Thứ Bảy, 3 tháng 12, 2016

ĐÔ ĐỐC TRẦN THƯỢNG XUYÊN (006)

Hậu duệ Đức Ông ở Hà Tiên!
Cảnh đẹp ở Hà Tiên

Sử chép: Trần Đại Định là con trai đô đốc Trần Thượng Xuyên, là con rể của tổng binh trấn Hà Tiên là Mạc Cửu. Năm 1725, Đại Định nhờ phụ ấm, làm quan dần tới chức tổng binh, tước Định Viễn hầu, chỉ huy cả hai đạo binh Phiên Trấn và Long Môn, dưới triều chúa Nguyễn Phúc Chu. Năm 1731, quân cao miên do một lưu dân người Lào ở làng Prea Sot (Sà Tốt) đứng đầu tấn công cướp phá ở đất Gia Định, ông đắp lũy đất ở Hoa Phong để chống cự và rồi đánh đuổi được. Tuy lập được công, nhưng ông bị Thống suất Trương Phước Vĩnh vu tội, phải chạy ra kêu oan với chúa Nguyễn. Chúa sai tạm giam ông vào nhà lao Quảng Nam. Khi điều tra ra việc thì ông đã bị ốm chết trong ngục. Trước khi ông cùng bộ tốt giong thuyền chạy ra Quảng Nam để kêu oan, thì vợ ông 
(*) ôm con, bí mật chạy về Hà Tiên, nương náu cha ruột và anh là Mạc Thiên Tứ .
Sau đó không lâu, Đại Định được giải oan và được chúa Nguyễn Phúc Trú truy tặng hàm Ðô Ðốc Ðồng Tri thụy là Trương Mẫn. Cậu bé họ Trần được họ ngoại cưu mang, sau này lớn lên được tập ấm cha, làm chức Cai cơ ở Hà Tiên; cũng theo gương cha anh, đem xương máu phụng sự cho công cuộc khai thác và bảo vệ bờ cõi nước Việt.
Theo Mạc thị gia phả của Vũ Thế Dinh, thì: năm 1769 Mạc Thiên Tứ sai người con của cô em là Thắng Thủy Trần Hầu đốc xuất 50 ngàn quân thủy bộ tiến đánh Xiêm La. Trần Hầu là cháu Trần Thượng Xuyên, tập ấm cha làm tướng. Lúc ấy, chiến chuyến thuyền, cờ xí liên lạc trên một dặm, quân đóng trên đất Xiêm (Chantaboun, tức Trạch Vấn) thiết lập đồn trại để chờ biến động. Trịnh Tân (vua Xiêm) sai tướng đem 3 ngàn quân bộ đến cứu viện Trạch Vấn. Trần Hầu sai đại quân tấn công, quân Xiêm thua to phải chạy về...Trần Hầu đóng quân ở Trạch Vấn Sơn hơn hai tháng, không chịu được thủy thổ và chướng khí phát sinh hàng ngày. Trần Hầu mắc bệnh trầm trọng, quân lính chết dịch mỗi ngày hàng trăm người, quan tham mưu thấy cơ vụ khó thành tựu, gửi văn thư về cho Mạc Thiên Tứ, trình bày lý do mọi sự. Mạc Thiên Tứ liền sai thuộc thần cầm hịch triệu Trần hầu kéo quân về. Lúc mới ra đi, quân binh lên đến 5 vạn, đến khi về chỉ còn hơn một vạn người. Trần Hầu cũng chết trước khi về Hà Tiên. Theo mộ bia của Trần Hầu trên núi Bình San (Hà Tiên), ông mất tháng cuối mùa Xuân năm 1770. Hiện nay, ở thị xã Hà Tiên có con đường lớn mang tên Trần Hầu.
Theo chính sử ta chỉ biết Trần Thượng Xuyên có một con trai là Trần Đại Định, và khi Đại Định chết trong ngục Quảng Nam, thì người vợ ôm đứa con trai duy nhất chạy về Hà Tiên.
Mộ Trần Hầu ở núi Bình San- Hà Tiên

Bia mộ Trần Hầu ở núi Bình San- Hà Tiên
Xem nội dung trên bia mộ số 9 ở núi Bình San, được cho là của Trần Đại Lực ta thấy bên trái bia (hướng nhìn vào) có ghi:

桐 模 格
Nam
(con trai)
Đồng-Mô-Cách
Lập
Thạch
(lập mộ)
Theo bia mộ trên thì hậu duệ của Đức Ông đời thứ 3 (cháu cố) có 3 người nam, và điều thú vị và tên của họ: Cách (格), Mô (模), Đồng (桐) đều có bộ Mộc (木). Tương đồng với các người cùng hàng với họ bên ngoại là Mạc Công Du, Mạc Công Tài, Mạc Công Thê (cùng là hậu duệ đời thứ 3, cháu cố của Mạc Cửu)
trong các chữ Du (), Tài (材), và Thê (棲) đều có bộ mộc.
Bài vị của cháu nội đức ông ở chùa Thanh Lương, Biên Hòa
Hiển khảo húy Đại Lực hiệu Văn Phương Sửu Tài hầu Trần công linh vị


*Thất Diệp Phiên Hàn:
Theo một số tư liệu, chúa Nguyễn ban thưởng cho họ Mạc một phương pháp đặt tên cho con cháu để khi đọc tên, có thể nhận ra vai vế thân tộc: Chữ lót thì dùng phương pháp “thất diệp phiên hàn”, dùng bảy chữ “thiên (天), tử (子), công (公), hầu (侯), bá (伯), tử (子), nam (男)” để dùng làm chữ lót cho những thế hệ kế tiếp của Mạc Cửu. Thế hệ tiếp theo chữ Nam sẽ bắt đầu lại bằng chữ “thiên” và cứ thế tiếp tục mãi.
Tên chánh của các thế hệ sẽ dùng năm chữ thuộc ngũ hành tương sinh (kim (金), thủy (始), mộc (木), hỏa (火), thổ (土)” để đặt tên.
Như vậy tại Hà Tiên vào khoảng cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19, có ba dòng cháu trực hệ đời thứ 3 của Đức Ông có tên là : Cách- Mô- Đồng và tên viết theo hán tự đều có bộ mộc, dựa theo " Thất Diệp Phiên Hàn" mà họ Mạc Hà Tiên được chúa Nguyễn ân tứ (?)

(*) Theo nghiên cứu công phu của ông Trương Minh Đạt, người được cho là "nhà Hà Tiên Học" hiện nay thì Mạc Thiên Tích sinh năm 1718. Người em gái của Thiên Tích, được gả về nhà Đô Đốc họ Trần ở Trấn Biên, tránh nạn diệt vong ôm con chạy về Hà Tiên nương náu đầu năm 1732, năm ấy (theo cụ Đạt) thì Thiên Tứ mới tròm trèm 14 tuổi, lúc ấy cô em gái đã có con...
Như vậy con gái Mạc Cửu về xứ Đồng Nai làm dâu khi mới chừng 12 ~ 13 tuổi (?)... quả là còn nhiều vấn đề cần phải tìm hiểu!...


Trấn Biên tháng 11 năm Bính Thân ./.
(một số tài liệu internet và sách Nghiên cứu Hà Tiên của tác giả Trương Minh Đạt)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét