Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2016

NHẬT KÝ PHÁP ĐÁNH THÀNH CỔ BIÊN HÒA (P3)

Soái hạm Ondine của Đô đốc Bonard và các pháo hạm tập trung tại khúc sông chợ  Đồn và Phước Lư, bắn phá cổng đông Thành Biên Hòa
Ngày 19/08/1861 Hoàng Đế Pháp Napoléon III chỉ định phó đô đốc Bonard sang Đông Dương…Ngày 27/11/1861 Bonard đến sài Gòn, ngày 30/11/1861 Tổng tư lệnh Cochinchine Charner chuyển giao quyền chỉ huy cho ông; vừa nhận chức ông tuyên bố: “ Chúng ta sẽ tấn công Biên Hòa, và nếu cần, chúng ta sẽ đánh chiếm Huế “.
Đường bộ nối Gia Định với Biên Hòa là đường thiên lý xuất phát từ bến Bình Đồng xưa (quán Đồng Cháy) nay thuộc địa phận gần bến phà Bình Quới Đông (Thủ Đức).
Trên tuyến đường bộ này có hai đồn binh an nam án ngữ : Gò Công- Trao Trảo (nay thuộc quận 9- Sài Gòn) và đồn Mỹ Hòa (khu vực gần Nghĩa trang QĐ Biên Hòa).
Tuyến đường sông, xuất phát từ Bến Nghé qua Nhà Bè rồi ngược lên hướng thượng nguồn sông Đồng Nai ( qua cù lao Ba Xê), trên tuyến này quân an nam làm 8 rào cản bằng cây và 1 bằng đá ong. Mỗi cản là 1 công sự phòng thủ, đại bác, bè chứa hỏa dược, thuốc nổ để đánh hỏa công !
Thành Biên Hòa lúc này có khoảng 3.000 quân gồm binh sở tại, tàn binh từ trận Gia Định dạt về, cùng viện binh từ các tỉnh nam trung bộ điều vào…
Sáng sớm ngày 14/12/1861 liên quân Pháp- Tây Ban Nha tiến đánh Biên Hòa gồm 4 cánh quân.
Cánh thứ nhất đi đường thủy do trung tá Comte chỉ huy, với hai đội khinh binh, 100 lính Tây Ban Nha, 50 kỵ binh hạ đồn Gò Công- Trao Trảo và tiến lên Mỹ Hòa.
Cánh thứ nhì theo đường bộ, do đại tá Domenech- Diego chỉ huy, gồm 100 lính Tây Ban Nha, một đại đội thủy quân lục chiến, xuất phát từ bến đò Bình Đồng- Đồng Cháy (nay là khu vực đình Bình Thọ, Thủ Đức) tiến đánh đồn Mỹ Hòa.
Cánh thứ ba do đại tá Lebris chỉ huy, gồm hai đại đội thủy thủ, theo sông Đồng nai, bắn phá các chướng ngại vật, đồn bảo rồi cùng tiến về đồn Mỹ Hòa.
Cánh thứ tư do đại tá Harel cầm đầu, ngược theo các kinh rạch phía nam Gò Công Trao trảo , phá các chướng ngại vật rồi cùng hợp binh công phá đồn Mỹ Hòa.
Quân an nam chống cự quyết liệt, tàu chiến Alamer bị bắn gãy cột buồm, trung tá cánh quân thứ nhất là Comte tử trận! Các đồn an nam bị tấn công cả hai mặt thủy, bộ…yếu thế quân ta phải bỏ đồn rút lui…Trận chiến kéo suốt đêm 14 rạng sáng ngày 15.

Sau khi phá các chướng ngại vật trên sông Đồng Nai, dễ dàng chiếm lấy hai đồn Gò Công Trao Trảo và Mỹ Hòa, liên quân Pháp dồn 4 cánh quân tiến đánh Thành Biên Hòa.
Ngày 16...Cánh đường bộ theo đường thiên lý bắc nam, vượt ngang núi Châu Thới, tiến đến tập trung tại bến đò Ngựa, đối diện Thành Biên Hòa (nay là khu vực chùa Long Thiền-Bửu Hòa).
Cánh đường thủy liên tiếp đánh tan 9 đồn lũy của quân an nam nằm dọc hai bên bờ sông Đồng Nai; dọn dẹp các rào cản, đập ngăn trên sông, đánh chiếm xưởng thuyền công của Thành Biên Hòa tại Phước Lư, các pháo hạm cùng soái thuyền của chuẩn đô đốc Bonard bày thế trận tại đây (chợ Đồn- cù lao Phố- Phước Lư), tập trung hỏa lực bắn phá cổng đông Thành Biên Hòa (khu vực này có mộ của tướng Nguyễn Duy, em cụ Nguyễn Tri Phương, chết trận đại đồn Chí Hòa 14/2/1861, nay là khu vực sở y tế- đường Phan Đình Phùng), yểm trợ lính thủy đánh bộ, đổ bộ lên bờ sông tại Phước Lư. 
Sau khi chiến đấu quyết liệt suốt ngày, chiều tối ngày 16, quân An nam rút chạy theo đường thiên lý về hướng Long Thành, Bà Rịa; tiếp tục lập phòng tuyến chống cự.
Sáng sớm này 17/12/1861 liên quân Pháp- Tây Ban Nha tiến vào Thành Biên Hòa đã bỏ trống.
Không có con số chính thức về mức độ thiệt hại về người và của cả hai bên; chuẩn đô đốc Bonard báo cáo về Pháp: " Liên quân phá hủy hoàn toàn và đánh tan doanh trại Mỹ Hòa cách Sài Gòn 3 dặm; chiếm 3 pháo đài và làm nổ tung cái thứ tư; quân đội Tự Đức triệt thoái hoàn toàn khỏi Biên Hòa, họ sợ cắt đứt con đường đi Huế, trốn chạy hỗn loạn qua vùng núi non, bỏ lại tất cả các pháo đài ky cóp khó nhọc và đốt cháy các kho tàng; ta chiếm 48 khẩu thần công, 1 kho gỗ tốt để xây dựng, 15 thuyền buồm hoàng gia mà 10 chiếc có tải trọng khoảng 200 tấn; cuối cùng chiếm một tòa thành mặc dù những tổn hại mà quân địch tìm cách phá, liên quân có thể lập tức thiết lập một nơi đồn trú kha khá với một nhà thương 100 giường ở một khu vườn tuyệt đẹp không có đầm lầy" ...





Tổng hợp từ nhiều nguồn:
Báo L'Illustration tháng 1 & 3 năm 1862.
Đại nam Quốc Lược Sử- Alfred Schreinr, Sài Gòn 1906.
https://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%E1%BA%ADn_Bi%C3%AAn_H%C3%B2a_(1861-1862)
Intrenet...
Biên Hòa 17/12/2016

Nguyên Phong Lê Ngọc Quốc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét