỉ xây dựng đơn giản bằng cây, tre gai, tường đắp đất…mãi đến sau khi dời về ấp Tân Lân (1816) lúc này Dinh Trấn Biên đã được đổi thành Trấn Biên Hòa (1808). Nhà ngục được nâng cấp, xây dựng trong Thành Biên Hòa. Năm Minh Mạng thứ 6 (1825), nghị định cho các tỉnh đều được dựng một nhà khám, một nhà ngục ở cửa Bắc trong thành tỉnh, mỗi nhà 3 gian 2 chái, lòng nhà dọc ngang đều 7 thước 2 tấc. Cột chính cao 10 thước 8 tấc, 4 tường bao quanh cao 5 thước, sau có lệnh xây cao thêm 1,2 thước, phía trước mở một cửa. Ở mỗi tỉnh, mỗi thời kỳ , tùy theo số lượng tù nhân hiện giam nhiều hay ít, mà cho xây 1 sở hay 2, 3 sở, không ấn định. 


Thời kỳ này triều đình áp dụng Hoàng Việt luật lệ ban hành thời vua Gia Long. Nhà vua dùng tư tưởng nho giáo trong quản lý và xây dựng đất nước. Cai trị đất nước chủ yếu dựa vào Đức trị và Nhân trị (quan điểm trị nước của Nho giáo). Tuy nhiên, để bảo vệ vương quyền và xây dựng một nhà nước phong kiến trung ương tập quyền chuyên chế cao độ, buộc nhà Nguyễn phải sử dụng đến yếu tố pháp trị. Đó là sự kết hợp giữa độc tôn Nho giáo và pháp trị, nhà Nguyễn đã xây dựng và thực thi pháp luật trên nền tảng của nho giáo. Nho giáo đã cùng với pháp luật của triều đình trung ương, ổn định trật tự kỷ cương xã hội, đảm bảo cho sự phát triển của đất nước.
Hoàng Việt Luật Lệ được coi là bộ luật lớn nhất, hoàn chỉnh và đầy đủ dưới chế độ phong kiến. Bên cạnh những điều luật hà khắc, áp chế đối với nhân dân, còn có rất nhiều những điều luật có giá trị, mang tính nhân văn trong việc thể hiện mối quan hệ giữa các giai cấp trong xã hội.
Ngục giam của các nơi đều làm ra hai ngăn, trong và ngoài. Những kẻ tội nặng như: Ăn cướp, tội chém, tội thắt cổ đều giam ở ngăn trong; từ tội quân lưu trở xuống đều giam ở ngăn ngoài. Tù phạm phụ nữ thì giam ngục riêng.
Có thể nói Hoàng Việt Luật Lệ là bộ luật tiến bộ nhất so với các bộ luật của các triều đại phong kiến trước. Thời này, luật pháp đã thiết lập, quản lý chặt chẽ từ trung ương đến các địa phương, từ giai cấp quan lại, tôn thất, quân binh, đến dân đinh, lão hạng, đàn bà, con trẻ…đều bị xử lý, nếu vi phạm pháp luật. Ngục thất là nơi chứa tù tạm giam chưa có án, tù đang thụ án; tù bị lưu đày từ nơi khác đến, tù án tử chờ “lệ mùa thu” hàng năm để thi hành án hoặc được xem xét lại trước khi thi hành án, nhằm tránh án oan.
Vua Gia Long từng ra chỉ dụ cho quan đứng đầu địa phương :
“Quan trấn hàng ngày phải thường xuyên thăm nom các tù phạm trong nhà giam; nếu có kẻ nào ốm đau đói rét, thì phải để tâm chăm nuôi chu tất“
Minh Mạng năm 1836, chuẩn theo đình nghị tấu lên như sau: “ Về việc gạo lương của các tù giam, nếu tù tội đồ, mỗi người mỗi tháng phát 11 thăng gạo lương; tù tội lưu thì mỗi người 10 thăng gạo lương.
Các tù bị đi đày nhưng chưa đưa đi khổ sai, kẻ nào chưa đi làm nô mà còn giam ở ngục; cùng tù phạm giam đợi sau xét xử, các tù tạm giam, các tù nặng khác tuy chưa xử án mà lại không có ai cấp dưỡng...thì không kể trai gái từ 18 tuổi trở lên, mỗi người được cấp mỗi tháng 7 thăng gạo, từ 18 tuổi trở xuống thì cấp 5 thăng mỗi tháng…”
Tù phạm đa số là những kẻ bất hảo, bất tuân pháp luật của xã hội bên ngoài; nên để đề phòng và răn đe, ngăn ngừa phạm tội trong ngục thất, triều đình đã ban nhiều điều lệ:
Những kẻ can phạm phải tội xử trảm, giảo, nếu có kẻ nào bị giam lâu ngày, tự xưng là kẻ đầu sỏ trong nhà lao, quen thuộc với lính ngục, bắt nạt các tù phạm cùng giam, hống hách lừa dối lấy tài vật, xúc bảo cung xưng vu hãm cho người khác, đè nén tàn ngược, hung ác, nếu xét rõ ra sự thực, thì chiểu theo lệ: kẻ tù phạm về tội xử tử, ở trong nhà giam mà lại hành hung đến nỗi chết người”, thì đem hành hình ngay. Còn những kẻ là can phạm lỗi tầm thường, làm “đầu sỏ” thì châm chước mà trừng trị nghiêm ngặt để răn đe.
Luật còn liệt kê nhiều tội nếu vi phạm sẽ bị trừng phạt nặng như: vượt ngục, giúp tù phạm vượt ngục; đánh bạc, uống rượu trong ngục, mang theo đồ kim khí sắc nhọn...Tù nhân luôn bị theo dõi lục soát, ngăn chặn và phạt nặng theo luật đã ban hành.


Nhóm tù nổi tiếng và xưa nhất ở vùng đất nam bộ, có lẽ là nhóm tù phạm của cuộc nổi loạn ở Nông Nại Đại Phố năm 1747.
Theo ghi chép của sử nhà Nguyễn, khi nhóm quân bản bộ của Đô Đốc Trần Thượng Xuyên tiến vào đất Đồng Nai (1679), đóng quân tại Bàn Lân (chợ Biên Hòa). Ông đã cho khai thác cù lao Phố trên quy mô lớn; mở mang đất đai, lập thành phố chợ, xây dựng đường sá, cầu đò, bến cảng, kho bãi, tửu điếm, khách sạn…Kêu gọi thương nhân Trung Hoa, người Tây, người Nhật, người Bồ Đà (Chà Và)…các nơi đến mua bán giao thương. Chẳng bao lâu, dưới sự quản lý, tổ chức linh hoạt; đô đốc Trần Thượng Xuyên đã biến vùng đất hoang sơ trở thành thương cảng, trung tâm thương mại và giao dịch quốc tế của cả vùng Đồng Nai, Gia Định.
Năm 1747, một nhóm khách thương người Phúc Kiến qua lại buôn bán, thấy Cù lao Phố giàu có nên dậy lòng tham muốn chiếm lấy để làm chỗ dung thân lâu dài. Cuộc bạo loạn do thương nhân tên Lý Văn Quang cầm đầu; họ Lý tự xưng là Đông Phố đại vương, kết bè đảng hơn 300 người, âm mưu đánh úp dinh Trấn Biên (lúc bấy giờ đóng ở thôn Phước Lư, giáp Nông Nại Đại Phố bằng con rạch Sa Hà- Rạch Cát ngày nay).
Nhân ngày tết Nguyên Đán, họ lập mưu đánh chiếm dinh Trấn Biên, chém chết quan trấn thủ là Cẩn Thận Hầu Nguyễn Cư Cẩn (ông là anh ruột của Tân Minh Hầu Nguyễn Cư Trinh, vị quan trấn giữ biên cương miền nam và góp phần to lớn trong công cuộc nam tiến của Đại Việt). Quân binh dinh trấn tiếp ứng, quân phản loạn chạy về cù lao phố, chận cầu để chống cự. Quan lưu thủ Cường Oai Hầu họ Nguyễn điều lính thủy bộ của dinh dàn trận ở bờ bắc, đốt phá cầu ván để cứ thủ. Sau đó nhóm bạo loạn bị quan binh ở đạo Mô Xoài (Bà Rịa) tiếp ứng với quan binh dinh Trấn Biên dẹp tan. Quan quân bắt được bọn Lý Văn Quang cùng bọn đầu sỏ hung ác 57 tên. Nhưng vì chúng là người của nước Đại Thanh nên không giết vội, đem giam vào ngục rồi tâu báo về triều đình.
Bọn tù nhân ngoại quốc đặc biệt ấy bị giam trong ngục thất của dinh Trấn Biên ròng rã gần 10 năm trời. Mùa thu năm 1756 tiện thể có nhóm bộ hạ của tổng đốc tỉnh Mân Chiết (Trung quốc) là Thiên tổng Lê Huy Đức đi tuần thú đảo Đài Loan, thuyền bị gió bão dạt đến nước ta. Triều đình nhờ thuyền buôn để đưa họ về nước; Quan trấn bèn soạn công văn và bản án kể rõ tội trạng của đảng cướp người Phúc Kiến ấy. Bọn tù phạm ngày ấy có một số thọ thương bị bệnh chết, còn lại Lý Văn Quang, Hà Tuy, Tạ Tứ và 13 người đồng phạm, giao hết cho đoàn của Lê Huy Đức lãnh giải về Mân Chiết, trình lên quan tổng đốc xét xử trị tội.


Hơn 20 năm chiến tranh loạn lạc giữa lực lượng Tây Sơn và tập đoàn Nguyễn Ánh, các cơ quan lỵ sở của dinh Trấn Biên bị tàn phá nặng nề. 1802 Gia Long lên ngôi tại Huế, sau đó các cơ quan lỵ sở tại các địa phương được khôi phục xây dựng lại để phục vụ cho chính quyền mới.
Năm 1816 lúc này dinh Trấn Biên được đổi thành trấn Biên Hòa, với lý do vùng thôn Phước Lư địa hình thấp, mùa nước lớn hay gây cảnh ngập lụt, lị sở của trấn được dời về thôn Tân Lân (khu vực trước Thành Kèn hiện nay). Lúc bấy giờ có lẽ do đánh giá vị thế Biên Hòa không còn là nơi địa đầu quan yếu, nên hệ thống lũy bao của tỉnh thành Biên Hòa, cũng chỉ được xây dựng bằng vật liệu nhẹ, đơn giản: cây gỗ, tre, nứa; hoặc đất thì đắp vào khung gỗ, tre…Công đường, vọng cung, lầu chuông, sảnh đường, kho, bếp, khám, ngục… đều được xây dựng trong khu vực nội Thành theo quy định của triều đình Huế.
Năm 1833 Lê Văn Khôi và thuộc hạ phá ngục Gia Định, giết quan bố chánh Bạch Xuân Nguyên, mở cửa tù, thả hết phạm nhân và phát khí giới cho họ, chiếm thành Phiên An (Thành Quy). Ông tự xưng là Đại nguyên soái, phong quan tước cho thuộc hạ, rồi cùng lập một triều đình riêng; sau đó sai quân đánh chiếm các tỉnh thành nam kỳ. Biên Hòa bị đánh chiếm 2 lần, thành lũy bị tàn phá. Năm 1834, trong khi binh triều đình còn vây đánh thành Gia Định, vua Minh Mạng sai quan khâm mạng Tham tri đốc biện Bộ công là Đoàn Văn Phú đi kinh lý nam kỳ, xem xét trù tính tâu lên để thi hành ngay việc đắp thành đất tỉnh Biên Hòa. Tháng giêng năm Mậu Tuất (cuối năm 1838), vua Minh Mạng sai phái 4.000 binh dân xây đắp lại Thành theo thiết kể kiểu Vauban, thành đất ốp mặt ngoài bằng đá ong. Lúc này, có lẽ xét từ việc ngục thất thành Gia Định bị quân khởi loạn Lê Văn Khôi phá dể dàng, rồi đánh chiếm phủ đường, công sảnh; cho nên cuối năm 1838 ngục thất Biên Hòa được cho xây kiên cố hơn ở phía tây bắc trong nội Thành.


Hai mươi năm sau, trước biến cố quân Pháp lăm le xâm lược nam bộ, vua Tự Đức ra nhiều sắc lệnh bức hại dân theo công giáo, vì cho rằng chính họ có thể làm nội ứng, gián điệp, dẫn đường cho giặc. Ngục thất Biên Hòa lại một lần nữa giam cầm một số lượng tù nhân lớn, và một câu chuyện lịch sử thương tâm ít được biết đến!
Giáo hội công giáo có mặt tại Việt Nam từ đầu thế kỷ 17, khi các nhà truyền giáo người Châu Âu tới giảng đạo tại Đàng ngoài. Trải qua nhiều thăng trầm và biến đổi lịch sử, đến thời kỳ tranh chấp giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh, Đàng trong xuất hiện giám mục Pigneau de Béhaine, quen gọi là Bá Đa Lộc. Ông đã hết lòng giúp đỡ Nguyễn Ánh, khi Chúa đang bị khốn đốn bởi cuộc săn lùng, vây hãm khắp nam kỳ của quân Tây Sơn. Qua viện trợ, xin cầu viện từ vua Pháp, kêu gọi tài trợ, thành lập nhóm sĩ quan Pháp phiêu lưu đến giúp Nguyễn Ánh về mặt kỹ thuật quân sự; và qua chính mình làm quốc sư, giám mục Bá Đa Lộc kỳ vọng có thể tạo Nguyễn Ánh thành một ông vua công giáo như vua Charlemagne, người đã đưa cả nước Pháp tòng công giáo. Nhưng trái với tham vọng ấy, khi vị thế đã vững chắc, thanh thế thực lực quân sự, kinh tế đã vững mạnh, Nguyễn Vương dần dần lạnh nhạt với “ tôn giáo của người nước ngoài”, “Vương không nhận một tôn giáo nào ngoài đạo thờ ông bà, tổ tiên”.
Suốt 18 năm lên ngôi vua, Gia Long tuy xuống dụ bài bác công giáo, nhưng vua vẫn làm ngơ, vẫn để cho các thừa sai tự do đi lại, tự do truyền giáo và sống đạo. Đến các triều kế tiếp Minh Mạng, Thiệu Trị, thì hàng loạt sắc dụ cấm công giáo được ban hành. Nhiều giám mục, giáo dân bị bắt, xử trảm, tù đày. Năm 1847 Tự Đức lên ngôi vua và ra nhiều dụ cấm đạo khác nghiệt, cũng vì sự cấm đạo tàn nhẫn này dẫn tới thực dân Pháp có cớ xâm chiếm Việt Nam. Một trong những tuyên cáo của Tự Đức có ghi:
“ Đạo Chúa hiển nhiên là trái với tự nhiên, bởi nó không tôn trọng các tổ tiên đã khuất. Các thầy giảng đạo gốc Âu Châu, là các kẻ đáng tội nhất, sẽ bị ném ra biển, với đá cột quanh cổ, và một phần thưởng ba mươi nén bạc sẽ được trao cho bất cứ ai bắt được một người trong họ. Các thầy giảng gốc Việt Nam ít tội hơn, và trước tiên sẽ bị tra tấn để xem họ có sẽ từ bỏ những sai lầm của mình hay không. Nếu từ chối, họ sẽ in dấu trên mặt và đày đi đến những vùng rừng thiêng nước độc. Còn những ngu dân thì các quan phải ngăn cấm, đừng để cho đi theo đạo mà bỏ sự thờ cúng cha ông, chứ đừng có giết hại...
Ba năm sau đó, năm 1851, sự khoan dung này dành cho các linh mục bản xứ đột nhiên bị bãi bỏ. Từ đó dụ cấm đạo càng khắt khe hơn trước. Khi quân Pháp mở cuộc xâm lược nước ta vào tháng 8 năm 1858, tấn công cảng Đà Nẵng. Sau đó quay xuống nam kỳ, Ngày 18 tháng 2 năm 1859 quân xâm lược chiếm được thành Gia Định (Thành Phụng). Triều đình cho là các giám mục Tây Phương xúi giục dân công giáo, chỉ điểm và làm tay sai cho quân Pháp, cho nên ra nhiều chỉ dụ, lục soát, điều tra, truy lùng giáo dân khắp nam kỳ; bắt giáo dân phải "Khoá Quá" tức bước qua hoặc dẫm lên ảnh Chúa-thánh giá... nếu không sẽ nhốt vào ngục.Tại tỉnh Biên Hòa lúc bấy giờ có 2 nhà ngục chính là thành Biên Hòa và thành Bà Rịa, giáo dân từ các vùng lân cận đưa đến giam cầm, bị khắc chữ lên má, một bên chữ Biên Hòa, bên kia ghi chữ Tả Đạo.
“... Các tín hữu Tân Triều, Mỹ Hội, Lái Thiêu, Thủ Dầu Một và các họ đạo lân cận kể đến 600 người bị bắt giam vào ngục thất Biên Hòa, số người bị hành quyết tại Dốc Sỏi (đường Nguyễn Ái Quốc hiện nay, đoạn từ cổng II phi trường đến sở Công An thành phố) lên tới khoảng 120 vị. Ngày 17/12/1861, trên 407 giáo hữu còn bị nhốt trong nhà lao Biên Hòa. Khi Pháp sắp hạ thành, nhà lao bị phóng hỏa thiêu rụi, chỉ có 7 người thoát thân, còn 400 người chịu tử đạo” (Kỷ yếu 150 năm Giáo xứ Biên Hòa, 1863- 2013 )

Bấy giờ số lượng giáo dân bị bắt nhốt vào ngục thất quá đông, tháng 9 năm 1861 quan Tỉnh ra lệnh xây dựng thêm ngục mới. Ở thành Biên Hòa, ngục giam người công giáo được cho xây cũng hướng cổng bắc Thành, bên trái nằm ngoài lũy Thành. Các nhà ngục mới không có phên che mưa nắng, tù nhân phải nằm trên đất, chết bệnh khá nhiều.
Tại xứ Búng, Thủ Dầu Một có gia đình bà Hảo người công giáo:
“… Bà gả con gái của bà là cô Tám, cho một thanh niên ở Thị Nghè. Ngày vu quy, cùng đưa cô Tám đến nhà chàng rể, có bà Hảo, cô gái út là thị Chín, và anh Chất, con trai của bà. Khi đến Vàm Thuật họ bị phát hiện là người công giáo, và bị đày đi Biên Hòa, nơi giam những người theo đạo Kitô. Người ta yêu cầu họ bỏ đạo, nhưng họ không đồng ý. Anh Chất bị kết án lưu đày và chết ở đó. Hai cô gái, cô Tám và cô Chín bị đánh bằng roi và nhất là không có gì để ăn. Khi chết xong, xác hai cô được một trong các anh em trai đến nhận và mang về chôn cất tại họ đạo Ghe Tám. Còn bà Hảo mẹ của các cô và anh Chất thì vẫn bị giam chung với những người công giáo khác cho đến khi trại giam bị đốt cháy…”giaoxugiaohovietnam.com/PhuCuong/01-Giao-Phan-PhuCuong-Bung.htm.)

Lính canh giữ ngục rất chặt chẽ và hà khắc. Lúc đầu tù nhân còn có tiền bạc, đúc lót cai ngục và lính canh nên được dể dãi. Thân nhân của họ giả dạng người bên lương (cách gọi người dân không theo công giáo) đến thăm tiếp tế lương thực thì phải chia đôi cho cai ngục và lính. Tù nhân đi đại, tiểu tiện ở ngay trong ngục.
Lúc thành Biên Hòa chưa thất thủ, tuần phủ Nguyễn Đức Hoan dâng sớ xin chém 3 giáo dân với tội làm trinh thám và giao thông với Tây “đem tiền gạo đến thuyền của Tây dương”; thì được triều đình đồng ý phê duyệt tức khắc, nhằm thị chúng. Chung quanh thành Biên Hòa, các đường vào thành đều cho đặt thánh giá (theo lệnh triều đình) nhằm ngăn giáo dân không thể bước qua để làm gián điệp và liên lạc với quân Pháp.
Ngày 14 tháng 12 năm 1861, tướng Bonard vừa gửi tối hậu thơ cho tướng Nguyễn Bá Nghi và tuần phủ Nguyễn Đức Hoan, lại vừa ban lệnh khởi binh. ngày 17 tháng 12 năm 1861, trước hỏa lực vượt trội hơn của liên quân Pháp- Tây Ban Nha, thành Biên Hòa thất thủ sau gần một ngày bị công phá!
(Trích Đại nam Quốc Lược Sử- Alfred Schreinr, Sài Gòn 1906)
“…Sáng sớm ngày 17-12-186, sau khi phá các chướng ngại vật trên sông Đồng nai, dễ dàng chiếm lấy hai đồn Gò Công và Mỹ Hòa, liên quân Pháp dồn 4 cánh quân tiến đánh Thành Biên Hòa...
...Hai chiếc tàu có chịu bắn ba hiệp súng lớn mà không bị thiệt hại chút chi; song khi chiếc canonnière đối xạ phát thứ ba, thì bên an- nam ngưng bắn, rồi thấy một vầng lửa lớn cháy đỏ hực lên trên thành. Khi đó trời đã gần tối, nên trễ lắm độ binh lên bờ không kịp. Ngày thứ đạo binh mới nhập thành đã bỏ không…” Người ta thấy tại đó có một chuyện gớm ghiếc không kém chi mấy chuyện trong những ngày hung ác đời thống trị Romain. Là ông tuần phủ Hoan với quan án sát Cần cung phụng lịnh triều Huế mà thi hành chẳng nhơn tay, đốt sống ba trăm người có đạo nhốt trong tù. Mấy ngọn lửa cháy hực hực lên trời lúc chiều xế đó, thời bây giờ mới biết nghĩa là gì. Mấy kẻ mắc nạn nào mà muốn kiếm đường thoát thân, đều phải người ta lấy giáo mà đâm đùa vô trong đống hỏa hào. Trong số những kẻ lâm tai, có năm người trốn khỏi hay là còn sống đặng mà thôi !...”

Trước đó, phải chăng quan quân triều đình tuân theo chỉ dụ của vua Tự Đức (tháng 6 năm 1861):
 “...Nếu người Tây Dương đến nơi thì đem bọn dân đạo ấy giết cho hết” (Thực lục về Dực Tông Anh Hoàng Đế- Đệ tứ kỷ quyển XXIX, tr. 725). 
Theo các tư liệu ngoại sử, ngục thất Biên Hòa lúc đó nhốt 407 giáo dân, kể cả trẻ em. Tuần phủ cho xếp trước củi khô, dầu và chất bắt lửa  xung quanh ngục. Chiều tối 16/12/1861 trước hỏa lực tấn công quá mạnh mẽ của liên quân Pháp- Tây Ban Nha, quan tuần phủ thành Biên Hòa chuẩn bị rút chạy về Bà Rịa, cửa ngục đóng kín, tuần phủ sai lính lấy rơm tẩm dầu đốt bốn phía, một số lao qua lửa chạy ra ngoài thì bị lính đâm chết ngay, chỉ có 5 người chạy thoát, một thiếu nữ trèo lây cây cao bị lửa đốt cháy hai bắp đùi, cô được đem về Sài Gòn cấp cứu, hai ngày sau thì chết. Cô Medalena Lành bị một lưỡi giáo sướt qua đầu, cô bất tỉnh, lính tưởng cô chết, bỏ đi. Cô là nhân chứng sống sót thoát lò thiêu sinh đó. Quân Pháp chiếm Thành, ngục thất chỉ còn đống tro tàn, ngổn ngang xác chết cháy. Sau đó họ được chôn ngay tại chỗ, nơi bị chết thiêu.
Vào ngày 07/08/1875 cha xứ Biên Hòa là Lovet cho dựng ở đây một bia đá có khắc hình thánh giá. Từ đó giáo dân Biên Hòa lấy nơi đây làm Đất Thánh (nghĩa trang công giáo), sau đó thì quân Pháp cho chôn những binh lính và người chết của họ vào gần bên và gọi là Đất Thánh Tây. (nghĩa trang này đã giải tỏa, nay thuộc hẻm 176 đường Phan Đình Phùng, khu phố I, phường Quang Vinh thành phố Biên Hòa) (? !)
***
Ngục thất Thành Biên Hòa được xây dựng năm 1838, sau cuộc khởi loạn của Lê Văn Khôi để phục vụ cho hình luật của chính quyền triều Nguyễn; và 23 năm sau, đêm 16/12/1861 nó bị thiêu rụi, để lại một trang sử bí ẩn, đau thương cho đất Biên Hòa.


Tranh vẽ xử chém giáo dân


Bản đồ Biên Hòa năm 1926, dấu vế Thành Biên Hòa vẫn còn thể hiện rõ, có ghi dấu Đất Thánh và Đất Thánh Tây nằm ở cửa Bắc Thành.




Bản đồ Thành Biên Hòa và vùng phụ cận 1860S
 Bản đồ được vẽ lại dựa trên tài liệu nước ngoài:

g: Ngục nhốt thường phạm và chính trị.      h: Ngục nhốt các tín hữu ki tô.

Dấu vết cổng Bắc Thành trên bản đồ vệ tinh tháng 10/2016





Trích bản thảo: Thành Biên Hòa ... (Nguyên Phong Lê Ngọc Quốc) 
TÀI LIỆU THAM KHẢO: 
1- Gia Định thành thông chí- Trịnh Hoài Đức- Hậu Học Song Hào Lý Việt Dũng dịch và chú thích- NXB Đồng Nai 2006.(2)
2- Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn Biên Hòa- Nguyễn Đình Đầu.
3- Đại nam Quốc Lược Sử- Alfred Schreinr, Sài Gòn 1906
4- Khâm định đại nam hội điển sự lệ-Nội các triều Nguyễn.
5- Đại Nam nhất thống chí- Nội các triều Nguyễn.
6- Biên Hòa sử lược toàn biên- Lương Văn Lựu.
7- Đại Nam Thực Lục, Quốc Sử Quán Triều Nguyễn
8- Minh Mệnh Chính Yếu, Quốc Sử Quán Triều Nguyễn.
10- Việt Nam phong tụcPhan Kế Bính.
11- Việt điện u linh tập- Lý Kế Xương.
12- Lịch sử cuộc viễn chinh nam kỳ năm 1861-Leopold Pallu, Hoàng Phong dịch và bình- Nhà xuất bản Phương Đông 2008
13- Tuần báo Le Monde Illustré của Pháp, số 254 năm thứ 6, ra ngày 22/02/1862
14- Một số tài liệu trên internet và tư liệu điền dã
15- Việt Nam công giáo sử tân biên, Cao Thế Dung- 2003.

(1)                  
Lê Ngọc Quốc (Biên Hòa- Đồng Nai)
Điện thoại: 0903906956
Email: lengocquoc.hungle@gmail.com













Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét