Thứ Ba, 1 tháng 11, 2016

Xin cầu cho các linh hồn!

Trận đánh chiếm Thành Biên Hòa của thiếu tướng hải quân Pháp, tư lịnh hạm đội L’Alarme, là bước ngoặt quan trọng của cuộc đánh chiếm toàn Nam kỳ lục tỉnh sau đó của Pháp.

Trận chiến được M.Lugeol, trợ lý trận địa của hạm trưởng Daries ghi lại, kèm theo phác họa gởi đăng ở tuần báo Le Monde Illustré của Pháp, số 254, năm thứ 6, ra ngày 22/02/1862.
Nhận thấy bài viết đã miêu tả khá tỉ mỉ, chính xác trận đánh và tuy là người Pháp, M. Lugeol vẫn không quên nêu lên tinh thần chống cự ngoan cường, và sự hy sinh cao cả của dân quân Thành Biên Hòa một cách khách quan trung thực, nên chúng tôi đã tạm dịch bài viết của tác giả M.Lugeol, để độc giả người Biên Hòa có dịp nhìn lại một thời khắc quan trọng của Trấn Biên, cùng thành tâm tưởng niệm các anh hùng tử sĩ tỉnh nhà thời xa xưa và những người đã chết trong trận chiến ấy! 
(Hậu học song hào Lý Việt Dũng)


                                                   ***

Cuộc đánh chiếm Nam Kỳ.– Thiếu tướng hải quân Bonard, tổng tư lệnh hạm đội, tiến tới thăm dò chiếm thành trì Biên Hòa. (Tranh phác họa của ông M.Lugeol, trợ tá trận địa của hạm trưởng Daries). Đặc phái viên thường trực của báo Le Monde Illustré.
Trên boong pháo hạm L’Alarme ngày 17/12/1861
Thưa ông giám đốc (chủ nhiệm) báo, tôi vừa có được thời gian vẽ ra cho ông hai bức tranh phác họa cuộc hành quân quan trọng, mà lực lượng đánh chiếm của chúng ta vừa hoàn thành quyết liệt đối với Biên Hòa.
Thành trì này, như ông đã biết, cùng với Mỹ Tho và Sài Gòn, hình thành 3 điểm chiến lược của Nam kỳ, và việc chiếm cứ được nó, đảm bảo cho sự chiếm cứ quyết định của chúng ta tại xứ sở giàu có này.
Đã từ lâu rồi, người An nam, đang chiếm giữ Biên Hòa, đã tung vào các tiền đồn và các nơi chiếm hữu của ta nhiều nhóm đông đảo để quấy phá các cư dân đã bị Pháp chinh phục bằng  các cuộc tấn công liên tục.
Thiếu tướng hải quân Bonard, tổng tư lệnh, quyết định đánh đuổi chúng ra khỏi các nơi đồn trú, nương tựa vào thành Biên Hòa làm chổ ẩn núp của chúng.
Cuộc đánh chiếm khởi sự ngày 10/12/1861 với quân số 3.000 người. Cùng lúc đó, một đơn vị pháo hạm tiến vào các con kinh bao quanh địa điểm và chạy ngang dọc khắp thành.
Sau những lần thăm dò để tìm hiểu địa bàn và gây nhiều sự thiệt hại cho kẻ địch đang chờ chúng ta với quân số rất lớn trong các ổ phục kích, cuộc tấn công được quyết định và được tiến hành vào sáng sớm ngày 15.
Các pháo hạm tấn công dữ dội sáu đồn lũy được chống đỡ bằng những chiến lũy bằng cây và bằng đá. Người An nam cầm cự dũng cảm hỏa lực trong 4 giờ và chỉ quyết định rút khỏi đồn khi cảm thấy hiệu quả của việc xoay chuyển tình thế của các hàng quân.
Chúng ta tổn hại một chết, bốn bị thương trên pháo hạm L’Alarme, còn thủy thủ đoàn của hai pháo hạm khác không bị hề hấn gì cả chỉ có điều là tất cả các tàu đều nhận không ít các viên đạn đại bác ở thành tàu.
Chiếc pháo hạm L’Alarme bị thủng 40 chỗ vì đạn pháo, La Fusée bị 7 chỗ và L’Avalanche bị 5 chỗ. Dưới sự chỉ huy của thiếu tướng hải quân, các đội quân đã chiếm lĩnh đồn trại Mỹ Hòa. Đơn vị Tây Ban Nha và một đơn vị Pháp bao vây một số lớn quân An nam, và họ hầu như bị giết chết cả.
Các vùng xung quanh thành đã được giải tỏa, và người ta chuẩn bị một cuộc tấn công với tất cả sức mạnh còn lại. Hải quân thiếu tướng muốn biết và Ngài tiến đến cái nơi mà đã bắn khoảng 30 phát đại bác vào chiếc tàu có vị chỉ huy hạm đội ở trên đó.
Chiếc pháo hạm nhỏ khai hỏa và tức khắc một trận hỏa hoạn dữ dội bộc phát. Các quan lại An nam chạy trốn bỏ mặc 264 con chiên Thiên chúa giáo trong biển lửa. Chúng tôi phần nào vui mừng khi cứu được 200 trong số khốn khổ đó, nhưng cũng lấy làm tiếc về cái chết của 75 phụ nữ hoặc trẻ em bị thiêu cháy thành tro trong ngọn lửa.
Tòa thành bị chiếm lĩnh được xây cất rất tốt và vững chắc như tất cả các công trình phòng ngự khác, chúng được che giấu dưới tàn các cội cây.
Cuộc đánh chiếm tiếp nối các bước thắng lợi và các thành công mới đảm bảo cho chúng ta chiếm lấy 6 tỉnh của Nam kỳ.
M.Lugeol.

Thành Kèn 2014
Thành Kèn trước 1975

Đất Thánh Biên Hòa
Mộ hợp táng các tín hữu Công giáo chết trong trận Biên Hòa 1861

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét