Thứ Hai, 26 tháng 12, 2016

ĐÔ ĐỐC TRẦN THƯỢNG XUYÊN (008)

  DÕI TÌM TÔNG TÍCH NGƯỜI XƯA!
Hộ pháp tam bảo tôn thần Trần tướng quân tại chùa Thanh Lương Biên Hòa 
Đầu thế kỷ 19, khi viếng miếu thờ Trần Tướng Quân tại Phiên Trấn (Sài Gòn), Cấn Trai- Trịnh Hoài Đức cảm thán đã đề thơ :
Quốc phá thần tâm bất nhị thao,
Trần gia nhất diệp tế phong đào.
Đồ cùng ninh tắc sào Nam điểu,
Mệnh khiển không hoài phạt Bắc đao.
Thiết lũy chí kim hàn Lạp phách,
Nhai châu tòng thử tuyệt Minh mao.
Hành nhân diệc hữu anh hùng lệ,
Vị hướng từ tiền tửu nhất kiêu.

Trong sách Gia Định tam gia-Hoài Anh dịch nghĩa:
Nước mất, kẻ bầy tôi vẫn không hài lòng,
nhà họ Trần một lá thuyền vượt sóng gió.
Đường cùng, đành làm chim làm tổ ở phương Nam,
mệnh gặp trắc trở suông ôm chí vung đao đánh Bắc.
Lũy sắt đến nay còn làm cho Chân Lạp sợ,
Nhai Châu từ đấy tuyệt bóng cờ Minh.
Người qua đường cũng có dòng lệ anh hùng,
đến trước đền tưới rượu dưới đất.

Hoài Anh dịch thơ:
Nước mất bầy tôi chẳng đổi lòng,
Thuyền Trần rẽ song vượt cuồng phong.
Cành Nam tổ đã đành tâm kết,
Dẹp Bắc đao còn giận mướn vung.
Lũy sắt tới nay quân giặc khiếp,
Nhai Châu từ đó thế Minh cùng.
Người qua đường lệ anh hùng ứa,
Tưới rượu trước đền tưởng niệm ông.

Cụ Cấn Trai có chú thích: “ Trần, tổng binh nhà Đại Minh tên Thắng Tài, người huyện Ngô Châu, phủ Cao Châu, Quảng Đông.
Nhà Đại Thanh bình Quảng Đông, nhà Minh mất, quân thua liền mang gia quyến và binh biền đáp thuyền sang nước Nam. Triều đình cho lệ thuộc vào tướng súy giữ đất Gia Định, giao đất để lập công. Mất được truy tặng chức Phụ quốc Đô Đốc, xuân thu hai lần tế. Chân Lạp lúc bấy giờ dùng dây sắt chắn ngang sông cự chiến, Trần phá được, buộc phải hàng. Sau dựng đền thờ ở chỗ ấy, tên đất là thiết lũy.
Thần vị nguyên trước kia thờ tại Trần Tướng Quân Từ- thôn Tòng Chánh

Phụ quốc đô đốc Thắng Tài Hầu Trần Thượng Xuyên, có thể được xem là một trong những nhân vật có công đầu trong công nghiệp khai thác vùng đất nam bộ của cha ông ta. Đất Đồng Nai lúc bấy giờ là một vùng đất hoang sơ, ông đã tạo dựng nên một thương cảng Nông Nại Đại phố sầm uất, nhộn nhip. Cai quản, trấn áp các cuộc nổi dậy quấy nhiễu của Cao Miên, các sách man quanh vùng. Mở rộng đất đai qua các cuộc chinh chiến; công nghiệp của ông có 3 đại công :
*Lần thứ nhất : năm 1688 Hoàng Tấn giết chủ tướng Dương Ngạn Địch, tự xưng “Phấn dũng hổ oai tướng quân” dự định hùng cứ miền Mỹ Tho- Vĩnh Long- An Giang, không cho thương nhân qua lại, đánh cướp quấy nhiễu dân Cao miên. Chính vương Cao Miên là Nặc Ông Thu (phó vương lúc bấy giờ là Nặc Ông Non đóng ở Sài Gòn), cho là âm mưu của chúa Nguyễn nên bỏ việc cống nạp, đắp thêm lũy, giăng xích sắt trên sông để phòng thủ. Đô đốc Trần Thượng Xuyên lúc này đang coi đất Bàn Lân- Nông Nại đại phố, theo lệnh chúa Nguyễn hợp quân triều đình tiến đánh Hoàng Tấn. Thu phục xong loạn Hoàng Tấn, được chúa Nguyễn giao kiêm quản luôn đạo quân thiện chiến Long Môn (của nhóm Dương Ngạn Địch- Hoàng Tấn), rồi đóng quân ở Doanh Châu (theo ghi chép của thư tịch xưa chú Doanh Châu ở Vĩnh Long- còn theo một số tài liệu và nghiên cứu nước ngoài thì Doanh Châu có thể ở khoảng cửa Tiểu cửa Đại- sông Tiền). 

Sau đó Trần Thượng Xuyên cầm quân bản bộ đi tiên phong tiến đánh Cao miên, đốt xích sắt ngang sông, liên tiếp phá tan các thành lũy, bắt vua Nặc Ông Thu phải hàng phục. Sau đó ông được giao cai quản cả vùng đất mới khai phá: từ Môi Xoài- Bà Rịa, Lộc Dã, Bàn Lân- Nông Nại đại phố đến Sài Gòn, Doanh Châu Sông Tiền. Có thể giai đoạn này ông có đồn binh quản lý vùng Sài Gòn, tại gò Cây Mai (gần chợ Lớn ngày nay) vốn là dinh của phó vương cao miên Nặc Ông Non (sau sự kiện loạn Hoàng Tấn, tung tích vị phó vương này không được sử Việt đề cập, theo sử Cao Miên thì Nặc Ông Non chết khi mới 37 tuổi ở Srey Santhor, năm 1691). Lúc bấy giờ thì vùng Đông Phố đã thuộc quyền quân quản của đô đốc Trần Thượng Xuyên. Nông Nại đại phố được ông thành lập trước kia, tiếp tục phát triển thành trở thành thương cảng, trung tâm thương mại và giao dịch quốc tế của cả vùng Đông Phố. Thời gian ấy khu Bến Nghé, Sài Gòn (chợ Lớn), Mỹ Tho đại phố cũng phát triển dưới quyền cai quản của đô đốc họ Trần.
*Lần thứ hai: Mùa xuân năm 1698, triều đình sai Thống suất Chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược đất Cao Miên, lập phủ Gia Định. Đặt chức lưu thủ, cai bạ và ký lục để quản trị. Quân binh thì cơ, đội, thuyền, thủy bộ tinh binh, thuộc binh, lúc này từng bước quân đội chúa Nguyễn mới thực sự nắm quyền lãnh đạo trực tiếp vùng đất này. Song song ta cũng thấy quân bản bộ dưới quyền đô đốc Trần Thượng Xuyên cũng tham gia bảo vệ vùng đất mới. Năm sau, 1699, vua Cao Miên là Nặc Ông Thu lại phản kháng, cho đắp lũy ở Bích Đôi, Nam Vang và Cầu Nam, bỏ nộp cống; Trần Thượng Xuyên lúc bấy giờ đang đóng quân ở Doanh Châu, cấp báo lên triều đình. Chúa Nguyễn lại cử thống suất Nguyễn Hữu Cảnh từ dinh Bình Khang vào nam lần thứ hai, mang theo biền binh 2 dinh Quảng Nam, Bình Khang điều động binh dinh Trấn Biên cùng quân bản bộ của tổng binh họ Trần, cùng chinh phạt Cao Miên. Mùa xuân năm 1700 Trần Thượng Xuyên đánh nhau với giặc nhiều trận đều thắng; tháng 4 đại quân của Lễ Thành Hầu và Trần Thượng Xuyên chiếm được thành Nam Vang, vua Cao Miên là Nặc Ông Thu phải trói mình chịu tội trước quân dinh.
*Lần thứ ba: năm 1714, quân của Nặc Ông Thâm (con của Ông Thu) từ Xiêm đánh lấy thành La Bích và vây đánh vua tiếm ngôi là Nặc Ông Yêm (Yêm là con của phó vương Nặc Ông Non năm xưa ở Sài Gòn), tình thế nguy cấp. Ông Yêm sai người sang Gia Định cầu cứu. Trần Thượng Xuyên lúc bấy giờ đang giữ chức đô đốc Phiên Trấn, cùng quan phó tướng dinh Trấn Biên là Nguyễn Cửu Phú phát binh sang đánh, vây Nặc Ông Thâm và cha là Nặc Ông Thu (người đã quy phục năm 1700) ở trong thành La Bích. Nặc Ông Thâm và cha sợ hãi, bỏ thành chạy sang lẩn trốn ở nước Xiêm. Sau đó Trần Thượng Xuyên và Nguyễn Cửu Phú lập Nặc Ông Yêm lên làm vua Cao Miên…

Có thể thấy hành tích của Phụ quốc đô đốc họ Trần, được sử sách triều Nguyễn từ thời Gia Long trở lại, ghi nhận đầu tiên trong Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức (người cùng gốc Minh Hương):


“ Tháng 4 mùa hạ năm thứ 32, Kỷ Mùi (1679) (Lê Hy Tông niên hiệu Vĩnh Trị thứ 4, Đại Thanh Khang Hy thứ 18), quan Tổng binh thủy lục trấn thủ các xứ ở Long Môn thuộc Quảng Đông nước Đại Minh là Dương Ngạn Địch và Phó tướng Hoàng Tấn, quan Tổng binh trấn thủ các châu Cao, Lôi, Liêm là Trần Thắng Tài, Phó tướng Trần An Bình dẫn quân và gia nhân hơn 3000 người cùng chiến thuyền hơn 50 chiếc xin được vào Kinh bằng hai cửa Tư Dung và Đà Nẵng (nay là cửa Tư Hiền- Huế và cửa Hàn thuộc Quảng Nam). Sớ tâu lên rằng số người này tự xưng là người nhà Minh bỏ trốn đi, họ thề quyết tận trung với nước, nhưng nay đã thế cùng lực tận, vận nhà Minh đã dứt, họ không thể thần phục triều Thanh nên chạy sang nước Nam nguyện được làm dân mọn.”
(Quyển III- Cương Vực Chí)


Sau đó thì Đại Nam thực lục (tiền biên), Đại Nam liệt truyện (tiền biên), Đại Nam nhất thống chí (phần nam bộ) được lần lược biên soạn thì các chuyên gia của Quốc sử quán triều Nguyễn cũng lấy đa phần tư liệu trong Gia Định Thành Thông Chí để chép về hành trạng của Trần tướng quân.
Có lẽ vì các thư tịch ghi chép về nam bộ trước kia đã bị thất lạc, tiêu hủy trong cơn biến loạn 1771- 1802.

Nhưng theo chúng tôi được biết, hiện nay vẫn còn ít nhất là 2 tư liệu có chép về thời điểm nhóm quân lính nước Đại Minh, chạy đến cửa Tư Dung và Đà Nẵng hàng phục chúa Nguyễn, và được đưa vào Thủy Chân Lạp, mượn sức của họ, góp một phần trong công cuộc mở rộng bờ cõi nước ta.






1/ Việt Nam khai quốc chí truyện (tựa gốc là Nam Triều công nghiệp diễn chí) biên soạn năm 1719 của Nguyễn Khoa Chiếm, Ông làm quan dưới thời Minh vương Nguyễn Phúc Chu, có công to nên được phong tước Bảng Trung hầu .
2/ Phủ Biên Tạp Lục, được  Lê Quý Đôn biên soạn tại kinh thành Phú Xuân khoảng năm 1776, đa phần từ nguồn tư liệu trong thư khố của chúa Nguyễn bỏ lại khi chạy vào Nam bộ.

Xem trong 2 tài liệu này, chúng tôi thấy có phần ghi chép sự kiện năm Kỷ Mùi 1679, có chép tên chủ tướng nhóm hàng quân người nước Đại Minh là Dương Ngạn Địch và phó tướng Hoàng Tiến (Tấn), nhưng tuyệt nhiên không thấy nhắc đến nhóm của Tổng binh Cao- Lôi- Liêm Trần Thượng Xuyên và phó tướng Trần An Bình?
….(còn tiếp)

Biên Hòa Đông chí 2016.







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét