Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2016

THÀNH CỔ BIÊN HÒA

THÀNH CỔ BIÊN HÒA
Sa bàn Thành cổ Biên Hòa tỉ lệ 1/400 (Nguyên-Phong Lê Ngọc Quốc)

Đất Biên Hòa- Đồng Nai xưa kia vào khoảng thế kỹ thứ 17 đã có dân Việt từ miền ngoài, thâm nhập vào định cư khai phá. Theo sử quan nhà Nguyễn chép: mùa hè năm 1679 (Kỉ Mùi), đô đốc tổng binh Trần Thượng Xuyên (hàng tướng người nước Đại Minh- Trung Quốc) nhận lệnh của chúa Nguyễn Phúc Tần (Chúa Hiền) dẫn quân tướng bản bộ từ Phú Xuân (Huế) xuôi nam đến cửa biển Xoài Rạp (Cần Giờ- vịnh Gành Rái), men theo con sông Phước Long (Đồng Nai) đến đồn trú tại xứ Bàn Lân (盤 轔) (Tân Lân- khu vực chợ Biên Hòa ngày nay). Ban đầu họ cùng lưu dân Việt mở rộng đất đai, lập phường Bạch Khôi sản xuất gạch, ngói, khai thác đá tại núi Lão Ất (Long Sơn- Bửu Long), canh tác đất đai, đưa nhiều loại cây giống vào vùng đất mới (nay là vùng rẩy dưới chân núi Bửu Phong- Trảng Lai, nằm trong khu phi trường quân sự Biên Hòa). Tại một cù lao cách Tân Lân về phía đông 3 dặm (Nông nại đại phố- nay là cù lao Phố), tổng binh họ Trần đã cho khai thác trên quy mô lớn; mở mang đất đai, lập thành phố chợ, xây dựng đường sá, cầu đò, bến cảng, kho bãi, tửu điếm, khách sạn…Kêu gọi thương nhân Trung Hoa, người Tây, người Nhật, người Đồ Bà (Chà Và)…các nơi đến mua bán giao thương. Chẳng bao lâu, dưới sự quản lý, tổ chức linh hoạt; đô đốc Trần Thượng Xuyên đã biến vùng đất hoang sơ trở thành thương cảng, trung tâm thương mại và giao dịch quốc tế của cả vùng Đồng Nai, Gia Định.
Cùng với Nông nại đại phố, các thôn làng, bến đò, đường bộ, chợ búa các vùng lân cận ngày càng phát triển.
Lúc bấy giờ đất mới khai phá, triều đình chúa Nguyễn chưa cất đặt được cơ quan quản lý; mọi việc cai quản trật tự trị an đều đặt dưới quyền quản lý của đô đốc Trần Thượng Xuyên. Quân bản bộ của đô đốc tổng binh họ Trần vốn dĩ là thủy binh lưu động, nên không lập đồn dinh kiên cố để trấn thủ. Mãi gần 20 năm sau, mùa xuân năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu (Chúa Minh) sai Thống suất chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược phương nam. Thống suất họ Nguyễn cho lập phủ Gia Định, có hai huyện trực thuộc:
-Phước Long (Biên Hòa) và Tân Bình (Sài Gòn).
Cơ quan chánh quyền quản lý tại huyện Phước Long có doanh Trấn Biên, lúc ấy đặt ở thôn Phước Lư (nay thuộc phường Quyết Thắng, nằm kế 2 cầu Rạch Cát và Hiệp Hòa).
Các chức quan cai trị có : lưu thủ, cai bạ, ký lục.
Cơ quan hành chánh có hai ty :
1- Xá sai coi việc văn án do ký lục đứng đầu.
2-Tướng thần lại coi việc trưng thu thuế thóc, phát cấp quân lương, do cai bạ đứng đầu.
Quan lưu thủ đứng đầu dinh trấn, quân binh thì có tinh binh gồm bộ binh và thủy binh, riêng các quan chức thì có thuộc binh để hộ vệ.
Trong suốt gần 120 năm (1698 ~ 1816), Dinh trấn khi ấy có thể được xây dựng bằng vật liệu nhẹ, đơn giản: cây gỗ, tre, nứa; hoặc đất thì đắp vào khung gỗ, tre…, quang cảnh dinh trấn được thượng thư bộ binh- Lê Quang Định mô tả trong Hoàng Việt thống nhất dư địa chí (1806):
“... bên ngoài có phố chợ hoạt động sầm uất, hai bên đường đến lị sở dinh trấn (nay đoạn từ quảng trường Sông Phố đến cầu Rạch Cát) nhà cửa quan lại, trại quân binh, dân cư đông đúc”.
Mãi đến khi thống nhất thiên hạ, năm Gia Long thứ 15 (1816) lúc này dinh Trấn Biên được đổi thành trấn Biên Hòa, với lý do vùng thôn Phước Lư địa hình thấp, mùa nước lớn hay gây cảnh ngập lụt,  lị sở của trấn được dời về thôn Tân Lân ( Bàn Lân, nơi xưa kia đô đốc Trần Thượng Xuyên đến đóng quân đầu tiên khi đến xứ này, nay thuộc khu vực chợ Biên Hòa và các vùng phụ cận...).
Trấn thành được dựng trên gò đất cao, nơi có dấu tích thành đất cũ của dân Lạp Man; theo tư liệu nước ngoài thì Thành này có thể do phó vương Nặc Ông Non- Eastern king đóng đô ở Sài Gòn sai đắp trong cuộc chiến năm 1674~1679 chống Chính vương Nặc Ông Thu- Western king đóng đô ở Long Úc ).

Trong địa bạ tỉnh Biên Hòa lập năm 1836, thôn Tân Lân được chép:
*Huyện Phước Chánh, Tổng Phước Vinh Thượng, thôn Tân Lân ở xứ Bàn Lân :
-Đông giáp phường Bình Trước, có lập cột gỗ làm ranh giới.
-Tây giáp địa phận thôn Bình Thành (tục gọi là Bình Thiền) có lập cột gỗ làm ranh giới.
-Nam giáp sông lớn, lấy giữa lòng sông làm ranh giới.
-Bắc giáp địa phận thôn Bình Thành (Bình Thiền) có lập cột gỗ làm ranh giới.
Thực canh ruộng đất 3.1.8.1 (3mẫu.1sào.8thước.1tấc).
.Điền tô điền 0.3.0.0 (1 chủ)
.Đất trồng dâu, mía 1.8.5.1 (1 sở chủ và BTĐC- bổn thôn đồng canh 2 sở, cộng 0.4.12.0)
-Đất và nhà ở 1.0.0.0, trong đó BTĐC- bổn thôn đồng cư 0.4.12.0
-Đất cho nhập tỉnh thành 1 sở. (Thành Biên Hòa)
-Đất để lập học xá 1 sở. (khu sở giáo dục, trường Nguyễn Du)
-Đất để lập quan phòng binh xá 1.0.0.0 (có thể là khu vục ngày nay là UBND tỉnh và nhà Thiếu Nhi )
-Đất gò đồi 1 khoảnh.
-Đất mồ mả 1 khoảnh.
*Cũng theo địa bạ trên cho biết đất thuộc phủ lỵ và nhà ở binh lính chiếm 2 mẫu.

THÀNH TRÌ
Khi dời đến Tân Lân, Thành Biên Hòa cũng chỉ xây dựng đơn giản như ở lị sở cũ. Năm Minh Mệnh thứ 5 (Giáp Thân 1824), mùa xuân, tháng giêng đình thần nghị tấu: “Đào tiếp sông Vĩnh Tế. Lấy binh dân các trấn thuộc thành và nước Chân Lạp hơn 24.700 người làm việc, chi cấp lương tiền như lệ năm Minh Mệnh thứ 4” Vua dụ rằng : “Việc đào sông Vĩnh Tế là vâng theo thánh toàn của Hoàng khảo Thế tổ Cao hoàng đế (chỉ Vua Gia Long) ta mà làm, thực là quan yếu cho quốc kế biên trù. Nhưng khai đào mới bắt đầu, công việc còn khó, Trẫm vâng theo chí trước, năm ngoái đã đào, còn lại hơn 1.700 trượng, ấy là còn thiếu cái công 1 sọt đất. Nay nước nhà nhàn rỗi, chính nên kịp thời làm tiếp cho xong, để làm kế nhọc một lần được rổi mãi”.
Lại dụ cho quốc vương Chân Lạp biết. Phó tổng trấn Trần Văn Năng xin để lại quân dân 2 trấn Phiên An, Biên Hòa để đào đá xây thành. Vua dụ rằng: “Việc xây thành năm nay chưa tiện sẽ đợi sang năm. Còn như sông này, liền với tân cương, rất quan hệ đến việc biên phòng, so với việc xây Thành đàng nào cần hơn? Huống chi hai việc đều làm, sao cho xong được, kiến thức sao hẹp hòi thế ?”
Vua không cho, sai đem cả quân dân đến đào sông. Phát tiền khao 1.000 quan mua trâu rượu khao những người làm việc. Như vậy Thành Biên Hòa cũng đã có tấu nghị xây dựng lại vào năm 1824, nhưng vua Minh Mạng lấy cớ đào kinh Vĩnh Tế cấp bách hơn nên không phê duyệt.

Minh Mạng năm thứ 10 (1829) Vua có dụ bảo Bộ công rằng:
-“Phủ huyện có thành và hào là để vững sự phòng thủ, nhưng công trình to lớn nên không thể nhất tề xây đắp được “.
Cho đến trước cuộc biến loạn của Lê Văn Khôi (ngày 18 tháng năm âm lịch năm 1833); do đánh giá vị thế Biên Hòa không còn là nơi địa đầu quan yếu, cho nên hệ thống lũy bao của tỉnh thành Biên Hòa lúc bấy giờ, cũng chỉ được xây dựng bằng vật liệu nhẹ, đơn giản: Cây gỗ, tre, nứa, hoặc đất thì đắp vào khung gỗ, tre…Vì thế lực lượng khởi loạn của Lê Văn Khôi dể dàng đánh chiếm tỉnh thành Biên Hòa đến 2 lần:
-Lần thứ nhất: vào ngày 24 và 25 tháng năm âm lịch năm 1833. Đến ngày 10 tháng sáu âm lịch năm 1833, quân triều đình lấy lại được tỉnh thành.
-Lần thứ hai: quân khởi loạn quay lại đánh úp tỉnh thành vào ngày 13, 15, 16 tháng sáu nhưng bất thành. Trong thời gian sau khi đẩy lùi 3 đợt đánh chiếm tỉnh thành lần 2, ngày 17 tháng sáu âm lịch năm 1833, các quan tỉnh Biên Hòa có cho đặt rào gióng bằng ván gỗ, đắp lũy đất, đào hào ở 4 mặt tỉnh lị để phòng giữ; nhưng cũng không chống nổi hỏa lực mạnh; đến trận đánh  ngày 26 tháng sáu, dưới sức tấn công của 19 thuyền chiến với hỏa lực áp đảo, tỉnh thành Biên Hòa lại thất thủ lần thứ hai.
Đúng một tháng sau, ngày 26 tháng bảy âm lịch năm 1833 đại binh triều đình dưới quyền tham tán đại thần Thống chế là Hoàng Đăng Thận và Thượng thư Trương Minh Giảng, quân triều đình  mới chiếm lại được tỉnh lị Biên Hòa.
Năm 1834, trong khi binh triều đình còn vây đánh thành Gia Định, vua Minh Mạng sai quan khâm mạng Tham tri đốc biện bộ công là Đoàn Văn Phú đi kinh lý nam kỳ, xem xét trù tính tâu lên để thi hành ngay việc đắp thành đất tỉnh Biên Hòa. Tháng sáu năm 1834, huy động 1.000 dân địa phương đắp thành đất, chu vi thành 280 trượng, cao 4 thước 3 tấc, dày 1 trượng, mở 4 cửa thành ở 4 hướng, hào bao quanh rộng 3 trượng, sâu 6 thước.
Tháng giêng năm Mậu Tuất (tháng 2 năm 1838), vua Minh Mạng lại sai phái 4.000 binh dân xây đắp lại Thành theo thiết kế kiểu Vauban, bằng đá ong. Đây là công trình trọng đại nên ngoài quan tỉnh sở tại, còn sai phái thêm quan tỉnh Gia Định và Bình Thuận giám sát công việc. Thành có chu vi 338 trượng, cao 8 thước 5 tấc, dày 1 trượng 5 thước , xung quanh chân thành bên ngoài có hào rộng 3 trượng, sâu 6 thước. Bốn cửa thành : Đông- Tây- Nam- Bắc, mỗi cửa đều có cầu đá bắc qua hào thành, để làm lối lưu thông ra vào. Cửa Nam nhìn ra sông Phước Long (sông Đồng Nai), bên trong thành, chính giữa dựng 1 kỳ đài cao, công sở, kho lẫm, khám đường.
*Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu:
1 thước=0.424m
1 trượng= 10 thước=4.24m
1 tầm =1/2 trượng= 2.12m

Tại Đàng trong thời chúa Nguyễn Ánh, thành lũy được xây dựng theo kiến trúc Vauban, một kiến trúc phòng thủ tân tiến nhất thời bấy giờ,  do của hai kỹ sư quân sự Pháp là Théodore Lebrun- thiết kế và Victor Olive de Puymanel- làm giám sát thi công là:
1. Thành Bát Quái (Thành Quy- Sài Gòn) 1790.
2. Thành Trấn Định (Định Tường- Mỹ Tho) 1792.
3. Thành Diên Khánh (Khánh Hòa) 1793.
Sau khi thống nhất sơn hà, chúa Nguyễn Ánh lên ngôi (1802) lấy hiệu là Gia Long. Lần lược các thành lũy ở kinh đô Huế, các tỉnh thành, trấn sở…từ bắc vào nam đều được tiến hành xây dựng vào triều đại Gia Long đến triều đại Minh Mạng. Ngoài 3 thành lũy được xây dựng trong thời chiến tranh với Tây Sơn do 2 kỹ sư Pháp thiết kế, quản lý xây dựng; sau năm 1802, thành trì các Tỉnh, Đạo trên cả nước (31 tòa thành) được cho khởi công xây dựng theo kiến trúc Vauban, nhưng đã đơn giản hơn, tổng công trình sư lúc này là người Việt. Thiết kế hầu như kế thừa toàn bộ các đặc điểm thành Vauban Pháp với các điểm nổi bật như: pháo đài chính, pháo đài góc, cầu treo, hào chiến, đường bao quanh trên trên tường thành, đường bao ngoài hào, tường bắn, đài quan sát…
Bên tả (trái) tỉnh thành có xưởng thuyền công (thôn Phước Lư) nơi sửa chữa, bảo trì, neo đậu chiến thuyền, hải vận thuyền, ô huyền, lê thuyền, chu thuyền.
Bên hữu (phải) tỉnh thành có bãi, chuồng nuôi và huấn luyện voi chiến ( có thể đặt ở thôn Vĩnh Phước- nay thuộc Tân Uyên- Bình Dương, vì nơi đây có địa danh xứ Tượng Lộ Tuyền !).
Quan chức có bố chánh, án sát, phó lãnh binh, thủ thành úy. Quản suất ở các vệ cơ đội của tỉnh thành có vệ úy, quản cơ, đội trưởng lực lượng binh đội gồm:
-Biên Hòa tả thủy vệ: 1 vệ
-Biên Hòa hữu thủy vệ: 1 vệ
-Biên Hòa tả cơ: 10 đội
-Biên Hòa hữu cơ: 10 đội
-Biên tượng: 1 đội
-Pháo thủ: 1 đội
Vào năm Minh Mạng thứ 18 (1837) tổng số lính tuyển và mộ ở tỉnh thành ngót 2.000 người.
Các tấn, đồn, bảo ở các địa phương thì có quản viên chuyên trách đóng giữ: tấn Phước Thắng, tấn Long Hưng, thủ Tân Lợi, thủ Tân định, thủ Tân Thuận, quan tấn thủ đều 1 người.
Tỉnh Biên Hòa quản lý 6 dịch trạm :
-Trạm bộ có: Biên Thuận, Biên Thịnh, Biên Long
-Trạm sông có: Biên Phước, Biên Lễ và trạm Biên Lộc ở thôn Trường Lộc, huyện Long Thành đặt thêm vào năm Thiệu Trị thứ nhất (1841).
Vũ khí trang bị tại tỉnh thành ngoài binh khí thô sơ như đao, kiếm, giáo, thương, kích, cung nõ, khiên, thuẩn…Hỏa lực tân tiến lúc ấy có hỏa pháo, hỏa hổ, hỏa cầu.
Súng nhỏ : điểu sang, điểu thương, quá sơn.
Pháo binh dùng: Đại luân xa, oanh sơn, thần công…

CÔNG ĐƯỜNG- CÔNG SỞ
Gia Long năm thứ 4 (1805) cho tất cả dinh trấn trong cả nước đều dựng ba công đường, mỗi tòa có 3 gian, 2 chái.
Trong Gia Định Thành Thông Chí  năm 1820 mô tả Thành Biên Hòa: Lị sở ở gò cao thôn Tân Lân, quy hoạch ra làm thành sở, ngang dọc đều 200 tầm.
Bên trong Thành chia thành chữ tỉnh   giữa dựng vọng cung, hai bên phải trái có lầu chuông trống. Chính giữa, sau kỳ đài dựng 3 công dinh, rộng 80 tầm dài 60 tầm, chia làm 3 phần, chỉ dinh giữa rộng hơn 2 dinh bên 5 tầm. Hai bên phải trái là đường đi rộng 7 tầm. Xung quanh là kho xây gạch, lợp ngói dày chắc gồm 31 gian. Hai bên có trại quân thừa ty, chia ra từng khu vực chỉnh tề. (tất cả đều theo quy chế của triều đình công bố).
*Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu:
1 thước=0.424m
1 trượng= 10 thước=4.24m
1 tầm =1/2 trượng= 2.12m

Năm Minh Mạng thứ 13 (1832) lệnh ban về các tỉnh, thống nhất cách xây dựng công sở:
-Sảnh đường quan Tổng đốc thì một tòa 3 gian 2 chái, nhà bếp thì một sở 2 gian 2 chái, cao và rộng theo y cách thức dinh thượng thư sáu bộ.
-Sảnh đường quan Bố chánh và Án sát đều một tòa 3 gian 2 chái, nhà bếp 1 gian 2 chái, cao và rộng theo y cách thức dinh thượng thư sáu bộ.
- Công sảnh của phó Lãnh binh dựng một tòa vào năm Tự Đức năm đầu (1848).
Năm Minh Mạng thứ 6 (1825) cho chọn nơi cao ráo sau hành cung xây 2 kho thóc, 1 kho thuốc súng .
Tự Đức năm thứ nhất (1849) cho dựng lại 4 trại lính theo quy chuẩn 9 gian 2 chái.

*Theo họa đồ: LEVER DE LA PLACE DE BIEN-HOA et de ses environs  (tỉ lệ 1/12.000) ta thấy Thành Biên Hòa có bình đồ hình vuông, hoa mai 4 cánh; nằm trong phường Quang Vinh. Bốn cổng thành hướng đông- tây- nam bắc có bình đồ hình vòng cung (bán nguyệt) trước 4 cổng thành có cầu bắc qua hào thành nối với các con lộ bên ngoài. Nếu so với các bản đồ năm 1926, 1930, 1965 và bản đồ vệ tinh tháng 10/ 2016, ta có thể thấy cổng thành Nam giáp đường Cách mạng tháng tám giao với đường Hoàng Minh Châu; cổng thành Tây giáp đường Huỳnh Văn Lũy nối dài; cổng thành Đông giáp đường Phan Đình Phùng giao với đường Trần Minh Trí; cổng thành Bắc nay nằm trong con hẽm số 176 đường Phan Đình Phùng.
Trong mặt cắt Thành tỉ lệ 1/300, ta thấy tường thành cao 4m. Tường ốp đá ong mặt bên ngoài, mặt cắt hình thang, đáy trên (mặt thành) dày ~0,5m, đáy dưới rộng ~1,5m âm sâu dưới mặt đất khoảng 1m. Mặt trên thành được đắp đất rộng thêm ~1m (tổng cộng rộng ~1,5m). Đáy thành rộng~ 9,6m, vát ngược hình thang, tầm cao ~3m là con đường rộng~3m (thấp hơn mặt thành ~0,9m) chạy bao quanh vòng thành, là con đường vận chuyển, trấn thủ chiến lược. Bên ngoài có đường đắp chạy bao quanh chân thành rộng~ 8,4m; kế tiếp là hào nước rộng ~14 m sâu ~2,4m.
  
Trong chú thích ta thấy ghi:
HỌA ĐỒ BIÊN HÒA VÀ VÙNG PHỤ CẬN CỦA NÓ
a. Mât de pavillon                                                       :Cột cờ
b. Palais imperial                                                        :Kiến trúc cung đình (Hành cung)
c-d. Habitation des mandarins                                    :Quan xá (nhà ở của quan lại)
e-f. Magasin de riz                                                      :Kho gạo
g. Prisons des detenus politiques                                 :Trại giam tù nhân chính trị
h. Prisons des chrétiens                                              :Trại giam tù nhân công giáo
i-i'. Maisons incendiées                                                :Các ngôi nhà bị đốt cháy
k-l. Maison pouvant servir d'hôpital ou de magasin   :Nhà có thể sử dụng để làm doanh trại bệnh viện hoặc nhà kho.
1 đến 9, 13 đến 17. Pagodes                                      :Chùa, miếu, đền, tháp…
10 đến12. Magasins du chantier de construction        :Xưởng đóng tàu
18. Cales ouvertes                                                       :Ụ tàu có mái che
A. Point de débarquement des troupes                       :Điểm đổ bộ của quân đội


*THÀNH BIÊN HÒA VÀ CUỘC XÂM LĂNG CỦA THỰC DÂN PHÁP NỮA CUỐI THẾ KỶ 19.
Thành Biên Hòa đến giữa thế kỷ 19 được xem là một tòa thành vững chắc, binh lực trang bị thủy bộ, voi , pháo khá hùng mạnh…Nhưng vào ngày 17 tháng 12 năm 1861, trước hỏa lực vượt trội hơn của liên quân Pháp- Tây Ban Nha, Thành Biên Hòa thất thủ sau gần một ngày bị công phá!

Châu Âu vào thế kỷ 19 đã hết sức tiến bộ về kỹ nghệ công nghiệp, để phát triển mạnh mẽ về kinh tế rất cần nguyên vật liệu thiên nhiên và thị trường để tiêu thụ sản phẩm. dân ở các làng quê đổ về thành thị tìm công ăn việc làm ngày càng gia tăng, nạn thất nghiệp bùng nổ; tình thế đó đã thúc đẩy các nước tư bản thực dân phương Tây, đua nhau mở những cuộc chiến tranh xâm lược các nước khác để làm thuộc địa. Đại Nam đã trở thành nạn nhân trực tiếp của cuộc chiến tranh đó.
Lợi dụng các mối quan hệ đã có từ thời chúa Nguyễn Ánh và sự suy yếu của chế độ phong kiến Đại Nam, thực dân Pháp và Tây Ban Nha đã viện cớ  triều đình nhà Nguyễn cấm đạo Thiên chúa, bắt bớ và giết hại nhiều giáo sĩ, giáo dân... để tiến hành cuộc xâm lăng nước ta.
Liên tiếp các năm 1854, 1857 và 1858, liên quân Pháp- Tây Ban Nha tiến hành tấn công Đà Nẳng (Quảng Nam) từ hướng biển Đông.
Ngày 02/02/1859 hơn 2.000 quân và 8 chiến thuyền của liên quân Pháp- Tây Ban Nha, đang ở mặt trận Quảng Nam, chuyển hướng tiến về nam bộ theo lệnh của tướng Charles Rigault de Genouilly .
Ngày 10/02/1859 liên quân bắn phá pháo đài Phước Thắng của ta tại Vũng Tàu.
Ngày 15/02/1859 chiếm đồn Hữu Bình (gần cầu Tân Thuận, Sài Gòn).
Đến trưa ngày 17/02/1859 thì Thành Gia Định (thành Phụng) thất thủ; tổng đốc Định Biên là Võ Duy Ninh bị thương nặng, được tướng sĩ đưa về đến  thôn Phước Lý huyện Phước Lộc, sau đó ông tự vẫn tại nơi ấy (nay là xã Phước Lý, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An). Án sát Lê Từ chạy thoát ra khỏi thành, sau đó ông cũng tự vẫn.
Lúc này tình hình nam kỳ như dầu sôi lửa bỏng, tàu chiến Pháp tuần tra, ngăn chặn mọi liên lạc của quân ta trên khắp các con sông quan trọng như Bến Lật (Bến Lức), Đồng Cháy (sông Sài Gòn đoạn Bình Quới- Thủ Đức), cửa biển Cần Giờ, Vũng Tàu.  
Quân ta xây dựng 3 trung tâm phòng thủ: Đồn Phú Thọ (Phiên An) làm trung đạo, đóng 1 đạo quân ở phủ Tân An ở bên phải, và bên trái là tỉnh Biên Hòa, tạo thành thế chân vạc để liên kết hỗ trợ. Kho chứa lương thực ở Biên Hòa cũng được các nơi vận chuyển đến, chứa sẵn để cung cấp lương cho quân đội.
Tháng 7 (âm lịch) năm 1860, triều đình cho Nguyễn Tri Phương lãnh chức tổng thống quân vụ đại thần ở quân thứ Gia Định. Ông đóng đại bản doanh tại đại đồn Chí Hòa (Phiên An).
Sáng sớm ngày 24/2/1861, quân Pháp tấn công đại đồn Chí Hòa, và đến khoảng 8 giờ tối ngày hôm sau thì chiếm được đồn. Tướng Nguyễn Duy chiến đấu và đã chết tại trận cùng với Tôn  Thất Trĩ;  Nguyễn Tri Phương bị trọng thương, cùng các tướng sĩ và tàn quân kéo chạy về Thành Biên Hòa.
Thành Định Tường (Mỹ Tho) cũng mất vào tay quân Pháp ngày 12/4/1861.
Lúc bấy giờ hướng tấn công của Pháp chuyển về Biên Hòa. Quân Cao Miên thừa cơ, câu kết với Pháp, đem quân đánh phá biên giới phía tây. Tàu chiến Pháp khống chế đường sông, bờ biển, bắn phá, đánh đắm tất cả cá thuyền đánh cá, tàu vận chuyển lương thực, hàng hóa, dân sống ven biển trốn tránh bỏ chạy, ruộng đất bỏ hoang, sản xuất đình trệ, âm mưu nhằm cô lập Biên Hòa.
Triều đình sai bỏ các trạm đường thủy: Biên Phước, Biên Lễ của tỉnh thành, đổi đặt 4 trạm đường bộ: Biên Cường, Biên Thuận, Biên Tân, Biên Lộc, củng cố bổ sung nhân lực, tài vật để tiện việc giao thông, vận chuyển quân lương, truyền đạt tin tức, quân lệnh. Chặn các đường quan yếu để ngăn quân Pháp vào Cao Miên liên lạc với nhau, rồi tìm cách tiến đánh phản công. Cho đắp các ụ cản trên sông, lập thêm nhiều đồn lũy bảo vệ cho tỉnh thành : Mỹ Hòa, Gò Công Trao Trảo, Bình Chuẩn…
Vua Tự Đức ra các đạo dụ nghiêm cấm người công giáo liên lạc, làm việc với quân Pháp, bắt buộc họ chối bỏ đạo, ai không ưng thuận thì giam vào ngục thất ở Thành Biên Hòa và Bà Rịa; xử trảm, thắt cổ những kẻ cầm đầu, trùm xứ bất phục!
Lúc này Thành Biên Hòa tập trung nhiều cánh quân: Quân của tỉnh thành, tàn quân từ Gia Định, Định Tường chạy về, và quân triều đình bổ sung theo chân khâm sai đại thần Nguyễn Bá Nghi từ kinh thành, và từ các tỉnh miền trung.
Trước sức mạnh vượt trội về chiến thuật, hỏa lực của liên quân, khâm sai Nguyễn Bá Nghi lúc này đang đóng đại bản doanh ở thôn Tân Lại (Bửu Long), nhận thấy khó có thể chống cự, tình thế thật nguy bách, ông đưa ra sách lược nghị hòa, dùng kế hoãn binh, cố thủ chặt chẽ, đợi chờ cơ hội !
Ngày 19/08/1861 Hoàng Đế Pháp Napoléon III chỉ định phó đô đốc Louis Adolphe Bonard sang Đông Dương. Ngày 27/11/1861 Bonard đến sài Gòn, ngày 30/11/1861 Tổng tư lệnh Cochinchine là Léonard Victor Joseph Charner chuyển giao quyền chỉ huy cho ông; vừa nhận chức tướng Bonard tuyên bố:
 “ Chúng ta sẽ tấn công Biên Hòa, và nếu cần, chúng ta sẽ đánh chiếm Huế “.
Sáng sớm ngày 14/12/1861 liên quân Pháp- Tây Ban Nha tiến đánh Biên Hòa gồm 4 cánh quân:
Cánh thứ nhất đi đường thủy do trung tá Comte chỉ huy, với hai đội khinh binh, 100 lính Tây Ban Nha, 50 kỵ binh hạ đồn Gò Công- Trao Trảo và tiến lên Mỹ Hòa.
Cánh thứ nhì theo đường bộ, do đại tá Domenech- Diego chỉ huy, gồm 100 lính Tây Ban Nha, một đại đội thủy quân lục chiến, xuất phát từ bến đò Bình Đồng- Đồng Cháy (nay là khu vực đình Bình Thọ, Thủ Đức) tiến đánh đồn Mỹ Hòa.
Cánh thứ ba do đại tá Lebris chỉ huy, gồm hai đại đội thủy thủ, theo sông Đồng nai, bắn phá các chướng ngại vật, đồn bảo rồi cùng tiến về đồn Mỹ Hòa.
Cánh thứ tư do đại tá Harel cầm đầu, ngược theo các kinh rạch phía nam rạch Gò Công (nay thuộc quận 9, tp HCM), phá các chướng ngại vật rồi cùng hợp binh công phá đồn Mỹ Hòa.
Lần lượt các đồn tiền tiêu bị đánh chiếm dể dàng, rồi các vật cản, ụ nổi, đồn bảo ven sông Đồng Nai bị bắn phá, san phẳng, dọn đường cho các chiến hạm, pháo hạm của liên quân, theo con nước lớn, tiến đến trước Thành Biên Hòa sáng sớm ngày 17/12/1861.

Về diển biến trận đánh Thành Biên Hòa của liên quân Pháp và Tây Ban Nha, quốc sử quán triều Nguyễn chép:
*Tân Dậu, Tự Đức năm thứ 14 (1861), mùa thu tháng 11(âl)…Người Tây dương đánh lui quân thứ Biên Hòa, vào chiếm đóng tỉnh thành…Thuyền quân Tây dương nhân nước triều thẳng tiến đến tỉnh thành, dùng súng lớn bắn phá vào thành. Tỉnh thần bọn Nguyễn Đức Hoan, Lê Khắc Cẩn thế không chống nổi cũng lùi đóng ở đồn mới Hố Nhĩ, quân Tây dương vào chiếm lấy thành.
Theo giáo sư Trần Văn Giàu, trong lúc Biên Hòa lâm nguy, triều đình Huế rất chậm trễ trong việc tiếp cứu. Ông viết:
*Biên Hòa lâm nguy, triều đình lại khệnh khạng, mất hết thì giờ cho việc ban kiếm, ban nhung y, ban thắt lưng cho các tướng Nguyễn Tri Phương, Tôn Thất Cáp và Nguyễn Công Nhàn. Rồi còn phải đợi khâm thiên giám coi "bản mệnh của đại tướng, tốt hay xấu"; đợi ngày tốt để "khởi mã". cho nên mấy ngàn quân do tướng Nguyễn Tri Phương chỉ huy chưa đến nơi, thì tướngNguyễn Bá Nghi, tỉnh thần Nguyễn Đức Hoan đã bỏ thành Biên Hòa rồi.
Khác với giáo sư Trần Văn Giàu, sử gia Phạm Văn Sơn cho biết thành Biên Hòa không hề bị bỏ ngỏ, mà đã chống trả quyết liệt mới cam chịu thất thủ. Ông kể:
*Sáng sớm ngày 16 tháng 12, quân Pháp tấn công quân ta trên cả hai mặt đường. Chiến hạm Pháp lợi dụng nước lên, Trung tá Trung tá Domenech Diégo được lệnh xung phong cho quân ào ạt bức thành, nã đại bác vào trong như long trời lở đất, yểm trợ cho quân thủy và quân bộ kéo lên. Tuần Phủ Nguyễn Đức Hoan, Án sát Lê Khắc Cẩn chống đỡ suốt ngày, xét thấy giữ không xong, nhờ đêm tối lui quân về Hồ Nhĩ...Ngày 17 tháng 12 năm 1861, liên quân vào trong thành.

Theo Đại nam Quốc Lược Sử- Alfred Schreinr, Sài Gòn xuất bản năm 1906:
“Sáng sớm ngày 17-12-186, sau khi phá các chướng ngại vật trên sông Đồng nai, dễ dàng chiếm lấy hai đồn Gò Công và Mỹ Hòa, liên quân Pháp dồn 4 cánh quân tiến đánh Thành Biên Hòa....Hai chiếc tàu có chịu bắn ba hiệp súng lớn mà không bị thiệt hại chút chi; song khi chiếc canonnière đối xạ phát thứ ba, thì bên An- nam ngưng bắn, rồi thấy một vầng lửa lớn cháy đỏ hực lên trên thành. Khi đó trời đã gần tối, nên trễ lắm độ binh lên bờ không kịp. Ngày thứ đạo binh mới nhập thành đã bỏ không…”

Theo tuần báo Le Monde Illustré của Pháp, số 254 năm thứ 6, ra ngày 22/02/1862, tức chỉ hơn 2 tháng sau ngày Thành Biên Hòa thất thủ có đưa tin: Trận chiến được ông M.Lugeol, trợ lý trận địa của hạm trưởng Daries ghi lại kèm phác họa gởi đăng:
*Cuộc đánh chiếm Nam Kỳ.– Thiếu tướng hải quân Bonard, tổng tư lệnh hạm đội, tiến tới thăm dò chiếm thành trì Biên Hòa. (Tranh phác họa của ông M.Lugeol, trợ tá trận địa của hạm trưởng Daries). Đặc phái viên thường trực của báo Le Monde Illustré.
Trên boong pháo hạm L’Alarme ngày 17/12/1861
Thưa ông giám đốc (chủ nhiệm) báo, tôi vừa có được thời gian vẽ ra cho ông hai bức tranh phác họa cuộc hành quân quan trọng, mà lực lượng đánh chiếm của chúng ta vừa hoàn thành quyết liệt đối với Biên Hòa.
Thành trì này, như ông đã biết, cùng với Mỹ Tho và Sài Gòn, hình thành 3 điểm chiến lược của Nam kỳ, và việc chiếm cứ được nó, đảm bảo cho sự chiếm cứ quyết định của chúng ta tại xứ sở giàu có này.
Đã từ lâu rồi, người An nam, đang chiếm giữ Biên Hòa, đã tung vào các tiền đồn và các nơi chiếm hữu của ta nhiều nhóm đông đảo để quấy phá các cư dân đã bị Pháp chinh phục bằng  các cuộc tấn công liên tục.
Thiếu tướng hải quân Bonard, tổng tư lệnh, quyết định đánh đuổi chúng ra khỏi các nơi đồn trú, nương tựa vào thành Biên Hòa làm chổ ẩn núp của chúng.
Cuộc đánh chiếm khởi sự ngày 10/12/1861 với quân số 3.000 người. Cùng lúc đó, một đơn vị pháo hạm tiến vào các con kinh bao quanh địa điểm và chạy ngang dọc khắp thành.
Sau những lần thăm dò để tìm hiểu địa bàn và gây nhiều sự thiệt hại cho kẻ địch đang chờ chúng ta với quân số rất lớn trong các ổ phục kích, cuộc tấn công được quyết định và được tiến hành vào sáng sớm ngày 15.
Các pháo hạm tấn công dữ dội sáu đồn lũy được chống đỡ bằng những chiến lũy bằng cây và bằng đá. Người An nam cầm cự dũng cảm hỏa lực trong 4 giờ và chỉ quyết định rút khỏi đồn khi cảm thấy hiệu quả của việc xoay chuyển tình thế của các hang quân.
Chúng ta tổn hại một chết, bốn bị thương trên pháo hạm L’Alarme, còn thủy thủ đoàn của hai pháo hạm khác không bị hề hấn gì cả chỉ có điều là tất cả các tàu đều nhận không ít các viên đạn đại bác ở thành tàu.
Chiếc pháo hạm L’Alarme bị thủng 40 chỗ vì đạn pháo, La Fusée bị 7 chỗ và L’Avalanche bị 5 chỗ. Dưới sự chỉ huy của thiếu tướng hải quân, các đội quân đã chiếm lĩnh đồn trại Mỹ Hòa. Đơn vị Tây Ban Nha và một đơn vị Pháp bao vây một số lớn quân An nam, và họ hầu như bị giết chết cả.
Các vùng xung quanh thành đã được giải tỏa, và người ta chuẩn bị một cuộc tấn công với tất cả sức mạnh còn lại. Hải quân thiếu tướng muốn biết và Ngài tiến đến cái nơi mà đã bắn khoảng 30 phát đại bác vào chiếc tàu có vị chỉ huy hạm đội ở trên đó.
Chiếc pháo hạm nhỏ khai hỏa và tức khắc một trận hỏa hoạn dữ dội bộc phát. Các quan lại An nam chạy trốn bỏ mặc 264 con chiên Thiên chúa giáo trong biển lửa. Chúng tôi phần nào vui mừng khi cứu được 200 trong số khốn khổ đó, nhưng cũng lấy làm tiếc về cái chết của 75 phụ nữ hoặc trẻ em bị thiêu cháy thành tro trong ngọn lửa.
Toà thành bị chiếm lĩnh được xây cất rất tốt và vững chắc như tất cả các công trình phòng ngự khác, chúng được che giấu dưới tàn các cội cây.
Cuộc đánh chiếm tiếp nối các bước thắng lợi và các thành công mới đảm bảo cho chúng ta chiếm lấy 6 tỉnh của Nam kỳ.
M.Lugeol./.

(Tuần báo Pháp Le Monde Illustré năm thứ 6 số 254  ra ngày 22/02/1862- phiên dịch: Hậu Học Song Hào Lý Việt Dũng ).

Sau khi chiếm được Thành Biên Hòa, do lực lượng binh lính không dể phòng thủ trong khuôn viên rộng như vậy; cuối năm 1862 lại bị quân kháng chiến tấn công, chiếm đóng! Sau khi đẩy lùi quân kháng chiến, một thời gian sau, người Pháp cho phá các tường thành, lấp các hào xung quanh, thu gọn diện tích lại còn khoảng 1/18 so với Thành cũ. Sau đó cho xây hai tòa nhà lầu lớn (1879), một số trại lưu trú cho lính, trại quân y…Thời gian sau, Pháp cho dời lực lượng chính về đóng tại nhà Xanh (nhà máy cưa), khu Thành cũ chuyển qua là hậu cần. Năm 1944 Phát xít Nhật hất cẳng Pháp, chiếm đóng Thành. Đến khi Pháp tái chiếm Đông Dương lần thứ hai, lúc này Thành đã xuống cấp, quân đội Pháp chỉ trưng dụng làm trại gia binh.
Đến thời đệ nhất cộng hòa (1955- 1963) nơi đây chỉ có một số ít lính đóng quân. Sang thời đệ nhị cộng hòa (1963- 1975) họ cho tu bổ các hạng mục công trình do Pháp xây dựng. Cục an ninh quân đội trú đóng, nơi này còn dùng để giam giữ, khảo tra các chiến sĩ cách mạng.
Sau năm 1975, Thành Biên Hòa được phòng hậu cần công an tỉnh Đồng Nai tiếp quản. Thành này được tiến hành sửa chữa một số công trình hạng mục theo nhu cầu làm việc đơn vị chủ quản mới, lúc này toàn bộ vòng thành hướng tây bắc, đông bắc bị phá bỏ chỉ còn lại phần chân móng cao khoảng 1-2m. Toàn bộ khu doanh trại lính, nhà thương, cổng chính vào thành bị phá bỏ hoàn toàn, xây dựng thêm một số công trình như nhà xe, phòng làm việc… Riêng tòa nhà lầu được sử dụng làm kho chứa hàng vật liệu xây dựng; kho vũ khí.
Năm 2008, UBND tỉnh đã ban quyết định công nhận di tích lịch sử Thành cổ Biên Hòa là di tích lịch sử cấp tỉnh.
Được công nhận là tích cấp quốc gia từ ngày 12-11-2013, dựa trên Quyết định số 3995/QĐ-Bộ Văn- thể thao và du lịch.
Sáng 3-12-2014, tại di tích lịch sử cấp quốc gia Thành cổ Biên Hòa, ban quản lý di tích và danh thắng tỉnh đã tổ chức lễ khởi công công trình trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử cấp quốc gia Thành cổ Biên Hòa (gói thầu số 5 – xây lắp). Theo ông Lê Trí Dũng, giám đốc ban quản lý Di tích và danh thắng tỉnh (đơn vị được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư), gói thầu số 5 của công trình sẽ tập trung vào việc trùng tu, tôn tạo khu nhà cổ phía Tây. Thời gian thực hiện công trình là gần 1 năm, phần thi công do Công ty TNHH Một thành viên Mỹ thuật Trung ương đảm nhận. Kinh phí dành cho gói thầu số 5 là hơn 14 tỷ đồng được trích từ ngân sách nhà nước.


 Vết dấu Thành Biên Hòa trên bản đồ năm 1926.
Tư liệu của Nguyễn Đình Đầu (Bs Van Phuc- Hoa Dinh sưu tập)


 Biên Hòa trên bản đồ năm 1930 (tư liệu Internet)

  

Bản đồ ghi chú vị trí các di tích xưa trực thuộc quản lý của Thành Biên Hòa.
( tư liệu Internet- bản đồ của Pháp, hải quân Hoàng Gia Anh in năm 1866)
Số 1: Thành Biên Hòa
Số 2: Văn Miếu
Số 3: Miếu Hội Đồng
Số 4: Đền Trung Tiết (Trận Vong Hướng Sĩ)
Số 5: Miếu Thành Hoàng
Số 6: Đàn Xã Tắc
Số 7: Tịch Điền
Số 8: Xưởng Thuyền Công
Số 9: Chuồng Voi.



Xây dựng thành lũy




LEVER DE LA PLACE DE BIEN-HOA et de ses environs  (tỉ lệ 1/12.000)
Họa đồ Biên Hòa và vùng phụ cận của nó (tư liệu Internet)
a. Mât de pavillon                                                                               :Cột cờ
b. Palais imperial                                                                                 :Kiến trúc cung đình (hành cung)
c-d Habitation des mandarins                                                          :Quan xá (nhà ở của quan lại)
e-f. Magasin de riz                                                                              :Kho gạo
g. Prisons des detenus politiques                                                     :Trại giam tù nhân chính trị
h. Prisons des chrétiens                                                                     :Trại giam tù nhân công giáo
i-j. Maison incendiées                                                                     : Các ngôi nhà bị đốt cháy
k-l. Maison pouvant servir d'hôpital ou de magasin                   :Nhà có thể sử dụng để làm bệnh viện hoặc nhà kho.
1 đến 9, 13 đến 17. Pagodes                                                             :Chùa, miếu, đền, tháp…
10 đến12. Magasins du chantier de construction                        :Xưởng đóng tàu
18. Cales ouvertes                                                                               :Ụ tàu có mái che.       
A. Point de débarquement des troupes                                           :Điểm đổ bộ của quân đội






a. Mât de pavillon                                                                               :Cột cờ
b. Palais imperial                                                                                :Kiến trúc cung đình Hành cung)
c-d Habitation des mandarins                                                          :Quan xá (nhà ở của quan lại)
e-f. Magasin de riz                                                                              :Kho gạo
g. Prisons des detenus politiques                                                     :Trại giam tù nhân chính trị
h. Prisons des chrétiens                                                                     :Trại giam tù nhân công giáo
i-j. Maison de tuilerie                                                                         :Nhà ngói
k-l. Maison pouvant servir d'hôpital ou de magasin                   :Nhà có thể sử dụng để làm bệnh viện hoặc nhà kho.





Mặt cắt Thành Biên Hòa







Dấu tích cửa Tây Thành Biên Hòa (đường Huỳnh Văn Lũy nối dài, phường Quang Vinh)






Dấu tích cửa Bắc Thành Biên Hòa (hẻm 176 phan đình Phùng phường Quang Vinh)






Bản đồ quân sự trận đánh Thành Biên Hòa của Pháp






Trang đầu của tuần báo Le Monde Illustré của Pháp, số 254, năm thứ 6, ra ngày 22/02/1862. Đăng bài viết của M.Lugeol, trợ lý trận địa của hạm trưởng Daries ghi lại, kèm theo phác họa.






Tương quan hỏa lực giữa quân Đại Nam và liên quân Pháp- Tây Ban Nha (bên trái khẩu thần công thứ nhất là của quân ta- 3 khẩu bên phải là của liên quân- Bảo tàng Đồng Nai)
Thành Kèn thời Pháp thuộc



 Thành Kèn thời Việt Nam Cộng Hòa






Thành Kèn năm 2014





Thành Kèn sau khi trùng tu tháng 10/2016



Sébastien Le Prestre, Lãnh chúa xứ Vauban, cha đẻ của kiến trúc Thành lũy mang tên Vauban





Tổng thống quân vụ Gia Định
(Tư liệu Ban Quản Lý Di Tích Danh Thắng Đồng Nai)





      Phó đô đốc Louis Adolphe Bonard





 Khâm sai đại thần Nguyễn Bá Nghi 



Tuần Phủ Biên Hòa Nguyễn Đức Hoan người làng An Thơ huyện Hải Lăng tỉnh Quảng Trị- Khoa thi Ðình năm Ất Mùi (Minh Mạng thứ 16 - 1835) đỗ Ðệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân lúc 31 tuổi (ảnh net)
Họ Nguyễn Đức làng An Thơ nổi tiếng danh gia vọng tộc nhiều đời khoa hoạn (ảnh net)

Nhà thờ họ Nguyễn Đức làng An Thơ là di tích văn hóa- kiến trúc cổ cấp tỉnh (ảnh net)
 Xin tham khảo họ tộc của Tuần Phủ Nguyễn Đức Hoan tại đây:
http://nguyennhukhoa.blogspot.com/2013/01/bau-vat-trong-ngoi-nha-tho-co.html




Bản vẽ bình đồ Thành Biên Hòa xưa chồng lên vị trí tương đối trên bản đồ phường Quang Vinh Thành phố Biên Hòa (3/2017)

Trích trong: Thành Biên Hòa và các cơ sở thiết chế tín ngưỡng- Nguyên Phong Lê Ngọc Quốc (bản thảo)



TÀI LIỆU THAM KHẢO:

(1)             Gia Định thành thông chí- Trịnh Hoài Đức- Hậu Học Song  Hào Lý Việt Dũng dịch và chú thích- NXB Đồng Nai 2006.
(2)             Hoàng Việt thống nhất dư địa chí- Lê Quang Định
(3)             Đại Nam Thực Lục- Quốc sử quán
(4)             Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn Biên Hòa- Nguyễn Đình Đầu.
(5)             Đại nam Quốc Lược Sử- Alfred Schreinr, Sài Gòn 1906
(6)             Khâm định đại nam hội điển sự lệ-Nội các triều Nguyễn.
(7)             Đại Nam nhất thống chí- Nội các triều Nguyễn.
(8)             Biên Hòa sử lược toàn biên- Lương Văn Lựu.
(9)             85 sắc phong ở Miếu công thần tại Vĩnh Long.Thư viện khoa học tổng hợp Tp HCM 2013.
(10)        290 năm (1715- 2005) Văn Miếu Trấn Biên- Thành Ủy, UBND Thành phố Biên Hòa
(11)        Đại Nam Thực Lục, Quốc Sử Quán Triều Nguyễn
(12)        Minh Mệnh Chính Yếu, Quốc Sử Quán Triều Nguyễn.
(14)        Việt Nam phong tục – Phan Kế Bính.
(15)        Việt điện u linh tập- Lý Kế Xương.
(16)        Nghi và văn cúng chữ Hán ở thành phố Biên Hòa, Bảo Tàng Đồng Nai, nhà xuất bản Đồng Nai, 2013- Hậu học song hào Lý Việt Dũng dịch và chú thích-
(17)        Cơ sở tín ngưỡng và truyền thống ở Biên Hòa, Phan Đình Dũng
(18)        Người Pháp và người Annam, bạn hay thù- Philipe Devillers- Nhà xuất bản tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh.
(19)        Hồ sơ khoa học di tích lịch sử- kiến trúc nghệ thuật thành phố Biên Hòa- Ban di tích thành phố Biên Hòa.
(20)        Lịch sử cuộc viễn chinh nam kỳ năm 1861-Le1opold Pallu, Hoàng Phong dịch và bình- Nhà xuất bản Phương Đông 2008
(21)        tuần báo Le Monde Illustré của Pháp, số 254 năm thứ 6, ra ngày 22/02/1862
(22)        Lý lịch sự vụ, nguyên tác Nguyễn Đức Xuyên, dịch và khảo chú: Trần Đại Vinh- Tạp chí nghiên cứu và phát triển số 6(123) và số 7(124) năm 2015
(23)        Một số tài liệu trên internet và tư liệu điền dã









Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét